Những vướng mắc khi xử lý hình sự tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo Điều 322 Bộ luật hình sự năm 2015.
Điều 322 Bộ luật hình sự 2015 đã cụ thể hóa các quy định về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc và áp dụng pháp luật trong xét xử đối với loại tội phạm này (cụ thể hóa các tình tiết định tội tại khoản 1, quy định rõ thế nào là quy mô lớn...). Tuy nhiên, việc áp dụng những hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đối với hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc đã có nhiều bất cập, nảy sinh vướng mắc dẫn đến cách hiểu không thống nhất. Cụ thể như sau:
I. Đối với hành vi đánh bạc dưới hình thức ghi số đề
Trong thực tiễn xét xử hiện nay, hình thức đánh bạc bằng việc ghi số đề là tương đối phổ biến, song việc định tội danh với những hành vi này cũng chưa có sự thống nhất đặc biệt là đối với người chủ đề và thư ký đề.
Hình thức đánh bạc bằng ghi số đề thường được thực hiện theo những trường hợp như sau:
- Là một người nào đó tự mình ghi số đề cho nhiều người chơi đề và trực tiếp thanh toán cho người mua số đề dựa trên kết quả sổ số trong ngày với mức quy định là 1 thắng 70 lần hoặc 80 lần tùy theo sự thỏa thuận. Trường hợp này thường được coi là một người tự đánh bạc đối với nhiều người.
- Là trường hợp một người đứng ra tổ chức cho những thư ký đề dưới mình tổ chức ghi đề cho những người chơi đề (thường gọi là chủ đề) và cuối ngày những thư ký đề mang cáp đề về và nộp tiền thể hiện trên cáp đề cho chủ đề sau khi đã trừ phần trăm mà chủ đề và thư ký đề đã tự thỏa thuận với nhau có thể là 20 hoặc 30%. Trường hợp này, thư ký đề chính là cánh tay nối dài của chủ để, chủ đề không trực tiếp đánh bạc với những người ghi đề mà là thông qua thư ký đề để đánh bạc.
Về việc xác định số tiền hoặc hiện vật để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chơi đề và chủ đề, theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01 thì:
- Đối với người chơi đề, trường hợp người chơi số đề có trúng số đề, thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề nếu thắng đề, nếu không thắng đề thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền họ bỏ ra mua đề.
- Đối với chủ đề, trường hợp có người chơi số đề trúng số đề, thì số tiền chủ đề, dùng đánh bạc là toàn bộ số tiền thực tế mà chủ đề nhận của những người chơi số đề và số tiền mà chủ đề phải bỏ ra để trả cho người trúng (có thể là một hoặc nhiều người).
- Trường hợp không có người chơi số đề trúng số đề hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền chủ đề dùng đánh bạc là tổng số tiền mà chủ đề đã nhận của những người chơi số đề.
Theo hướng dẫn trên thì trong trường hợp chủ đề trực tiếp ghi đề với những người mua đề và không cần thông qua trung gian thì sẽ định tội danh đối với chủ đề theo tội đánh bạc nếu nếu tổng số tiền lô, đề đã bán cộng với số tiền mà người chơi trúng đề (nếu có) từ 5.000.000 đồng trở lên.
Còn trường hợp chủ đề không trực tiếp ghi đề mà đánh bạc thông qua thư ký đề thì định tội danh với chủ đề theo tội danh gì? Vấn đề này hiện đang có những quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng:
- Đối với chủ đề:
- Nếu trong cùng một ngày, số tiền tất cả các thư ký đề bán được giao lại cho chủ đề cộng với số tiền trúng đề (nếu có) từ 20.000.000 đồng trở lên thì chủ đề phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc.
- Nếu trong cùng một ngày mà số tiền tất cả các thư ký bán được giao lại cho chủ đề cộng với số tiền trúng đề (nếu có) dưới 20.000.000 đồng nhưng tổng số người chơi mà các thư ký bán từ 10 người trở lên thì chủ đề phải chịu trách nhiệm về tội tổ chức đánh bạc.
