Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 - Phần 5, 6: Thi hành, xét lại Bản án, Quyết định đã có hiệu lực pháp luật
PHẦN THỨ NĂM
MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Chương XXIII
BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH ĐƯỢC THI
HÀNH NGAY VÀ THẨM QUYỀN RA QUYẾT ĐỊNH THI HÀNH ÁN
Điều 363. Bản án,
quyết định của Tòa án được thi hành ngay
Trường hợp bị cáo đang bị tạm
giam mà Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, tuyên bị cáo không có
tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải
là hình phạt tù hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù
bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam thì bản án hoặc quyết định của Tòa án
được thi hành ngay, mặc dù vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị.
Hình phạt cảnh cáo được thi
hành ngay tại phiên tòa.
Điều 364. Thẩm
quyền và thủ tục ra quyết định thi hành án
1. Chánh án Tòa án đã xét xử
sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa
án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án.
2. Thời hạn ra quyết định thi
hành án là 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật
hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc
thẩm, quyết định tái thẩm.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ
ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành của Chánh án Tòa án đã xét xử sơ
thẩm thì Chánh án Tòa án được ủy thác phải ra quyết định thi hành án.
3. Trường hợp người bị kết án
phạt tù đang tại ngoại thì quyết định thi hành án phạt tù phải ghi rõ trong
thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, người đó phải có mặt tại cơ
quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để thi hành án.
Trường hợp người bị kết án
phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trốn thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành
án yêu cầu cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt
tù đang tại ngoại ra quyết định truy nã.
Điều 365. Giải
thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án
1. Cơ quan thi hành án hình
sự, cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát, người bị kết án, bị hại, đương
sự liên quan đến việc thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết
định giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi
hành.
2. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa
đã ra bản án, quyết định có trách nhiệm giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ
trong bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa
không thể thực hiện được thì việc giải thích, sửa chữa do Chánh án Tòa án đã ra
bản án, quyết định đó thực hiện.
Điều 366. Giải
quyết kiến nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án
Trường hợp cơ quan thi hành án
hình sự, cơ quan thi hành án dân sự kiến nghị về việc xem xét lại bản án, quyết
định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì Tòa án có thẩm quyền
có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được văn bản kiến
nghị. Trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn trả lời có thể kéo dài nhưng
không quá 120 ngày kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị.
Chương XXIV
MỘT SỐ THỦ TỤC VỀ THI HÀNH ÁN
TỬ HÌNH, XÉT THA TÙ TRƯỚC THỜI HẠN CÓ ĐIỀU KIỆN, XÓA ÁN TÍCH
Điều 367. Thủ tục
xem xét bản án tử hình trước khi thi hành
1. Thủ tục xem xét bản án tử
hình trước khi thi hành được thực hiện:
a) Sau khi bản án tử hình có
hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Chánh án Tòa án nhân dân
tối cao và bản án phải được gửi ngay cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối
cao;
b) Sau khi đã xem xét hồ sơ vụ
án để quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc
tái thẩm, Tòa án nhân dân tối cao phải chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát
nhân dân tối cao. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án,
Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tối
cao;
c) Trong thời hạn 02 tháng kể
từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không
kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm;
d) Trong thời hạn 07 ngày kể
từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm
lên Chủ tịch nước;
đ) Bản án tử hình được thi hành
nếu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối
cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết
án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.
Trường hợp bản án tử hình bị
kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm,
Hội đồng tái thẩm Tòa án nhân dân tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị
và giữ nguyên bản án tử hình thì Tòa án nhân dân tối cao phải thông báo ngay
cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình;
e) Trường hợp người bị kết án
có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi
Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.
2. Khi có căn cứ quy định tại
khoản 3 Điều 40 của Bộ luật hình sự thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm không
ra quyết định thi hành án tử hình và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.
Điều 368. Thủ tục xét tha tù trước thời hạn
có điều kiện
1. Trại giam; Trại tạm giam thuộc Bộ Công
an, Trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp
tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị
tha tù trước thời hạn và chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm
sát quân sự cấp quân khu, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu
nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù.
Hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn
gồm:
a) Đơn xin tha tù trước thời hạn của phạm
nhân kèm theo cam kết không vi phạm pháp luật, các nghĩa vụ phải chấp hành khi
được tha tù trước thời hạn;
b) Bản sao bản án có hiệu lực pháp luật;
quyết định thi hành án;
c) Bản sao quyết định giảm thời hạn chấp
hành án phạt tù đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng trở
lên;
d) Văn bản, tài liệu thể hiện việc chấp
hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, các nghĩa vụ dân sự;
đ) Tài liệu về cá nhân, hoàn cảnh gia
đình của phạm nhân;
e) Kết quả xếp loại chấp hành án
phạt tù quý, 06 tháng, năm; quyết định khen thưởng hoặc giấy xác
nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc phạm nhân lập công (nếu có);
g) Văn bản đề nghị tha tù trước thời hạn
của cơ quan lập hồ sơ.
