11 Bộ Luật, Luật mới ban hành có hiệu lực thi hành từ năm 2020, 2021.
Sau đây là 11 Bộ Luật, Luật mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, khóa XIV, có hiệu lực thi hành kể từ năm 2020 và 2021. Trong đó có 6 Bộ luật, Luật ban hành mới thay thế cho các Bộ luật, Luật, Pháp lệnh cũ và 5 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật hiện hành.
Tham khảo thêm:Các Luật mới ban hành
- Bộ luật Lao động năm 2019: Bộ luật Lao động đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019. Bộ luật gồm 17 chương, 220 điều, quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động. So với Bộ luật lao động hiện hành, BLLĐ 2019 có 10 điểm mới đối với người lao động: (1) Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; (2) Bảo đảm quyền của các tổ chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động; (3) Hợp đồng lao động quy định theo hướng bảo vệ hơn người lao động; (4) Quy định số giờ làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm; bổ sung thêm 01 ngày nghỉ vào dịp Quốc Khánh 2/9 (ngày liền kề với ngày Quốc khánh); (5) Nâng tuổi nghỉ hưu (lên 62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ) theo lộ trình từ năm 2021; (6) Mở rộng phạm vi áp dụng của thỏa ước lao động tập thể ngành; (7) Quy định cụ thể hơn về cơ chế nhằm bảo vệ lao động chưa thành niên; (8) Quy định riêng với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới; (9) Quy định thành lập tổ chức của người lao động tại DN không thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam; (10) Quy định linh hoạt hơn quyền lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp lao động. Đối với Người sử dụng lao động, Bộ Luật lao động 2019 nêu ra 6 điểm mới: (1) Luật hóa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động; (2) Mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động; (3) Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN; (4) Quy định đối thoạt định kỳ tại DN được nâng lên 01 năm/lần; (5) Quy định linh hoạt về đăng ký nội quy lao động; (6) Quy định về giải quyết tranh chấp lao động. Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, thay thế cho Bộ luật lao động 2012.
- Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam: được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2019, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2020. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam gồm 9 Chương, 52 Điều quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đây là Luật mới (hiện chỉ có Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam) với nhiều điểm chú ý, đặc biệt là trong công tác cấp hộ chiếu: Người có Thẻ căn cước công dân thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận lợi; Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chip điện tử. Trong đó, hộ chiếu có gắn chíp điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của cá nhân người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp; Cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn trong các trường hợp: Người ra nước ngoài có thời hạn bị mất hộ chiếu, có nguyện vọng về nước ngay; Người có quyết định trục xuất… Hộ chiếu cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn; Dấu vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu sẽ được thu nhận trong quá trình thực hiện thủ tục để phục vụ cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân…
- Luật Thư viện: được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2019. Luật Thư viện gồm 6 Chương và 52 Điều, quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện. Luật nêu rõ, Nhà nước đầu tư cho thư viện công lập. Bên cạnh đó, Nhà nước hỗ trợ đầu tư các nội dung sau: Cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực thư viện, phát triển văn hóa đọc; duy trì và phát triển thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng không vì mục tiêu lợi nhuận; cước vận chuyển tài liệu thư viện phục vụ nhiệm vụ chính trị, khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn…Luật Thư viện năm 2019 có nhiều điểm mới như: bổ sung thêm loại hình thư viện ngoài công lập; Mở rộng đối tượng được thành lập thư viện; Xây dựng và cung cấp dịch vụ thư viện số; Đẩy mạnh liên thông giữa các thư viện; Định kỳ hàng năm đánh giá hoạt động thư viện...Luật Thư viện 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 thay thế cho Pháp lệnh Thư viện năm 2000
- Luật Lực lượng dự bị động viên 2019: được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019. Luật gồm 5 chương, 41 điều, có hiệu lực từ ngày 01/07/2020. Đây là Luật mới thay thế cho Pháp lệnh Lực lượng dự bị động viên năm 1996. Luật có các nội dung chính như: xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên, thống nhất với Luật Quốc phòng, đồng thời bảo đảm phân cấp về chỉ huy, chỉ đạo trong hệ thống tổ chức của Quân đội; đăng ký, quản lý quân nhân dự bị; chế độ chính sách và kinh phí bảo đảm cho xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên; quyền và nghĩa vụ của chủ phương tiện kỹ thuật dự bị và việc bồi thường thiệt hại do việc huy động, điều động phương tiện kỹ thuật dự bị gây ra; việc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị, đơn vị dự bị động viên; các trường hợp được hoãn; quy định về cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh, giao Chính phủ quy định cụ thể về cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh cho phù hợp với đặc điểm địa bàn từng địa phương, tạo thuận lợi trong việc gọi, tập trung huấn luyện quân nhân dự bị.
