30 câu hỏi đáp về thủ tục nhập khẩu, tách khẩu, khai báo tạm trú, lưu trú

Giải đáp các thắc mắc thường gặp về thủ tục nhập khẩu, tách khẩu, điều chỉnh sổ hộ khẩu cũng như việc khai báo tạm trú, lưu trú...
hoi dap cu tru    Sau đây mình xin tổng hợp các trường hợp hay gặp nhất trong thực tế về thủ tục nhập khẩu, tách khẩu, điều chỉnh sổ hộ khẩu cũng như việc khai báo tạm trú, lưu trú... Các câu hỏi này được trả lời chính thức trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an. Các bạn tham khảo nhé.

A. HỎI - ĐÁP VỀ THỦ TỤC NHẬP KHẨU, TÁCH, CHUYỂN KHẨU, XÓA ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ, ĐIỀU CHỈNH THAY ĐỔI HỘ KHẨU

1. THỦ TỤC NHẬP KHẨU CHO CON

Hiện tôi có hộ khẩu thường trú tại thành phố Lào Cai, hộ khẩu thường trú của vợ tôi ở Phú Thọ, con trai tôi 6 tuổi ở cùng ông bà nội và có hộ khẩu thường trú tại Phú Thọ. Bộ Công an cho tôi hỏi nếu tôi đưa con trai tôi lên thành phố Lào Cai và tôi muốn nhập khẩu cho con tôi vào hộ khẩu của cô ruột tôi ở thành phố Lào Cai có được không? Nếu được tôi cần làm những thủ tục gì? 

TRẢ LỜI 

Tại điều 19 Luật Cư trú quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh “Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú ở tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, nhượng, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản”. Do đó, trường hợp con trai bạn được đăng ký thường trú vào hộ khẩu của cô ruột bạn nếu được chủ hộ đồng ý cho nhập vào hộ khẩu của mình. Tại điểm b, khoản 2, điều 6 Thông tư 35/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú quy định người chưa thành niên nếu không đăng ký thường trú cùng cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ mà đăng ký thường trú cùng với người khác thì phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cả cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã. Thủ tục đăng ký thường trú gồm:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu;
- Giấy chuyển hộ khẩu;
- Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp quy định tại điều 6 Nghị định số 31/2004/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên; trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Văn bản đồng ý của cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ, có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã.
Tải các mẫu khai hộ khẩu trên TẠI ĐÂY

2. VỀ THỦ TỤC CHUYỂN HỘ KHẨU CHO CON

Tôi đang sống tại Quận 7, có một con trai 30 tháng tuổi, đã nhập hộ khẩu tại Quận 7. Do con tôi sắp đến tuổi đi học mẫu giáo, để tiện cho con đi học và đưa đón, tôi muốn chuyển hộ khẩu cho con sang ở cùng ông bà nội có hộ khẩu tại Quận 1. Vậy, tôi phải làm những thủ tục gì?

TRẢ LỜI

Để chuyển hộ khẩu cho con về với ông bà nội, anh Khoa cần liên hệ với Công an quận 7 để làm thủ tục cấp giấy chuyển hộ khẩu. Hồ sơ cấp giấy chuyển hộ khẩu gồm:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Sổ hộ khẩu.
Sau khi được cấp giấy chuyển hộ khẩu, anh Khoa liên hệ với Công an quận 1 để làm thủ tục đăng ký thường trú cho con về với ông bà nội. Hồ sơ đăng ký thường trú gồm:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Văn bản đồng ý cho con đăng ký thường trú về với ông bà nội của vợ chồng anh Khoa có xác nhận của UBND phường nơi cư trú;
- Giấy chuyển hộ khẩu;
- Giấy tờ chứng minh mối quan hệ ông, cháu (giấy khai sinh hoặc xác nhận của UBND phường nơi cư trú);
- Sổ hộ khẩu của ông, bà nội. 
Nếu có vấn đề gì vướng mắc, đề nghị công dân liên hệ trực tiếp với Công an quận 1 để được hướng dẫn chi tiết.

3. THỦ TỤC NHẬP KHẨU THƯỜNG TRÚ VỢ THEO CHỒNG

Con gái tôi sinh năm 1993, trước đây cháu ở cùng tôi tại thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, cháu đã lập gia đình và ở cùng gia đình nhà chồng tại xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng và có Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Con gái tôi muốn nhập hộ khẩu về chung sổ hộ khẩu với gia đình nhà chồng tại xã Hà Lâm và đã chuẩn bị hồ sơ tiến hành thủ tục nhập khẩu thường trú gồm: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu, Bản khai nhân khẩu, Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và Giấy chuyển hộ khẩu của Công an thị trấn Đạ M’ri. Bộ Công an cho tôi hỏi, con gái tôi có cần bổ sung giấy tờ tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để thay thế Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hay không, hồ sơ con gái tôi chuẩn bị như trên đã đầy đủ chưa? Nếu chưa thì con gái tôi cần phải bổ sung thêm những giấy tờ gì?

TRẢ LỜI

Tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 của Bộ Công an quy định về hồ sơ đăng ký thường trú, bao gồm:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Bản khai nhân khẩu;
- Giấy chuyển hộ khẩu;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên; trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình thi không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
Trường hợp có quan hệ gia đình là ông, bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, cháu ruột chuyển đến ở với nhau; người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, người khuyết tật mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với người giám hộ thì không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về mối quan hệ nêu trên.
Vì vậy, trường hợp vợ nhập về với chồng thì không cần xuất trình giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp nhưng phải xuất trình giấy đăng ký kết hôn hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về mối quan hệ vợ chồng. Nếu còn gì vướng mắc đề nghị ông Lự liên hệ với Công an huyện Đạ Huoai để được hướng dẫn cụ thể.

4. CẤP LẠI SỔ HỘ KHẨU BỊ MẤT

Tôi xin hỏi, khi làm mất sổ hộ khẩu thì thủ tục làm lại Sổ hộ khẩu mới như thế nào? Cần liên hệ với cơ quan nào để được giải quyết?
Tôi được hướng dẫn từ công an xã thì cần những thủ tục: Đơn trình bày lý do mất; Giấy tra cứu thông tin những người còn trong hộ khẩu từ công an huyện nơi tôi đang sinh sống. Nhưng những người không còn trong hộ khẩu mà cán bộ công an huyện vẫn ghi vào giấy thông tin tra cứu. Tôi xin hỏi, như vậy đúng hay sai, nếu sai thì tôi phải làm sao để được giải quyết?

TRẢ LỜI

Theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ thì hồ sơ cấp lại Sổ hộ khẩu của công dân bao gồm: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Trường hợp cấp lại sở hộ khẩu tại thành phố, thị xã thuộc tỉnh và quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú vào Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
Đề nghị bạn liên hệ với Công an xã nơi đăng ký thường trú để được giải quyết theo quy định.

5. THỦ TỤC TÁCH SỔ HỘ KHẨU

Chồng tôi muốn tách khẩu ra khỏi sổ hộ khẩu của gia đình để làm một sổ hộ khẩu mới nhưng Công an thị trấn Plêikân, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum nơi chồng tôi cư trú không cho tách khẩu và yêu cầu chồng tôi phải có quyền sử dụng đất mới được tách khẩu. Vậy Bộ Công an cho tôi hỏi như vậy có đúng không? Chồng tôi muốn tách khẩu nhưng vẫn sống chung cùng với bố mẹ thì có được không? Rất mong được Bộ Công an giải đáp. 

TRẢ LỜI

Điều 27 Luật Cư trú về tách sổ hộ khẩu quy định: “Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:
- Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;
- Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3, Điều 25 và khoản 2, Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.”
Như vậy, nếu chồng chị có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu thì được giải quyết tách sổ hộ khẩu trong cùng một chỗ ở hợp pháp (không yêu cầu người tách sổ hộ khẩu phải có chỗ ở hợp pháp khác). Khi đến tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu, phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

 6. VỀ VIỆC THAY ĐỔI NĂM SINH TRONG SỔ HỘ KHẨU

Mẹ ruột tôi sinh năm 1948 nhưng trong quá trình làm sổ hộ khẩu, do nhầm lẫn nên trong sổ ghi năm sinh là 1943. Hiện nay CMND và thẻ bảo hiểm của bà đều ghi năm sinh là 1948. Mẹ tôi nay muốn đổi CMND vì hết hạn sử dụng (quá 15 năm) nhưng khi đi làm lại thì năm sinh trong CMND và sổ hộ khẩu không khớp nên không làm được. Vậy cho tôi hỏi để thay đổi lại năm sinh trong sổ hộ khẩu cho khớp với các loại hồ sơ khác mẹ tôi phải làm thế nào?