- Nếu trong cùng một ngày mà số tiền tất cả các thư ký bán được giao lại cho chủ đề cộng với số tiền trúng đề (nếu có) từ 5.000.000 đồng trở lên nhưng dưới 20.000.000 đồng và số người chơi các thư ký đã bán chưa đủ 10 người thì người chủ đề không phải chịu trách nhiệm về tội tổ chức đánh bạc mà phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc.
- Nếu chủ đề ngoài việc thu nhận các cáp đề do các thư ký nộp lại mà còn trực tiếp bán lô, đề ăn thua với người mua thì chủ đề phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc đối với phần nhận cáp đề do các thư ký bán nộp lại (nếu thỏa mãn các điều kiện về số tiền hoặc số người) và tội đánh bạc đối với phần trực tiếp ăn thua với người mua lô đề nếu số tiền từ 5.000.000đ trở lên.
- Nếu số tiền bán đề trong cùng một ngày đã giao toàn bộ cho chủ đề cộng với số tiền trúng đề (nếu có) từ 20.000.000 đồng trở lên thì thư ký đề phải chịu trách nhiệm về Tội tổ chức đánh bạc với vai trò đồng phạm giúp sức cho chủ đề.
- Nếu số tiền bán đề trong cùng một ngày đã giao toàn bộ cho chủ đề cộng với số tiền trúng đề (nếu có) dưới 20.000.000 đồng nhưng bán cho từ 10 người chơi trở lên thì thư ký đề cũng đồng phạm Tội tổ chức đánh bạc với chủ đề.
- Nếu số tiền bán đề trong cùng một ngày đã giao toàn bộ cho chủ đề cộng với số tiền trúng đề (nếu có) dưới 20.000.000 đồng nhưng trên 5.000.000 đồng và bán cho 9 người trở xuống thì người thư ký đề không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức đánh bạc mà là phạm tội đánh bạc.
Quan điểm thứ hai cho rằng:
Trong mọi trường hợp, chủ đề và thư ký đề chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc theo Điều 321, chứ không thể bị truy tố về tội tổ chức đánh bạc theo quy định tại Điều 322 BLHS được bởi lẽ: Thực chất việc đánh bạc bằng hình thức ghi số đề về bản chất vẫn chỉ là một người đánh với nhiều người, thư ký đề chẳng qua chỉ là trung gian để chủ đề đánh bạc với những người khác chứ không phải là hành vi tổ chức đánh bạc. Do vậy, số tiền dùng để truy cứu rách nhiệm hình sự đối với thư ký đề và chủ đề là tổng số tiền trên các cáp đề mà các thư ký đề đã nộp cộng với số tiền trúng đề (nếu có).
Qua nghiên cứu các quan điểm trên thì quan điểm của tác giả như sau:
Về bản chất, tác giả cũng đồng tình cho rằng hình thức đánh bạc thông qua ghi đề thực chất là một người đánh bạc với nhiều người, trong trường hợp có thư ký đề thì thư ký đề chính là trung gian để chủ đề đánh bạc với nhiều người mà thôi. Tuy nhiên, hành vi của chủ đề thỏa thuận với các thư ký đề ghi đề cho mình chính là hành vi tổ chức cho nhiều người đánh bạc mà ở đây, chính là tổ chức cho các thư ký đề đánh bạc với nhiều người khác thông qua hình thức ghi đề thể hiện trên các cáp đề. Thực tiễn các con bạc đánh bạc dưới hình thức ghi số đề chỉ biết mình đánh bạc với các thư ký đề chứ không hề biết chủ đề là ai và việc thắng thua cũng là trực tiếp thanh toán với thư ký đề chứ không phải với chủ đề. Còn chủ đề ngoài việc tổ chức cho các thư ký đề đánh bạc với các con bạc là những người ghi đề thì chính chủ đề đang đánh bạc với các thư ký đề thông qua việc nhận các cáp đề của các thư ký đề và trực tiếp thanh toán tiền thắng thua cho các thư ký đề.
