Bình luận tội đánh bạc quy định tại điều 321 Bộ luật Hình sự

Bình luận khoa học về tội phạm đánh bạc theo quy định tại điều 321 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và các hướng dẫn xử lý tội đánh bạc.
Bình luận tội đánh bạc

Tội phạm đánh bạc gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội và là nguồn phát sinh nhiều loại tội phạm khác, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật để xử lý các tội danh liên quan đến đánh bạc vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:

Điều 321. Tội đánh bạc

1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Các yếu tố cấu thành tội đánh bạc

I. Mặt khách quan

Đánh bạc là nhiều người (ít nhất từ hai người trở lên) cùng tham gia trò chơi dưới bất kỳ hình thức nào, mục đích được thua bằng tiền hoặc hiện vật. Hiện vật có thể vàng, bạc, đá quí, xe máy, ô tô.v.v….

Đánh bạc trái phép là thực hiện hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.

Các hình thức đánh bạc phổ biến đó là mua số, lô đề, cá độ bóng đá qua mạng, đánh bài, đá gà, xóc đĩa,  đánh cờ... Việc đánh bạc có thể diễn ra trực tiếp giữa các chủ thể, thông qua trung gian hoặc trên không gian mạng máy tính, các phương tiện điện tử khác

Tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc là tiền hoặc hiện vật thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc, trong người đánh bạc hoặc ở nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng để đánh bạc.

Hành vi đánh bạc trái phép cấu thành tội phạm đánh bạc khi có một trong các dấu hiệu cấu thành cơ bản sau (tức là 2 trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 321)

a) Đánh bạc trái phép và tiền hay hiện vật đánh bạc của từng lần đánh bạc có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên đến dưới 50 triệu đồng.

Ví dụ: Sáng ngày 14/3/2021, V điện thoại rủ Ng, Đ, Tiến, Tùng, Lan đến nhà V để xóc đĩa tại phòng ngủ nhà V. Các đối tượng xóc dĩa đến khoảng 15 giờ 30 phút cùng ngày thì bị công an phát hiện bắt quả tang, thu giữ tại chiếu bạc: 48.500.000 đồng (Trong đó V sử dụng 500.000 đồng, Ng sử dụng 3.000.000 đồng, Đ sử dụng 30.000.000 đồng, Tiến sử dụng 11.000.000 đồng, Tùng sử dụng 3.000.000 đồng, Lan sử dụng 1.000.000 đồng để đánh bạc). V, Ng, Đ, Tiến, Tùng, Lan phạm tội “Đánh bạc” quy định tại khoản 1 Điều 321 Bộ luật Hình sự.

b) Đánh bạc trái phép và tiền hay hiện vật đánh bạc trị giá dưới 5 triệu nhưng người thực hiện hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc (quy định tại Điều 322 BLHS) hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc quy định tại Điều 322 BLHS, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm

Ví dụ: T có 01 tiền án về tội “Đánh bạc” (Ngày 28/11/2019, T bị Tòa án xử phạt 37.000.000 đồng và 200.000 đồng án phí về tội “Đánh bạc”, chấp hành xong án phí ngày 22/10/2020, chấp hành xong tiền phạt ngày 02/11/2021).

Tối ngày 07/11/2021, sau khi đi uống bia, T rủ Văn, Duy, Quân, Vũ và Phong về nhà T uống nước. Khoảng 21 giờ cùng ngày, T lấy 01 bộ tú lơ khơ 52 quân có sẵn ở trong nhà rủ mọi người đánh bài ăn tiền. Cả 06 đối tượng ngồi trên chiếu đã trải sẵn, đánh bạc được thua bằng tiền dưới hình thức chơi “Liêng”, đặt cược mỗi ván từ 10.000 đồng, đánh cao nhất 100.000 đồng. Quá trình đánh bài được khoảng 10 phút thì Phong hết tiền nên ngồi xem. Đến 22 giờ 30 phút cùng ngày, khi T, Văn, Duy, Quân, Vũ đang đánh bài thì bị Công an phát hiện lập biên bản vi phạm hành chính. Thu giữ trên chiếu bạc 4.000.000 đồng, trên người Văn tiền sử dụng đánh bạc là 185.000 đồng. Như vậy, tổng số tiền dùng vào việc đánh bạc là 4.185.000 đồng. Hành vi của T đã cấu thành tội đánh bạc theo quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS.

Khi xác định hành vi đánh bạc có cấu thành tội phạm hay không cần lưu ý (tham khảo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao):

1. Khi xác định trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét; cụ thể như sau:

a) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu TNHS và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu TNHS (đã bị kết án về tội hoặc tội tổ chức đánh bạc chưa được xóa án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu TNHS về tội đánh bạc;

b) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu TNHS thì người đánh bạc phải bị truy cứu TNHS về tội đánh bạc đối với lần đánh bạc đó;

c) Trường hợp đánh bạc từ hai lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu TNHS thì người đánh bạc bị truy cứu TNHS về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần”

2. Cách xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc:

a) Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, trị giá hiện dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, trị giá hiện vật của những người cùng đánh bạc.

b) Trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bong đá, cá độ đua ngựa…thì một lần chơi như vậy được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua ngựa…trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt và TNHS được xác định đối với người chơi một lần đánh bạc trong các trường hợp này là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó.

Ví dụ 1: Tại kỳ đua ngựa thứ 39, tổ chức vào ngày 15-7, trong khoảng thời gian từ 9 giờ đến 11 giờ A đã cá độ ba đợt cụ thể là đợt một 500.000 đồng, đợt hai 1.000.000 đồng, đợt ba 5.000.000 đồng, trong trường hợp này chỉ coi A đánh bạc một lần trong kỳ đua ngựa đó với tổng số tiền là 6.500.000 đồng.

Ví dụ 2: Ngày 20-7, trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ, B mua ba số đề trong một lô đề cụ thể là: mua số 17 với số tiền là 500.000 đồng, mua số 20 với số tiền 2.100.000 đồng, mua số 25 với số tiền 3.000.000 đồng; trong trường hợp này, chỉ coi B đánh bạc một lần.

3. Việc xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ và của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa…:

3.1. Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ dùng đánh bạc 

a) Trường hợp người chơi số đề, cá độ có trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề, chủ cá độ. Ví dụ: B mua 5 số đề với tổng số tiền là 100.000 đồng, tỷ lệ được thua 1/70, trong đó có 4 số đề mua mỗi số 10.000 đồng, 1 số đề mua với số tiền 60.000 đồng, hành vi của B bị phát hiện sau khi có kết quả mở thưởng, kết quả bóng đá, kết quả đua ngựa… và B đã trúng số đề mua với số tiền 60.000 đồng thì số tiền B dùng đánh bạc trong trường hợp này là 100.000 đồng + (60.000x70 lần) = 4.300.000 đồng.

b) Trường hợp người chơi số đề, cá độ không trúng số đề, không thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ.

Ví dụ: Trong ví dụ ở điểm a nêu trên, nếu B không trúng số nào thì số tiền B dùng đánh bạc trong trường hợp này là 100.000 đồng. Nếu hành vi của B bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền khi B dùng đánh bạc trong trường hợp này cũng là 100.000 đồng (không phụ thuộc vào việc khi có kết quả mở thưởng B có trúng hay không trúng số đề)

3.2. Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc

a) Trường hợp có người chơi số đề, cá độ trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là toàn bộ số tiền thực tế mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người chơi số đề, cá độ và số tiền mà chủ đề, chủ cá độ phải bỏ ra để trả cho người trúng (có thể là một hoặc nhiều người).

Ví dụ: D là chủ đề của 5 người chơi số đề khác nhau, mỗi người chơi một số đề với số tiền là 50.000 đồng (tổng cộng là 250.000 đồng); tỷ lệ được thua là 1/70 lần và có 2 người đã trúng số đề thì số tiền D dùng để đánh bạc trong trường hợp này là 250.000 đồng + (50.000 đồng×70 lần×2 người)  = 7.250.000 đồng.

b) Trường hợp không có người chơi số đề, cá độ trúng số đề, thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi kết quả mở thưởng, kết quả bóng đá, kết quả đua ngựa… thì số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người chơi số đề, cá độ.

Ví dụ: Trong ví dụ nêu tại khoản a mục 3.1 nêu trên, nếu cả 5 người chơi không trúng số đề thì số tiền mà chủ đề dùng đánh bạc là 50.000 đồng x 5 người = 250.000 đồng. Nếu hành vi của D bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền D dùng để đánh bạc trong trường hợp này là 50.000 x 5 người = 250.000 đồng (không phụ thuộc vào việc khi có kết quả mở thưởng có hay không có người trúng số đề).

II. Mặt khách thể

Hành vi đánh bạc xâm phạm vào trật tự an toàn công cộng.

Khác với pháp luật của một số nước cho phép đánh bạc, pháp luật nước ta nghiêm cấm mọi hoạt động đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào và coi đây là hành vi xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội. 

III. Mặt chủ quan

Người phạm tội đánh bạc thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý trực tiếp. Động cơ phạm tội là sát phạt nhau, tư lợi và mục đích là nhằm lấy tiền, tài sản từ người thua bạc. 

IV. Mặt chủ thể

Chủ thể của tội đánh bạc là bất kỳ người nào đạt độ tuổi theo luật định và có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Việc tham gia hoặc thực hiện đánh bạc bao giờ cũng phải là có nhiều người (có hai người trở lên) cùng thực hiện.

Chủ thể thực hiện hành vi được thua bằng tiền thì có thể khái quát thành hai nhóm hình thức: Một người (chủ bạc) được thua với một người hoặc nhiều người; hoặc nhiều người cùng được thua với nhau một cách ngẫu nhiên.

Mức hình phạt

Điều 321 BLHS năm 2015 quy định 2 khung hình phạt: 

- Khung hình phạt cơ bản (khoản 1 Điều 321) (Đã bình luận cụ thể ở phần I. Mặt khách quan) có mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Khung hình phạt tăng nặng (khoản 2 Điều 321) có mức phạt tù từ 03 năm đến 07 năm áp dụng cho trường hợp phạm tội sau: 

  • a) Có tính chất chuyên nghiệp: Có tính chất chuyên nghiệp là trường hợp đánh bạc từ năm lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu TNHS (Mức tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS năm 2015 là 5 triệu đồng) và lấy tiền, hiện vật do đánh bạc mà có làm nguồn sống chính.
  • b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

Ví dụ: Ngày 16/6/2018, Công an thành phố Z đã phát hiện trong điện thoại của H có chứa nội dung tham gia cá độ bóng đá, đánh lô, đề. Quá trình điều tra xác định được, H nhắn tin điện thoại chơi cá độ bóng đá và số lô, số đề với Dương Bá T. Trong ngày 14/6/2018, H đã tham gia đánh bạc bằng hình thức đánh số lô, số đề với T là 15.960.000 đồng trong đó 12.000.000 đồng tiền mua số lô, đề và 3.960.000 đồng tiền trúng thưởng và đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá số tiền 5.910.000 đồng tiền 01 trận (trong đó có 3.000.000 đồng tiền đặt cược và 2.910.000 đồng tiền thắng cược). Tổng số tiền mà T đánh bạc với H là 21.870.000 đồng. 

Ngoài ra, T còn nhận 01 tài khoản cá độ của K, để chơi cá độ. Ngày 14 và 15/6/2018, T đã đặt cược 02 trận bóng đá gồm Nga và Ả rập xê út chơi cá độ 05 kèo tổng cộng 5.000.000 đồng (trong đó tiền đánh cá độ là 4.000.000 đồng và 1.000.000 đồng tiền thắng cá độ); đặt cược (19 kèo trong trận Maroc- Iran với tổng số tiền 25.470.000 đồng (trong đó tiền cược là 18.250.000 đồng, 7.220.000 đồng tiền thắng cược). Vậy tổng số tiền đánh bạc bằng cá độ là 30.470.000 đồng.

T đã phạm tội “Đánh bạc” theo điểm b khoản 2 Điều 321 Bộ luật Hình sự; 

  • c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội. Theo công văn 196/TANDTC-PC ngày 04/9/2018 của Tòa án nhân dân tối cao thì: "Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” được hiểu là việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến (như hình thành nên các chiếu bạc online hoặc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để tổ chức đánh bạc, gá bạc). Việc người phạm tội sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử khác như là phương tiện để liên lạc với nhau (ví dụ: nhắn tin qua điện thoại, qua email, zalo, viber.... để ghi số đề, lô tô, cá độ đua ngựa...) mà không hình thành nên các trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến thì không thuộc trường hợp này.

Ví dụ: Giữa tháng 01/2020, Nguyễn Trần Huy Anh và Trần Văn Lộc nhận 01 tài khoản máy chủ Master cá độ bóng đá trên mạng Internet có tên FQA9C1 từ Phùng Bá Thiện Chí tương ứng 6.000 đồng/điểm. Sau khi lấy được tài khoản Master FQA9C1 từ Chí, Anh và Lộc đã chia tài khoản này thành các tài khoản nhỏ để giao lại cho các con bạc đầu dưới để các con bạc trực tiếp cá độ. Huy Anh thỏa thuận với Lộc sẽ chia tài khoản máy chủ trên thành các tài khoản nhỏ hơn giao cho các con bạc cá cược. Trong đó, Anh được thua 70% số tiền chênh lệch giao cho các con bạc, Lộc được thua 30% số tiền chênh lệch giao cho các con bạc.

Huy Anh và Lộc đã tổ chức cho các con bạc cá cược 4.048 lượt trên 1.648 trận bóng đá; Trong đó, có 877 trận bóng đá có số tiền đánh bạc từ 5.000.000 đồng đến 143.950.000 đồng, tổng số tiền đánh bạc của 877 trận bóng đá này là hơn 22 tỷ đồng. Cụ thể:
  1. Tùng sử dụng điện thoại di động đăng nhập tài khoản máy FQA9C111032 để trực tiếp tham gia cá cược với Nguyễn Gia Kiện 34 lượt trên 32 ván cá cược dưới hình thức tài xỉu. Trong đó, có 21 ván cá cược tài xỉu có số tiền đánh bạc từ 5.000.000 đồng đến 19.500.000 đồng, tổng số tiền đánh bạc của 21 ván là hơn 228 triệu đồng.
  2. Điền sử dụng điện thoại di động đăng nhập tài khoản tổng FQA9C1AD để trực tiếp tham gia cá cược 934 lượt trên 499 trận bóng đá. Trong đó có 224 trận bóng đá có số tiền đánh bạc từ 5.000.000 đồng đến 45.760.000đ, tổng số tiền đánh bạc của 224 trận hơn 2,5 tỷ đồng.
  3. Kỹ sử dụng điện thoại di động đăng nhập tài khoản tổng FQA9C1AH để trực tiếp tham gia cá cược 176 lượt trên 128 trận bóng đá. Trong đó có 125 trận bóng đá có số tiền đánh bạc từ 5.000.000 đồng đến 27.150.000 đồng, tổng số tiền đánh bạc của 125 trận hơn 1,1 tỷ đồng.
  4. Hiếu sử dụng điện thoại di động đăng nhập tài khoản tổng FQA9C1AD và FQA9C1AH để quản lý. Hiếu tham gia cá cược với Điền, Kỹ 1.110 lượt trên 582 trận bóng đá. Trong đó có 331 trận bóng đá có số tiền đánh bạc từ 5.000.000 đồng đến 45.760.000 đồng, tổng số tiền đánh bạc của 331 trận là 3,7 tỷ đồng.
Nguyễn Trần Huy Anh, Trần Văn Lộc phạm tội “Tổ chức đánh bạc” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 322 và điểm c khoản 2 Điều 321 BLHS. Tùng, Kiện, Điền, Kỹ, Hiếu phạm tội “Đánh bạc” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 322 và điểm c khoản 2 Điều 321 BLHS.
  • d) Tái phạm nguy hiểm.
Ví dụ: Lúc 22 giờ ngày 15/11/2021, tại nhà do chị Trần Trúc L thuê tại thôn 4, xã A, huyện B, tỉnh Đắk Nông, Vũ Tiến H, Nguyễn Văn N, Huỳnh Tấn K, Trần Văn N đã có hành vi đánh bạc trái phép được thua bằng tiền dưới hình thức chơi bài “tiến lên”. Đến 10 giờ ngày 16/11/2021 thì bị Công an huyện B phát hiện bắt quả tang, thu giữ tổng số tiền sử dụng để đánh bạc là 15.820.000 đồng.
    Nguyễn Văn N, Huỳnh Tấn K, Trần Văn N thuộc trường hợp khoản 1 Điều 321 của Bộ luật hình sự.
      Riêng Vũ Tiến H có 02 tiền án về tội “Đánh bạc” tại Bản án số 12/2018/HSPT ngày 24/01/2018 của TAND tỉnh Đắk Nông và Bản án số 52/2018/HS-ST ngày 19-11-2018 của Tòa án nhân dân huyện B. H chấp hành xong hình phạt ngày 14/01/2020, chưa được xóa án tích nhưng tiếp tục phạm tội. Tại Bản án số 52/2018/HS-ST, xác định bị cáo phạm tội với tình tiết tăng nặng “tái phạm" . Vì vậy, hành vi phạm tội “Đánh bạc” vào ngày 16-11-2021 của Vũ Tiến H thuộc trường hợp “Tái phạm nguy hiểm” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 321 Bộ luật Hình sự.

      Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung (khoản 3) đó là: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

      Các văn bản hướng dẫn

      • Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao
      • Công văn 196/TANDTC-PC ngày 04/9/2018 của Tòa án nhân dân tối cao
      • Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TANDTC về thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử (tiểu mục 13 Mục I)

      Những bất cập trong xử lý hình sự hành vi đánh bạc

      - Bất cập trong xác định một lần đánh bạc: Một số tội danh trong BLHS năm 2015 có định lượng bằng giá trị thì có thể cộng dồn giá trị để xác định cấu thành tội phạm, nhưng đối với tội danh đánh bạc thì giá trị của một lần đánh bạc được dùng làm yếu tố cấu thành một lần phạm tội, không được cộng dồn số tiền của nhiều lần để làm căn cứ xác định một lần phạm tội. Nghị quyết số 01/2010 đã nêu: “Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét”. Từng lần đánh bạc tương ứng với từng lần phạm tội có ý nghĩa để xác định có tội hay không và các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (như phạm tội nhiều lần, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp). Xác định sai số lần đánh bạc có thể dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm hoặc đánh giá không đúng về tình tiết tăng nặng TNHS.

      Đánh bạc có hình thức phong phú và đa dạng nên không thể liệt kê một lần đánh bạc đối với tất cả các hình thức, mà phải sử dụng một định nghĩa pháp lý chung để làm cơ sở xác định. Tuy nhiên, hiện nay vẫn không có định nghĩa chung để xác định như thế nào là một lần phạm tội đánh bạc. Trong trường hợp cụ thể, Nghị quyết số 01/2010 hướng dẫn như sau: “Trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa... thì một lần chơi số đề, một lần cá độ bóng đá, một lần cá độ đua ngựa... (để tính là một lần đánh bạc) được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua ngựa... trong đó, người chơi có thể chơi làm nhiều đợt. Trách nhiệm hình sự được xác định đối với người chơi một lần đánh bạc trong các trường hợp này là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó”. Trên thực tiễn, để xác định một lần đánh bạc dựa trên hướng dẫn này vẫn còn nhiều điểm bất cập, nhất là hành vi chơi số đề.

      Việc áp dụng các hướng dẫn hiện hành về xác định số tiền dùng vào việc đánh bạc là số tiền từng lần, mà không cộng dồn giá trị nhiều lần đã bộc lộ sự không công bằng trong xử lý TNHS.

      Ví dụ: Trong một đêm, A cá độ một trận bóng đá với số tiền 05 triệu đồng thì phải chịu TNHS về Tội đánh bạc. Ngược lại, trong một đêm, B tham gia cá độ 04 trận bóng đá, mỗi trận có số tiền đánh bạc là 04 triệu đồng, tổng số 04 trận là 16 triệu đồng nhưng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính vì mỗi trận đấu (mỗi lần đánh bạc) đều chưa đủ định lượng về giá trị. So sánh hai trường hợp trên cho thấy: Trong cùng một khoảng thời gian, người chơi nhiều lần, mỗi lần không đủ định lượng nhưng tổng số tiền tham gia đánh bạc lại lớn hơn 05 triệu đồng (tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn người chơi với số tiền ít hơn) nhưng lại không phải chịu TNHS. Ngược lại, cũng trong cùng khoảng thời gian đó, người chơi số tiền ít hơn (tính nguy hiểm cho xã hội ít hơn) thì lại phải chịu TNHS.

      Vấn đề không cộng dồn số tiền hoặc hiện vật dùng vào việc đánh bạc cũng dẫn đến không công bằng trong định tội danh và xác định vai trò của đồng phạm.

      Ví dụ: Nguyễn Văn A là chủ đề tổ chức đánh bạc với sự giúp sức của B và C. Hằng ngày, B, C là những người trực tiếp bán cho người khác và giao phơi lại cho A để tính tiền thắng thua với người chơi để giao lại cho B, C chi trả cho người trúng đề. Trong ngày thứ nhất, B bán cho 03 người được số tiền 15 triệu đồng (bán một đài duy nhất), C bán cho 02 người được số tiền 05 triệu đồng (bán một đài duy nhất); ngày thứ hai, B bán cho 05 người được số tiền 20 triệu đồng (bán một đài duy nhất), C bán cho 03 người được số tiền 10 triệu đồng (bán một đài duy nhất). Căn cứ vào số tiền dùng vào việc đánh bạc và số người tham gia đánh bạc thì đủ căn cứ để xử lý A về Tội tổ chức đánh bạc với 02 lần phạm tội (ngày thứ nhất số tiền 20 triệu đồng, ngày thứ hai với số tiền 30 triệu đồng). B là người giúp sức cho A nhưng ngày thứ nhất số tiền không đủ 20 triệu đồng nên phải chịu TNHS về Tội đánh bạc, nhưng ngày thứ hai số tiền đủ 20 triệu đồng nên phải chịu trách nhiệm về Tội tổ chức đánh bạc. C là người giúp sức cho A nhưng cả hai ngày đều không đủ 20 triệu đồng nên chỉ phải chịu TNHS về Tội đánh bạc. Rõ ràng, vai trò của B và C là giống nhau (đều là người giúp sức cho A) nhưng B lại phải chịu TNHS về cả hai tội, còn C chỉ phải chịu TNHS về một tội danh. Xét vai trò của A và B, thì B chỉ là người giúp sức cho A nhưng lại phải đối mặt với hai tội danh là đánh bạc và tổ chức đánh bạc, còn A là người có vai trò chính nhưng chỉ phải chịu TNHS về một tội danh là tổ chức đánh bạc. Đương nhiên, mức tổng hợp hình phạt của hai tội danh sẽ có phần chêch lệch nặng hơn so với một tội danh.

      - Bất cập trong các quy định và thực tiễn xác định số tiền dùng vào việc đánh bạc. Trên thực tiễn, xác định số tiền dùng vào việc đánh bạc còn nhiều cách hiểu khác nhau như sau:

      Thứ nhất, về tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc. Có quan điểm cho rằng, tiền hoặc hiện vật thu giữ tại chiếu bạc thì được suy đoán là đương nhiên dùng vào việc đánh bạc, nên việc chứng minh số tiền trên chiếu bạc là của ai, sử dụng vào mục đích gì là không cần thiết. Quan điểm khác lại cho rằng, tiền hoặc hiện vật thu giữ trực tiếp trên chiếu bạc chỉ xác định là dùng vào việc đánh bạc nếu chứng minh được nó dùng vào mục đích đánh bạc. Vì trong thực tiễn, khi bắt quả tang các vụ án đánh bạc, người phạm tội thường bỏ chạy và vứt tiền lên chiếu bạc, nên có khả năng trong số tiền thu được trên chiếu bạc có phần tiền không dùng vào việc đánh bạc. Do vậy, về suy đoán số tiền trên chiếu bạc đương nhiên dùng vào việc đánh bạc là không phù hợp.

      Thứ hai, về tiền trên người của người đánh bạc hoặc thu giữ ở những nơi khác mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng vào đánh bạc.

      Trên thực tế, rất khó xác định như thế nào là tiền hoặc hiện vật “đã được hoặc sẽ được dùng vào việc đánh bạc”. Thông thường, khi tham gia đánh bạc, người đánh bạc mang theo rất nhiều tiền và tài sản có giá trị khác nhưng để thu thập chứng cứ nhằm chứng minh số tài sản mang theo có dùng vào việc đánh bạc hay không thì rất khó khăn, đặc biệt khi người phạm tội không thành khẩn khai báo. Trên thực tế, đối tượng đánh bạc khi bị bắt quả tang thường chỉ thừa nhận rất ít hoặc thậm chí không thừa nhận số tiền giữ trên người là tiền dùng vào việc đánh bạc. Các đối tượng đã bị xử lý hành vi đánh bạc nhiều lần thì gần như không thừa nhận số tiền, hiện vật mang theo là dùng vào việc đánh bạc. Với số tiền hoặc hiện vật ở địa điểm khác thì việc chứng minh càng khó khăn hơn. Ngay cả khi người bị bắt quả tang thừa nhận số tiền hoặc hiện vật trên người hoặc ở địa điểm khác dùng vào việc đánh bạc thì cũng khó có căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ, tiền hoặc hiện vật bị thu giữ có bao nhiêu dùng vào việc đánh bạc thì gần như chỉ bản thân người đánh bạc mới biết, những người cùng chơi cũng khó có thể biết. Hơn nữa, sử dụng lời khai của người tham gia đánh bạc làm căn cứ buộc tội không phù hợp với khoản 2 Điều 98 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021: “Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội”.

      Về vấn đề này, tiểu mục 13 Mục I Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao về thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử hướng dẫn như sau: “ … đối với trường hợp các bị cáo cùng đánh bạc với nhau (như đánh phỏm, đánh chắn, đánh liêng, đánh sâm...) thì căn cứ vào tổng số tiền thu trên chiếu bạc (tổng số tiền dùng vào việc đánh bạc) để xem xét trách nhiệm hình sự; số tiền mỗi bị cáo dùng vào việc đánh bạc là một trong những căn cứ để Tòa án xem xét, đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm khi quyết định hình phạt đối với mỗi bị cáo; đối với trường hợp con bạc đánh với chủ bạc (như lô đề, cá độ bóng đá, đua ngựa,...) thì việc xác định khung hình phạt và mức hình phạt phải căn cứ vào số tiền từng bị cáo dùng vào việc đánh bạc. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc chứng minh số tiền các bị cáo dùng vào việc đánh bạc là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng”.

      Hướng dẫn này rất dễ gây hiểu nhầm. Chẳng hạn, khi chơi đánh phỏm, đánh chắn, đánh liêng, đánh sâm…, người chơi chỉ phải chịu trách nhiệm về số tiền trên chiếu bạc, còn số tiền thu trên người hoặc ở địa điểm khác có được sử dụng là căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự hay không? Ngược lại, nếu chơi lô đề, cá độ bóng đá, đua ngựa… thì người chơi chỉ phải chịu trách nhiệm về số tiền mà họ khai nhận dùng vào việc đánh bạc, còn số tiền bắt quả tang hoặc thu ở nơi khác mà chứng minh được sẽ dùng vào việc đánh bạc thì sẽ xử lý như thế nào? Công văn trên cần giải thích rõ về hai trường hợp là tiền hoặc hiện vật thu giữ trên người của người chơi bạc và ở địa điểm khác mà có căn cứ sẽ dùng vào việc đánh bạc như Nghị quyết số 01/2010.

      Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về Tội đánh bạc

      Đặc trưng của Tội đánh bạc là tính phong phú và đa dạng trong hình thức đánh bạc. Xuất phát từ đặc tính đó nên để xây dựng một văn bản hướng dẫn đầy đủ, chi tiết đối với từng hình thức đánh bạc là rất khó khăn và đôi lúc sẽ không theo kịp được tốc độ phát triển của loại hình tội phạm này. Do vậy, giải pháp phù hợp là đưa ra các quy định có tính nguyên tắc để vận dụng vào thực tiễn.

      - Về “một lần đánh bạc”: Một lần đánh bạc hay một lần phạm tội đánh bạc phải hội đủ các yếu tố để xem xét TNHS, trong đó chủ yếu là mặt khách quan của tội phạm. Bản chất của một lần đánh bạc là chủ thể mong muốn được thua bằng tiền hoặc hiện vật với một chủ thể khác bằng một hình thức đánh bạc cụ thể. Bất kể thời gian thực hiện hành vi dài hay ngắn thì hành vi sẽ chấm dứt tại thời điểm người phạm tội đạt được mục đích của tội phạm, tức là xác định được việc thắng thua với một cá nhân hoặc nhóm cá nhân khác.

      Do đó, định nghĩa “một lần đánh bạc” phải dựa vào bản chất và mục đích của hành vi đánh bạc theo hướng: “Một lần đánh bạc (một lần phạm tội) được tính từ thời điểm người bị buộc tội tham gia vào một hình thức đánh bạc cho đến khi họ xác định được việc thắng thua bằng tiền hoặc bằng hiện vật có giá trị quy đổi thành tiền”. Định nghĩa chung sẽ là cơ sở để xác định TNHS đối với nhóm hành vi một người ăn thua với một người hoặc nhiều người và nhiều người ăn thua với nhau. Hành vi phạm tội được xác định căn cứ vào tính chất được thua của một hành vi trong một khoảng thời gian nhất định, nên cho dù hành vi diễn ra tức thời hay kéo dài thì nó cũng sẽ chấm dứt tại thời điểm các bên “chốt” được việc thắng thua với nhau. Đây chính là thời điểm các bên đã đạt được mục đích của tội phạm nên xác định thời điểm này đã chấm dứt một lần đánh bạc. Liền sau đó, các bên tiếp tục được thua với nhau, số người, địa điểm có thể thay đổi hoặc không thay đổi, thì đã bắt đầu một hành vi tội phạm mới.

      Ví dụ: Một người trong cùng một ngày có thể mua nhiều lô đề ở nhiều đài khác nhau, nhưng cuối cùng việc xác định ăn thua lại căn cứ vào kết quả xổ số kiến thiết cuối ngày. Đây là thời điểm xác định thắng thua giữa người mua và người bán với hình thức đánh bạc là số đề, nên tổng số tiền chơi trong một ngày được xác định là một lần đánh bạc. Trường hợp đánh bạc bằng hình thức bài tây 03 lá, người chơi có thể chơi nhiều ván trong thời gian liên tục nhưng sẽ kết thúc tại thời điểm không chơi nữa. Nếu nghỉ cùng lúc thì xác định thời điểm này là một lần phạm tội của tất cả người tham gia đánh bạc. Nếu trong nhóm có người nào đó nghỉ trước thì TNHS của họ được xác định tại thời điểm nghỉ, còn từ thời điểm họ nghỉ trở đi đến khi bị bắt quả tang là trách nhiệm của những người chơi còn lại (người nghỉ không phải chịu thêm trách nhiệm ở giai đoạn này).

      Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức về số tiền dùng vào việc đánh bạc. Điều 321 BLHS năm 2015 quy định: “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng…”. Theo đó, điều luật không có bất kỳ giới hạn nào bắt buộc phải trong một lần, một hình thức hoặc một khoảng thời gian đánh bạc trên 5.000.000 đồng. Bởi lẽ, xác định TNHS đối với người đánh bạc là dựa vào quy mô về giá trị của hành vi đánh bạc, giá trị càng lớn thì trách nhiệm càng cao. Để đảm bảo tính bình đẳng trong việc xác định quy mô về giá trị, chỉ có thể cộng dồn nhiều lần về hành vi đánh bạc. Điều này phù hợp với diễn biến của tội phạm, vì lần thứ nhất người chơi thực hiện hành vi phạm tội tuy chưa đủ định lượng chịu TNHS thì cũng đã phải bị xử phạt vi phạm hành chính, đến lần thứ hai nếu tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội mà chưa hết thời hạn xử lý vi phạm hành chính thì có thể phải chịu TNHS. Do vậy, một người phạm tội liên tục trong một khoảng thời gian dài mà chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa hết thời hiệu xem xét TNHS, mà mỗi lần tham gia chưa đủ định lượng thì có thể cộng dồn để xem xét TNHS.

      - Về áp dụng tương tự pháp luật, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã có nhiều hướng dẫn đối với một số tội danh có định lượng về giá trị được phép cộng dồn như: Các tội xâm phạm quyền sở hữu; làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; gian lận BHXH, BHYT… Do vậy, cộng dồn số tiền của nhiều lần đánh bạc trong một khoảng thời gian nhất định để xem xét trách nhiệm hình sự là phù hợp với lý luận và thực tiễn.

      Định nghĩa về một lần đánh bạc và quy định cho phép cộng dồn giá trị sử dụng vào việc đánh bạc nếu được kết hợp sẽ tạo được tính bình đẳng trong xử lý TNHS, cũng như đánh giá đúng với tính chất, mức độ phạm tội của hành vi này.

      Do vậy, cần bổ sung phương pháp xác định 01 lần đánh bạc và quy định về việc cộng dồn số tiền dùng vào việc đánh bạc trong nhiều lần để xác định cấu thành tội phạm và khung hình phạt. Trường hợp nhiều lần đánh bạc mà có ít nhất 02 lần trên định lượng 5 triệu đồng thì sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội từ 02 lần trở lên” hoặc “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” (nếu thỏa mãn điều kiện khác); nếu nhiều lần đánh bạc có tổng số tiền trên 5 triệu đồng nhưng không có hoặc có ít hơn 02 lần trên 5 triệu đồng thì không áp dụng tình tiết “phạm tội từ 02 lần trở lên”.

      - Về xác định tiền hoặc hiện vật dùng vào việc đánh bạc: Để giải quyết những bất cập trong thực tiễn chứng minh số tiền dùng vào việc đánh bạc, cần quy định như sau: “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc bao gồm: Tiền hoặc hiện vật thu giữ tại chiếu bạc hoặc các con bạc mang theo khi bị bắt quả tang, trừ trường hợp có chứng cứ chứng minh không dùng vào việc đánh bạc; tiền hoặc hiện vật thu giữ ở địa điểm khác, dữ liệu điện tử hoặc thông tin, chứng cứ khác có thể quy đổi giá trị nhưng có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc”.

      Theo đó, số tiền hoặc hiện vật thu giữ tại chiếu bạc hoặc trên người chơi bạc khi bị bắt quả tang là số tiền dùng vào việc đánh bạc. Người phạm tội khi đến sòng bạc thì mục đích của họ là để đánh bạc nhằm ăn thua bằng tiền, nên bản thân họ phải nhận thức được rằng việc mang tiền hoặc hiện vật vào sòng bạc đương nhiên bị suy đoán là dùng vào việc đánh bạc. Quy định này giúp tránh tình trạng người phạm tội khi đi đánh bạc mang theo số tiền rất lớn nhằm mục đích đánh bạc, nhưng khai chỉ sử dụng một phần tiền nhỏ vào việc đánh bạc; khắc phục việc bắt quả tang số tiền rất lớn nhưng lại không thể xử lý hình sự hoặc xử lý ở mức độ nhẹ. Tiền hoặc hiện vật mà người phạm tội mang theo nhưng khi bị bắt quả tang thì vứt bỏ cũng phải được xem xét nhằm xác định TNHS.

      Trong trường hợp người tham gia đánh bạc cho rằng tiền hoặc hiện vật bị thu giữ khi bắt quả tang không dùng vào việc đánh bạc, mà sử dụng vào mục đích khác (không phải đánh bạc), thì cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ chứng minh lý do của người người tham gia đánh bạc nêu ra. Nếu có cơ sở tiền đó không dùng vào việc đánh bạc thì loại trừ TNHS cho người đó, còn không chứng minh được thì đương nhiên suy đoán là dùng vào việc đánh bạc. Quy định này vừa giải quyết được vấn đề chứng minh, vừa là giải pháp mang tính răn đe, phòng ngừa hành vi đánh bạc; người tham gia đánh bạc phải biết hành vi đánh bạc là trái pháp luật và phải chịu trách nhiệm với số tiền mình và người khác mang theo.