TRẢ LỜI

Tại Khoản 2 Điều 29 Luật cư trú ngày 11/7/2013 đã quy định cụ thể: “Trường hợp có thay đổi về  họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh hoặc các thay đổi khác về hộ tịch của người có tên trong sổ hộ khẩu thì chủ hộ hoặc người có thay đổi hoặc người được ủy quyền phải làm thủ tục điều chỉnh. Người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy khai sinh hoặc quyết định được phép thay đổi của cơ quan có thẩm quyền về đăng ký hộ tịch; nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.”
Như vậy, trường hợp của mẹ anh khi đến cơ quan Công an đăng ký thường trú làm thủ tục về việc thay đổi năm sinh trong sổ hộ khẩu thì phải xuất trình giấy khai sinh hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền về đăng ký hộ tịch xác định mẹ anh sinh năm 1948 kèm theo các thủ tục quy định tại Khoản 2 Điều 29 Luật cư trú.

7. HỎI VỀ VIỆC BỔ SUNG TÊN ĐỆM TRONG SỔ HỘ KHẨU, CMND

Mẹ ruột tôi sinh năm 1963, tên trong khai sinh là: Tăng Thị Minh Nhĩ. Năm 1996 trong quá trình làm sổ hộ khẩu, do nhầm lẫn nên trong sổ hộ khẩu ghi tên là Tăng Thị Nhĩ. Năm 2008, vì mất CMND nên mẹ tôi đã làm lại CMND mới, CMND hiện tại tên là Tăng Thị Nhĩ. Nay vì tên trong CMND và tên trong hồ sơ bảo hiểm xã hội không đồng nhất nên mẹ tôi không được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội. Vậy cho tôi hỏi để thay đổi lại tên họ như trong giấy khai sinh cho khớp với các loại hồ sơ khác mẹ tôi phải làm thế nào?

TRẢ LỜI

- Trường hợp công dân vẫn còn giấy khai sinh thì đến cơ quan Công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục điều chỉnh thông tin về tên đệm trong  sổ hộ khẩu trùng khớp với nội dung thông tin về tên đệm trong giấy khai sinh; sau khi đã điều chỉnh được thông tin về tên đệm trong sổ hộ khẩu thì tiến hành thủ tục đổi Chứng minh nhân dân theo quy định. 
- Trường hợp công dân không còn giấy khai sinh, công dân làm thủ tục xin cấp lại giấy khai sinh, sau đó đến cơ quan Công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục điều chỉnh thông tin về tên đệm trong sổ hộ khẩu cho trùng khớp với nội dung thông tin về tên đệm trong giấy khai sinh; sau khi đã điều chỉnh được thông tin về tên đệm trong hộ khẩu thì tiến hành thủ tục đổi Chứng minh nhân dân theo quy định.

8. HỎI VỀ VIỆC NHẬP HỘ KHẨU SAU KHI BỊ XÓA ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ

Trước đây tôi có hộ khẩu tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Năm 2006 tôi chuyển hộ khẩu đến thị xã Tuyên Quang, nay là TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Năm 2008 tôi đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Đến tháng 3/2015 tôi về nước, tháng 7/2015 tôi đến Công an TP Tuyên Quang xin chuyển hộ khẩu về huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ thì được Công an TP Tuyên Quang thông báo là tôi đã bị xoá hộ khẩu tại Tuyên Quang. Tôi tìm gặp chủ hộ gia đình trước đây đã cho tôi nhập khẩu vào hộ của gia đình họ thì được cho 1 bản phô tô sổ hộ khẩu gia đình trong đó có tên của tôi ở trang 5 nhưng đã bị xoá đăng ký thường trú ngày 05/05/2015 với lý do ra nước ngoài sinh sống. Hiện giờ tôi chưa có đăng ký thường trú vào đâu, tôi muốn nhập khẩu vào hộ bố mẹ tôi ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ thì tôi phải làm gì?

TRẢ LỜI

Trường hợp anh muốn đăng ký thường trú vào hộ khẩu bố, mẹ ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ thì hồ sơ đăng ký thường trú được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 35-2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 của Bộ Công an. Tuy nhiên, vì anh đã bị xóa đăng ký thường trú tại thị xã Tuyên Quang thì giấy chuyển hộ khẩu được thay thế bằng xác nhận của cơ quan Công an nơi đăng ký thường trú cũ về việc đã bị xóa đăng ký thường trú.

9. HỎI VỀ VIỆC BỊ XÓA TÊN KHỎI HỘ KHẨU

Tôi là Nguyễn Văn Toán, sinh năm 1980, ở Khu 9, xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Cách đây 7 năm, tôi đi khỏi xã Cấp Dẫn (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) sang xã Tạ Xá để lao động. Vì không còn giấy tờ tùy thân nên xã Tạ Xá không cho tôi nhập hộ khẩu. Sau 4 năm, tôi quay về xã Cấp Dẫn thì được biết mình đã bị xóa khẩu, chính quyền xã trả lời, tôi bị xóa tên không thuộc diện quản lý của xã nên xã không có trách nhiệm. Vậy để có được hộ khẩu (hoặc giấy tờ để được công nhận là công dân) thì tôi cần phải làm những thủ tục gì và sẽ do cơ quan, địa phương nào chịu trách nhiệm giải quyết?

TRẢ LỜI

Trường hợp anh không nêu rõ cụ thể ngày tháng năm đi khỏi xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ nên chúng tôi trả lời anh theo hai trường hợp:
- Trường hợp anh đi khỏi xã Cấp Dẫn trước thời điểm Luật Cư trú có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2007; do anh đi khỏi nơi cư trú không có lý do chính đáng quá 6 tháng nên bị xóa đăng ký theo quy định tại tiết c điểm 3.1 Mục 3 Phần II Thông tư số 11/2005/TT-BCA-C11 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 51/CP ngày 10/5/1997 và Nghị định số 108/2005/NĐ-CP ngày 19/8/2015 về đăng ký và quản lý hộ khẩu có quy định xóa đăng ký thường trú đối với trường hợp: “Không thường xuyên cư trú tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú mà không có lý do chính đáng hoặc không thể ở nơi đó được”. Do đó, để được đăng ký thường trú tại xã Cấp Dẫn, đề nghị anh về xã Cấp Dẫn để đăng ký thường trú lại theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Nếu anh muốn đăng ký thường trú tại xã Tạ Xá, đề nghị anh về xã Cấp Dẫn xin xác nhận trước đây đã có hộ khẩu thường trú tại xã Cấp Dẫn, nay đã bị xóa đăng ký thường trú để làm thủ tục đăng ký thường trú theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Trường hợp anh đã đi khỏi xã Cấp Dẫn khi Luật Cư Trú và các văn bản hướng dẫn khác đã có hiệu lực thì anh không thuộc trường hợp xóa đăng ký thường trú được quy định tại Khoản 1 Điều 22 của Luật Cư trú. Vì vậy, anh vẫn có hộ khẩu thường trú tại xã Cấp Dẫn.

10. HỎI VỀ THỦ TỤC NHẬP HỘ KHẨU KHI MUA NHÀ CHUNG CƯ

Tôi có hộ khẩu tại quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh, nay tôi muốn chuyển hộ khẩu về nhà chung cư tại quận 9, khi liên hệ nộp hồ sơ tại Công an quận 9 thì được hướng dẫn bổ sung giấy tờ như sau: Hợp đồng mua bán căn hộ ; Biên bản bàn giao nhà của chủ đầu tư ; Quyết định cấp số nhà do UBND quận 9 cấp cho chủ đầu tư.  Tôi đã bổ sung Hợp đồng mua bán căn hộ và Biên bản bàn giao căn hộ. Riêng Quyết định cấp số nhà, chủ đầu tư nói chưa có vì dự án chung cư chưa hoàn công nên UBND quận 9 chưa cấp. Vì thiếu Quyết định cấp số nhà nên Công an quận 9 không cho tôi chuyển hộ khẩu gây khó khăn cho việc chuyển trường cho con tôi.
Tuy nhiên, đối với 1 trường hợp là hàng xóm của tôi lại được Công an quận 9 giải quyết cho nhập khẩu về chung cư này. (Có hình Sổ hộ khẩu đính kèm). Tôi ở tầng 12, còn hàng xóm của tôi ở tầng 11, có cùng điều kiện như: hộ khẩu ở quận khác tại thành phố Hồ Chí Minh, cùng mua căn hộ chung 1 dự án.
Vậy xin hỏi, Công an quận 9 cấp hộ khẩu cho hàng xóm nhà tôi là đúng hay sai? Việc chuyển hộ khẩu trong thành phố có cần phải có quyết định cấp số nhà không vì chúng tôi mua căn hộ có thủ tục bàn giao nhà và đã đến sinh sống tại dự án cả năm nay rồi ?

TRẢ LỜI

Tại khoản 1 Điều 23 Luật Cư trú quy định: “Người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp, khi chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới nếu có đủ điều kiện đăng ký thường trú thì trong thời hạn 12 tháng có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú”.  Mặt khác, theo Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ- CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú trong đó có quy định giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của công dân là một trong các giấy tờ, tài liệu sau: “Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán”. Như vậy trường hợp của anh Đinh Vũ đủ điều kiện đăng ký  thường trú vào chỗ ở hợp pháp mới.
Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:
- Bản khai nhân khẩu;
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Giấy chuyển hộ khẩu;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

B. HỎI - ĐÁP VỀ THÔNG BÁO LƯU TRÚ, TẠM TRÚ

1. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ TẠM TRÚ

Tôi có sổ hộ khẩu thường trú tại tổ dân phố Hạnh, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Tôi muốn làm đăng ký KT3 cho 3 người em hiện là sinh viên. Khi nộp hồ sơ lên phường đồng chí cán bộ phụ trách trả lời tôi là sinh viên không được làm KT3. Bộ Công an cho tôi hỏi đồng chí cán bộ này trả lời tôi như vậy có đúng không?

TRẢ LỜI

Theo Luật Cư trú hiện nay không còn khái niệm KT3 mà thay vào đó là các thủ tục đăng ký tạm trú và thông báo lưu trú. Tại khoản 1 Điều 17 Thông tư 35/2014/TT/BCA ngày 09/9/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú quy định: “Học sinh, sinh viên, học viên ở tập trung trong ký túc xá, khu nhà ở của học sinh, sinh viên, học viên; người lao động ở tập trung tại các khu nhà ở của người lao động thì cá nhân, cơ quan, tổ chức phải có văn bản đề nghị đăng ký tạm trú. Danh sách bao gồm các thông tin cơ bản của từng cá nhân: Họ và tên; ngày, tháng, năm; giới tính; nguyên quán; dân tộc; tôn giáo; số chứng minh nhân dân; nghề nghiệp, nơi làm việc; nơi thường trú; nơi tạm trú; thời gian tạm trú. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xác nhận về việc đã đăng ký tạm trú vào danh sách đăng ký tạm trú cá nhân, cơ quan, tổ chức. Trường hợp cá nhân có nhu cầu cấp sổ tạm trú riêng thì được cấp riêng.” Do đó, trường hợp 3 người em của bạn hiện là sinh viên được đăng ký tạm trú nếu có nhu cầu và thực hiện các thủ tục theo quy định của Luật Cư trú, các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ TẠM TRÚ TẠI NHÀ THUÊ ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP LÀ CÔNG DÂN VIỆT NAM

Trước đây, tôi có hộ khẩu thường trú tại số nhà 196 đường Hồng Thập Tự, phường Xuân Trung, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai nhưng Công an thị xã Long Khánh đã xóa hộ khẩu thường trú của tôi. Tôi là người có quốc tịch Việt Nam, hiện nay tôi chỉ còn hộ chiếu là giấy tờ tùy thân duy nhất. Tôi đã đăng ký kết hôn với ông Kurt (sinh 1936, quốc tịch Đan Mạch) và sinh sống tại căn nhà đang thuê của con gái tôi tại tổ dân phố 3, thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng (con gái tôi không sinh sống cùng chúng tôi). Bộ Công an cho tôi hỏi, trường hợp của vợ chồng tôi có được đăng ký tạm trú tại căn nhà đang thuê của con gái tôi không? Nếu được tôi cần chuẩn bị những thủ tục, hồ sơ như thế nào?

TRẢ LỜI

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 quy định hồ sơ đăng ký tạm trú, gồm:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Bản khai nhân khẩu (đối với các trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú (trừ trường hợp được chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đồng ý cho đăng ký tạm trú thì không cần xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp). Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên; trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú.
Vì vậy, đề nghị công dân đến Công an thị trấn Đạ M’ri để được hướng dẫn cụ thể

3. XÁC ĐỊNH THỜI ĐIỂM ĐĂNG KÝ TẠM TRÚ

Gia đình tôi hiện tại làm việc và học tập trên thành phố, tôi có đăng ký tạm trú nhưng không được cấp sổ tạm trú. Hiện tại, thời hạn tạm trú của gia đình tôi sắp hết, tôi muốn hỏi khi đăng ký tạm trú lại thì thời hạn tạm trú được tính cộng vào thời điểm đăng ký lần đầu hay tính từ thời điểm đăng ký lại?

TRẢ LỜI

Theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú đã quy định về việc cấp sổ tạm trú, như sau:
“1. Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú theo quy định tại Điều 30 Luật Cư trú và quy định tại Thông tư này, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và có thời hạn tối đa là hai mươi bốn tháng.
Thời hạn tạm trú theo đề nghị của công dân nhưng tối đa không quá hai mươi bốn tháng. Hết thời hạn tạm trú, hộ gia đình hoặc cá nhân vẫn tiếp tục tạm trú thì đại diện hộ gia đình hoặc cá nhân đến cơ quan Công an nơi cấp sổ tạm trú làm thủ tục gia hạn tạm trú; thời hạn tạm trú của mỗi lần gia hạn tối đa không quá thời hạn còn lại của sổ tạm trú. Trường hợp sổ tạm trú hết thời hạn sử dụng mà hộ gia đình hoặc cá nhân vẫn tiếp tục tạm trú tại đó thì đại diện hộ gia đình hoặc cá nhân đến cơ quan Công an nơi cấp sổ tạm trú làm thủ tục cấp lại sổ tạm trú…”
Căn cứ theo quy định trên, đối với trường hợp thời gian tạm trú của gia đình anh sắp hết, nếu gia đình anh vẫn tiếp tục tạm trú thì đại diện hộ gia đình hoặc cá nhân đến cơ quan Công an nơi cấp sổ tạm trú làm thủ tục gia hạn tạm trú hoặc cấp lại sổ tạm trú (nếu sổ tạm trú hết thời hạn sử dụng).

4. THỜI HẠN CẤP SỔ TẠM TRÚ

Tôi nộp hồ sơ tại Công an phường nơi tôi ở để làm Sổ tạm trú đã từ khá lâu và không được hẹn là khi nào có sổ với lý do hiện tại Sổ tạm trú khá hiếm. Bộ Công an cho tôi hỏi, theo quy định thì bao lâu người dân mới được nhận Sổ tạm trú sau khi đã nộp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ?

TRẢ LỜI

Thời gian giải quyết cấp Sổ tạm trú cho công dân được quy định cụ thể tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 30 Luật Cư trú, như sau:
“3. Người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đã đăng ký thường trú; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở đó; nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu; trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
4. Trưởng Công an xã, phường, thị trấn trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 3 Điều này phải cấp sổ tạm trú theo mẫu quy định của Bộ Công an.”
Theo quy định trên, thời gian giải quyết đăng ký tạm trú, cấp Sổ tạm trú là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

5. THỦ TỤC KHAI BÁO TẠM TRÚ CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Tôi có người bạn nước ngoài hiện đang thuê một căn hộ chung cư ở ngoại thành Hà Nội. Khi làm thủ tục khai báo tạm trú, phía Công an có yêu cầu Ban quản lý chung cư xuất trình Giấy chứng nhận căn hộ đủ điều kiện cho người nước ngoài thuê. Tôi có tìm hiểu nhưng chưa thấy có quy định về vấn đề này, Bộ Công an cho tôi hỏi, Giấy chứng nhận căn hộ đủ điều kiện cho người nước ngoài thuê được quy định tại văn bản nào? Trình tự, thủ tục, hồ sơ khai báo tạm trú cho người nước ngoài được thực hiện như thế nào?

TRẢ LỜI

- Về Giấy chứng nhận căn hộ đủ điều kiện cho người nước ngoài thuê: Theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện về ANTT đối với một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì căn hộ cho người nước ngoài thuê không thuộc danh mục quy định ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
- Về trình tự, thủ tục, hồ sơ khai báo tạm trú cho người nước ngoài: Tại Điều 33 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định về khai báo tạm trú cho người nước ngoài ở Việt Nam quy định:
1. Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.
2. Người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung mẫu phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú.
3. Cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn phải nối mạng Internet hoặc mạng máy tính với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để truyền thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài. Cơ sở lưu trú khác có mạng Internet có thể gửi trực tiếp thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài theo hộp thư điện tử công khai của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
4. Người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú thì phải khai báo tạm trú theo quy định.
Tại Thông tư số 53/2016/TT-BCA ngày 28/12/2016 của Bộ Công an quy định cách thức thực hiện khai báo, tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam, theo đó có hai hình thức để khai báo tạm trú người nước ngoài.
* Khai báo, tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài qua Trang thông tin điện tử: Người khai báo tạm trú truy cập Trang thông tin điện tử, đăng nhập tài khoản khai báo để thực hiện khai báo thông tin tạm trú (quy định tại Điều 5 Thông tư số 53/2016/TT-BCA).
* Khai báo, tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài bằng phiếu khai báo tạm trú: Người khai báo tạm trú liên hệ trực ban Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an để được cung cấp mẫu Phiếu khai báo tạm trú theo mẫu quy định của Bộ Công an (quy định tại Điều 7 Thông tư số 53/2016/TT-BCA).