- Luật Dân quân tự vệ: Luật đã được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2019 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2020, gồm 8 chương, 50 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động của dân quân tự vệ; tổ chức biên chế, vũ khí trang bị của lực lượng dân quân tự vệ; độ tuổi và thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình; chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Dân quân tự vệ...Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Luật Dân quân tự vệ số 43/2009/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
- Luật Chứng khoán: Luật Chứng khoán cũng là một trong những dự án luật vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 26/11/2019. Luật này có 10 Chương, 135 Điều, quy định các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức thị trường chứng khoán; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Luật sẽ thay thế cho Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Luật quy định các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK); quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức TTCK; quản lý Nhà nước về chứng khoán và TTCK. Đối tượng áp dụng của luật gồm: Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư chứng khoán và hoạt động trên TTCK Việt Nam; Cơ quan quản lý Nhà nước; Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động chứng khoán và TTCK Việt Nam.
Các Bộ Luật, Luật được sửa đổi, bổ sung
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức: Luật có bố cục gồm 3 Điều. Điều 1 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi quy định về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ; xếp loại chất lượng cán bộ; phương thức tuyển dụng công chức). Điều 2 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức (tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập; việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp sang mô hình doanh nghiệp; chế độ quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo nguyên tắc bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; các loại hợp đồng làm việc). Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020).
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Luật sửa đổi, bổ sung 04 Điều của Luật Tổ chức Chính phủ (gồm Điều 23, Điều 28, Điều 32 và Điều 40); trong đó bổ sung một số quyền cho Thủ tướng; bổ sung quy định Chính phủ quyết định số lượng biên chế tối thiểu trong các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các tổ chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện… Với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật tập trung sửa đổi cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp (mô hình tổ chức; số lượng cấp phó; bộ máy giúp việc). Đặc biệt, Luật quy định UBND xã loại II được có không quá 02 Phó Chủ tịch (hiện nay chỉ có 01); giảm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp…Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/7/2020. Luật cũng có quy định về điều khoản chuyển tiếp đối với một số quy định liên quan đến số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, cơ cấu Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, số lượng cấp phó Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân để áp dụng từ nhiệm kỳ 2021-2026./.
- Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ: Luật này đã sửa đổi quy định về vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự, trong đó quy định rõ vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng là vũ khí quân dụng. Quy định này nhằm tạo căn cứ pháp lý để áp dụng quy định tại Điều 304 của Bộ luật Hình sự (xử lý hình sự đối với các hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng). Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2020.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước 2019: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN được thông qua gồm 3 điều. Trong đó, Luật bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; sửa đổi bổ sung về nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN; bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của KTNN; bổ sung quyền khiếu nại và khởi kiện của đơn vị được kiểm toán; sửa đổi, bổ sung việc đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu HĐND được quyền đề nghị KTNN xem xét, quyết định thực hiện việc kiểm toán đối với vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua quá trình giám sát và cơ chế phản hồi của KTNN. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam: giá trị sử dụng của thị thực; các trường hợp được chuyển đổi mục đích của thị thực; các trường hợp được miễn thị thực vào Khu kinh tế ven biển. Một trong những nội dung nổi bật của Luật là 03 trường hợp thị thực được chuyển đổi mục đích: (1) Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam; (2) Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với người đề nghị; (3) Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc hoặc vào bằng thị thực điện tử, có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật lao động. Với quy định mới sẽ hạn chế tối đa tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam tham quan, du lịch sau đó xin chuyển đổi với mục đích khác. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020./.
Minh Hùng
Ý KIẾN