Nghị quyết 68/NQ-CP về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính
CHÍNH
PHỦ
------- |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
Số:
68/NQ-CP
|
Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2010
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ
VIỆC ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ CỦA BỘ TÀI
CHÍNH
Căn
cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ,
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ,
Điều 1. Thông
qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý
của Bộ Tài chính kèm theo Nghị quyết này.
Điều 2. Giao Bộ Tài
chính và các bộ, ngành liên quan trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm triển
khai thực hiện theo đúng nội dung và thời hạn quy định tại Phương án đơn giản
hóa thủ tục hành chính đã được Chính phủ thông qua tại Điều 1 và Điều 3 của
Nghị quyết này.
Trong
quá trình thực hiện, Bộ Tài chính chủ động phát hiện và kịp thời sửa đổi, bổ
sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan thuộc thẩm quyền
hoặc đề nghị bằng văn bản, gửi Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ về các luật,
pháp lệnh, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ có quy
định về thủ tục hành chính cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ
để thực hiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính được Chính phủ thông qua
tại Điều 1 của Nghị quyết này.
Điều 3. Đối với những
thủ tục hành chính được quy định trong luật, pháp lệnh cần phải sửa đổi, bổ
sung, thay thế hoặc hủy bỏ, bãi bỏ theo Phương án đơn giản hóa nêu tại Điều 1
Nghị quyết này, giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ,
thay mặt Chính phủ, trước ngày 31 tháng 12 năm 2010 báo cáo Ủy ban Thường vụ
Quốc hội đề nghị của Chính phủ về việc cho phép bổ sung dự án luật, pháp lệnh để
thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được Chính phủ thông
qua vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, 2012 theo hình thức một
văn bản sửa nhiều văn bản và áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định
của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.
Căn
cứ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông
qua, giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp trình Thủ tướng
Chính phủ quyết định thời hạn Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan phải
hoàn thành việc soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh gửi Bộ Tư pháp tổng hợp
thành văn bản chung để trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Điều 4. Đối
với những thủ tục hành chính được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật
thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang Bộ phải sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ, bãi bỏ
theo phương án đơn giản hóa nêu tại Điều 1 Nghị quyết này, giao Bộ trưởng Bộ
Tài chính áp dụng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo trình tự, thủ
tục rút gọn để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ ban hành. Trường hợp cần áp dụng một văn bản để sửa một văn bản, giao Bộ
trưởng Bộ Tài chính xem xét quyết định.
Điều 5. Giao
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ nội dung văn
bản quy phạm pháp luật của các cơ quan trung ương ban hành để thực thi phương
án đơn giản hóa thủ tục hành chính nêu tại Điều 1 Nghị quyết này, thực hiện
ngay việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên
quan tại các văn bản thuộc thẩm quyền, ban hành để bảo đảm thi hành khi các văn
bản của Trung ương nói trên có hiệu lực.
Điều 6. Để
tạo điều kiện thông quan nhanh hàng hóa xuất nhập khẩu, yêu cầu trước ngày 30 tháng
6 năm 2011:
1.
Các bộ: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông
vận tải, Công thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng ban hành đầy
đủ danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng theo quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP
ngày 23/01/2006 của Chính phủ.
2.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đầy đủ danh mục hàng hóa phải
kiểm dịch động vật và hàng hóa phải kiểm dịch thủy sản; danh mục hàng hóa phải
kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật theo quy
định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ.
3.
Các bộ: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông
vận tải, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Y tế hoàn
thành báo cáo nghiên cứu thiết lập phòng thí nghiệm tại các khu vực cửa khẩu
lớn để phục vụ kiểm tra nhanh tại các cửa khẩu thuộc các cục Hải quan ở Quảng
Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ,
đảm bảo phù hợp với Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất
lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" đã được
Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2010,
trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
4.
Các bộ: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông
vận tải, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Y tế thống
nhất các loại giấy tờ về quản lý chuyên ngành để áp dụng thỏa thuận thừa nhận
lẫn nhau về chứng nhận chất lượng hàng hóa từ nước xuất khẩu theo quy định tại
khoản 2, Điều 26 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đảm bảo phù hợp với lộ
trình triển khai Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng
sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" đã được Thủ
tướng phê duyệt tại Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2010. Ưu tiên
thực hiện sớm đối với các nước có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lớn vào Việt Nam .
5.
Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công Thương,
Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng ban hành Quy trình kiểm tra và xử lý
hàng hóa thống nhất theo trình tự các bước cơ bản quy định tại Điều 35 và 36
Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, trên cơ sở tham khảo quy trình kiểm tra chi
tiết của Bộ Khoa học và Công nghệ tại Thông tư 17/2009/TT-BKHCN ngày 18 tháng 6
năm 2009 để đảm bảo thống nhất ở mức cao.
Điều 7. Giao Bộ Tài
chính chủ trì, phối hợp với các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công
Thương, Y tế, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành khác
có liên quan nghiên cứu và xây dựng đề án về cơ chế phối hợp giữa cơ quan hải
quan và các bộ, ngành để giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu
tại cửa khẩu đường bộ, đường biển và đường không, đảm bảo tính đồng bộ với cơ
chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đến năm 2012, nhằm cắt giảm 10%-20% chi phí
làm thủ tục hải quan cho công dân và doanh nghiệp; giảm 30% thời gian thông
quan tại cửa khẩu đường bộ, đường biển và đường không; nâng cao hiệu quả phối
hợp giữa các bộ, ngành với cơ quan hải quan để giải quyết thủ tục thông quan
hàng hóa xuất nhập khẩu cho cá nhân, tổ chức.