 6. HỎI VỀ THỦ TỤC THÔNG BÁO LƯU TRÚ

Tôi có người chị gái ở TP. Hồ Chí Minh ra thăm, chị tôi dự định cho cả gia đình ở lại nhà tôi chơi khoảng 3 tháng. Vậy Bộ Công an cho tôi hỏi trường hợp này, chị tôi phải thông báo lưu trú hay đăng ký tạm trú? Chị tôi phải đến đâu để thông báo lưu trú hay đăng ký tạm trú và thủ tục cụ thể như thế nào?

TRẢ LỜI

Theo quy định tại Điều 31 Luật Cư trú thì chị gái và gia đình chị gái của bạn phải thông báo lưu trú với cơ quan có thẩm quyền. Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 9/9/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú, trong đó tại Điều 21 quy định đại diện gia đình khi có người đến lưu trú có trách nhiệm:
- Đề nghị người đến lưu trú xuất trình một trong các giấy tờ : Chứng mình nhân dân; hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng; giấy tờ tùy thân khác hoặc giấy tờ do cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp. Đối với người dưới 14 tuổi đến lưu trú thì không phải xuất trình các giấy tờ nêu trên nhưng phải cung cấp thông tin về nhân thân của người dưới 14 tuổi;
- Thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp hoặc bằng điện thoại hoặc qua mạng internet, mạng máy tính. Thời gian lưu trú tùy thuộc nhu cầu của công dân. Người tiếp nhận thông báo lưu trú phải ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú và không cấp giấy tờ chứng nhận lưu trú cho công dân.

7. MỨC XỬ PHẠT ĐỐI VỚI VIỆC KHÔNG ĐĂNG KÝ LƯU TRÚ

Bộ Công an cho tôi hỏi, trường hợp quên không đăng ký lưu trú ở địa phương mà bị xử phạt có đúng hay không? Nếu đúng thì mức phạt là bao nhiêu và quy định tại văn bản nào?

TRẢ LỜI

Tại Điểm b Khoản 1 và Điểm đ Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định các hành vi vi phạm về đăng ký và quản lý cư trú: 
- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cơ sở kinh doanh lưu trú không thực hiện việc thông báo lưu trú với cơ quan Công an theo quy định khi có người đến lưu trú.

C. HỎI - ĐÁP VỀ THỦ TỤC NHẬP KHẨU VÀO THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

1. Tôi ở TP. Hồ Chí Minh được gần 2 năm theo sổ đăng ký tạm trú ở phường 25. Nay gia đình tôi muốn nhập khẩu về phường 27. Như vậy chúng tôi có cần phải làm thủ tục tạm trú về phường 27 để được nhập hộ khẩu về đây hay không? Rất mong được Bộ Công an hướng dẫn thủ tục, trình tự nhập khẩu.

TRẢ LỜI

Tại điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú có quy định điều kiện công dân tạm trú được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương như sau:
“Nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú”. Vì vậy, chị muốn nhập khẩu về phường 27 phải làm thủ tục tạm trú về phường 27 để được đăng ký thường trú. Ngoài ra, chúng tôi cung cấp thêm một số quy định về điều kiện và thủ tục đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương để chị tham khảo như sau:
Tại khoản 1 Điều 20 Luật Cư trú về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương quy định: “ Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, xã thuộc thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ  hai năm trở lên” thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương.
Điều 21 Luật Cư trú quy định về thủ tục đăng ký thường trú như sau:
1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan Công an sau đây:
a, Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;
b, Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
2. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:
a, Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;
b, Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật này;
c, Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc Trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.

2. Tôi có hộ khẩu tại thành phố Hà Nội, đã đăng ký hộ khẩu thường trú chỗ ở hợp pháp tại thành phố Hồ Chí Minh liên tục trong 2 năm. Nay tôi muốn làm hộ khẩu ở thành phố Hồ Chí Minh có được không? Nếu được thì tôi cần phải làm những thủ tục gì? Chứng minh nhân dân của tôi tại Hà Nội đã hết hạn thì tôi có phải ra Hà Nội làm lại rồi mới được làm hộ khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh không?

TRẢ LỜI

a, Theo quy định tại khoản 1, Điều 20 Luật Cư trú thì trường hợp của chị đủ điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tục đăng ký thường trú được quy định tại Điều 21 Luật Cư trú. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Bản khai nhân khẩu;
- Giấy chuyển hộ khẩu;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc Trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh đủ điều kiện được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương.
b, Trường hợp Chứng minh nhân dân của của chị hết hạn (mà chưa được giải quyết đăng ký thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh) thì theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 07/2016/TT-BCA ngày 01/02/2016 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2005/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân:
“1. Cơ quan quản lý Căn cước công dân Công an cấp huyện và đơn vị hành chính tương đương tiếp nhận hồ sơ giải quyết các trường hợp cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú tại địa phương đó.
2. Cơ quan quản lý Căn cước công dân Công an cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó…”
Căn cứ vào hướng dẫn trên khi công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân, thì chị phải đến Công an cấp huyện hoặc phòng PC64 Công an thành phố Hà Nội nơi hộ khẩu thường trú để được giải quyết cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định.

3. Tôi đang ở chung nhà cùng em trai tôi tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, nhà đứng tên em trai tôi. Nay gia đình tôi muốn nhập hộ khẩu tại TP Hồ Chí Minh thì cần giấy tờ gì và làm thủ tục ở đâu? Riêng tôi không đứng tên trong sổ đỏ nhà thì có được nhập khẩu không và nếu có thì cần những thủ tục gì?

TRẢ LỜI

Do thông tin của chị cung cấp chưa được đầy đủ nên Bộ Công an chưa biết chị có đủ điều kiện để được đăng ký thường trú tại TP Hồ Chí Minh hay chưa và cần thủ tục để đăng ký thường trú vào nhà em trai của chị.
Theo quy định tại Điều 20 và Điều 21 Luật Cư trú, chị cần đến Công an quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh để làm thủ tục đăng ký thường trú. Hồ sơ đăng ký thường trú chung bao gồm:
- Phiếu báo thay hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;
- Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật Cư trú;
- Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc Trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật Cư trú.
Đề nghị chị đến Công an quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh để được hướng dẫn chi tiết về thủ tục đăng ký thường trú.

4. Tôi đăng ký tạm trú tại phường 25, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh đã được 2 năm. Vừa qua, tôi mới mua căn nhà tại phường 27, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh và đến Công an quận Bình Thạnh hỏi về thủ tục nhập hộ khẩu thường trú thì tôi được hướng dẫn về làm giấy tạm trú tại phường 27 rồi mới được đăng ký thường trú tại đó. Tôi muốn hỏi, Công an quận Bình Thạnh hướng dẫn như vậy có đúng không và căn cứ vào quy định nào?

TRẢ LỜI

Tại Điểm c Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 quy định: “Nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú” và khoản 4 Điều 17 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 quy định “Công dân thay đổi nơi tạm trú ngoài phạm vi xã, phường, thị trấn được cấp sổ tạm trú mới”.
Do đó, việc Công an quận Bình Thạnh hướng dẫn bạn như vậy là đúng quy định của pháp luật về cư trú. Nếu còn vấn đề gì vướng mắc đề nghị bạn liên hệ với Phòng PC64, Công an thành phố Hồ Chí Minh để được hướng dẫn cụ thể.

5. Tôi hiện đang sinh sống và đăng ký tạm trú tại Hà Nội đã được 02 năm, trước đó, hộ khẩu thường trú của tôi đăng ký tại tỉnh Bắc Ninh nhưng tôi đã xin tách khẩu. Bộ Công an cho tôi hỏi, bây giờ tôi muốn đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hà Nội có được không và thủ tục đăng ký như thế nào?

TRẢ LỜI

Bạn  hỏi về thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú vào thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, thông tin bạn nêu chưa được đầy đủ nên chúng tôi không có căn cứ hướng dẫn cụ thể. Chúng tôi xin nêu một số quy định để bạn có căn cứ tham khảo như sau:
- Điều 20 Luật Cư trú quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó Khoản 1 và Khoản 6 Điều 20 quy định: “có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên” và “việc đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật Thủ đô”.
- Khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô năm 2012 quy định: “Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú ở nội thành:
+ Các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 20 của Luật cư trú;
+ Các trường hợp không thuộc điểm a khoản này đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; đối với nhà thuê phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê.”
- Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 quy định hồ sơ đăng ký thường trú gồm: 
+ Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
+ Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);
+ Giấy chuyển hộ khẩu (đối với các trường hợp phải cấp giấy chuyển hộ khẩu quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Cư trú);
+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú (sau đây viết gọn là Nghị định số 31/2014/NĐ-CP). Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên; trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương.
Trường hợp có quan hệ gia đình là ông, bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, cháu ruột chuyển đến ở với nhau; người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, người khuyết tật mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với người giám hộ thì không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây viết gọn là Ủy ban nhân dân cấp xã) về mối quan hệ nêu trên.
Nếu còn vướng mắc gì đề nghị bạn liên hệ với Công an quận, huyện nơi bạn đang tạm trú để được hướng dẫn cụ thể.

D. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ, TẠM TRÚ ĐỐI VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI, NGƯỜI VIỆT NAM ĐỊNH CƯ Ở NƯỚC NGOÀI

1. ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ TẠI VIỆT NAM ĐỐI VỚI CÔNG DÂN VIỆT NAM ĐỊNH CƯ Ở NƯỚC NGOÀI

Tôi tên là Nguyễn Nhật Minh là người Việt Nam. Hiện tại tôi đang định cư ở nước ngoài. Tôi rất mong được Bộ Công an hướng dẫn quy trình, thủ tục, yêu cầu, điều kiện thực hiện để đăng ký thường trú tại Việt Nam đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài?

CÂU TRẢ LỜI

Căn cứ vào:
+ Luật Cư trú (Luật số 81/2006/QH11, ngày 29/11/2006);
+ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú (Luật số 36/2013/QH13, ngày 20/6/2013);
+ Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 47/2014/QH13 ngày 16/6/2014);
+ Nghị định 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;
+ Thông tư liên tịch số 05/2009/TTLT-BCA-BNG, ngày 12/5/2009 của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao hướng dẫn giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký thường trú tại Việt Nam.
Quy trình, thủ tục, yêu cầu, điều kiện thực hiện đăng ký thường trú tại Việt Nam đối với công dân Việt Nam định cư tại nước ngoài như sau:
1. Trình tự thực hiện, thủ tục:
Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật.
- Thành phần hồ sơ bao gồm :
a) Đơn đề nghị về Việt Nam thường trú (theo mẫu TT01, ban hành kèm Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT/BCA-BNG, ngày 03/01/2012);
b) Bản sao chứng thực hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp (hoặc bản chụp kèm theo bản chính để kiểm tra, đối chiếu);
c) Bản sao chứng thực hoặc bản chụp và xuất trình bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau đây có giá trị chứng minh có quốc tịch Việt Nam, quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam;
d) 02 ảnh mới chụp chưa quá một năm cỡ 4x6 cm, phông nền trắng, mắt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính mầu (01 ảnh dán vào đơn đề nghị và 01 tấm để rời), 01 ảnh trẻ em cỡ 4x6 khai chung tờ khai (dán vào tờ khai nếu có);
đ) Bản sao chứng thực hoặc bản chụp và xuất trình bản chính để đối chiếu giấy tờ chứng minh có chỗ ở hợp pháp tại Việt Nam, theo quy định của Luật Cư trú. Một trong những giấy tờ sau đây chứng minh có nhà ở hợp pháp tại Việt Nam:
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ;
+ Giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (đã có nhà ở trên đất đó);
+ Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp phải cấp giấy phép);
+ Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
+ Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;
+ Giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có công chứng hoặc chứng thực của UBND phường, xã, thị trấn (UBND cấp xã);
+ Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình di dân theo kế hoạch của Nhà nước hoặc các đối tượng khác;
+ Giấy tờ của Tòa án hoặc của cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;
+ Giấy tờ của UBND cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ trên;
+ Giấy tờ chứng minh về đăng ký tàu, thuyền, phương tiện khác thuộc quyền sở hữu và địa chỉ bến gốc của phương tiện sử dụng để ở. Trường hợp không có giấy đăng ký thì cần có xác nhận của UBND cấp xã về việc có tàu, thuyền, phương tiện khác sử dụng để ở thuộc quyền sở hữu hoặc xác nhận việc mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế tàu, thuyền, phương tiện khác và địa chỉ bến gốc của phương tiện đó.
- Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có văn bản chứng minh được cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký hộ khẩu thường trú vào nhà thuê, mượn, ở nhờ, có xác nhận của UBND cấp xã theo mẫu (TT02) và một trong các giấy tờ sau:
+ Văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân (trường hợp văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân phải được công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp xã) chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp;
+ Giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của UBND cấp xã về mối quan hệ trong trường hợp có quan hệ gia đình là ông, bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, cháu ruột về ở với nhau; người chưa thành niên không còn cha mẹ hoặc còn cha mẹ nhưng cha mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, người khuyết tật mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với người giám hộ.
Ngoài các giấy tờ trên, nếu công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký thường trú tại các nơi, như thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ đô Hà Nội, cơ sở tôn giáo để hoạt động tôn giáo phải nộp thêm bản chụp và xuất trình bản chính để đối chiếu giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ điều kiện đăng ký thường trú tại các nơi đó, cụ thể là:
- Nếu đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương  thì phải có các tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật Cư trú;
- Nếu đăng ký thường trú tại cơ sở tôn giáo để hoạt động tôn giáo thì phải có giấy tờ chứng minh là chức sắc tôn giáo, nhà tu hành; văn bản đồng ý của người đứng đầu cơ sở tôn giáo; văn bản của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam về tôn giáo chấp thuận cho về Việt Nam hoạt động tôn giáo.
- Số lượng hồ sơ: 02 (hai) bộ.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an.
Công dân Việt Nam mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu do nước ngoài cấp còn giá trị (gọi chung là hộ chiếu nước ngoài), nếu không có hộ chiếu thì phải có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp, nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại Việt Nam tại trụ sở làm việc của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.
Bước 3: Trả kết quả.
Người nhận kết quả đưa giấy biên nhận cho cán bộ trả kết quả để đối chiếu, nếu có kết quả thì trao Giấy báo tin cho người đến nhận kết quả.
Thời gian: từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần (trừ chủ nhật và các ngày lễ).
2. Yêu cầu, điều kiện thực hiện:
+ Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc có giá trị thường trú do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp còn giá trị đăng ký thường trú tại Việt Nam.
+ Không thuộc diện “chưa được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh” theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP, ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và diện “Chưa cho nhập cảnh”, “Tạm hoãn xuất cảnh” theo quy định tại Điều 21 và Điều 28 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014.
+ Có chỗ ở hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của Luật Cư trú.
+ Nếu về thường trú tại Thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có giấy tờ chứng minh đủ điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương.
+ Nếu về cơ sở tôn giáo để hoạt động tôn giáo thì phải có giấy tờ chứng minh là chức sắc tôn giáo, nhà tu hành; văn bản đồng ý của người đứng đầu cơ sở tôn giáo; văn bản của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam về tôn giáo chấp thuận cho về Việt Nam hoạt động tôn giáo.

2. ĐĂNG KÝ HỘ KHẨU THƯỜNG TRÚ TẠI VIỆT NAM CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Tôi có 2 quốc tịch (gốc Việt Nam) và Úc, chồng tôi (quốc tịch Úc) đang đầu tư và sinh sống cùng tôi và 2 con tại Đà Nẵng. Tôi muốn bảo lãnh cho chồng và 2 con tôi được đăng ký hộ khẩu thường trú tại Việt Nam. Hồ sơ bảo lãnh của tôi gồm có Chứng minh dân dân, hộ khẩu, giấy khai sinh, giấy bảo lãnh. Vậy  Bộ Công an cho tôi hỏi nếu tôi vào Việt Nam bằng hộ chiếu Úc thì trong lúc ở Việt Nam tôi có được quyền bảo lãnh cho chồng và 2 con tôi không? Nếu hộ khẩu của tôi ở Hà Nội thì tôi nộp hồ sơ xin đăng ký thường trú cho chồng và con tôi ở Hà Nội hay Đà Nẵng? Tôi có đăng ký tạm trú, tạm vắng với Công an phường nơi tôi sinh sống ở Đà Nẵng và đăng ký tạm trú với phòng Xuất, nhập cảnh ở Đà Nẵng. Rất mong Bộ Công an hướng dẫn thủ tục, quy trình để tôi làm thủ tục bảo lãnh cho chồng và con tôi được đăng ký thường trú tại Việt Nam.

TRẢ LỜI

Do thông tin của chị cung cấp chưa được đầy đủ, rõ ràng nên Bộ Công an không có căn cứ để hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, chúng tôi nêu ra một số nội dung liên quan để chị tham khảo:
1. Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương.
- Khoản 1 Điều 20 Luật Cư trú quy định: “Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên”.
- Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 31/2014/NĐ- CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định: “Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống”.
- Điểm c Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 31/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định: “Nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú”.
2. Hồ sơ đăng ký thường trú:
- Tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 của Bộ Công an quy định hồ sơ đăng ký thường trú, bao gồm:
+ Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
+ Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);
+ Giấy chuyển hộ khẩu (đối với các trường hợp phải cấp giấy chuyển hộ khẩu quy định tại Khoản 2 Điều 28 Luật Cư trú);
+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú. Trường hợp xin đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương phải có thêm giấy tờ, tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 Luật Cư trú.
- Ngoài các giấy tờ, tài liệu nêu trên thì các trường hợp dưới đây phải có thêm giấy tờ sau:
+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài, giấy tờ thay hộ chiếu do nước ngoài cấp còn giá trị hoặc không có hộ chiếu nhưng có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp nay trở về Việt Nam thường trú, khi đăng ký thường trú phải có giấy tờ hồi hương do cơ quan đại diện Việt Nam ở ngoài cấp (nếu người đó ở nước ngoài) hoặc văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của Cục Quản lý xuất, nhập cảnh (nếu người đó đang tạm trú ở trong nước), kèm theo giấy giới thiệu do Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh nơi người đó xin thường trú cấp.
+ Người nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam khi đăng ký thường trú phải có giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam.
Đề nghị chị đến Công an quận, huyện nơi gia đình chị Dung đang ở tại thành phố Đà Nẵng để được hướng dẫn chi tiết về thủ tục đăng ký thường trú./.

