Những thay đổi về hộ khẩu, tạm trú và thủ tục đăng ký cư trú kể từ 01/7/2021 theo quy định của Luật cư trú mới nhất.
Bài viết sau sẽ giải đáp những thắc mắc có liên quan đến việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thực hiện các thủ tục về cư trú theo quy định của Luật cư trú 2020 mới nhất.
Về thời hạn sử dụng của sổ hộ khẩu
- Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp nếu không có thay đổi thông tin cư trú thì vẫn tiếp tục được sử dụng cho đến hết ngày 31/12/2022 thì hết hạn sử dụng.
- Kể từ ngày 01/7/2021, Cơ quan công an sẽ thu hồi lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi công dân đến làm thủ tục chuyển khẩu, nhập khẩu, tách hộ, thay đổi nơi tạm trú, gia hạn tạm trú, sổ bị hư hỏng, mất hoặc điều chỉnh thông tin trên sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, đồng thời không cấp sổ mới (trong trường hợp sổ bị mất, đổi sổ).
- Cơ quan công an không thu hồi sổ đồng loạt, không buộc người dân phải nộp lại sổ cũ từ mốc thời gian 01/7/2021.
Khi sổ hộ khẩu bị thu hồi thì làm thủ tục hành chính có gặp rắc rối gì không?
- Việc làm các thủ tục hành chính sau ngày 01/7/2021 sẽ không gặp rắc rối gì vì lúc đó Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và các dữ liệu chuyên ngành như: số định danh cá nhân trẻ em (của Bộ Tư pháp); mã số thuế (của Bộ Tài chính); dữ liệu về Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Do đó, khi làm thủ tục mà cần đến sổ hộ khẩu (hiện có khoảng 30 thủ tục hành chính, ví dụ như đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, xin học cho con, đăng ký thường trú, tạm trú...), người dân chỉ cần xuất trình thẻ căn cước công dân gắn chip. Cán bộ làm thủ tục sẽ kiểm tra, đối chiếu, tra cứu thông tin công dân thông qua số định danh cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và làm thủ tục.
Ví dụ: việc xin học cho con khi bỏ sổ hộ khẩu, người dân có thể yêu cầu nhà trường khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc xuất trình giấy xác nhận thông tin về cư trú (lấy từ dữ liệu quốc gia về dân cư) do công an cấp để xin học cho con. Hoặc khi chuyển khẩu không phải về nơi đăng ký thường trú cũ mà đến nơi đăng ký thường trú mới để làm thủ tục là được và cũng không cần xuất trình sổ hộ khẩu.
- Sau ngày 31/12/2022, khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự, chỉ cần mang theo thẻ CCCD hoặc đọc mã định danh cá nhân (cũng là số thẻ CCCD) cho cơ quan chức năng để thực hiện, không phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các loại giấy tờ liên quan.
- Cá nhân và hộ gia đình có nhu cầu (ví dụ khi cần công chứng mua bán, cho tặng tài sản, làm hồ sơ nhà đất….) sẽ được cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú (theo mẫu CT07). Giấy này sẽ xác định nơi thường trú, nơi tạm trú, tình trạng khai báo tạm vắng, nơi ở hiện tại của cá nhân hoặc hộ gia đình và có giá trị 30 ngày kể từ ngày cấp. Để được cấp giấy này, người dân chỉ cần đến trực tiếp cơ quan công an nào cũng được (không phụ thuộc nơi đăng ký thờng trú, tạm trú), xuất trình một trong các giấy tờ, tài liệu thể hiện thông tin số định danh cá nhân.
Nếu bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì thực hiện đăng ký cư trú ở đâu?
Ngoài việc thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú trực tiếp tại cơ quan công an xã phường thị trấn như thông thường từ trước đến nay, công dân có thể làm thủ tục qua đường bưu điện hoặc đăng ký trực tuyến qua cổng dịch vụ công.
Ai được quyền sử dụng thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thay thế sổ hộ khẩu?
- Người dân có nhu cầu khai thác thông tin cá nhân của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì gửi văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, cổng dịch vụ công quốc gia hay cổng dịch vụ công Bộ Công an.
- Cơ quan, tổ chức khi có nhu cầu sử dụng thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải có văn bản yêu cầu cung cấp thông tin cho người có thẩm quyền và được sự đồng ý thì mới được sử dụng.
Có được ủy quyền khi làm thủ tục đăng ký cư trú?
- Chủ hộ hoặc người có yêu cầu có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác thay mình đến cơ quan đăng ký cư trú (công an cấp xã, công an cấp huyện) để thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú (gồm đăng ký lưu trú, tạm trú, thường trú)
- Nếu người được ủy quyền là thành viên cùng hộ gia đình thì văn bản ủy quyền không cần chứng thực, nếu không cùng hộ gia đình thì phải chứng thực theo quy định của pháp luật về ủy quyền.
Người không có nơi thường trú và đồng thời không có nơi tạm trú thì phải trực tiếp thực hiện thủ tục đăng ký, không được ủy quyền.
Điều kiện, thủ tục nhập khẩu vào thành phố thuộc trung ương thay đổi như thế nào?
Kể từ ngày 01/7/2021, công dân ở các thành phố trực thuộc trung ương (như Tp Hà Nội, Hồ Chí Minh…) có điều kiện nhập khẩu và thủ tục đăng ký thường trú giống như tại các tỉnh, tức là sẽ dễ dàng hơn trước rất nhiều./.
Minh Hùng (Tổng hợp)
Ý KIẾN