2. Văn bản đề nghị tha tù trước thời
hạn của cơ quan lập hồ sơ gồm các nội dung chính:
a) Số, ngày, tháng, năm của văn bản;
b) Họ tên, chức vụ, chữ ký của
người có thẩm quyền đề nghị;
c) Họ tên, giới tính, năm sinh, nơi cư
trú của phạm nhân; nơi phạm nhân chấp hành thời gian thử thách;
d) Thời gian đã chấp hành án phạt
tù; thời gian chấp hành án phạt tù còn lại;
đ) Nhận xét và đề nghị của cơ quan
lập hồ sơ.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận
được hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn, Viện kiểm sát nhân dân cấp
tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu phải ra văn bản thể hiện quan
điểm về việc đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện của cơ quan đề
nghị.
Trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu cơ
quan lập hồ sơ bổ sung tài liệu thì trong thời hạn 03 ngày kể từ
ngày nhận được yêu cầu, cơ quan lập hồ sơ phải bổ sung tài liệu và
gửi cho Viện kiểm sát, Tòa án.
4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày
nhận được hồ sơ của cơ quan đề nghị, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh,
Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên họp xét tha tù trước
thời hạn có điều kiện; đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát
cùng cấp để cử Kiểm sát viên tham gia phiên họp. Trường hợp Tòa án yêu cầu
cơ quan lập hồ sơ bổ sung tài liệu thì trong thời hạn 03 ngày kể từ
ngày nhận được yêu cầu, cơ quan lập hồ sơ phải bổ sung tài liệu và
gửi cho Tòa án, Viện kiểm sát.
5. Hội đồng xét tha tù trước thời
hạn có điều kiện gồm Chánh án và 02 Thẩm phán, do Chánh án làm
Chủ tịch Hội đồng.
6. Tại phiên họp, một thành viên của
Hội đồng trình bày tóm tắt hồ sơ đề nghị. Kiểm sát viên trình bày
quan điểm của Viện kiểm sát về việc đề nghị xét tha tù trước thời hạn
có điều kiện của cơ quan đề nghị và việc tuân thủ pháp luật trong việc
xét, quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Đại diện cơ
quan đã lập hồ sơ đề nghị có thể trình bày bổ sung để làm rõ việc
đề nghị tha tù trước thời hạn.
7. Phiên họp xét tha tù trước thời
hạn có điều kiện được lập biên bản. Biên bản ghi rõ ngày, tháng,
năm, địa điểm mở phiên họp; thành phần tham gia phiên họp; nội dung,
diễn biến phiên họp và quyết định của Hội đồng về việc chấp nhận hoặc
không chấp nhận đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với từng phạm
nhân.
Sau khi kết thúc phiên họp, Kiểm sát
viên xem biên bản phiên họp, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung (nếu
có) vào biên bản phiên họp; Chủ tịch Hội đồng phải kiểm tra biên
bản, cùng với thư ký phiên họp ký vào biên bản.
8. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra
quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, Tòa án phải gửi quyết định
cho phạm nhân, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, cơ
quan đã lập hồ sơ đề nghị, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, cơ quan thi
hành án hình sự Công an cấp huyện, cấp quân khu, chính quyền xã, phường,
thị trấn nơi người được tha tù trước thời hạn về cư trú, đơn vị quân
đội được giao quản lý người đó, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết
định có trụ sở.
9. Ngay sau khi nhận được quyết định
tha tù trước thời hạn có điều kiện, cơ sở giam giữ phải tổ chức
công bố quyết định này và thực hiện các thủ tục thi hành quyết định tha
tù trước thời hạn có điều kiện. Trong thời gian thử thách mà người
được tha tù trước thời hạn có điều kiện không vi phạm các quy định
tại khoản 4 Điều 66 của Bộ luật hình sự thì khi hết thời gian thử
thách, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành
án hình sự cấp quân khu nơi đã quản lý họ có trách nhiệm cấp giấy
chứng nhận chấp hành xong án phạt tù.
10. Trường hợp người được tha tù
trước thời hạn vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 66 của Bộ luật hình
sự thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được
tha tù trước thời hạn về cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý
người đó phải lập hồ sơ chuyển đến Viện kiểm sát và Tòa án đã ra quyết
định tha tù trước thời hạn có điều kiện để xem xét, hủy quyết định
đã ban hành và buộc người đó phải chấp hành phần hình phạt tù còn
lại chưa chấp hành.
Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày
nhận được hồ sơ đề nghị, Tòa án phải mở phiên họp để xem xét, quyết
định.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra
quyết định hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, Tòa
án phải gửi quyết định cho cơ quan, cá nhân quy định tại khoản 8 Điều
này.
