Hướng dẫn chi tiết thủ tục nhận tiền bồi thường khi mua bảo hiểm xe máy nếu xảy ra tai nạn giao thông.
Bài viết sau sẽ hướng dẫn chi tiết thủ tục nhận tiền bồi thường khi mua bảo hiểm xe máy mà xảy ra tai nạn giao thông.
I. Bảo hiểm tai nạn xe máy là gì?
Bảo hiểm tai nạn xe máy là tên thường gọi của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô xe máy. Khi mua bảo hiểm này nếu chủ xe gây ra tai nạn giao thông thì công ty bán bảo hiểm sẽ đứng ra thay chủ xe (kể cả khi chủ xe chết) thực hiện bồi thường cho bên bị thiệt hại do chủ xe gây ra (bên thứ 3). Bảo hiểm này khác với bảo hiểm tự nguyện, là bảo hiểm cho bản thân chủ xe, xe của người đó và người ngồi trên xe.![]() |
Giấy bảo hiểm TNDS băt buộc loại 2 liên |
![]() |
Giấy bảo hiểm TNDS bắt buộc loại 3 liên |
II. Mức bồi thường thiệt hại thế nào?
- Mức tối đa bồi thường khi xảy ra tai nạn giao thông có thiệt hại về mặt tài sản là 50 triệu đồng/vụ, không hạn chế số vụ TNGT trong năm. Nếu trong 1 vụ TNGT mà gây thiệt hại cho tài sản của nhiều người cũng chỉ được bồi thường tối đa 50 triệu đồng/vụ. Nếu trong 1 năm mà bị TNGT nhiều lần thì phía bảo hiểm sẽ thanh toán bồi thường hết các vụ đó, mỗi vụ tối đa 50 triệu đồng.
Ví dụ: gây tai nạn với một xe hay 10 xe/1 lần thì tổng số tiền bồi thường tối đa cũng là 50 triệu đồng.
- Mức bồi thường thiệt hại về người là 100 triệu đồng/người/vụ và không hạn chế số người/vụ và số vụ/năm.
Ví dụ: nếu tai nạn có một người chết (có thể là người bị va chạm hoặc người ngồi sau) thì được bảo hiểm chi trả 100 triệu đồng cho thân nhân của người chết. Nếu chết 3 người thì là 300 triệu đồng.
- Một phần số tiền bảo hiểm được dùng để hỗ trợ cho nạn nhân bị TNGT trong trường hợp không xác định được người gây tai nạn hoặc tai nạn không thuộc phạm vi bảo hiểm, số tiền tối đa 20 triệu đồng/người.
III. Trình tự, thủ tục để được nhận tiền bồi thường
- Khi xảy ra tai nạn, chủ xe (tức người mua bảo hiểm) gọi đến số điện thoại đường dây nóng của công ty bảo hiểm (ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc tìm trên internet) hoặc qua ứng dụng cài trên điện thoại để thông báo vụ tai nạn, yêu cầu được hướng dẫn làm hồ sơ bồi thường và cử nhân viên giám định đến hiện trường (nên ghi âm lại cuộc gọi để làm bằng chứng).
- Nhân viên tư vấn trực điện thoại của bên bảo hiểm sẽ ghi nhận thông tin và hướng dẫn liên hệ với giám định viên. Giám định viên sẽ kiểm tra lại thông tin chủ xe đã cung cấp rồi trực tiếp đến hiện trường vụ tai nạn hoặc có thể không đến hiện trường nhưng đưa ra các hướng dẫn cụ thể.
Một số hãng bảo hiểm cho phép chủ xe gọi video trực tuyến qua ứng dụng bảo hiểm để kết nối với nhân viên tư vấn và giám định viên, cho phép thẩm định từ xa nên giám định viên có thể không cần đến hiện trường.
- Chủ xe thông báo cho cơ quan công an (CSGT hoặc Công an phường, xã) nơi xảy ra vụ tai nạn để họ đến lập biên bản hiện trường, chụp ảnh vụ tai nạn (nếu là CSGT) hoặc lập biên bản ghi nhận vụ việc (nếu là CA phường, xã).
- Sau đó Công an sẽ tiến hành xác minh, giải quyết vụ việc, xác định lỗi của mỗi bên, mời các bên đến để thỏa thuận việc bồi thường.
- Sau đó Công an sẽ tiến hành xác minh, giải quyết vụ việc, xác định lỗi của mỗi bên, mời các bên đến để thỏa thuận việc bồi thường.
- Đối với thiệt hại về tài sản: Khi được công an mời đến để thỏa thuận việc bồi thường, chủ xe cần yêu cầu công ty bảo hiểm cử người tham gia, hướng dẫn việc thỏa thuận bồi thường. Thông thường công ty BH sẽ duyệt giá (nếu sửa chữa) và trả tiền cho bên sửa chữa. Nếu không, công ty BH sẽ cùng chủ xe và bên thứ ba chốt số tiền bồi thường. Chủ xe trả tiền bồi thường trước, sau đó công ty BH sẽ hoàn lại cho chủ xe (lúc này công ty BH sẽ hướng dẫn chủ xe thu thập các tài liệu, chứng từ chứng minh số tiền đã bồi thường).
- Đối với thiệt hại về người: Công ty BH sẽ căn cứ vào tỉ lệ thương tật (căn cứ vào kết luận ghi trên bệnh án, giấy ra viện) để tính ra số tiền bồi thường (A) = 100 triệu đồng x tỉ lệ thương tật. Nếu số tiền người mua bảo hiểm đã bồi thường lớn hơn số (A) thì BH trả đúng bằng số A. Nếu số tiền người mua bảo hiểm đã bồi thường nhỏ hơn số (A) thì BH trả đúng bằng số tiền đã bồi thường.
- Đối với thiệt hại ước tính dưới 10 triệu đồng, không bắt buộc phải có hồ sơ của cơ quan công an. Giám định viên của Công ty BH phải tự lập biên bản hiện trường, có xác nhận của người làm chứng và chính quyền địa phương. Còn chủ xe lập biên bản thỏa thuận đền bù thiệt hại với bên bị tai nạn, đề nghị giám định viên ký xác nhận, đồng thời xin xác nhận của Công an phường, xã.
IV. Hồ sơ gởi cho công ty bảo hiểm để nhận tiền đền bù gồm:
1 Tài liệu liên quan đến xe, lái xe
- Giấy chứng nhận đăng ký xe; GPLX;
- CMND hoặc Hộ chiếu hoặc các giấy tờ tuỳ thân khác của lái xe;
- Giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS.
2. Tài liệu chứng minh việc gây thiệt hại về người cho bên thứ 3
- Các giấy chứng nhận y tế liên quan tới việc điều trị/nhập viện: Giấy chứng nhận tỷ lệ thương tật (giấy chứng thương); Giấy chứng nhận phẫu thuật; Giấy ra viện; Hồ sơ bệnh án; Kết luận giám định thương tật; Giấy chứng tử (nếu nạn nhân tử vong)...;- Các hóa đơn y tế gốc cùng với chi tiết về các chi phí y tế phát sinh.
3. Tài liệu chứng minh việc gây thiệt hại về tài sản cho bên thứ 3
- Hóa đơn, chứng từ hợp lệ về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do TNGT gây ra do chủ xe thực hiện tại các cơ sở do công ty bảo hiểm chỉ định hoặc được sự đồng ý của công ty bảo hiểm. Ví dụ: Báo giá sửa chữa; hóa đơn; biên bản định giá của hội đồng định giá tài sản...
- Các giấy tờ chứng minh chi phí cần thiết và hợp lý mà chủ xe đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của công ty bảo hiểm.
4. Bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn
- Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn của CSGT hoặc biên bản ghi nhận vụ tai nạn có xác nhận của Công an phường, xã nơi xảy ra TNGT;
- Sơ đồ hiện trường; bản ảnh (nếu có);
- Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn;
- Thông báo kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông hoặc biên bản giải quyết vụ tai nạn, ghi nhận thỏa thuận đền bù; biên bản hòa giải (nếu có);
- Các tài liệu khác có liên quan đến vụ tai nạn (giấy tờ chứng minh người thừa kế hợp pháp...).
V. Thời gian, thời hạn giải quyết bồi thường
- Chủ xe khai báo vào Giấy thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường và gởi cùng tài liệu liên quan đến việc bồi thường tới công ty bán bảo hiểm trong thời hạn 5 ngày từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng). Giấy này do giám định viên đưa hoặc tải trên website của công ty bán BH.
- Trong thời hạn 15 ngày từ khi nhận được hồ sơ hoặc trong 30 ngày nếu phải tiến hành xác minh hồ sơ, doanh nghiệp phải thanh toán bồi thường cho chủ xe. Thời hạn yêu cầu bồi thường của chủ xe là 1 năm, kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng.
- Thời hiệu khởi kiện về việc bồi thường bảo hiểm là 3 năm kể từ ngày công ty bảo hiểm thanh toán bồi thường hoặc từ chối bồi thường.
VI. Mức giá bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm
- Theo quy định hiện hành, mức giá tối thiểu của bảo hiểm TNDS đối với xe máy có dung tích lớn hơn 50 cm3 là 66.000 đồng/năm (đã bao gồm VAT), xe máy có dung tích từ 50cm3 trở xuống là 60.500 đồng/năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có thể đưa ra mức giá cao hơn mức này.- Giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS có thời hạn sử dụng một năm (theo Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định về quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới)
- Loại bảo hiểm xe máy 20.000 đồng/hai người/năm là bảo hiểm tự nguyện. Bảo hiểm này để bảo hiểm cho người điều khiển xe, người ngồi trên xe khi xảy ra tai nạn.
VII. Mức xử phạt nếu không mang theo bảo hiểm TNDS
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chủ xe máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng; nếu là chủ xe ôtô thì bị phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng./.
Minh Hùng (Tổng hợp)
Ý KIẾN