Do vậy
- Đối với chủ đề: nếu trong ngày, tổng số tiền trên các cáp đề và cả tiền trúng đề (nếu có) trên 20.000.000đ, thì chủ đề phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả hai tội là tổ chức đánh bạc theo khoản 1 Điều 322 BLHS và tội đánh bạc theo quy định tại Điều 321 BLHS, nếu số tiền trên 50.000.000đ thì sẽ bị truy tố theo khoản 2 Điều 321 BLHS.
- Đối với các thư ký đề: tùy theo số tiền trên cáp đề mà họ đã ghi trong ngày, nếu trên 20.000.000đ thì họ cũng bị truy tố về hai tội như chủ đề, nếu dưới 20.000.000đ thì truy tố họ về tội đánh bạc theo khoản 1 Điều 321 BLHS.
Thực tiễn trong các vụ án đánh bạc thông qua ghi số đề thì thường rất khó xác định được số người ghi đề mà chỉ xác định được số tiền thể hiện trên các cáp đề để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ đề hoặc thư ký đề. Do vậy cũng có ý kiến cho rằng nếu không xác định được người ghi đề thì cũng không định tội họ tổ chức đánh bạc được vì họ tổ chức cho ai. Về vấn đề này tác giả cho rằng, chỉ cần căn cứ vào cáp đề là xác định được có hay không có người ghi đề và cũng đủ để chứng minh có hành vi tổ chức đánh bạc của chủ đề và thư ký đề. Còn nếu xác định được người ghi đề mà tổng số tiền của họ ghi cộng với tiền trúng đề (nếu có) từ 5.000.000đ trở lên thì họ cũng phải bị truy tố về tội đánh bạc theo Điều 321 BLHS.
II. Những quan điểm khác nhau giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong thực tiễn:
1. Khoảng 16 giờ ngày 17/9/2019, Nguyễn Quang C đang ở nhà thì có Nguyễn Công T, Nguyễn Tuấn Q đến chơi. C rủ T và Q “đánh liêng” ăn tiền tại nhà mình. T và Q đồng ý nên C đi lấy bài và các đối tượng ngồi đánh bạc ngay tại hiên nhà, trên nền đá hoa. Một lúc sau có Nguyễn Chí Th đến và cùng tham gia đánh bạc. Các đối tượng ngồi đánh bạc đến 17 giờ 30 phút cùng ngày thì bị phát hiện, bắt giữ.
Về số tiền dùng để đánh bạc, các đối tượng khai nhận như sau: Quá trình điều tra xác định số tiền các đối tượng sử dụng để đánh bạc là 1.670.000 đồng (một triệu sáu trăm bảy mươi nghìn đồng).
Từ những tình tiết nêu trên, Cáo trạng số: 82/CTr -VKS ngày 30/11/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện T, tỉnh B truy tố Nguyễn Quang C hai tội: tội “Đánh bạc” quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS và tội “Gá bạc” theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 322 BLHS; truy tố Nguyễn Chí Th về tội “Đánh bạc” quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS (C và T cùng đã bị xử về tội đánh bạc và đang trong thời gian thử thách của án treo).
Vụ án trên hiện có hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất: Nhất trí với quan điểm truy tố của Viện kiểm sát, xét xử và tuyên bố Nguyễn Quang C phạm hai tội “Đánh bạc” theo quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS và phạm tội tội “Gá bạc” theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 322 BLHS. Mặc dù cả hành vi “Đánh bạc” và hành vi “Gá bạc” mà C thực hiện đều chưa đủ mức độ và quy mô cấu thành tội phạm, nhưng C đã có một tiền án về hành vi “đánh bạc” chưa được xóa án và lại phạm tội trong thời gian thử thách, nên xét về dấu hiệu khách quan của tội “Đánh bạc” và tội “Gá bạc” đều thỏa mãn và tình tiết định tội là “đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”, được dùng làm tình tiết định tội cho cả hai tội là đánh bạc và tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc…
Quan điểm thứ hai là quan điểm của tác giả: Nguyễn Quang C chỉ phạm một tội “đánh bạc” theo quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS bởi vì, một tiền án về hành vi “đánh bạc” chưa được xóa của C chỉ được tính là dấu hiệu định tội đối với một tội phạm là C thực hiện hành vi “Đánh bạc”. Bởi lẽ, xét về mặt chủ quan của tội phạm thì C không hề có ý thức tổ chức đánh bạc hay gá bạc mà khi thấy Q và T đến chơi thì C rủ các đối tượng này đánh bạc cùng mình tại hiên nhà, khi đang đánh thì có Th đến chơi và cùng tham gia vào đánh bạc. Như vậy, ý thức chủ quan của C là khi có người đến chơi thì rủ cùng đánh bạc với mình tại nhà mình, chứ không có ý thức tổ chức hay dùng nhà của mình để gá bạc cho các đối tượng đến để đánh bạc. Hơn nữa không thể dùng một tình tiết định tội để định tội với cả hai tội danh mà ở đó các hành vi phạm tội lại diễn ra liền kề nhau và hành vi này là tiền đề cho hành vi kia.