11. Viện kiểm sát có quyền kháng nghị,
phạm nhân có quyền khiếu nại đối với quyết định về việc chấp nhận hoặc không
chấp nhận đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện, quyết định hủy quyết định
tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết
kháng nghị, khiếu nại các quyết định quy định tại khoản này được hiện theo quy
định tại Chương XXII và Chương XXXIII của Bộ luật này.
Điều 369. Thủ tục
xóa án tích
1. Trong thời hạn 05 ngày kể
từ ngày nhận được yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có
đủ điều kiện quy định tại Điều 70 của Bộ luật hình sự thì cơ quan quản lý cơ sở
dữ liệu lý lịch tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp là họ không có án tích.
2. Những trường hợp quy định
tại Điều 71 và Điều 72 của Bộ luật hình sự thì việc xóa án tích do Tòa án
quyết định. Người bị kết án phải có đơn gửi Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án có
nhận xét của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú hoặc cơ quan, tổ
chức nơi họ làm việc, học tập.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ
ngày nhận được đơn của người bị kết án, Tòa án đã xét xử sơ thẩm chuyển tài
liệu về việc xin xoá án tích cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày
kể từ ngày nhận tài liệu do Tòa án chuyển đến, Viện kiểm sát cùng cấp có ý kiến
bằng văn bản và chuyển lại tài liệu cho Tòa án.
Nếu xét thấy đủ điều kiện thì
trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận tài liệu do Viện kiểm sát chuyển đến,
Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định xóa án tích; trường
hợp chưa đủ điều kiện thì quyết định bác đơn xin xóa án tích.
Trong thời hạn 05 ngày kể từ
ngày ra quyết định xóa án tích hoặc quyết định bác đơn xin xóa án tích, Tòa
án đã ra quyết định phải gửi quyết định này cho người bị kết án, Viện
kiểm sát cùng cấp, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú hoặc cơ
quan, tổ chức nơi họ làm việc, học tập.
PHẦN THỨ SÁU
XÉT LẠI BẢN ÁN VÀ QUYẾT ĐỊNH ĐÃ CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT
Chương XXV
THỦ TỤC GIÁM ĐỐC THẨM
Điều 370. Tính
chất của giám đốc thẩm
Giám đốc thẩm là xét lại bản
án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát
hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Điều 371. Căn cứ
để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Bản án, quyết định của Tòa án
đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một
trong các căn cứ:
1. Kết luận trong bản án,
quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ
tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong
việc giải quyết vụ án;
3. Có sai lầm nghiêm trọng
trong việc áp dụng pháp luật.
Điều 372. Phát hiện bản án,
quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Người bị kết án, cơ quan,
tổ chức và mọi cá nhân có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án,
quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho người có thẩm
quyền kháng nghị.
2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực
hiện việc kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân
dân cấp huyện để phát hiện vi phạm pháp luật và kiến nghị Chánh án Tòa án nhân
dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét kháng nghị.
Tòa án quân sự cấp quân khu
thực hiện việc kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án
quân sự khu vực để phát hiện vi phạm pháp luật và kiến nghị Chánh án Tòa án
quân sự trung ương xem xét kháng nghị.
3. Khi thực hiện công tác giám
đốc việc xét xử, kiểm sát việc xét xử hoặc qua các nguồn thông tin khác mà Tòa
án, Viện kiểm sát phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa
án đã có hiệu lực pháp luật thì thông báo ngay bằng văn bản cho người có thẩm
quyền kháng nghị.
Điều 373. Những người có quyền
kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Chánh án Tòa án nhân dân
tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo
thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án
nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác
khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao.
2. Chánh án Tòa án quân sự
trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị
theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa
án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực.
3. Chánh án Tòa án nhân dân
cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo
thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án
nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh
thổ.
Điều 374. Thủ tục thông báo
bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục
giám đốc thẩm
1. Khi phát hiện vi phạm pháp
luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị
kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo bằng văn bản hoặc trình bày trực
tiếp với người có thẩm quyền kháng nghị hoặc với Tòa án, Viện kiểm sát nơi gần
nhất kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có).
2. Văn bản thông báo có các
nội dung chính:
a) Ngày, tháng, năm;
b) Tên, địa chỉ của cơ quan,
tổ chức, cá nhân thông báo;
c) Bản án, quyết định của Tòa
án đã có hiệu lực pháp luật bị phát hiện có vi phạm pháp luật;
d) Nội dung vi phạm pháp luật
được phát hiện;
đ) Kiến nghị người có thẩm
quyền xem xét kháng nghị.
3. Người thông báo là cá nhân
phải ký tên hoặc điểm chỉ; trường hợp cơ quan, tổ chức thông báo thì người đại
diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu.
