Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Để bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, BLHS đã quy định tội xâm phạm chỗ ở của người khác.
Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;
c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;
d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
1. Mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi phạm tội
Chỗ ở của công dân được hiểu là bất kỳ nơi nào đang có người cư trú hợp pháp và được cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương thừa nhận. Đây có thể là nơi thường trú, chỗ ở lâu dài (không phân biệt đó là thuộc sở hữu nào như nhà riêng, tập thể, nhà thuê, mượn, hay nơi di động như thuyền của ngư dân…) nhưng cũng có thể là nơi tạm trú (như phòng ở trong khách sạn); có thể là nơi ở cố định hoặc di động, là một tòa nhà gồm cả sân và vườn phụ hay chỉ là một căn phòng hoặc một phần của một phòng, không kể là nhà thuộc sở hữu của họ hay thuê, mượn hoặc ở nhờ.
Hành vi xâm phạm chổ ở của người khác được mô tả cụ thể tại khoản 1 điều 158 BLHS 2015, gồm các hành vi sau:
a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác: là hành vi của người không có thẩm quyền, nhiệm vụ nhưng vì động cơ riêng tư đã tự ý vào lục soát, khám xét, tìm kiếm những gì mà người khám có ý định tìm kiếm trong phạm vi chỗ ở của người khác khi chưa được sự cho phép của pháp luật hoặc hành vi của người có thẩm quyền, nhiệm vụ khám chỗ ở nhưng không chấp hành đúng những quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền ra lệnh, tiến hành khám xét chổ ở (không có lệnh khám xét chỗ ở hoặc tuy có lệnh nhưng lệnh đó không hợp pháp hoặc khi thực hiện việc khám không đúng thủ tục…). Việc khám xét chỗ ở có liên quan đến hành vi phạm tội được tiến hành theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, còn việc khám chỗ ở có liên quan đến hành vi vi phạm hành chính được tiến hành theo Luật xử lý vi phạm hành chính.
Hoạt động khám xét nơi ở của người khác chỉ đúng pháp luật khi tuân thủ quy định tại Điều 192 BLTTHS năm 2015 (Căn cứ khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử) và các quy định tại Điều 193 BLTTHS (Thẩm quyền ra lệnh khám xét); Điều 195 BLTTHS (Khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện). Mọi hành vi khám xét không tuân thủ các quy định trên đều là những hành vi khám xét trái phép.
Ví dụ: Anh H nợ tiền của bà B và bỏ trốn khỏi địa phương. Ngày 20/08 bà B nhận được tin anh H đang trốn ở nhà chị N (chị gái của H) ở cùng địa phương. Bà B đã cùng với hai con trai của mình là T và C đến nhà chị N để tìm anh H. Tuy nhiên khi đến nơi, chị N khóa cửa ngoài, không cho mẹ con bà B vào nhà đồng thời khẳng định H không có ở nhà chị. Mẹ con bà B không tin nên đã lấy xà ben phá cửa nhà chị N, xông vào trong nhà lục lọi khắp nhà chị N để tìm H nhưng không thấy.
b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ: là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ một cách miễn cưỡng, trái với ý muốn của họ, ngoại trừ những trường hợp thực hiện các quyết định về cưỡng chế, thu hồi…theo quyết định của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (ví dụ như cưỡng chế để thi hành một quyết định hợp pháp về nhà ở; cưỡng chế để thi hành bản án dân sự chia tài sản thừa kế hoặc quyết định niêm phong của Ngân hàng để yêu cầu thanh toán nợ...) nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, nếu việc thực hiện các quyết định về cưỡng chế, thu hồi…không tuân thủ các quy định của pháp luật cũng có thể bị truy cứu TNHS về tội danh này.
Hành vi đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ thường do những người không có chức vụ, quyền hạn thực hiện như: Chủ nợ xiết nợ, tranh chấp thừa kế, tranh chấp trong trong quan hệ thuê nhà, muợn nhà… Tuy nhiên, cũng có trường hợp người thực hiện hành vi đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ lại do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, trong trường hợp này chủ yếu do những người thực hiện công vụ trái pháp luật như: Cán bộ thi hành án, cán bộ thi hành quyết định hành chính gây ra.
Ví dụ: Ông H và bà C tranh chấp về quyền sở hữu căn nhà số 53 phố M và khởi kiện ra Tòa án. Theo bản án của Tòa án thì quyền sở hữu căn nhà trên thuộc về bà C. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bà C không làm đơn đề nghị cơ quan thi hành án thi hành bản án mà thuê L và S cầm côn, gậy cùng một số thanh niên xông vào đánh ông H và người ông, buộc gia đình ông phải chuyển đồ đạc ra khỏi nhà.
c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ: Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ. Hành vi này được biểu hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: Dùng thủ đoạn gian dối lừa chủ nhà và gia đình họ ra khỏi chỗ ở rồi chiếm chỗ ở, tự ý dọn đồ của chủ nhà ra ngoài để chuyển đồ đạc của mình vào nhà khi chủ nhà đi vắng rồi ở luôn trong nhà; ngăn cản không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở vào chỗ đang ở…
d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác: Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp. Đây là trường hợp không dọn đồ đạc của chủ nhà ra mà trong lúc chủ nhà đi vắng đã phá khóa, dọn đồ đạc của mình hoặc của người khác mà mình quan tâm vào nơi ở của chủ nhà nhằm mục đích tranh giành một phần diện tích nhà ở.
Ví dụ: Khoảng 06 giờ 30 phút ngày 08/3/2023, sau khi đã sử dụng ma tuý đá, Nguyễn T cầm 02 con dao xông vào nhà của ông Phan Văn D ở khu phố D, phường P, thị xã L. Khi ông D thấy T đang ở trong nhà vệ sinh, ông D yêu cầu ra khỏi nhà nhưng T không ra mà còn đi vào phòng ngủ của gia đình D đóng cửa lại. Khi các đồng chí Cảnh sát khu vực là Lê Văn H1 và Hồ Công B được phân công đến giải quyết vụ việc thì T cầm dao tự chế tấn công, đe dọa chém, rồi đuổi đồng chí H1 và đồng chí B ra khỏi nhà ông D. Sau đó, T đã đóng cửa, chiếm giữ 3 nhà ông D không cho ai vào trong nhà; T mở khoá bình gas xì hơi gas để đe doạ, chống lại lực lượng Công an phường P đến làm nhiệm vụ. Đến khoảng 10 giờ 10 phút cùng ngày, Nguyễn T bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã L bắt giữ.
Hành vi xâm nhập trái phép vào chỗ ở, chiếm giữ chỗ ở của ông D của Nguyễn T đủ yếu tố cấu thành tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác" theo quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 158 Bộ luật Hình sự.
b. Hậu quả và mối quan hệ nhân quả
Hậu quả của tội xâm phạm chỗ ở của công dân là làm cho người khác bị mất chỗ ở, bị ảnh hưởng đến cuộc sống, đến sinh hoạt bình thường của công dân và các thành viên trong gia đình họ hoặc gây ra những thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho người bị hại. Các thiệt hại này, đều có liên quan đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, nếu những thiệt hại không liên quan đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, mà xâm phạm đến các quyền khác thì tuỳ từng trường hợp mà người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng.
Hậu quả từ hành vi xâm hại là tác động trực tiếp tới quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác. Đây là hậu quả phi vật chất, bởi vậy điều luật này được cấu thành hình thức, tức là khi người phạm tội thực hiện hành vi xâm phạm chỗ ở theo mô tả của cấu thành tội phạm là đã thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm chứ không xét hậu quả từ hành vi xâm phạm đó trên thực tế.
2. Chủ thể thực hiện tội phạm
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội xâm phạm chỗ ở của người khác cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12, Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội xâm phạm chỗ ở của người khác, chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm được liệt kê một cách cụ thể và tội xâm phạm chỗ ở của người khác không được liệt kê trong các tội phạm này.
Nói chung chủ thể của tội phạm này là bất kỳ, nhưng trong một số trường hợp người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn nhất định như Bộ đội Biên phòng; Cán bộ kiểm lâm; Cán bộ, chiến sỹ trong các lực lượng vũ trang (Công an, Quân đội). Đối với những người này, thông thường phạm tội trong khi thi hành công vụ, cá biệt có trường hợp vì động cơ cá nhân, lợi dụng công vụ mà xâm phạm chỗ ở của cá nhân.
3. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội xâm phạm chỗ ở của công dân được thực hiện do cố ý (lỗi cố ý phạm tội), tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Người phạm tội xâm phạm chỗ ở của công dân thực hiện hành vi của mình do cố ý trực tiếp (hình thức lỗi cố ý thứ nhất), nhưng cũng có trường hợp người phạm tội chỉ nhận thức được hành vi là trái pháp luật, có thể thấy trước hậu quả của hành vi, không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả xẩy ra (hình thức lỗi cố ý gián tiếp).
Người phạm tội xâm phạm chỗ ở của công dân có nhiều động cơ khác nhau; động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ phạm tội của người phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.
Mục đích của người phạm tội là mong muốn xâm phạm được chỗ ở của người khác. Tuy nhiên, mức độ có khác nhau, có người chỉ mong khám chỗ ở của người khác, có người mong đuổi được người khác ra khỏi chỗ ở, có người mong lấn chiếm được được một phần chỗ ở của người khác.v.v…
4. Khách thể của tội phạm
Tội xâm phạm chỗ ở của người khác là một trong các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân được quy định trong Bộ luật hình sự. Khách thể của tội phạm này là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác, quyền này đã được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 và được cụ thể hoá bởi những quy định khác của pháp luật như quy định của Bộ luật tố tụng hình sự tại Điều 8 (Đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở…); Điều 140 (Căn cứ khám người, chỗ ở…); Điều 141 (Thẩm quyền ra lệnh khám xét); Điều 143 (Khám chỗ ở…). Ngoài quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về khám chỗ ở, Luật xử lý vi phạm hành chính cũng có những quy định về khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở thì cũng được coi như khám chỗ ở theo thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được quy định rất chặt chẽ. Do đó, tội phạm này ngoài việc xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác còn xâm phạm đến các quy định của pháp luật về việc khám xét chỗ ở, địa điểm và xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội.
Đối tượng tác động của tội phạm này là chỗ ở của cá nhân, có thể là nhà ở, ký túc xá, tàu thuyền của ngư dân mà cả gia đình họ sinh sống trên tầu thuyền đó như là nhà ở của mình, cũng có khi chỉ là một túp lều, một chỗ ở gầm cầu, bến tầu, bến xe, vỉa hè của những người sống lang thang cơ nhỡ… Nếu nhà ở, căn hộ do Nhà nước quản lý nhưng chưa có người ở mà người phạm tội có hành vi xâm phạm (phá khoá vào chiếm nhà) thì không phải là xâm phạm chỗ ở của người khác mà tuỳ trường hợp cụ thể mà hành vi xâm phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở.
II. Về hình phạt
- Phạm tội theo khoản 1 điều 158 BLHS 2015 là trường hợp thực hiện 1 trong 4 hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm (từ điểm a đến điểm d) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Thuộc loại tội ít nghiêm trọng.
- Phạm tội rơi vào 1 trong 5 trường hợp tại khoản 2 điều này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, thuộc loại tội nghiêm trọng, bao gồm các trường hợp sau:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
Ví dụ: Từ cuối tháng 12/2022 đến ngày 14/8/2023, Hoa, Mến, Sơn và Trang đều biết rõ chỗ ở (Căn nhà số 5) thuộc Tổ tự quản số 02, xã Phan Lâm của vợ chồng anh Lăng, chị Khuyên cùng 02 người con nhỏ đang ở sinh sống là hợp pháp, không có sự đồng ý của vợ chồng Lăng - Khuyên cũng như không có quyết định cưỡng chế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng Hoa, Mến, Sơn, Trang đã nhiều lần tự ý khóa cửa cổng, cửa nhà, dọn đồ đạc để trong nhà bỏ ra ngoài, đuổi họ ra khỏi nhà và treo bảng bán căn nhà nói trên làm cho vợ chồng Lăng, Khuyên cùng 02 người con nhỏ qua nhà của người quen ở nhờ, không dám tố cáo vì sợ nhóm người của Hoa đánh trả thù. Việc nhóm của Hoa xâm phạm bất hợp pháp chỗ ở của vợ chồng Mang Lăng, Đào Thị Khuyên, gây dự luận xấu trong quần chúng nhân dân, gây phức tạp đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Hoa, Mến, Sơn và Trang đã phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo điểm c, đ khoản 2 Điều 158 BLHS.
d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Ví dụ: Xem trường hợp vụ án của Hoa, Mến, Sơn và Trang nêu trên.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
III. Bất cập và kiến nghị hoàn thiện
1. Những bất cập
* Đối với những chỗ ở bất hợp pháp thì có phải là đối tượng của tội xâm phạm chỗ ở của người khác không?
