Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
Các yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác cụ thể như sau:
I. Khách thể của tội phạm
Đối tượng của tội phạm là thân thể con người đang sống.
II. Mặt khách quan của tội phạm
- Hành vi khách quan của tội phạm: Người phạm tội thực hiện các hành vi hành vi dùng vũ lực (có hoặc không sử dụng vũ khí) hoặc thủ đoạn khác tác động vào cơ thể của người khác làm cho người đó bị thương, bị tổn hại sức khỏe. Các hành vi cụ thể thường thấy là: đánh, đập, đấm, đá, đâm, chém, bắn, đầu độc, tra tấn, đốt cháy… Cũng có trường hợp người phạm tội cưỡng bức người bị hại tự làm tổn hại sức khỏe của mình như tự chọc vào mắt mình, chặt ngón tay, uống thuốc phá thai…
- Công cụ, phương tiện gây thương tích: tội cố ý gây thương tích được cấu thành dựa vào mức độ thương tổn sức khỏe của nạn nhân đạt đủ tỷ lệ do luật định, chứ không dựa vào việc tội phạm có sử dụng công cụ, phương tiện gây thương tích hay không. Việc người phạm tội sử dụng công cụ, phương tiện (như hung khí, vũ khí, xe cộ..) để gây thương tích là yếu tố để xác định khung hình phạt trong tội này.
Hậu quả của hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác phải là thương tích cả về mặt vật chất, tinh thần hoặc tổn hại sức khỏe của nạn nhân. Thương tích đòi hỏi phải thực tế, khách quan, có thể nhìn thấy và phải giám định được. Dấu hiệu hậu quả của tội cổ ý gây thương tích theo quy định tại điều luật này gồm một trong hai loại hậu quả:
- Thứ nhất, Tỷ lệ thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của nạn nhân từ 11% trở lên mà không có các tình tiết quy định từ Điểm a đến Điểm k Khoản 1 Điều 134. Về cách tính tỷ lệ thương tích hay tổn hại sức khỏe: tham khảo Thông tư 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ Y tế quy định về tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
- Thứ hai, Hậu quả tỷ lệ thương tích hoặc tổn hại sức khỏe dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây (có các tình tiết quy định tại các Điểm từ a đến k Khoản 1 Điều 134) thì cũng được coi là tội phạm:
- a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người: Đây là trường hợp người phạm tội sử dụng công cụ phương tiện có tính nguy hiểm cao, chưa gây ra thiệt hại đáng kể nhưng có khả năng đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe của con người. Vũ khí bao gồm vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (xem Luật quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ quy định cụ thể từng loại vũ khí). Ngoài ra, người phạm tội có thể sử dụng hung khí nguy hiểm là các loại công cụ phạm tội gây nguy hiểm cao cho sức khỏe con người Theo Tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thì hung khí nguy hiểm bao gồm: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn...; Về vật mà người phạm tội chế tạo ra: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ... ; Về vật có sẵn trong tự nhiên: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt. Hung khí nguy hiểm còn là công cụ lao động, sản xuất hàng ngày có tính nguy hiểm cao mà người phạm tội sử dụng để cố ý gây thương tích cho người khác như: liềm, cuốc, xẻng. Khi áp dụng tình tiết này cần xác định người phạm tội dùng hung khí đó tác động vào phần nào của trên cơ thể cũng như ý thức chủ quan của người phạm tội có cố ý gây thương tích hay không. Nếu hung khí nguy hiểm nhưng người phạm tội cố ý nhằm vào khu vực không nguy hiếm đê tác động hoặc khi tác động không có ý thức gây thương tích nhưng vô ý gây thương tích cho nạn nhân thì không áp dụng tình tiết này. Ví dụ: A gây thương tích cho B tỷ lệ thương tích được xác định là 5% nhưng A dùng hung khí nguy hiểm A đã phạm tội cố ý gây thương tích theo quy định của Điều này. Tuy nhiên, nếu gây thương tích nhưng hậu quả không có thương tích (thương tích 0%) thì không cấu thành tội phạm cho dù có các tình tiết quy định từ điểm a đến Điểm k Khoản 1 Điều này. Về tình tiết Thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người có thể kể đến như dùng bom xăng tấn công vào đám đông...
- b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm: Hóa chất nguy hiểm (được định nghĩa tại Khoản 4 Điều 4 Luật Hóa chất) là hóa chất có một hoặc một số đặc tính nguy hiểm sau: Dễ nổ; Ôxy hóa mạnh; Ăn mòn mạnh; Dễ cháy; Độc cấp tính; Độc mãn tính; Gây kích ứng với con người; Gây ung thư hoặc có nguy cơ gây ung thư; Gây biến đổi gen; Độc đối với sinh sản; Tích luỹ sinh học; Ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ; Độc hại đến môi trường. Để xác định có phải là axit hoặc hóa chất gì thì phải trưng cầu giám định. Tuy nhiên, quy định về a-xít nguy hiểm chưa có hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn trong việc áp dụng.
- c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ: Đối với người dưới 16 tuổi cần căn cứ vào giấy khai sinh, sổ hộ khẩu hoặc chứng minh nhân dân, căn cước công dân để xác định độ tuổi. Đối với trường hợp phụ nữ có thai, có thể do người phạm tội nhận biết được hoặc nghe người khác nói. Việc xác định có thai hay không phải căn cứ và kết luận của bác sĩ. Chỉ khi tội phạm biết và đủ căn cứ để biết được rằng người phụ nữ này đang mang thai mà vẫn thực hiện hành vi phạm tội thì mới thuộc trường hợp này. Người ốm đau là người đang bị bênh tật, có thể điều trị ở bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân hoặc tại nhà riêng của họ. Người không có khả năng tự vệ như người bị tật nguyền; thương binh nặng…Theo hướng dẫn tại tiểu mục 2.4 Mục 2 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì “Người già” là người tử 70 tuổi trở lên, còn theo hướng dẫn tại điểm a, tiểu mục 4.1 Mục 4 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao thì “Người quá già yếu” là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm. Khái niệm “Người già yếu” đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
- d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình: Là những người có quan hệ ruột thịt hoặc nuôi dưỡng, dạy dỗ đối với người thực hiện hành vi. Quy định này đề cao giá trị đạo đức trong xã hội trước hành vi phạm tội. Cha mẹ nuôi là người nhận người phạm tội làm con nuôi được pháp luật thừa nhận. Người nuôi dưỡng là chăm sóc, quản lý, giáo dục như vai trò của bố mẹ mình. Thầy giáo, cô giáo của mình là người trực tiếp giảng dạy mình về văn hóa, chuyên môn, nghề nghiệp… Về tình tiết “phạm tội đối với thầy giáo, cô giáo của mình” xem thêm hướng dẫn tại mục 3.3 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đối với tình tiết “người chữa bệnh cho mình”: Có thể được hiểu là Bác sỹ, Y tá…đang chữa bệnh cho đối tượng thực hiện hành vi cố ý gây thương tích…Vậy, người “đã chữa bệnh cho mình”, “chuẩn bị chữa bệnh cho mình” có được xem là“đối với người chữa bệnh cho mình” hay không.
- đ) Có tổ chức: Là trường hợp phạm tội có từ hai người trở lên khi thực hiện tội phạm giữa họ có sự phân công trách nhiệm và cấu kết chặt chẽ với nhau tức là trường hợp có nhiều người cố ý cùng bàn bạc, câu kết chặt chẽ với nhau, vạch kế hoạch, chuẩn bị công cụ phương tiện để thực hiện hành vi cố ý gây thương tích, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu. Cố ý gây thương tích có tổ chức là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia, trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu.
- e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn: Là hành vi cố ý gây thương tích của những người có chức vụ, quyền hạn nhưng không liên quan đến công vụ của người đó.
- g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Đây là những đối tượng đang bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đang chấp hành án hình sự hoặc chấp hành các biện pháp hành chính nhưng lại có hành vi cố ý gây thương tích trong cơ sở giam giữ, quản lý. Các đối tượng này đang thuộc diện kiểm soát, phải có thái độ tôn trọng pháp luật cao nhất.
- h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê: Người thuê và người được thuê gây thương tích cho người khác đều được coi là nghiêm trọng hơn trường hợp gây thương tích bình thường, nên người bị hại chỉ bị thương tích hoặc tổn hại đến sức khỏe dưới 11% thì người phạm tội đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự.
- i) Có tính chất côn đồ: phạm tội có tính chất côn đồ là trường hợp thực hiện tội phạm có tính chất hung hãn cao độ, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác; gây thương tích không có nguyên cớ hoặc phạm tội vì lý do nhỏ nhặt; đâm, đánh dã man…Theo Công văn số 38/ NCPL ngày 06-01-1976 của Toà án nhân dân tối cao và Kết luận của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại Hội nghị tổng kết ngành Tòa án năm 1995, phạm tội có tính chất côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người.
- k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân: Trong trường hợp phạm tội này người phạm tội gây thương tích cho nạn nhân là để cản trở việc thi hành công vụ của họ hoặc vì lý do công vụ của người khác mà gây ra thương tích.
Cũng có trường hợp (theo quy định tại Điều 155 Bộ luật TTHS) người có hành vi cố ý gây thương tích đủ cấu thành tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS (tội phạm ít nghiêm trọng), tuy nhiên người đó cũng không bị xử lý hình sự do bị hại không có yêu cầu khởi tố vụ án hình sự (nên không khởi tố VAHS được) hoặc đã yêu cầu khởi tố VAHS nhưng sau đó rút yêu cầu (nên vụ án phải đình chỉ).
Ví dụ: P chung sống như vợ chồng với K. Đầu tháng 8/2020, K và Đ phát sinh mâu thuẫn trong việc bán hàng online. Ngày 2/8/2020, P và K gọi điện cho Đ hẹn gặp nhau để giải quyết mâu thuẫn nhưng không gặp được. Sau đó P nói A và B đến nhà Đ đánh dằn mặt. Ngày 3/8/2020, A đi xe máy chở B đến nhà Đ, B dùng tuýp sắt đánh vào chân bà N (mẹ của Đ) làm bà N bị thương tích, tổn hại 1% sức khỏe. P và A, B bị VKS huyện Đ truy tố về tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại điểm a, i khoản 1 Điều 134. Tuy nhiên bị hại trong vụ án là bà N đã rút đơn yêu cầu khởi tố và đề nghị Tòa án đình chỉ việc đưa ra xét xử 3 bị cáo trong vụ án. Căn cứ quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, TAND huyện Đ đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Ngoài ra, khoản 6 Điều 134 của Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
Ví dụ: Do có mâu thuẫn từ trước nên nhóm đối tượng A bàn bạc chuẩn bị các loại hung khí như búa, dao, kiếm, tuýt sắt...nhằm mục đích tấn công gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Khi đang trên đường đi gây án thì bị CA phát hiện, ngăn chặn. Trường hợp này nhóm đối tượng A sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích.
III. Mặt chủ quan của tội phạm
- Về Mục đích phạm tội: là gây ra những tổn hại sức khỏe có thể nhìn thấy được về vật chất, tinh thần cho nạn nhân. So với tội giết người, thì sự cố ý trong trường hợp gây thương tích mức độ nguy hiểm có thấp hơn, vì người phạm tội chỉ mong muốn hoặc để mặc cho nạn nhân bị thương, bị tổn hại đến sức khoẻ chứ không mong muốn nạn nhân chết.
IV. Chủ thể của tội phạm
Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3, 4 và Khoản 5 điều này (tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng).
V. Hình phạt
- Khoản 1 (tội phạm ít nghiêm trọng): mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm (Các tình tiết định khung ở khoản này đã được bình luận trong phần Mặt khách quan của tội phạm)
- Khoản 2 (tội phạm nghiêm trọng): Mức phạt tù từ 02 năm đến 06 năm, gồm có các tình tiết định khung:
- a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
- b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
- c) Phạm tội 02 lần trở lên: người thực hiện tội phạm đã phạm cùng một tội chứa mại dâm từ 02 lần trở lên, mà nếu tách riêng mỗi lần đó thì đều có đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 327 và chưa lần nào bị đưa ra xét xử, được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, miễn chấp hành hình phạt, xóa án tích hoặc đã chấp hành xong hình phạt.
- d) Tái phạm nguy hiểm: Theo quy định tại khoản 2 Điều 53 BLHS thì người phạm tội bị coi là tái phạm nguy hiểm nếu: 1. Đã bị kết án về tội CYGTT (theo khoản 3, 4, 5 Điều 134 BLHS) hoặc tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội CYGTT (theo khoản 3, 4, 5 Điều 134); 2. Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội CYGTT.
- đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 nói trên.
- Khoản 3 (tội phạm rất nghiêm trọng): Mức phạt tù từ 05 năm đến 10 năm, gồm có các tình tiết định khung:
- a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
- b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
- c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
- d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
- Khoản 4: phạt tù từ 07 năm đến 14 năm
- Khoản 5: phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân
- Khoản 6: quy định đối với người chuẩn bị phạm tội này, với khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
VI. Bồi thường thiệt hại
Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại bao gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
- Thiệt hại khác do luật quy định.
VII. Phân biệt tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người và tội giết người
Tội giết người (Điều 123) và Tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người (Điều 134) quy định trong BLHS năm 2015 trong thực tiễn việc xác định hai tội danh này rất mong manh và tồn tại nhiều ý kiến, quan điểm và cách giải quyết khác nhau, vì vậy việc phân tích đánh giá các vấn đề cần làm rõ trong hai tội phạm này là rất cần thiết. Qua thực tiễn nghiên cứu giải quyết hai tội này cũng như các quy định của pháp luật hiện hành có thể xác định một số nội dung sau đây để nhằm phân biệt hai tội danh này bao gồm:
Trong vụ án có đồng phạm, nếu chứng minh được ý thức chủ quan của người chủ mưu là chỉ thuê người khác gây thương tích cho người bị hại mà không có ý định tước đoạt tính mạng của họ (người chủ mưu chỉ yêu cầu gây thương tích ở chân, tay của người bị hại mà không yêu cầu tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể có khả năng dẫn đến chết người); người thực hành cũng đã thực hiện theo đúng yêu cầu của người chủ mưu; việc nạn nhân bị chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người chủ mưu thì người chủ mưu phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người”. Còn nếu chứng minh được ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội là tước đoạt tính mạng của người khác thì phạm tội giết người.
Ví dụ: Nguyễn Văn A sinh năm 1991 và Trần Thành L sinh năm 1987, cùng cư trú tại khu phố 2, phường 4, Quận K, thành phố N, giữa hai người có xảy ra mâu thuẫn, ngày 27/9/2017 khi gặp nhau tại quán café KN giữa hai đã có xô xát, Nguyễn Văn A đã đấm Trần Thành L ngã xuống nền, mặc dù được mọi người can ngăn nhưng A đã xô những người ngăn cản và nói “Nếu ai còn tiếp tục can thì sẽ đánh người đó?” A tiếp tục tấn dùng chân đá 03 phát vào đầu L, mọi người tiếp tục can ngăn nhưng A vẫn lao vào đánh L và đá liên tiếp vào bụng L cho đến khi bất tỉnh, sau đó L đã chết trên đường đi cấp cứu. Trong tình huống trên rõ ràng các hành vi của A có mức độ tấn công liên tục, cường độ tấn công mạnh, tuy mọi người can ngăn nhưng A vẫn tấn công điều này thể hiện được hành vi của Nguyễn Văn A là hành vi Giết người. Như vậy, việc căn cứ vào mức độ tấn công nhanh hay chậm, cường độ tấn công mạnh hay yếu để nhằm xác định đâu là hành vi phạm tội Giết người và hành vi Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người là dấu hiệu quan trọng để nhằm phân biệt hai tội danh này.
- Xác định vị trí tác động trên cơ thể: Để nhằm phân biệt hai loại tội phạm này trong thực tiễn cần căn cứ vào vị trí tấn công trên cơ thể, có thể xác định các vị trí như vùng đầu, vùng ngực, bụng….đây được xem là những vị trí trọng yếu trên cơ thể. Tội giết người: Thường là những vị trí trọng yếu trên cơ thế như vùng đầu, ngực, bụng,...Tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người: Thường là những vị trí không gây nguy hiểm chết người như vùng vai, tay, chân, v.v...Ngoài ra khi xác định các vị trí trọng yếu của cơ thể con người cần kết hợp với việc xác định các yếu tố khác như cường độ tấn công, mức độ tấn công, hung khí sử dụng…
- Xác định hung khí, vũ khí sử dụng hoặc các tác nhân khác: Việc xác định vũ khí, hung khí tấn công như súng, dao, gậy…cũng là yếu tố quan trọng nhằm phân biệt hai tội này.
- Trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người tất yếu xảy ra và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Biểu hiện ý thức này ra bên ngoài thường được biểu hiện bằng những hành vi như: chuẩn bị hung khí (phương tiện), điều tra theo dõi mọi hoạt động của người định giết, chuẩn bị những điều kiện, thủ đoạn để che giấu tội phạm... (lỗi cố ý trực tiếp)
- Trước khi có hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội chỉ nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra chứ không chắc chắn nhất định xảy ra vì người phạm tội chưa tin vào hành vi của mình nhất định sẽ gây ra hậu quả chết người. Bản thân người phạm tội cũng rất mong muốn cho hậu quả xảy ra, nhưng họ lại không tin một cách chắc chắn rằng hậu quả ắt xảy ra.
- Trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng của người khác, người phạm tội cũng chỉ thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra tuy không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra, hậu quả xảy ra người phạm tội cũng chấp nhận.(lỗi cố ý gián tiếp)
Điểm khác nhau cơ bản là trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác là người phạm tội chỉ mong muốn hoặc bỏ mặc cho hậu quả gây thương tích xảy ra. Còn trường hợp phạm tội giết người chưa đạt là người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra, hậu quả chết người không xảy ra là ngoài ý muốn của họ.
Tham khảo: Bình luận tội giết người - Điều 123 Bộ luật hình sự 2015
VIII. Xác định yếu tố đồng phạm trong tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác
Chế định đồng phạm quy định trong Bộ luật hình sự có hai loại mà theo khoa học luật hình sự gọi là đồng phạm giản đơn và đồng phạm phức tạp (phạm tội có tổ chức).
Sau khi vụ án xảy ra có nhiều quan điểm khác nhau về cách giải quyết:
Quan điểm thứ hai: Nguyễn Văn A phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104 BLHS còn Trần Thanh E không đồng phạm với Nguyễn Văn A vì khi A dùng tay đấm vào mặt O khiến O ngã và đập đầu xuống nền nhà, sau đó E mới đến đá vào tay O. Lúc đó, mặc dù E không có hành vi ngăn cản A nhưng cũng không có nghĩa rằng E đã thống nhất ý chí cùng với A để tước đoạt tính mạng của anh O.
Qua vụ án trên và thực tiễn nghiên cứu vấn đề đồng phạm trong tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người cho thấy:
Thứ nhất: Việc xác định hành vi thúc đẩy cái chết là yếu tố rất quan trọng. Theo Từ điển Tiếng Việt thì “Thúc đẩy là kích thích, tạo điều kiện, động lực cho hoạt động, phát triển mạnh hơn theo một hướng nhất định nào đó”, như vậy, hành vi được xem là thúc đẩy trong tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người thì hành vi đó phải là hành vi xảy ra sau và hành vi đó phải tác động trực tiếp lên chỗ mà hành vi trước đó đã gây ra. Đối với tình huống trên thì hành vi của E mặc dù diễn ra sau nhưng E không đá vào đầu O mà đá trúng vào tay, vì trong kết luận giám định thì nguyên nhân cái chết là do chấn thương sọ não, hành vi của E nếu đá trúng vào đầu thì có thể kết luận cú đá đó giúp thúc đẩy nhanh cái chết.
Thứ hai: Căn cứ theo quy định của BLHS thì đồng phạm của hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người là trường hợp có hai người trở lên (đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm) cùng thực hiện hành vi cố ý gây thương tích. Mỗi người tham gia đều biết những người kia cũng có hành vi cố ý gây thương tích như mình. Nếu chỉ biết mình có hành vi cố ý gây thương tích mà không biết người cũng có hành vi đó thì không có đồng phạm. Hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người thì dấu hiệu mục đích cũng là dấu hiệu quan trọng để xác định có đồng phạm hay không.
Trong tình huống nêu trên giữa hai hành vi của Nguyễn Văn A và Trần Thanh E độc lập nhau tuy cùng tác động đến một đối tượng là anh O nhưng E hoàn toàn không biết giữa Nguyễn Văn A và Huỳnh Văn O có xảy ra mâu thuẫn trước đó. Nguyễn Văn A hoàn toàn không biết rằng Trần Thanh E cũng tham gia đánh O vì hành vi của E diễn ra sau khi hành vi đánh O của A đã kết thúc. Mục đích của Nguyễn Văn A và Trần Thanh E đến là để uống cafe.
Thứ ba: Giữa những người phạm tội đó có sự bàn bạc, thống nhất trước khi thực hiện tội phạm hoặc có sự tiếp nhận về mặt ý chí giữa những người phạm tội. Tiếp nhận ý chí là sự ăn ý hiểu ý giữa những người thực hiện hành vi phạm tội, tức là không cần bàn bạc nhưng những người phạm tội vẫn cùng nhau thực hiện tội phạm.
Trong tình huống nêu trên thì sau khi A đấm vào mặt O và ngã đập đầu xuống đất thì E đã lao vào đá O, hành vi của E có yếu tố của việc tiếp nhận ý chí vì E nhận thấy rằng khi A đánh O và bị mọi người can ngăn nhưng vẫn lao vào để đánh O và E biết rằng hành vi của mình và A là vi phạm pháp luật và có thể gây thương tích cho người khác nhưng E vẫn thực hiện. Tuy nhiên thời điểm hình thành việc tiếp nhận ý chí: Việc tiếp nhận về mặt ý chí của E được hình thành sau khi hành vi phạm tội của người thực hành là Nguyễn Văn A đã hoàn thành không phải là đồng phạm. Vì vậy E hoàn toàn không đồng phạm trong tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.
XIX. Phân biệt Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tình tiết “Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân” và tội Chống người thi hành công vụ
Để xác định chính xác tội danh, cần phân biệt như sau:
Thứ nhất, Xác định khách thể của tội phạm. Cả hai tội phạm này có khách thể hoàn toàn khác nhau, đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác khách thể là quyền được pháp luật bảo vệ về sức khỏe của con người bị kẻ phạm tội xâm phạm, còn khách thể của tội chống người thi hành công vụ là xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ và thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công. Tuy nhiên cả hai tội phạm này có đặc điểm chung đó là xâm phạm đến đối tượng là con người.
Thứ hai, Xác định mục đích thực hiện tội phạm. Trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi với mục đích là cố ý gây thương tích cho người khác nhưng đang thực hiện thì có sự xuất hiện của người thi hành công vụ và người thi hành công vụ thực hiện công vụ của mình nhằm ngăn cản hành vi phạm tội nhưng người phạm tội không chấp hành mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi cố ý gây thương tích cho người khác nhưng đã gây ra thiệt hại về sức khỏe cho người thì hành công vụ dưới 11% thì trong trường hợp này truy cứu TNHS về tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết “Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân". Có thể hiểu hậu quả dưới 11% đối với người thi hành công vụ là nằm ngoài ý chí chủ quan của người phạm tội, vì mục đích của người phạm tội là thực hiện tội phạm khác. Ví dụ: Nguyễn Văn A đang hành hung Đoàn Văn E thì Cảnh sát trật tự đang làm nhiệm vụ xuất hiện nhằm ngăn cản hành vi của A, sau đó A xô ngã một đồng chí cảnh sát để tiếp tục tấn công Đoàn Văn E, thì trong trường hợp này nếu đồng chí cảnh sát bị thương tích dưới 11% thì sẽ xử lý về hành vi Cố ý gây thương tích với tình tiết là “Đối với người thi hành công vụ”. Trong tình huống trên mục đích ban đầu của A là gây thương tích cho E nhưng sau đó bị cảnh sát ngăn cản nên A mới gây ra thương tích cho cảnh sát đang thi hành công vụ. Rõ ràng hai hành vi cố ý gây thương tích và hành vi chống người thi hành công vụ thực hiện song song nhưng hậu quả chỉ gây ra một thiệt hại về sức khỏe dưới 11% cho người thi hành công vụ, thì sẽ phạm tội cố ý gây thương tích với tình tiết “Đối với người thi hành công vụ”.
X. Về xử lý hành chính, dân sự đối với cố ý gây thương tích
Trong trường hợp hành vi cố ý gây thương tích nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. (điểm b khoản 3 Điều 7)
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. (điểm a khoản 5 Điều 7)
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình. (khoản 1 Điều 52)
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình. (điểm a khoản 2 Điều 52)./.
Cho tôi hỏi, em trai tôi bị đám bạn gồm 3 người đánh, truy đuổi nó. Dẫn tới thương tích 15% . Nhưng trong quá trình đó em tôi có phản kháng lại bằng gậy gỗ khiến 1 bạn trong đó cũng gây thương tích 13%. Vậy trường hợp này em tôi bị vào tội cố ý gây thương tích ko ạ. Vì nó chỉ phản kháng sau khi bị đánh
Trả lờiXóaTrường hợp em trai của bạn vẫn bị truy cứu TNHS về tội cố ý gây thương tích, nhưng có thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ: "Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra".
Xóa