Điều 375. Thủ tục tiếp
nhận thông báo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xét
lại theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Khi nhận được thông báo
bằng văn bản thì Tòa án, Viện kiểm sát phải vào sổ nhận thông báo.
2. Khi người bị kết án, cơ
quan, tổ chức, cá nhân trình bày trực tiếp về vi phạm pháp luật trong bản án,
quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì Tòa án, Viện kiểm sát phải
lập biên bản; nếu người thông báo cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật thì Tòa án,
Viện kiểm sát phải lập biên bản thu giữ. Biên bản được lập theo quy định
tại Điều 133 của Bộ luật này.
3. Tòa án, Viện kiểm sát đã
nhận thông báo, lập biên bản phải gửi ngay thông báo, biên bản kèm theo chứng
cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có) cho người có thẩm quyền kháng nghị và thông báo
bằng văn bản cho người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị, đề
nghị biết.
Điều 376. Chuyển hồ sơ vụ án để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc
thẩm
1. Trường hợp cần thiết phải
nghiên cứu hồ sơ vụ án để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì Tòa
án, Viện kiểm sát có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản để Tòa án đang quản lý hồ
sơ chuyển hồ sơ vụ án.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ
ngày nhận được văn bản yêu cầu, Tòa án đang quản lý hồ sơ vụ án phải chuyển hồ
sơ vụ án cho Tòa án, Viện kiểm sát đã yêu cầu.
2. Trường hợp Tòa án và Viện
kiểm sát cùng có văn bản yêu cầu thì Tòa án đang quản lý hồ sơ vụ án chuyển hồ
sơ cho cơ quan yêu cầu trước và thông báo cho cơ quan yêu cầu sau biết.
Điều 377. Tạm đình
chỉ thi hành bản án, quyết định bị kháng nghị giám đốc thẩm
Người ra quyết định kháng
nghị giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật
thì có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó.
Quyết định tạm đình chỉ thi
hành bản án, quyết định bị kháng nghị giám đốc thẩm phải gửi cho Tòa án, Viện
kiểm sát nơi đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và cơ quan thi hành án có thẩm
quyền.
Điều 378. Quyết
định kháng nghị giám đốc thẩm
Quyết định kháng nghị giám đốc
thẩm có các nội dung chính:
1. Số, ngày, tháng, năm của
quyết định;
2. Người có thẩm quyền ra
quyết định;
3. Số, ngày, tháng, năm của
bản án, quyết định bị kháng nghị;
4. Nhận xét, phân tích những
vi phạm pháp luật, sai lầm của bản án, quyết định bị kháng nghị;
5. Căn cứ pháp luật để quyết
định kháng nghị;
6. Quyết định kháng nghị toàn
bộ hay một phần bản án, quyết định;
7. Tên của Tòa án có thẩm
quyền giám đốc thẩm vụ án;
8. Yêu cầu của người kháng
nghị.
Điều 379. Thời hạn
kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Việc kháng nghị theo hướng
không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn 01 năm kể từ
ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
2. Việc kháng nghị theo hướng
có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong
trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.
3. Việc kháng nghị về dân sự
trong vụ án hình sự đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp
luật về tố tụng dân sự.
4. Nếu không có căn cứ để
kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì người có quyền kháng nghị phải trả
lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị biết rõ lý do của
việc không kháng nghị.
Điều 380. Gửi
quyết định kháng nghị giám đốc thẩm
1. Quyết định kháng nghị giám
đốc thẩm phải gửi ngay cho Tòa án đã ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp
luật bị kháng nghị, người bị kết án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi
hành án dân sự có thẩm quyền và những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên
quan đến nội dung kháng nghị.
2. Trường hợp Chánh án Tòa án
nhân dân tối cao kháng nghị thì quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án phải
gửi ngay cho Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm.
Trường hợp Chánh án Tòa án
nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương kháng nghị thì quyết định
kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát có thẩm
quyền.
Tòa án có thẩm quyền giám đốc
thẩm phải gửi quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng
cấp. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát
phải gửi lại hồ sơ vụ án cho Tòa án.
3. Trường hợp Viện trưởng Viện
kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện
trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương kháng nghị thì quyết định kháng nghị
kèm theo hồ sơ vụ án phải gửi ngay cho Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm.
Điều 381. Thay
đổi, bổ sung, rút kháng nghị
1. Trước khi mở phiên tòa hoặc
tại phiên tòa giám đốc thẩm, người kháng nghị có quyền bổ sung, thay đổi kháng
nghị nếu chưa hết thời hạn kháng nghị. Việc bổ sung, thay đổi kháng nghị trước
khi mở phiên tòa phải bằng quyết định và được gửi theo quy định tại khoản 1
Điều 380 của Bộ luật này. Việc bổ sung, thay đổi kháng nghị tại phiên tòa được
ghi vào biên bản phiên tòa.
