Thông tư 53/2008/TT- BTC hướng dẫn kinh phí bảo đảm hoạt động của hoà giải viên lao động
BỘ TÀI CHÍNH CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAMSố: 53/2008/TT- BTC Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Căn cứ Nghị định số 133/2007/NĐ-CP ngày 8/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật Lao động về giải quyết tranh chấp lao động;
Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2008
THÔNG TƯ
Hướng dẫn về kinh phí bảo đảm hoạt động của hoà giải viên lao động
Bộ Tài chính hướng dẫn về kinh phí bảo đảm hoạt động của hoà giải viên lao động như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
Đối tượng áp dụng Thông tư này là các cơ quan lao động cấp huyện và các hoà giải viên lao động đã được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện công nhận và được phân công bằng văn bản tham gia hoà giải các vụ tranh chấp lao động cá nhân tại các doanh nghiệp chưa có Hội đồng hoà giải; tranh chấp việc thực hiện hợp đồng học nghề và chi phí dạy nghề; các tranh chấp quy định tại khoản 2, Điều 166 của Bộ luật Lao động khi các đương sự có yêu cầu và các tranh chấp lao động tập thể khi có yêu cầu.
II. NỘI DUNG, MỨC CHI VÀ NGUỒN KINH PHÍ BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA HOÀ GIẢI VIÊN LAO ĐỘNG
1. Nội dung và mức chi:
- Chi phí đi lại trong những ngày thực hiện công tác hoà giải tranh chấp lao động của hoà giải viên lao động được thanh toán theo quy định tại Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và Thông tư số 127/2007/TT-BTC ngày 31/10/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007 và Thông tư số 57/2007/TT-BTC ngày 11/6/2007 của Bộ Tài chính.
- Chi trả thù lao đối với hoà giải viên lao động trong những ngày thực hiện công tác hoà giải tranh chấp lao động (kể cả những ngày nghiên cứu hồ sơ, gặp gỡ hai bên tranh chấp lao động để thu thập, tài liệu, chứng cứ): 50.000 đồng/ngày.
2. Chứng từ để làm căn cứ thanh toán kinh phí bảo đảm hoạt động của hoà giải viên lao động, bao gồm:
- Giấy đề nghị thanh toán kinh phí bảo đảm hoạt động của hoà giải viên lao động (theo Mẫu số 1 đính kèm Thông tư này).
- Văn bản phân công của cơ quan lao động cấp huyện đối với hoà giải viên lao động.
- Biên bản hoà giải vụ tranh chấp lao động (Mẫu số 7 ban hành kèm theo Thông tư số 22/2007/TT-LĐTBXH ngày 23/10/2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).
3. Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của hoà giải viên lao động được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan lao động cấp huyện theo quy định phân cấp quản lý ngân sách hiện hành. Việc lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí hoạt động của hoà giải viên thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.
4. Nội dung, mức chi bảo đảm hoạt động của hoà giải viên lao động được tính hưởng từ ngày Nghị định số 133/2007/NĐ-CP ngày 8/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật Lao động về giải quyết tranh chấp lao động có hiệu lực thi hành.
III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Sỹ Danh |