Mặc dù BLHS năm 2015 đã có nhiều sửa đổi bổ sung so với BLHS năm 1999 tội xâm phạm chỗ ở của người khác, song trong thực tiễn việc xác định thế nào là “Chỗ ở”, thì vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.
Trong cấu thành tội phạm không quy định chỗ ở bị xâm phạm hợp pháp hay chỗ ở bất hợp pháp. Theo Điều 22 Hiến pháp năm 2013:
“1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
3. Việc khám xét chỗ ở do luật định”.
Theo quy định tại Khoản 9 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì chỗ ở được định nghĩa như sau:
“Chỗ ở là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật”.
Theo quy định tại khoản 1 điều 12 Luật cư trú thì "chỗ ở hợp pháp" được khái niệm như sau: "Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật".
Các quy định nêu trên đều xác định chỗ ở hợp pháp, vậy đối với những chỗ ở bất hợp pháp thì có phải là đối tượng của tội phạm này hay không?
Ví dụ: Ngày 25/3/2019 Bà Nguyễn Thị A và ông Trần Văn B có ký kết hợp đồng mua bán nhà nhưng không qua công chứng, giá trị hợp đồng là 2,5 tỷ đồng, ông B đã đưa cho bà A số tiền là 1 tỷ đồng, sau đó đến ngày 20/4/2019 ông Trần Văn B có dọn một số đồ đạc vào nhà để sống và thuê thợ đến để lắp đặt một số trang bị trong nhà, sau đó, chồng bà Nguyễn Thị A là ông Hồ Quang K đã đến và vứt các đồ đạc trong nhà, xô đẩy ông B và các thành viên trong gia đình ra khỏi nhà với lý do ông B chưa trả hết số tiền đã ký trong hợp đồng. Sau đó ông Trần Văn B đã làm đơn tố cáo hành vi của ông Hồ Quang K đã xâm phạm đến chỗ ở của người khác. Vụ án này hiện này tồn tại hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi của ông Hồ Quang K vứt đồ đạc, xô đẩy ông B và các thành viên khác không cho ở đó đã phạm vào tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác” theo Điều 158 BLHS năm 2015, vì ngôi nhà trên ông B và gia đình đã ở và sinh hoạt tại đây, đây được xác định là chỗ ở của ông B.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Hành vi của ông Hồ Quang K vứt đồ đạc, xô đẩy ông B và các thành viên khác không cho ở không phạm tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác” theo Điều 158 BLHS năm 2015, vì, hợp đồng mua nhà giữa Bà Nguyễn Thị A và ông Trần Văn B, không qua công chứng và ông B chưa trả hết tiền nhà cho bà A nên chỗ ở của ông B là bất hợp pháp, vì vậy, hành vi của ông Hồ Quang K không phạm tội là hoàn toàn phù hợp.
Trong BLHS năm 2015 quy định về chỗ ở đây là quy định chung không phân biệt đó là hợp pháp hay là không hợp pháp, việc quy định như vậy sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn cho công dân, còn việc xác định chỗ ở hợp pháp hay không hợp pháp do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định. Nếu ông Hồ Quang K thấy việc ông Trần Văn B ở như vậy là bất hợp pháp thì phải báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định mà không được tự tiện vứt đồ đạc, cản trở ông B và các thành viên gia đình tại chỗ ở của họ. Như vậy, hành vi của ông Hồ Quang K vứt đồ đạc, xô đẩy ông B và các thành viên khác không cho ở đó có dấu hiệu của tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác” theo Điều 158 BLHS năm 2015 là hoàn toàn hợp lý.
* Nhà mua nhưng chưa vào ở thì bị người khác chiếm giữ có phạm tội không?
- Vụ 1: Tháng 5-2018, ông Đinh Văn Hữu (ngụ Tiền Giang) mua căn nhà số 111 Bà Hom (phường 13, quận 6, TP.HCM). Nhà này nguyên thuộc sở hữu của năm đồng thừa kế. Tháng 6/2018, ông Hữu làm xong thủ tục đăng ký sang tên nhà, đất trên. Ngày 12/6/2018, bên bán nhà, đất đã giao nhà, đất cho ông Hữu và bên ông Hữu đã đến nhận nhà, đất. Khi bên ông Hữu nhận xong thì có một nhóm người, trong đó có người là họ hàng của bên bán nhà đã đến gây rối, đồng thời bẻ khóa cửa, cổng rào, chiếm giữ luôn nhà, đất đó cho đến nay. Ông Hữu đã nhiều lần vào nhà để yêu cầu được nhận lại bất động sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình nhưng nhóm người trên đã ngăn cản, không cho ông vào. Ông Hữu gửi đơn tố giác đến công an quận. Ngày 10-2-2019, Công an Quận 6 đã khởi tố vụ án xâm phạm chỗ ở của người khác tại nhà, đất số 111 Bà Hom. VKSND quận 6 cho rằng hành vi nêu trên của những người trong gia đình của người họ hàng chủ nhà cũ chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Với lý do này, VKSND quận 6 đã từ chối phê chuẩn quyết định khởi tố của Cơ quan CSĐT Công an quận 6. VKSND quận 6 cho rằng ông Hữu là chủ sở hữu, sử dụng hợp pháp nhà, đất ở số 111 Bà Hom, phường 13, quận 6, TP.HCM nhưng thực tế chưa ở ngày nào nên những người đang chiếm hữu nhà, đất không hợp pháp không phạm tội này. Do vậy, CQĐT công an quận đã ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án xâm phạm chỗ ở người khác.
- Vụ 2: Tháng 7-2019, ông Lê Thanh Nghị (ngụ Bình Thuận) gửi đơn tố giác vợ chồng ông Phạm Văn Thiền phá khóa vào chiếm giữ căn nhà số 06 Lê Lai (phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết, Bình Thuận) mà ông mới mua. Đây là căn nhà mà ông Nghị mua thông qua Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Phan Thiết để chi cục thực hiện việc chủ nhà phải trả nợ ngân hàng. Ông Nghị đã chuyển toàn bộ số tiền vào tài khoản của Chi cục THADS TP Phan Thiết để ngân hàng xóa thế chấp và giao lại giấy tờ để ông hoàn tất thủ tục sang tên trên sổ hồng. Ngày 8-5-2019, ông Nghị nhận bàn giao căn nhà có sự chứng kiến của đại diện UBND phường Đức Nghĩa và Chi cục THADS TP Phan Thiết. Thế nhưng trong thời điểm giao nhà, có một nhóm người xông vào, cho rằng người chủ trước nữa đã bán nhà cho người phải thi hành án đang thiếu nợ gia đình họ. Đại diện chính quyền địa phương đã giải thích đây là nhà của người phải thi hành án, không còn liên quan gì đến người chủ đời trước và hướng dẫn họ khởi kiện để được giải quyết tranh chấp với người chủ đời trước.
Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Thiết cho biết hành vi của vợ chồng ông Thiền có dấu hiệu phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng theo quy định tại khoản 9 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 1 Điều 12 Luật Cư trú thì chỗ ở của một người là nơi người đó thường xuyên sinh sống. Căn cứ vào đó, cơ quan này cho biết: Căn nhà số 6 Lê Lai mặc dù là tài sản sở hữu hợp pháp của ông Nghị nhưng ông Nghị chưa vào ở ngày nào nên chưa thể xem đó là chỗ ở của ông Nghị. Ngoài ra, ý kiến tại cuộc họp của ba ngành công an, VKS, tòa án chưa thống nhất với nhau về khái niệm chỗ ở. Từ đó, cơ quan công an ra quyết định không khởi tố vụ án.
2. Kiến nghị
Hiện nay pháp luật hình sự không quy định thế nào là “Chỗ ở” nên trong thực tiễn vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau, vì vậy cần sớm có văn bản hướng dẫn thi hành quy định thế nào là “Chỗ ở” và chỉ cần có các hành vi như quy định tại khoản 1 Điều 158 BLHS năm 2015 là có dấu hiệu cấu thành tội phạm mà không quy định đó là chỗ ở hợp pháp hay bất hợp pháp./.
Ý KIẾN