2. Trước khi bắt đầu hoặc tại
phiên tòa giám đốc thẩm, người kháng nghị có quyền rút một phần hoặc toàn bộ
kháng nghị. Việc rút kháng nghị trước khi mở phiên tòa phải bằng quyết định;
việc rút kháng nghị tại phiên tòa được ghi vào biên bản phiên tòa.
3. Trường hợp rút toàn bộ
kháng nghị trước khi mở phiên tòa thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền giám đốc
thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm. Trường hợp rút toàn bộ kháng
nghị tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ xét xử giám đốc
thẩm.
Trong thời hạn 02 ngày kể từ
ngày ra quyết định, Tòa án gửi quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm cho
những người quy định tại khoản 1 Điều 380 của Bộ luật này và Viện kiểm sát cùng
cấp.
Điều 382. Thẩm
quyền giám đốc thẩm
1. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân
cấp cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán đối với bản án,
quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân
dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị.
2. Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán
Tòa án nhân dân cấp cao giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực
pháp luật của Tòa án nhân dân quy định tại khoản 1 Điều này nhưng có tính chất
phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp
cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán nhưng không thống nhất
khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.
Khi xét xử giám đốc thẩm bằng
Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao thì phải có ít nhất
hai phần ba tổng số thành viên tham gia, do Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao
làm chủ tọa phiên tòa. Quyết định của Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán phải
được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; nếu không được quá nửa số
thành viên của Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán tán thành thì phải hoãn phiên
tòa. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa thì Hội
đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán phải mở phiên tòa xét xử lại vụ án.
3. Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương giám đốc thẩm đối với bản án,
quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án
quân sự khu vực bị kháng nghị. Khi xét xử giám đốc thẩm thì phải có ít nhất hai
phần ba tổng số thành viên của Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương tham
gia, do Chánh án Tòa án quân sự trung ương làm chủ tọa phiên tòa. Quyết định
của Ủy ban Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành;
nếu không được quá nửa số thành viên của Ủy ban Thẩm phán tán thành thì phải
hoãn phiên tòa. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa
thì Ủy ban Thẩm phán phải mở phiên tòa xét xử lại vụ án.
4. Hội đồng Thẩm phán Tòa án
nhân dân tối cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán đối với
bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án
quân sự trung ương bị kháng nghị.
5. Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân
dân tối cao giám đốc thẩm đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp
luật quy định tại khoản 4 Điều này nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án,
quyết định đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm
bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán nhưng không thống nhất khi biểu quyết
thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.
Khi xét xử giám đốc thẩm bằng
Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì phải có ít nhất hai
phần ba tổng số thành viên tham gia, do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm
chủ tọa phiên tòa. Quyết định của Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; nếu không
được quá nửa số thành viên của Hội đồng toàn thể Thẩm phán tán thành thì phải
hoãn phiên tòa. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa
thì Hội đồng toàn thể Thẩm phán phải mở phiên tòa xét xử lại vụ án.
6. Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp
luật bị kháng nghị thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm của các cấp khác nhau thì Hội
đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm toàn bộ vụ án.
Điều 383. Những
người tham gia phiên tòa giám đốc thẩm
1. Phiên tòa giám đốc thẩm
phải có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.
2. Trường hợp xét thấy cần
thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật,
Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền
lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm;
nếu họ vắng mặt thì phiên tòa giám đốc thẩm vẫn được tiến hành.
Điều 384. Chuẩn bị
phiên tòa giám đốc thẩm
Chánh án Tòa án phân công một
Thẩm phán là thành viên Hội đồng giám đốc thẩm làm bản thuyết trình về vụ án.
Bản thuyết trình tóm tắt nội dung vụ án và các bản án, quyết định của các cấp
Tòa án, nội dung của kháng nghị.
Bản thuyết trình và các tài
liệu có liên quan phải gửi cho các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm chậm nhất
là 07 ngày trước ngày mở phiên tòa giám đốc thẩm.
Điều 385. Thời hạn
mở phiên tòa giám đốc thẩm
Trong thời hạn 04 tháng kể từ
ngày nhận được quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền
giám đốc thẩm phải mở phiên tòa.
Điều 386. Thủ tục
phiên tòa giám đốc thẩm
1. Sau khi chủ tọa phiên tòa
khai mạc phiên tòa, một thành viên Hội đồng giám đốc thẩm trình bày bản thuyết
trình về vụ án. Các thành viên khác của Hội đồng giám đốc thẩm hỏi thêm Thẩm
phán thuyết trình về những điểm chưa rõ trước khi thảo luận và phát biểu ý kiến
của mình về việc giải quyết vụ án. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì Kiểm
sát viên trình bày nội dung kháng nghị.
2. Trường hợp người bị kết án,
người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt
tại phiên tòa thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà
Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến
của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.