      Đối với tiền hoặc hiện vật thu giữ ở địa điểm khác (bao gồm tiền hoặc hiện vật khi bị bắt quả tang hoặc sau đó) thì cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm chứng minh số tiền này đã hoặc sẽ được sử dụng vào việc đánh bạc. Đối với hình thức đánh bạc trực tuyến hoặc quy đổi thành công cụ giá trị, thì dữ liệu điện tử, vật quy đổi là căn cứ để xác định số tiền dùng vào việc đánh bạc. Trường hợp không chứng minh được thì không cộng với số tiền bị bắt quả tang để xác định TNHS người phạm tội./.

      Minh Hùng (Tổng hợp)

      Tham khảo: Bình luận Tội tổ chức đánh bạc, gá bạc Điều 322 BLHS 2015

      Ý KIẾN

      1. Nặc danh11:37

        Tại sao nộp tiền đánh đề và bị bắt trước giờ quay thưởng lại phạm tội.. Hợp đồng mới giao kết đã thực hiện đâu.! nếu hôm đó Hội đồng hủy quay thì có phạm tội không.

        Trả lờiXóa
      Lưu ý:
      - Các bạn đóng góp ý kiến, nêu thắc mắc cần giải đáp vào khung bên dưới bằng tiếng Việt có dấu.

      - Đọc kỹ phần Hỏi - Đáp trước khi hỏi, những câu hỏi trùng nội dung có thể sẽ không trả lời.

      Tên

      Anti Virus,11,Âm thanh,4,Bảng lương,39,Bảo hiểm,6,Biểu mẫu,18,Bình luận BLHS,28,Bộ Luật,49,Calendar,9,Cán bộ công chức,48,CCCD,10,CMND,8,Cư trú,21,Dân sự,10,Doanh nghiệp,24,Đất đai - Nhà ở,21,Đầu tư - Đấu thầu,23,Ebook,11,Game,4,Giao thông,53,Giấy tờ xe,35,Hệ thống,9,Hình ảnh,13,Hình sự,18,học Tiếng Anh,9,Hộ khẩu,8,Hôn nhân Gia đình,13,Khai sinh,9,Kinh nghiệm pháp lý,9,Lao động,16,Luật cơ bản,91,Luật thuế,21,Luật tiếng Anh,60,Nghĩa vụ quân sự,10,Phần mềm điện thoại,15,Phần mềm PC,102,Quyết định,1,Tải file,22,Thanh tra - Khiếu nại tố cáo,3,Thủ thuật Facebook,18,Thủ thuật Zalo,2,Thủ tục hành chính,81,Tố tụng hình sự,12,Trắc nghiệm,15,Trực tuyến,11,Văn bản,2152,Văn phòng,15,Vi phạm giao thông,6,Video,4,Xây dựng,11,Xử phạt,3,
      ltr
      item
      Tra cứu pháp luật - Thủ Tục Hành Chính - Thủ thuật phần mềm: Bình luận tội đánh bạc quy định tại điều 321 Bộ luật Hình sự
      Bình luận tội đánh bạc quy định tại điều 321 Bộ luật Hình sự
      Bình luận khoa học về tội phạm đánh bạc theo quy định tại điều 321 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và các hướng dẫn xử lý tội đánh bạc.
      https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjAJAJcCK0YrbRtT5Td-L_ssYLrt0YRapRAc41D_vimiHugnGp4NhnF__2ttBIyUI1FXKalFloqjpvFbssoMDNnx4AIi2AtumlDjs8J8qQ5tg54F7kCBpsJTWd0joE1hyFPzmYj_FixLzYiyJoRN2fSUOw8oD1iQH_NOa1W6WHzQer130RCBW7iTriW3zA/w200-h159/Danhbac_New.jpg
      https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjAJAJcCK0YrbRtT5Td-L_ssYLrt0YRapRAc41D_vimiHugnGp4NhnF__2ttBIyUI1FXKalFloqjpvFbssoMDNnx4AIi2AtumlDjs8J8qQ5tg54F7kCBpsJTWd0joE1hyFPzmYj_FixLzYiyJoRN2fSUOw8oD1iQH_NOa1W6WHzQer130RCBW7iTriW3zA/s72-w200-c-h159/Danhbac_New.jpg
      Tra cứu pháp luật - Thủ Tục Hành Chính - Thủ thuật phần mềm
      https://www.tracuuphapluat.info/2023/06/binh-luan-toi-danh-bac-dieu-322-bo-luat-hinh-su.html
      https://www.tracuuphapluat.info/
      https://www.tracuuphapluat.info/
      https://www.tracuuphapluat.info/2023/06/binh-luan-toi-danh-bac-dieu-322-bo-luat-hinh-su.html
      true
      1624770636553188390
      UTF-8
      Loaded All Posts Không thấy bài viết nào Xem tất cả bài viết Đọc tiếp Trả lời Hủy trả lời Xóa By Trang chủ PAGES Bài viết View All RECOMMENDED FOR YOU Chủ đề ARCHIVE Tìm kiếm với từ khóa ALL POSTS Not found any post match with your request Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat Tháng 1 Tháng 2 Tháng 3 Tháng 4 Tháng 5 Tháng 6 Tháng 7 Tháng 8 Tháng 9 Tháng 10 Tháng 11 Tháng 12 Th.1 Th.2 Th.3 Th.4 Tháng 5 Th.6 Th.7 Th.8 Th.9 Th.10 Th.11 Th.12 just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content