2. Trường hợp thứ hai là gần đây có nhiều vụ khi Công an bắt các đối tượng đánh bạc, thì số tiền trên chiếu bạc đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc, nhưng chưa đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ nhà về hành vi tổ chức hay gá bạc (chủ nhà không tham gia đánh bạc) thì Cơ quan điều tra khởi tố đối tượng chủ nhà về tội đánh bạc với vai trò đồng phạm giúp sức và ra quyết định xử phạt hành chính đối với chủ nhà về hành vi tổ chức hoặc gá bạc.
Quan điểm của tác giả không thống nhất với việc xử lý trên bởi lẽ: Nếu hành vi tổ chức hoặc gá bạc không thỏa mãn dấu hiệu cơ bản quy định trong điều luật là cho từ 10 người trở lên hoặc có hai chiếu bạc hoặc tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần có giá trị 20.000.000 đồng trở lên thì người đó không phạm tội tổ chức hoặc gá bạc nhưng người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với vai trò đồng phạm giúp sức. Như vậy, hành vi tổ chức hoặc gá bạc đã bị xử lý thay thế bằng hành vi đánh bạc thì không thể xử phạt hành chính họ về hành vi đó được nữa vì một hành vi không thể bị xử lý hai lần (không thể đã bị xử lý sang tội đánh bạc rồi lại bị xử phạt hành chính tiếp).
Hơn nữa, năm 2016 có câu hỏi đặt ra là “Tổ chức đánh bạc cho 10 người nhưng tổng số tiền thu trên chiếu bạc dưới 5 triệu đồng có bị xử lý hình sự không?”.
Về vấn đề này thì tại Công văn giải đáp số 01/2016/GĐ ngày 25/7/2016 của TANDTC có hướng dẫn: “Theo quy định tại Điều 249 BLHS năm 1999 và hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22-10-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì phạm tội Tổ chức đánh bạc thuộc trường hợp “với quy mô lớn” nếu: “a) Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một lúc cho từ mười người đánh bạc trở lên…”.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 322 BLHS năm 2015 thì: “1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Tổ chức, sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho từ 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc…;”
Như vậy, cấu thành tội phạm của tội “Tổ chức đánh bạc” theo quy định tại Điều 322 BLHS năm 2015 không thay đổi so với Điều 249 BLHS năm 1999. Do đó, người thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc cho 10 người nhưng tổng số tiền thu trên chiếu bạc dưới 05 triệu đồng thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tổ chức đánh bạc”.
Tác giả đề nghị cần bỏ phần hướng dẫn này vì trái với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 322 BLHS bởi lẽ: Tại điểm a khoản 1 Điều 322 có quy định “Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000đ trở lên…”. Như vậy, tại cấu thành cơ bản của điều luật đã quy định rõ, nếu tổ chức cho 10 người đánh bạc thì số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc phải trị giá từ 5.000.000đ trở lên mới cấu thành tội tổ chức đánh bạc còn dưới 5.000.000đ thì chưa đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự./.
Nguồn: TS PHẠM MINH TUYÊN ( Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh)
Tham khảo:
Ý KIẾN