Kiểm sát viên, người tham gia
tố tụng tại phiên tòa giám đốc thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến
việc giải quyết vụ án. Chủ tọa phiên tòa phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên,
người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng
trước Tòa án.
3. Các thành viên Hội đồng
giám đốc thẩm phát biểu ý kiến của mình và thảo luận. Hội đồng giám đốc thẩm
biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố quyết định về việc giải quyết vụ
án.
Điều 387. Phạm vi
giám đốc thẩm
Hội đồng giám đốc thẩm phải
xem xét toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị.
Điều 388. Thẩm
quyền của Hội đồng giám đốc thẩm
1. Không chấp nhận kháng nghị
và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
2. Hủy bản án, quyết định đã
có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa
án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật.
3. Hủy bản án, quyết định đã
có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.
4. Hủy bản án, quyết định đã
có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án.
5. Sửa bản án, quyết định đã
có hiệu lực pháp luật.
6. Đình chỉ xét xử giám đốc
thẩm.
Điều 389. Không chấp nhận
kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng
nghị
Hội đồng giám đốc thẩm không
chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật
bị kháng nghị khi xét thấy bản án, quyết định đó có căn cứ và đúng pháp luật.
Điều 390.
Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết
định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa
án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật
Hội đồng giám đốc thẩm ra
quyết định hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản
án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm
nhưng bị hủy, sửa không đúng pháp luật.
Điều 391. Hủy bản án, quyết
định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại
Hội đồng giám đốc thẩm hủy một
phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại
hoặc xét xử lại nếu có một trong các căn cứ quy định tại Điều 371 của Bộ luật
này. Nếu hủy để xét xử lại thì tùy trường hợp, Hội đồng giám đốc thẩm có thể
quyết định xét xử lại từ cấp sơ thẩm hoặc cấp phúc thẩm.
Trường hợp xét thấy cần tiếp
tục tạm giam bị cáo thì Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định tạm giam cho đến
khi Viện kiểm sát hoặc Tòa án thụ lý lại vụ án.
Điều 392.
Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp
luật và đình chỉ vụ án
Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản
án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án nếu có một trong các
căn cứ quy định tại Điều 157 của Bộ luật này.
Điều 393. Sửa bản
án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật
Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản
án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật khi có đủ các điều kiện:
1. Các tài liệu, chứng cứ
trong hồ sơ vụ án đã rõ ràng, đầy đủ;
2. Việc sửa bản án, quyết định
không làm thay đổi bản chất của vụ án, không làm xấu đi tình trạng của người bị
kết án, không gây bất lợi cho bị hại, đương sự.
Điều 394. Quyết
định giám đốc thẩm
1. Hội đồng giám đốc thẩm ra
quyết định giám đốc thẩm nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Quyết định giám đốc thẩm có
các nội dung:
a) Ngày, tháng, năm và địa
điểm mở phiên tòa;
b) Họ tên các thành viên Hội
đồng giám đốc thẩm;
c) Họ tên Kiểm sát viên thực
hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phiên tòa;
d) Tên vụ án mà Hội đồng đưa
ra xét xử giám đốc thẩm;
đ) Tên, tuổi, địa chỉ của
người bị kết án và những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quyết
định giám đốc thẩm;
e) Tóm tắt nội dung vụ án,
phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;
g) Quyết định kháng nghị, căn
cứ kháng nghị;
h) Nhận định của Hội đồng giám
đốc thẩm, trong đó phải phân tích những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp
nhận kháng nghị;
i) Điểm, khoản, điều của Bộ
luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự mà Hội đồng giám đốc thẩm căn cứ để ra
quyết định;
k) Quyết định của Hội đồng
giám đốc thẩm.
Điều 395. Hiệu lực của quyết
định giám đốc thẩm và việc gửi quyết định giám đốc thẩm
1. Quyết định của Hội đồng
giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.
2. Trong thời hạn 10 ngày kể
từ ngày ra quyết định, Hội đồng giám đốc thẩm phải gửi quyết định giám đốc thẩm
cho người bị kết án, người đã kháng nghị; Viện kiểm sát cùng cấp; Viện kiểm
sát, Tòa án nơi đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; cơ quan thi hành án hình sự, cơ
quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
đến việc kháng nghị hoặc người đại diện của họ; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã,
phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị
kết án làm việc, học tập.
Điều 396. Thời hạn chuyển hồ
sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại
Nếu Hội đồng giám đốc thẩm
quyết định hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại thì
trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định, hồ sơ vụ án phải được chuyển
cho Viện kiểm sát cùng cấp để điều tra lại theo thủ tục chung quy định tại
Bộ luật này.
Nếu Hội đồng giám đốc thẩm
quyết định hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại vụ án
ở cấp sơ thẩm hoặc ở cấp phúc thẩm thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra
quyết định, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho Tòa án có thẩm quyền để xét xử lại
theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.