Việc
xây dựng Đề án về cơ chế phối hợp giữa cơ quan hải quan và các bộ, ngành liên
quan để giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại hải quan cửa
khẩu cần tập trung nghiên cứu các nội dung:
-
Xác định cụ thể tần suất xuất nhập khẩu của từng nhóm hàng hóa tại từng cửa
khẩu; gắn với từng nhóm hàng hóa đó là các bộ, ngành chuyên môn liên quan;
những vướng mắc chủ yếu của từng nhóm hàng khi thực hiện thủ tục thông quan;
những thực tiễn tốt từ khảo sát kinh nghiệm quốc tế, bao gồm cả những yêu cầu,
điều kiện để thực hiện được cơ chế phối hợp, những vấn đề cần lưu ý hoặc những
bài học kinh nghiệm khi xây dựng cơ chế phối hợp tại những quốc gia được khảo sát;
-
Xác định mô hình tổ chức của Hải quan cửa khẩu trên cơ sở biệt phái cán bộ các
bộ, ngành dưới sự chỉ đạo thống nhất của Trưởng hải quan cửa khẩu; chuẩn hóa
quy trình giải quyết công việc của các lực lượng làm việc tại hải quan cửa
khẩu; thẩm quyền của hải quan và các lực lượng chuyên ngành tại cửa khẩu.
-
Xác định cơ chế phối hợp giải quyết những vấn đề về chuyên ngành vượt thẩm
quyền của hải quan cửa khẩu (hải quan và lực lượng liên ngành).
-
Xác định yêu cầu về cơ sở vật chất và điều kiện làm việc của cơ quan hải quan
tại cửa khẩu để đảm bảo các bộ, ngành chuyên môn phối hợp với hải quan trong
việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại hải quan cửa khẩu.
-
Xác định cụ thể những cửa khẩu, nhóm hàng áp dụng cơ chế phối hợp theo hướng
chỉ thực hiện tại những cửa khẩu có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn.
-
Đề xuất cơ chế tài chính đối với các hoạt động phối hợp bộ, ngành và chế độ đối
với cán bộ biệt phái.
-
Đề xuất việc ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai cơ chế phối hợp này.
-
Đề xuất việc lựa chọn một số cửa khẩu để áp dụng cơ chế thí điểm.
Về
lộ trình thực hiện:
-
Bộ Tài chính trước ngày 30 tháng 6 năm 2011 trình Chính phủ thông qua đề án về
cơ chế phối hợp giữa cơ quan hải quan và các bộ, ngành để giải quyết thủ tục
thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu đường bộ, đường biển và đường
không để thực hiện thí điểm tại một số cửa khẩu.
-
Sau 01 năm kể từ ngày bắt đầu thực hiện thí điểm, Bộ Tài chính chủ trì, phối
hợp với các bộ, ngành tổng kết việc thực hiện thí điểm cơ chế phối hợp giữa cơ
quan hải quan và các bộ, ngành để giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa xuất
nhập khẩu tại cửa khẩu đường bộ, đường biển và đường không để triển khai trên
diện rộng.
Điều 8. Giao Bộ Tài
chính chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Lao động-Thương binh
và Xã hội, Bộ Y tế nghiên cứu và xây dựng đề án về cơ chế phối hợp thu thuế thu
nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp và chia sẻ
thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhằm nâng cao
hiệu quả việc thu và quản lý nguồn thu từ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo
hiểm thất nghiệp; bảo vệ quyền lợi của người lao động; nâng cao hiệu quả quản
lý thu thuế; và cắt giảm 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho cá nhân,
tổ chức, góp phần nâng thứ hạng của Việt Nam trên trường quốc tế. Trước ngày 30
tháng 6 năm 2011 trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Đề
án về cơ chế phối hợp thu thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y
tế, bảo hiểm thất nghiệp và chia sẻ thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan bảo
hiểm xã hội cần tập trung nghiên cứu các nội dung:
-
Đánh giá thực trạng công tác quản lý việc thu thuế, thu bảo hiểm xã hội, bảo
hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp; những thất thoát thu về thuế và thu bảo hiểm
xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do thiếu sự chia sẻ thông tin giữa
cơ quan thuế và cơ quan bảo hiểm xã hội; kinh nghiệm quốc tế về các mô hình thu
thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và những ưu điểm, nhược điểm của
từng mô hình và điều kiện để triển khai những mô hình đó và bài học kinh nghiệm
đối với Việt Nam.
-
Xác định cơ chế thực hiện việc thu, cách thức chia sẻ thông tin giữa cơ quan
thuế, cơ quan bảo hiểm xã hội;
-
Hài hòa và nâng cao hiệu quả các quy trình nghiệp vụ về thu thuế, thu bảo hiểm
xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp để chia sẻ thông tin giữa hai cơ
quan.
-
Lập kế hoạch đầu tư trang thiết bị, hệ thống công nghệ thông tin và bồi dưỡng
cán bộ để phục vụ việc chia sẻ thông tin giữa hai cơ quan thuế và bảo hiểm xã
hội.
Điều 9. Giao
Văn phòng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc thực hiện và tổng hợp vướng mắc của Bộ
Tài chính, các bộ, ngành có liên quan để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ
trong quá trình thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được
Chính phủ thông qua tại Nghị quyết này.
Điều 10.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Các
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng |