Bình luận phần chung Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi 2017) - Chương II: Hiệu lực của Bộ Luật hình sự.
Sau đây là bình luận khoa học về phần chung của Bộ luật hình sự. Xem thêm:
Chương II: HIỆU LỰC CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ
Điều 5. Hiệu lực của Bộ luật Hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Bộ luật Hình sự áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Bình luận:
Về nguyên tắc, mọi hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam thì đều áp dụng BLHS Việt Nam. Lãnh thổ Việt Nam ở đây phải được hiểu bao gồm: Vùng đất, vùng biển và vùng trời được xác định theo quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Riêng đối với phần lãnh thổ di động (tàu bay, tàu biển) thì phạm vi áp dụng của BLHS còn được mở rộng hơn ở chỗ không chỉ hành vi phạm tội được thực hiện trên các phương tiện đó mà nếu hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên phương tiện đó thì vẫn áp dụng quy định của BLHS Việt Nam mặc dù hành vi phạm tội có thể xảy ra ngoài tàu bay, tàu biển.
Tuy nhiên, nguyên tắc trên có một ngoại lệ duy nhất là đối với những người phạm tội được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự. Những đối tượng này được xác định căn cứ vào quy định của pháp luật Việt Nam, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tập quán quốc tế. Trường hợp này sẽ không áp dụng quy định của BLHS mà trách nhiệm hình sự của họ sẽ được giải quyết theo quy định tại các Điều ước quốc tế, tập quán quốc tế hoặc bằng con đường ngoại giao.
Như vậy, có thể thấy hiệu lực về không gian của BLHS là rất rộng và áp dụng đối với tất cả các đối tượng kể cả là người nước ngoài, người không quốc tịch. Chỉ một phần rất nhỏ những đối tượng được hưởng quyền miễn trừ như đã nêu mới không chịu sự điều chỉnh của Bộ luật này.
Bộ luật Hình sự không quy định cụ thể các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người nước ngoài phạm tội trong lãnh thổ Việt Nam mà căn cứ xác định việc không truy cứu trách nhiệm hình sự là đặc quyền ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo quy định của pháp luật hoặc theo tục lệ quốc tế , trên quan hệ bình đẳng của các nước trong quan hệ quốc tế. Thông thường, những người được hưởng đặc quyền ngoại giao là những người đứng đầu nhà nước, những đại diện ngoại giao, các thành viên của các đoàn ngoại giao như cố vấn, bí thư,... còn theo tục lệ quốc tế thì vợ hoặc chồng, con dưới 18 tuổi của những người này cũng được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự. Thực tiễn cho thấy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam tuy phức tạp nhưng đều được giải quyết hợp tình, hợp lý, đặc biệt đối với những người có đặc quyền ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự.
Người có đặc quyền ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam, nhưng họ có thể vẫn bị truy tố trách nhiệm hình sự theo pháp luật của nước mà họ mang quốc tịch, thậm chí họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam nếu Điều ước quốc tế quy định hoặc thông qua con đường ngoại giao, nhà nước mà họ mang quốc tịch và nhà nước Việt Nam thỏa thuận sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam.
Điều 6. Hiệu lực của Bộ luật Hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này.
Quy định này cũng được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam.
2. Người nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển không mang quốc tịch Việt Nam đang ở tại biển cả hoặc tại giới hạn vùng trời nằm ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định.
Bình luận:
Điều luật này bao gồm 3 Khoản và cả 3 Khoản này đều có một điểm chung là có thể áp dụng BLHS chứ không phải là sẽ áp dụng BLHS. Kỹ thuật lập pháp tại điều này hoàn toàn khác với quy định tại Điều 5. Vấn đề cốt lõi là ở chỗ những hành vi phạm tội tại điều này đều là những hành vi nằm ngoài lãnh thổ của nước CHXHCN Việt Nam. Bởi vì nằm ngoài nên khả năng áp dụng BLHS để giải quyết cũng cực kỳ hạn chế vì khả năng cao hành vi đó sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật hình sự của một quốc gia nào đó nếu hành vi phạm tội xảy ra trên lãnh thổ của quốc gia vì quốc gia nào cũng đề cao chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia đối với lãnh thổ của mình.
Như vậy tóm tắt lại những trường hợp có thể áp dụng BLHS trong Điều luật này như sau:
- Chủ thể phạm tội là công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam
- Hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc của nước CHXHCN Việt Nam
- Theo quy định của điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên
Một số lưu ý:
- Công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật hình sự. Ví dụ: A là cán bộ công ty xây dựng thuộc Bộ giao thông vận tải, trong một chuyến công tác tại nước Lào đã vận chuyển 0.7 kg heroin. Khi làm thủ tục tại sân bay thì bị bắt. Như vậy, tuy hành vi này của A là thực hiện ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam nhưng A vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự Việt Nam.