Chương XXVI
THỦ TỤC TÁI THẨM
Điều 397. Tính
chất của tái thẩm
Tái thẩm là xét lại bản án,
quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình
tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết
định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó.
Điều 398. Căn cứ
để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
Bản án, quyết định của Tòa án
đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong
các căn cứ:
1. Có căn cứ chứng minh lời
khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời
dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng
sự thật;
2. Có tình tiết mà Điều tra
viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không
đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng
sự thật khách quan của vụ án;
3. Vật chứng, biên bản về hoạt
động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những
chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;
4. Những tình
tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không
đúng sự thật khách quan của vụ án.
Điều 399. Thông báo và xác
minh những tình tiết mới được phát hiện
1. Người bị kết án, cơ quan,
tổ chức và mọi cá nhân có quyền phát hiện tình tiết mới của vụ án và thông báo
kèm theo các tài liệu liên quan cho Viện kiểm sát hoặc Tòa án. Trường hợp Tòa
án nhận được thông báo hoặc tự mình phát hiện tình tiết mới của vụ án thì phải
thông báo ngay bằng văn bản kèm theo các tài liệu liên quan cho Viện trưởng
Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm. Viện trưởng Viện kiểm sát có
thẩm quyền kháng nghị tái thẩm ra quyết định xác minh những tình tiết đó.
2. Viện kiểm sát phải xác minh
những tình tiết mới; khi xét thấy cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm
quyền kháng nghị tái thẩm yêu cầu Cơ quan điều tra có thẩm quyền xác minh tình
tiết mới của vụ án và chuyển kết quả xác minh cho Viện kiểm sát.
3. Khi tiến hành xác minh tình
tiết mới của vụ án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra có quyền áp dụng các biện
pháp điều tra tố tụng theo quy định của Bộ luật này.
Điều 400. Những
người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
1. Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án,
quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội
đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2. Viện trưởng Viện kiểm sát
quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án,
quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án
quân sự khu vực.
3. Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án,
quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân
dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Điều 401. Thời hạn
kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
1. Tái thẩm theo hướng không
có lợi cho người bị kết án chỉ được thực hiện trong thời hiệu truy cứu
trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật hình sự và thời hạn kháng
nghị không được quá 01 năm kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình
tiết mới được phát hiện.
2. Tái thẩm theo hướng có lợi
cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được thực hiện cả
trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.
3. Việc kháng nghị về dân sự
trong vụ án hình sự đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp
luật về tố tụng dân sự.
Điều 402. Thẩm
quyền của Hội đồng tái thẩm
1. Không chấp nhận kháng nghị
và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
2. Hủy bản án, quyết định của
Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.
3. Hủy bản án, quyết định của
Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án.
4. Đình chỉ việc xét xử tái
thẩm.
Điều 403. Các thủ
tục khác về tái thẩm
Các thủ tục khác về tái thẩm
được thực hiện theo các quy định về thủ tục giám đốc thẩm quy định tại Bộ luật
này.
Chương XXVII
THỦ TỤC XEM XÉT LẠI QUYẾT ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Điều 404. Yêu cầu, kiến nghị,
đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
1. Khi có căn cứ xác định
quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật
nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ
bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không
biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban
tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh
án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối
phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.
2. Trường hợp Ủy ban thường vụ
Quốc hội yêu cầu thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội
đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
3. Trường hợp Ủy ban tư pháp
của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội
đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.
Trường hợp Chánh án Tòa án
nhân dân tối cao đề nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
mở phiên họp xem xét đề nghị đó.
Điều 405. Thành phần tham dự
phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét kiến nghị,
đề nghị
1. Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân tối cao phải tham dự phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao để xem xét kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án
nhân dân tối cao.
2. Đại diện Ủy ban tư pháp của
Quốc hội được mời tham dự phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối
cao để xem xét kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội.
3. Trường hợp xét thấy cần
thiết, Tòa án nhân dân tối cao có thể mời cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên
quan tham dự phiên họp.
Điều 406. Chuẩn bị
mở phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị
1. Sau khi nhận được kiến nghị
của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
hoặc sau khi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có văn bản đề nghị xem xét lại
quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối
cao gửi cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao bản sao văn bản kiến nghị hoặc đề
nghị đó kèm theo hồ sơ vụ án để Viện kiểm sát nhân dân tối cao chuẩn bị ý kiến
phát biểu tại phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị.
Chánh án Tòa án nhân dân tối
cao tổ chức thẩm định hồ sơ để báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối
cao xem xét, quyết định tại phiên họp.