3. ĐĂNG KÝ HỘ KHẨU THƯỜNG TRÚ

Năm 1975, tôi đến một nước ở Châu Âu làm ăn và định cư ở đó. Hiện nay tôi mang hai quốc tịch theo quy định hiện hành của hai quốc gia (là Việt Nam và một đất nước Châu Âu mà tôi đang sinh sống). Hiện tại tôi đã nghỉ hưu và hàng năm muốn quay về Việt Nam để sinh sống khoảng 6 tháng rồi sau đó quay trở lại Châu Âu. Để tiện cho sinh hoạt tôi muốn đăng ký hộ khẩu thường trú và Chứng minh nhân dân tại nơi tôi đã mua một ngôi nhà đứng tên tôi ở Việt Nam.
Theo tôi được biết thì tôi có hộ chiếu Việt Nam thì đương nhiên tôi được hưởng mọi quyền lợi như công dân Việt Nam khác. Vậy Bộ Công an cho tôi hỏi với trường hợp như của tôi có được cấp hộ khẩu thường trú và Chứng minh nhân dân ở Việt Nam không? Nếu được tôi cần làm những thủ tục gì?

TRẢ LỜI

Trường hợp chị Liên đã có quốc tịch Việt Nam thì được đăng ký thường trú ở Việt Nam nếu đủ điều kiện theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, chị Liên không nói rõ là mua nhà ở đâu và muốn đăng ký thường trú tại đâu để có thể xác định được nơi đăng ký thường trú thuộc tỉnh hay thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, đề nghị chị Liên liên hệ với cơ quan Công an có thẩm quyền giải quyết đăng ký thường trú tại nơi chị xin đăng ký thường trú để được hướng dẫn cụ thể.

4. NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT NAM CÓ ĐƯỢC ĐĂNG KÝ HỘ KHẨU THƯỜNG TRÚ TẠI VIỆT NAM

Tôi là người gốc Việt Nam, năm 1975 tôi đi định cư ở Mỹ. Hiện nay tôi không còn quốc tịch Việt Nam và đã có Quốc tịch Mỹ. Nay tôi nhập cảnh về Việt Nam bằng Hộ chiếu Mỹ. Tôi xin hỏi: Tôi xin đăng ký hộ khẩu thường trú tại Việt Nam có được không? Thủ tục như thế nào?

TRẢ LỜI

Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 6 Thông tư 35/2014/TT-BCA ngày 9/9/2015 của Bộ Công an thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài, giấy tờ thay hộ chiếu nước ngoài cấp còn giá trị hoặc không có hộ chiếu nhưng có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp nay trở về Việt Nam thường trú, khi đăng ký thường trú phải có giấy tờ hồi hương do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp (nếu người đó ở nước ngoài) hoặc văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (nếu người đó đang tạm trú ở trong nước), kèm theo giấy giới thiệu do Phòng Quản lý xuất nhập cảnh nơi người đó xin thường trú cấp.

5. GIA HẠN TẠM TRÚ CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Tôi là Nguyễn Văn Nam rất mong được Bộ Công an hướng dẫn về quy trình, thủ tục để gia hạn tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam?

TRẢ LỜI

Căn cứ vào:
+ Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 47/2014/QH13, ngày 16/6/2014).
+ Thông tư số 04/2015/TT-BCA, ngày 05/01/2015 của Bộ Công an quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
+ Thông tư số 66/2009/TT-BTC, ngày 30/3/2009 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp hộ chiếu, thị thực, giấy tờ về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú tại Việt Nam.
+ Thông tư số 190/2012/TT-BTC, ngày 09/11/2012 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 66/2009/TT-BTC, ngày 30/3/2009 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp hộ chiếu, thị thực, giấy tờ về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú tại Việt Nam.
+ Thông tư số 31/2015/TT-BCA, ngày 06/7/2015 của Bộ Công an hướng dẫn một số nội dung về cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, cấp giấy phép xuất nhập cảnh, giải quyết thường trú cho người nước ngoài tại Việt Nam.
Quy trình, thủ tục gia hạn tạm chú cho người nước ngoài tại Việt Nam như sau:
1. Chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật.
-  Thành phần hồ sơ bao gồm:
a) Tờ khai đề nghị cấp, bổ sung, sửa đổi thị thực và gia hạn tạm trú (mẫu NA5).
b) Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế của người nước ngoài.
- Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ.
2. Nộp hồ sơ
Cơ quan, tổ chức Việt Nam, công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, nộp hồ sơ tại một trong ba trụ sở làm việc của Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an:
a) 44-46 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội.
b) 254 Nguyễn Trãi, Q.1, TP Hồ Chí Minh.
c) 7 Trần Quý Cáp, TP Đà Nẵng.
- Thời gian nộp hồ sơ: Từ thứ 2 đến sáng thứ 7 hàng tuần (trừ ngày tết, ngày lễ và chủ nhật).
3. Nhận kết quả:
- Người đến nhận kết quả đưa giấy biên nhận cho cán bộ trả kết quả kiểm tra, đối chiếu, nếu có kết quả gia hạn tạm trú, thì yêu cầu người đến nhận kết quả nộp lệ phí và ký nhận.
4. Yêu cầu, điều kiện thực hiện:
a, Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp, bổ sung, sửa đổi thị thực, gia hạn tạm trú cho người nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài đã có hồ sơ chứng minh tư cách pháp nhân tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh -Bộ Công an.
b, Người nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài có hộ chiếu hợp lệ, có thị thực (trừ trường hợp miễn thị thực), chứng nhận tạm trú do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp, đang cư trú tại Việt Nam và không thuộc diện "chưa được nhập cảnh Việt Nam" hoặc không thuộc diện “tạm hoãn xuất cảnh”.
c, Công dân Việt Nam đề nghị cấp, bổ sung, sửa đổi thị thực, gia hạn tạm trú cho người nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài phải là người có quan hệ cha, mẹ, vợ, chồng, con với người nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài (xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ).
Bạn có thể tham khảo thông tin và lấy mẫu tờ khai ở phần Bộ thủ tục hành chính trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an.
3. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Cư trú phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

Ý KIẾN

  1. tôi tên : Tạ Dăng Tín đăng ký thường trú tại phường 13 quận 4 xin hỏi Ba Mẹ có 8 người con nhưng 6 người có gia đình xin tách hộ khẩu vẫn cùng nơi thường trú có sự đồng ý của chủ hộ là Ba tôi nay Ba Mẹ tôi mất năm 2011 đến năm 2013 thay đổi hộ khẩu bằng cuốn sổ đỏ còn người Anh và người chị đồng ý cho tôi làm chủ hộ thay thế Ba tôi có làm phiếu thay đổi hộ khẩu tại ủy ban nhân dân phường 13 quận 4 nay tôi muốn về ở tại phòng Ba Mẹ để tiện việc đi làm có sự xác nhận tại công an phường 13 là chủ hộ thường trú tại địa phương số 155 Lê Văn Linh nhưng các thành viên tách hộ khẩu trước đây không đồng ý cho tôi về vì trước kia tôi đi làm ca không tiện việc đi hôm khuya nên ở nhờ bên gia đình vợ chật vật ,công an bảo tôi làm đơn ra phường giải quyết nhưng anh Toàn tư pháp phường nói muốn về phải có sự đồng ý của các thành viên trong gia đình . vậy xin hỏi sau này có gì xảy ra đến pháp luật tôi làm chủ hộ thế Ba tôi có chịu trách nhiệm gì không ? còn tôi muốn về nơi thường trú hợp pháp bằng cách nào xin giúp tôi cho tôi lời tư vấn thấu tình đạt lý .Thành thật cám ơn quý ban rất nhiều.