- Người không quốc tịch thường trú tại nước ta mà phạm tội thì cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Người không quốc tịch là người chưa bao giờ mang quốc tịch của bất kỳ quốc gia nào hoặc người đã thôi quốc tịch nhưng chưa nhập quốc tịch nước khác.
- Người nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự trong trường hợp hành vi phạm tội xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên.
Điều 7. Hiệu lực của Bộ luật Hình sự về thời gian
1. Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện.
2. Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
Bình luận:
Nguyên tắc, chỉ áp dụng quy định của pháp luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện. Nguyên tắc này hoàn toàn đúng bởi vì chúng ta không thể bắt buộc một cá nhân nào đó phải biết được hành vi của mình là phạm tội hay không cho đến khi chúng ta chỉ ra được hành vi đó đã được quy định tại Điều, Khoản, Điểm, Tiết… nào của BLHS và quy định đó đang có hiệu lực thi hành (có giá trị áp dụng).
Xã hội luôn biến động và cách nhìn nhận của nhà lập pháp, của xã hội cũng sẽ thay đổi theo thời gian. Do đó, trong một số trường hợp sự nguy hiểm của hành vi phạm tội sẽ giảm dần theo thời gian nhưng trong những trường hợp ngược lại tính chất nguy hiểm của hành vi nào đó sẽ tăng dần theo thời gian. Vì vậy cho nên các quy phạm pháp luật hình sự cũng không ngừng biến động theo, một số tội phạm sẽ không còn (mất hẳn hoặc chuyển xuống xử lý vi phạm hành chính), một số loại tôi phạm mới sẽ phát sinh.
Nhằm đảm bảo pháp luật là công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội để quan hệ đó ổn định và phát triển theo đúng định hướng, nguyên tắc trên cũng phải tồn tại ngoại lệ (như một lẽ tất yếu), thể hiện tính mềm dẻo và chính sách nhân đạo của nhà nước.
Ngoại lệ này cho phép áp dụng những quy định mà tại thời điểm thực hiện hành vi, quy định đó vẫn chưa có hiệu lực thi hành, cụ thể trong các trường hợp sau:
- Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng;
- Quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới;
- Mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích;
- Quy định khác có lợi cho người phạm tội.
Đặc điểm chung của các quy định trên là nếu áp dụng các quy định mới (chưa có hiệu lực vào thời điểm xảy ra hành vi phạm tội nhưng đã có hiệu lực tại thời điêm xét xử) thì sẽ có lợi hơn cho người phạm tội. Người phạm tội có thể sẽ không còn phạm tội hoặc phải chịu một mức hình phạt nhẹ hơn.
Trong trường hợp ngược lại thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành (Khoản 2).
- Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới;
- Hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích;
- Quy định khác không có lợi cho người phạm tội;
Thực ra quy định này có vẻ hơi thừa vì nó không hề khác với nguyên tắc điều luật được áp dụng phải là điều luật đang có hiệu lực pháp luật vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội quy định tại Khoản 1. Tuy vậy, việc hơi thừa này thực ra cũng xuất phát từ sự cẩn trọng của nhà lập pháp. Quy định rõ ràng nhưng nhiều khi những cơ quan tiến hành tố tụng lại không áp dụng một cách chính xác, đúng đắn và thống nhất. Hiện tượng oan sai vẫn còn diễn ra nhiều. Cho nên việc tái khẳng định rằng những quy định theo hướng bất lợi cho người phạm tội thì không được phép áp dụng khi hành vi xảy ra trước thời điểm quy định đó có hiệu lực vẫn rất có giá trị thực tiễn.
Hiệu lực về thời gian của Bộ luật Hình sự 2015 được phân tích cụ thể như sau:
Thứ nhất, điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện.
Điều này có nghĩa là, một hành vi phạm tội được thực hiện tại thời điểm nào thì phải áp dụng điều luật đang có hiệu lực tại thời điểm đó để áp dụng. Ví dụ: Bộ luật hình sự 2015 quy định về việc xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Thì năm 2016 tại thời điểm Bộ luật hình sự năm 1999 vẫn có hiệu lực, Công ty A có hành vi thỏa mãn cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015. Trong trường hợp này sẽ áp dụng điều luật có hiệu lực thi hành áp dụng tại thời điểm này thì sẽ áp dụng Bộ luật hình sự 1999 chứ không phải Bộ luật hình sự 2015.
Theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 về hiệu lực thi hành Bộ luật Hình sự 2017 có quy định tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phut ngày 01/01/2018. Việc quy định vấn đề này là phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật theo quy định hiện hành.
Thứ hai, Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
Trong pháp luật hình sự hiện hành không áp dụng hiệu lực hồi tố đối với điều luật mới không có lợi cho người phạm tội. Nghị quyết số 41/2017/QH14 có nêu rõ, tội phạm mới quy định tại Điều 147,154, 167, 187, 212, 213, 214, 216, 217, 218, 219, 220, 221, 222, 223, 224, 230, 234, 238, 285, 291, 293, 294, 297, 301, 302, 336, 348, 388, 391, 394 và 418 của Bộ luật Hình sự năm 2015; các điều luật bổ sung hành vi phạm tội mới, các điều luật quy định một hình phạt mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới; hạn chế phạm vi miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích; trong trường hợp này vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 để giải quyết.
Thứ ba, điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
- Khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự 2015 được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP với từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, Nghị quyết số 41/2017/QH14 cũng quy định rõ khoản 3 Điều 7 đối với các trường hợp cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích. Trường hợp này thì điều luật có hiệu lực hồi tố, vì tính chất nhân đạo của điều luật, có lợi cho người thực hiện hành vi phạm tội.
- Quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 cũng cũng được áp dụng đối với các điều luật mới quy định tội được tách ra từ các tội ghép trong Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều luật tại Bộ luật Hình sự 1999;
- Các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”, “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”, “đất có diện tích lớn”, “đất có diện tích rất lớn”, “đất có diện tích đặc biệt lớn”, “quy mô lớn” của Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được ấp dụng để khởi tố bị can trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 thì vẫn áp dụng quy địn của Bộ luật Hình sự 1999 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14;
- Đối với hành vi hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật theo quy định tại Điều 149, hành vi kinh doanh trái phép theo quy định tại Điều 159, hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự 1999 để xử lý; trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản ấn, quyết định của tòa án thì không được căn cứ vào việc Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định tội danh hoạt động phỉ, tội danh đăng ký kết hôn trái pháp luât, tội danh kinh doanh trái phép, tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để kháng cáo, kháng nghị theo hướng không phạm tội. Trường hợp người bị kết án đang chấp hành án về tội hoạt động phỏ, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật, tội kinh doanh trái phép, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã chấp hành xong bản án mà vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hinhd sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 ngày 01/01/2018 để giải quyết; nếu sau thời điểm 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, tội kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội danh tương ứng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;
- Đối với những hành vi phạm tội đã có bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật trước 0 giờ 00 ngày 01/01/2018 thì không được căn cứ vào những quy định cảu Bộ luật Hình sự 2015 có nội dung khác với các điều luật đã được áp dụng để tuyên án để kháng nghị giám đốc thẩm; trường hợp kháng nghị dựa vào các căn cứ khác hoặc đã kháng nghị trước ngày 01/01/2018 thì việc xét xử giám đốc thẩm phải tuân theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14;
Các quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại tại Bộ luật Hình sự năm 2015 không áp dụng đối với những hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại, xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018;
- Trường hợp chất thu giữ được là chất ma túy ở thể rắn đã được hòa thành dung dịch, chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng, xái thuốc phiện hoặc thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần quy định tại Điều 248, 249, 250, 251, 251 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì phải xác định hàm lượng chất ma túy có trong dung dịch, xái thuốc phiện hoặc thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần đó làm cơ sở để xác định khối lượng hoặc thể tích chất ma túy thu giữ được. Đối với các trường hợp khác thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14, kể từ ngày Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự 2015 được công bố thì:
- Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình hoặc đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; hình phạt tử hình đã tuyên đối với người thuộc trường hợp này nhưng chưa thi hành án thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân. Đối với người bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ điều kiện quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 40 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì không thi hành án và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân;
- Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự 1999 quy định là tội phạm nhưng Bộ luật Hình sự 2015 không quy định là tội phạm, bao gồm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính; hành vi theo Bộ luật Hình sự năm 1999 là tội phạm nhưng do có sửa đổi, bổ sung, thay thế các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi đó không cấu thành tội phạm nữa. Nếu vụ án đã khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chủ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành phần hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành hành toàn bộ hình phạt;
- Đối với các trường hợp đã áp dụng quy định có lợi của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự 2015 không quy định là tội phạm nuiwax; nếu vụ án đã khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ, chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
- + Không xử lý hình sự đối với người tử đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm không được quy định tại Khoản 2 Điều 12 và khoản 3 Điều 14 của Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm tội các tội mà không được quy định tại khoản 2 Điều 14 của Bộ luật Hình sự 2015; nếu vụ án đã khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người đó đã bị kết án và đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
- Người đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt còn lại theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 thì đương nhiên được xóa án tích;
- Như vậy, nếu nói về hiệu lực của Bộ luật Hình sự thì hiệu lực về thời gian là phức tạp và khó hơn hiệu lực về lãnh thổ hay còn gọi là hiệu lực về không gian. Trên thực tế, cần phải đối chiếu và áp dụng chính xác đồng thời cả hai loại hiệu lực này khi xác định tội phạm và các yếu tố liên quan đến nó.
Ý KIẾN