2. Trong thời hạn 30 ngày kể
từ ngày nhận được kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc kể từ ngày Chánh án Tòa án nhân dân
tối cao có văn bản đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải
mở phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị đó và thông báo bằng văn bản cho Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về thời gian, địa điểm mở phiên họp xem
xét kiến nghị, đề nghị.
Điều 407. Thủ tục mở phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị
1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tự
mình hoặc phân công một thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
trình bày tóm tắt nội dung vụ án và quá trình giải quyết vụ án.
2. Đại diện Ủy ban tư pháp của
Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân
tối cao có kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa
án nhân dân tối cao trình bày về các vấn đề sau:
a) Nội dung kiến nghị, đề
nghị;
b) Căn cứ kiến nghị, đề nghị;
c) Phân tích chứng cứ cũ và
chứng cứ mới bổ sung (nếu có) để làm rõ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng
trong quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoặc những tình
tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng
Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
3. Trường hợp xem xét kiến
nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội hoặc xem xét đề nghị của Chánh án Tòa án
nhân dân tối cao thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu ý
kiến về tính có căn cứ và hợp pháp của kiến nghị, đề nghị; nêu rõ quan điểm và
lý do nhất trí hoặc không nhất trí với kiến nghị, đề nghị đó.
4. Hội đồng Thẩm phán Tòa án
nhân dân tối cao thảo luận và biểu quyết theo đa số về việc nhất trí hoặc không
nhất trí với kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa
án nhân dân tối cao.
5. Trường hợp nhất trí với
kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân
tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì Hội đồng Thẩm
phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định về việc mở phiên họp để xem xét lại
quyết định của mình.
6. Mọi diễn biến tại phiên họp
xem xét kiến nghị, đề nghị và các quyết định được thông qua tại phiên họp được
ghi vào biên bản phiên họp và lưu hồ sơ xem xét kiến nghị, đề nghị.
Điều 408. Thông
báo kết quả phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị
Sau khi kết thúc phiên họp,
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao gửi văn bản thông báo kết quả
phiên họp về việc nhất trí hoặc không nhất trí kiến nghị, đề nghị cho Ủy ban tư
pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Văn bản thông
báo phải nêu rõ lý do của việc nhất trí hoặc không nhất trí với kiến nghị, đề
nghị đó.
Trường hợp không nhất trí kết
quả xem xét kiến nghị, đề nghị của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
thì Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao,
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có quyền báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem
xét, quyết định.
Điều 409. Thẩm
định hồ sơ vụ án; xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật
1. Trường hợp có yêu cầu của
Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc có quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân
dân tối cao nhất trí xem xét lại quyết định của mình thì Chánh án Tòa án nhân
dân tối cao tổ chức việc thẩm định hồ sơ vụ án và tổ chức việc xác minh, thu
thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật trong trường hợp cần thiết.
2. Việc thẩm định hồ sơ vụ án, xác minh, thu thập chứng
cứ, tài liệu, đồ vật phải làm rõ có hay không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng
hoặc có hay không
có tình tiết quan
trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án
nhân dân tối cao.
Điều 410. Thời hạn mở phiên
họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
1. Trong thời hạn 04 tháng kể
từ ngày nhận được yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc kể từ ngày có
quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhất trí xem xét lại
quyết định của mình, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải mở phiên
họp.
2. Tòa án nhân dân tối cao gửi
cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao văn bản thông báo về thời gian, địa điểm mở
phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
kèm theo hồ sơ vụ án trong trường hợp có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc
hội.
Điều 411. Thủ tục và thẩm
quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
1. Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân tối cao phải tham dự phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng
Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và phát biểu quan điểm về việc có hay không
có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có hay không có tình tiết mới quan trọng
làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao và quan điểm về việc giải quyết vụ án.
2. Sau khi nghe Chánh án Tòa
án nhân dân tối cao báo cáo, nghe ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân
tối cao, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự (nếu có), Hội đồng
Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định:
a) Không chấp nhận yêu cầu của
Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối
cao và giữ nguyên quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
b) Hủy quyết định của Hội đồng
Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp
luật có vi phạm pháp luật và quyết định về nội dung vụ án;
c) Hủy quyết định của Hội đồng
Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp
luật và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
d) Hủy quyết định của Hội đồng
Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp
luật có vi phạm pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.
3. Quyết định của Hội đồng
Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành
viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao biểu quyết tán thành.
Điều 412. Gửi quyết định của
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xem xét lại quyết định của
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
Sau khi Hội đồng Thẩm phán Tòa
án nhân dân tối cao ra một trong các quyết định quy định tại Điều 411 của Bộ
luật này, Tòa án nhân dân tối cao gửi quyết định cho Ủy ban thường vụ Quốc hội,
Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra,
Viện kiểm sát và Tòa án đã giải quyết vụ án và những người có liên quan.
Ý KIẾN