    Trả lờiXóa
  2. T kết hôn đc 2 năm rồi. Hnay t có với vk làm.giấy chuyển khẩu từ chỗ ở của vk về địa chỉ bên ck. Cùng trong tỉnh. Giấy tờ 2vck đi làm thì bên hành chính chỗ vk bảo chỉ cần giấy chuyển khẩu. Ko cần đến phiếu báo thay đổi hộ khảu vs bản khai nhân khẩu. Khi t mang về bên hành chính chỗ ck thì bên này ko chấp nhận nhập khẩu. Và yêu cầu phải có giấy theo đơn hk02. Hk01. Trong khi đó hành chính bên vk thì bảo ko cần đến. Và yêu cầu bên hành chính chỗ t( bên ck) nếu ko cho nhập khẩu thì phải trả lời bằng văn bản. Nhug họ ko có ý kiến j. Vậy thì cho t hỏi là bên hành chính nào đúng. Bên hành chính nào sai. 2 bên gọi điện nhưng vẫn ko giải quyết đc vde. Khổ mỗi mjh chạy đi chạy lại. Chỗ ở thì xa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo quy định hiện hành, thì vợ bạn phải đến CA nơi vợ bạn có hộ khẩu để làm Giấy chuyển hộ khẩu (Mẫu HK07). Sau khi họ cấp giấy chuyển khẩu xong thì bạn cầm giấy này đến CA nơi bạn có hộ khẩu để làm thủ tục nhập khẩu cho vợ bạn vào hộ của bạn. Lúc này thì để làm thủ tục nhập khẩu thì mới phải khai Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (Mẫu HK02) và Bản khai nhân khẩu (Mẫu HK01) và kèm theo các giấy tờ liên quan (Giấy kết hôn, CMND...)

      Xóa
  3. Cháu mình năm nay 13tuổi .hộ khẩu theo cha ở cà mau nhưng về đà nẵng sống và học tập từ khi 3 tuổi .giờ mình muốn nhập khẩu cháu vào gia đình nhưng trong cha cháu ko cho cắt khẩu thì phải làm sao.giúp mình với

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tại điểm b, khoản 2, điều 6 Thông tư 35/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú quy định người chưa thành niên (dưới 16 tuổi) nếu không đăng ký thường trú cùng cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ mà đăng ký thường trú cùng với người khác thì phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cả cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ.
      Do đó, nếu người cha của cháu bạn không đồng ý cho cắt khẩu thì bạn không thể làm thủ tục nhập khẩu cho cháu được.

      Xóa
  4. Hộ khẩu mẹ tôi ở phường 8 tp sóc trăng bây giờ gia đình muốn nhập về hộ khẩu ba tôi ở phường 2 xin hỏi thủ tục phải làm ntn???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Để chuyển hộ khẩu cho mẹ bạn về với ba bạn, cần liên hệ với Công an TP Sóc Trăng để làm thủ tục cấp giấy chuyển hộ khẩu. Hồ sơ cấp giấy chuyển hộ khẩu gồm:
      - Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
      - Sổ hộ khẩu.
      Sau khi được cấp giấy chuyển hộ khẩu, thì làm thủ tục đăng ký thường trú cho mẹ bạn nhập vào HK của ba bạn. Làm tại CATP Sóc Trăng. Hồ sơ đăng ký thường trú gồm:
      - Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
      - Giấy đăng ký kết hôn, CMND của mẹ bạn
      - Giấy chuyển hộ khẩu;
      - Sổ hộ khẩu của ba bạn.
      Thường thì Công an sẽ gộp 2 thủ tục này lại và làm 1 lần.

      Xóa
  5. Bố tôi có 2 căn nhà, 1 căn đang sinh hoạt và 1 căn nhà cho thuê, nay do con nhỏ đã đến tuổi đi học nên tôi muốn chuyển khẩu về căn nhà cho thuê nhưng vẫn sinh hoạt cùng bố mẹ. Nhưng khi mang Phiếu thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu ra phường để xin xác nhận của CA phường thì CA phường thông báo là tôi phải sinh hoạt ở căn nhà cho thuê thì họ mới xác nhận. Vậy CA Phường làm đúng hay sai?

    Trả lờiXóa
  6. xin chào LS ..cho e được hỏi vấn đề này ạ...e hiện là chủ hộ gia đình..có cho chị và cháu của e nhập chung hộ khẩu trong gia đình.Thời gian gần đây,có ít mâu thuẫn giữa gia đình và chị e(Hiện vợ chồng e sống chung với mẹ) còn phần chị và cháu từ khi nhập vào hộ khẩu lại ra ngoài ở thuê chỗ khác.Nay phần cháu e là thành phần ko được tốt trong xã hội(trộm cắp vặt,đập đá..)nên hiện tại e muốn tách cho chị e và cháu e ra khỏi hộ khẩu gia đình để khỏi xảy ra vấn đề liên quan về an ninh,trật tự xã hội.Chị thường xuyên mượn hộ khẩu mua trả góp..nên nếu như có trường hợp không đúng trong việc chị e mượn hộ khẩu làm sai qui định pháp luật,,thì có liên quan gì đến cuộc sống gia đình e không ạ.Nếu e muốn tách chị e và cháu e ra khỏi hộ khẩu gia đình thì bắt đầu như thế nào và cần phải theo thủ tục gì được ạ.Vì e không muốn có chuyện xảy ra ngoài ý muốn làm đảo lộn cuộc sống gia đình,không muốn vì vậy mà mẹ e không vui(bà tiền sử bệnh cao huyết áp).Rất mong sự tư vấn của LS ạ.Xin cảm ơn

    Trả lờiXóa
  7. Chào luật sư! Cho e hỏi vấn đề này chút xíu. E có vợ nhưng chưa có con. E thì hộ khẩu ơn đắc nông, e vẫn ở trong hộ khẩu của bố đứng tên chủ hộ. Vợ thì hộ khẩu tp. Bây giờ e muốn tách sổ hộ khẩu mới mà trong sổ đó k có tên của vợ e có được không ạ, 2 vợ chồng e có giấy đăng ký kết hôn, giấy đăng ký đó thì làm đăng ký ở tp chỗ vợ e đăng ký hộ khẩu. E chân thành cám ơn luật sư ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ý bạn là muốn nhập khẩu cả 2 vợ chồng vào hộ khẩu thành phố hay nhập về Đắc Nông?

      Xóa
  8. Cho cháu hỏi là cháu thường trú tại Quảng Ninh. Đi học đại học Hải Phòng ở 171 Phan Đăng Lưu, Ngọc Sơn, Kiến An Hải Phòng nhưng cháu thuê trọ ở 142 An Đà, Đằng Giang, Ngô Quyền Hải Phòng, thì làm giấy tạm trú, tạm vắng ở đâu và như thế nào ạ. Cháu cảm ơn!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn làm thủ tục đăng ký tạm trú tại nơi bạn đang ở trọ nhé.

      Xóa
  9. Dạ cho em xin hỏi hiện tại em hộ khẩu em ở quận 7 em tách hộ khẩu về quận Bình Tân nhưng do em không chú ý ghi sai địa chỉ. Giờ em lên quận sữa đã đổi và ký duyệt. Giờ em phải làm sao để xin đổi sữa lại ạ.

    Trả lờiXóa
  10. Chào anh/ chị, Tôi có thắc mắc cần tư vấn, giải đáp như sau:
    - Tôi đang tạm trú tại Tổ 1, Khu phố 1, P.Hiệp Thành, Q.12, Tp.HCM với thời gian hơn 3 năm tại nhà của Gì ruột
    - Bố mẹ tôi có mua một căn nhà thuộc P.Hiệp Thành (Có giấy tờ hợp pháp) tại Tổ 3, Khu phố 1, P.Hiệp Thành.
    - Bố mẹ có hợp đồng ủy quyền cho tôi đối với căn nhà nêu trên, bây giờ tôi muốn chuyển tới căn nhà này sinh sống và Làm thủ tục nhập khẩu. Vậy trường hợp này tôi cần làm những thủ tục gì để được nhập khẩu, xin anh/ chị tư vấn giúp, xin cảm ơn !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn xem thủ tục tại bài viết này nhé: Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, TP thuộc Trung ương
      Link: https://www.tracuuphapluat.info/2014/02/huong-dan-thu-tuc-nhap-khau-tai-thanh-pho-thuoc-trung-uong.html

      Xóa
  11. Chào luật sư. Tôi hỏi
    Hiện nay cháu tôi có con riêng năm nay 14 tuổi đang ở chung hộ gia đình với mẹ. Nay mẹ cháu đi xây dựng gia đình tại địa phương khác và làm thủ tục chuyển khẩu về quê chồng để lại một mình cháu ở lại với ông bà ngoại chung nhà nhưng vẫn một hộ khẩu riêng và trực tiếp làm chủ hộ. Như vậy có được không, trong trường hợp cháu không đủ điều kiện là chủ hộ gia đình thì tôi phải làm thế nào.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sổ hộ khẩu được cấp cho từng hộ gia đình, chủ hộ phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm chủ hộ (Ng­ười từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự). Do đó nếu cháu của ông đủ 18 tuổi trở lên và không mắc bệnh về tâm thần thì vẫn đủ điều kiện làm chủ hộ. Trường hợp không đủ 18 tuổi thì làm thủ tục nhập khẩu vào hộ của ông.

      Xóa
  12. Chào ls, cho tôi hỏi chút ạ. Tôi ở thanh ba phú thọ. Trước đây vợ chồng tôi ở chung với bố mẹ, chung 1 sổ hộ khẩu tại khu 9 xã ninh dân. Năm 2016 vợ chồng tôi đã tách khẩu, chuyển về ở tại khu 3 xã ninh dân. Đến nay vợ chồng chúng tôi đã chuyển về sinh sống lại cùng bố mẹ đẻ, muốn chuyển lại khẩu (5 vợ chồng, con) từ khu 03 về khu 09, vẫn giữ nguyên sổ hộ khẩu ( không nhập vào sổ hộ khẩu của bố mẹ). Tôi đã ra ubnd xã Ninh Dân để làm thủ tục chuyển hộ khẩu, nhưng cán bộ công an xã yêu cầu tôi phải chứng minh là có chỗ ở hợp pháp, phải phô tô bìa đỏ nhà đất của bố mẹ tôi (tôi chuyển về nhà bố mẹ đẻ có sự đồng ý của bố mẹ đẻ), yêu cầu bố mẹ tôi phải làm giấy tờ cho chúng tôi nhà ở thì mới tiến hành chuyển khẩu được. Điều này có đúng với luật cư trú không ạ? Tôi đã được cắt đất, có sổ bìa đỏ tại nơi đất mà bố mẹ tôi sinh sống hiện tại( khu 9), đang sinh sống bình thường

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu anh muốn nhập khẩu về khu 9 thì có 2 trường hợp:
      - Nếu anh đã có sổ đỏ thì nhập khẩu theo diện có chỗ ở hợp pháp. Lúc này anh mới phải xuất trình giấy tờ chứng minh anh đã có chổ ở hợp pháp.
      - Nếu anh nhập khẩu về lại nhà cha mẹ ruột thì phải có sự đồng ý của cha mẹ.

      Xóa
  13. Em có con mới sinh thì nhập vào sổ hộ khẩu có mất phí không? Nếu có thì là bao nhiêu?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhập khẩu cho trẻ em không mất phí nhé bạn.

      Xóa
  14. Nặc danh23:20

    Tôi có hộ khẩu và đang thường trú tại phường 26 ,quận Bình Thạnh . Vì mới sinh con nhỏ nên về nhà nội cháu cho tiện việc chăm sóc . Tôi có nhờ dì là chủ hộ đi nhập hộ khẩu cho con theo tôi . Nhưng công ăn khu vực bảo ko nhâp được do mẹ con tôi không mặt có ở nhà . Vậy công ăn khu vực tôi ko cho nhập là đúng hay sai ?.và tôi ở nhà nội bé hết thời gian hậu sản mới về nhập khẩu cho bé có bị phạt ko ? Xin phúc đáp cho tôi được rõ . Xin cám ơn

    Trả lờiXóa
  15. Chào luật sư
    Em là mẹ đơn thân mới sanh em bé tại Bình Dương, quê e ở Thái Bình, sanh em bé xong em có gửi giấy chứng sanh về cho mẹ nhờ làm giấy khai sanh, bhyt và tách sổ hộ khẩu cho em và bên công an có cấp giấy khai sanh và bhyt nhưng không tách sổ vì 2023 thu hồi không sử dụng sổ hộ khẩu giấy nữa thì bây giờ em nên làm giấy tờ gì để sau này có thể cho cháu đi học ở Bình Dương ạ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn làm thủ tục đăng ký thường trú cho con bạn vào hộ khẩu của bạn ở Thái Bình. Sau đó bạn làm thủ tục đăng ký tạm trú cho 2 mẹ con tại Bình Dương. Tiếp đến, bạn làm thủ tục chuyển nơi đăng ký thường trú cho 2 mẹ con từ Thái Bình vào Bình Dương.

      Xóa
  16. Nặc danh11:17

    E chào luật sư
    Vợ chồng e có hộ khẩu thường trú ở quận bình tân. Nhưng nhà đó e cho thuê, và e đang tạm trú ở bình chánh. Nay con e mới sinh thì nhập khẩu ở đâu ạ. Và thủ tục sao ạ. E cám ơn

    Trả lờiXóa
  17. Nặc danh15:30

    Dạ em chào luật sư ạ!
    Vợ chồng em không đkkh và làm giấy khai sinh theo họ cha ( giấy xét nghiệm ADN nhận cha con), trong trường hợp nếu em cho bé nhập khẩu nhà cha bé ở quận Bình Thạnh,HCM để tiện đi học(ông ngoại của cha bé là chủ khẩu). Nếu sau này em có muốn tách khẩu con thì em sẽ phải làm như thế nào, có cần phải chủ khẩu ra mặt không? Vì em sợ họ sẽ làm khó dễ mẹ con em không cho bé tách khẩu ạ ! Mong luật sư phản hồi sớm ạ ! Em xin cảm ơn

    Trả lờiXóa
Lưu ý:
- Các bạn đóng góp ý kiến, nêu thắc mắc cần giải đáp vào khung bên dưới bằng tiếng Việt có dấu.

- Đọc kỹ phần Hỏi - Đáp trước khi hỏi, những câu hỏi trùng nội dung có thể sẽ không trả lời.

Tên

Anti Virus,11,Âm thanh,4,Bảng lương,36,Bảo hiểm,6,Biểu mẫu,18,Bình luận BLHS,27,Bộ Luật,49,Calendar,9,Cán bộ công chức,47,CCCD,9,CMND,8,Cư trú,21,Dân sự,10,Doanh nghiệp,24,Đất đai - Nhà ở,18,Đầu tư - Đấu thầu,23,Ebook,11,Game,4,Giao thông,53,Giấy tờ xe,34,Hệ thống,9,Hình ảnh,15,Hình sự,18,học Tiếng Anh,9,Hộ khẩu,8,Hôn nhân Gia đình,13,Khai sinh,9,Kinh nghiệm pháp lý,9,Lao động,16,Luật cơ bản,91,Luật thuế,21,Luật tiếng Anh,60,Nghĩa vụ quân sự,10,Phần mềm điện thoại,15,Phần mềm PC,102,Quyết định,1,Tải file,22,Thanh tra - Khiếu nại tố cáo,3,Thủ thuật Facebook,18,Thủ thuật Zalo,2,Thủ tục hành chính,79,Tố tụng hình sự,12,Trắc nghiệm,15,Trực tuyến,11,Văn bản,2149,Văn phòng,15,Vi phạm giao thông,6,Video,4,Xây dựng,11,Xử phạt,3,
ltr
item
Tra cứu pháp luật - Thủ Tục Hành Chính - Thủ thuật phần mềm: 30 câu hỏi đáp về thủ tục nhập khẩu, tách khẩu, khai báo tạm trú, lưu trú
30 câu hỏi đáp về thủ tục nhập khẩu, tách khẩu, khai báo tạm trú, lưu trú
Giải đáp các thắc mắc thường gặp về thủ tục nhập khẩu, tách khẩu, điều chỉnh sổ hộ khẩu cũng như việc khai báo tạm trú, lưu trú...
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhMvfyYkxRfJdGwHPfpczyo1iNGrCxpI6uM-pymX-9Csw-rTeNtWhl7cGDymIpo9Ne20f9vjkqnDy6trZDIwNMMwgyEGGsHhvRlwvsgfJp9QxthYyCzrE2BhM-IB_H9-_o5FHGNXirkMtA/s1600/Hoi+dap+cu+tru-min.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhMvfyYkxRfJdGwHPfpczyo1iNGrCxpI6uM-pymX-9Csw-rTeNtWhl7cGDymIpo9Ne20f9vjkqnDy6trZDIwNMMwgyEGGsHhvRlwvsgfJp9QxthYyCzrE2BhM-IB_H9-_o5FHGNXirkMtA/s72-c/Hoi+dap+cu+tru-min.jpg
Tra cứu pháp luật - Thủ Tục Hành Chính - Thủ thuật phần mềm
https://www.tracuuphapluat.info/2017/06/giai-dap-ve-thu-tuc-nhap-tach-khau-tam-tru.html
https://www.tracuuphapluat.info/
https://www.tracuuphapluat.info/
https://www.tracuuphapluat.info/2017/06/giai-dap-ve-thu-tuc-nhap-tach-khau-tam-tru.html
true
1624770636553188390
UTF-8
Loaded All Posts Không thấy bài viết nào Xem tất cả bài viết Đọc tiếp Trả lời Hủy trả lời Xóa By Trang chủ PAGES Bài viết View All RECOMMENDED FOR YOU Chủ đề ARCHIVE Tìm kiếm với từ khóa ALL POSTS Not found any post match with your request Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat Tháng 1 Tháng 2 Tháng 3 Tháng 4 Tháng 5 Tháng 6 Tháng 7 Tháng 8 Tháng 9 Tháng 10 Tháng 11 Tháng 12 Th.1 Th.2 Th.3 Th.4 Tháng 5 Th.6 Th.7 Th.8 Th.9 Th.10 Th.11 Th.12 just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content