Nghị định 44/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động
- Tải về sách Ebook Bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn, biểu mẫu kèm theo mới nhất
- Bộ Luật Lao động và các văn bản pháp luật liên quan mới nhất
CHÍNH PHỦ
------- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
Số: 44/2013/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 10
tháng 05 năm 2013
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT
THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12
năm 2001;
Căn cứ Bộ luật lao động ngày 18 tháng 6 năm
2012;
Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm
2005;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết
thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động,
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết thi hành Bộ luật
lao động về việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo
hiểm y tế bắt buộc của người lao động khi giao kết hợp đồng lao động với nhiều
người sử dụng lao động; nội dung hợp đồng lao động đối với người lao động được
thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước; trình tự, thủ tục
tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu của thanh tra lao động và xử lý hợp đồng lao
động vô hiệu.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 3
của Bộ luật lao động.
2. Người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 2
Điều 3 của Bộ luật lao động.
3. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến
các nội dung quy định tại Điều 1 Nghị định này.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước là
doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ dưới 100% vốn
điều lệ.
2. Người lao động được thuê làm giám đốc trong
doanh nghiệp có vốn của Nhà nước là người Việt Nam hoặc người nước ngoài có đủ các
tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là người được
thuê làm giám đốc).
3. Trưởng đoàn thanh tra là người đứng đầu
đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ thanh tra lao động, gồm: Trưởng đoàn thanh
tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Trưởng đoàn thanh tra Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Cục, Tổng cục
trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Chương 2.
THAM GIA BẢO HIỂM
XÃ HỘI BẮT BUỘC, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP, BẢO HIỂM Y TẾ BẮT BUỘC CỦA NGƯỜI LAO
ĐỘNG KHI GIAO KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VỚI NHIỀU NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG
Điều 4. Trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt
buộc, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế bắt buộc của người sử dụng lao động
và người lao động
1. Trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc,
bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động:
a) Người lao động giao kết hợp đồng lao động với
nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc
đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì người lao
động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách
nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của
pháp luật.
Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động
còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động
khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất
nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.
b) Khi hợp đồng lao động mà người lao động và người
sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
chấm dứt hoặc thay đổi mà người lao động và người sử dụng lao động không thuộc
đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì người lao
động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt
buộc, bảo hiểm thất nghiệp của hợp đồng lao động kế tiếp có trách nhiệm tham
gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc của
người sử dụng lao động và người lao động:
a) Người lao động giao kết hợp đồng lao động với
nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc
đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc thì người lao động và người sử dụng
lao động của hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất có trách nhiệm tham
gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động
còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động
khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người
sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
b) Khi hợp đồng lao động mà người lao động và người
sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc chấm dứt hoặc thay đổi mà
người lao động và người sử dụng lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo
hiểm y tế bắt buộc thì người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng
tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc của hợp đồng lao động có mức tiền lương cao
nhất trong số các hợp đồng còn lại có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế theo
quy định của pháp luật.
3. Việc thay đổi trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã
hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định tại
Điểm b Khoản 1, Điểm b Khoản 2 Điều này được quy định như sau:
a) Người lao động và người sử dụng lao động có
trách nhiệm sửa đổi, bổ sung nội dung về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm
thất nghiệp, bảo hiểm y tế bắt buộc trong hợp đồng lao động theo quy định của
pháp luật;
b) Người lao động có trách nhiệm thông báo và gửi
sổ Bảo hiểm xã hội, thẻ Bảo hiểm y tế và các giấy tờ liên quan khác cho người
sử dụng lao động của hợp đồng lao động kế tiếp để thực hiện.
4. Người lao động có trách nhiệm thông báo và gửi
kèm các bản sao hợp đồng lao động đã giao kết hoặc đã sửa đổi, bổ sung hoặc đã
chấm dứt cho người sử dụng lao động còn lại biết.
Điều 5. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động trong hợp đồng
lao động với người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì
người sử dụng lao động và tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết các
chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 02 ngày
làm việc, kể từ ngày người lao động bị tai nạn lao động hoặc được xác định bị
bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo bằng văn bản
tình trạng sức khoẻ của người lao động cho những người sử dụng lao động của các
hợp đồng lao động còn lại biết.
2. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động theo hợp đồng lao
động với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo
hiểm y tế bắt buộc cho người lao động, người sử dụng lao động đó có trách nhiệm:
a) Thanh toán chi phí từ khi sơ cứu, cấp cứu đến
khi điều trị ổn định đối với người lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 144 của
Bộ luật lao động;
b) Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho
người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong
thời gian điều trị;
c) Bồi thường hoặc trợ cấp cho người lao động theo
quy định tại Khoản 3 hoặc Khoản 4 Điều 145 của Bộ luật lao động;
d) Thông báo bằng văn bản cho những người sử dụng
lao động của các hợp đồng lao động còn lại biết về tình trạng sức khoẻ của
người lao động.
3. Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động
không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động bị tai nạn
lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian điều trị, trừ trường hợp quy định
tại Điểm b Khoản 1 Điều 38 của Bộ luật lao động.
Khi sức khoẻ của người lao động bình phục thì người
sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận tiếp tục thực hiện hợp đồng lao
động hoặc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng
lao động đã giao kết theo quy định của pháp luật.
Chương 3.
NỘI DUNG HỢP ĐỒNG
LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐƯỢC THUÊ LÀM GIÁM ĐỐC TRONG DOANH NGHIỆP CÓ
VỐN CỦA NHÀ NƯỚC
Điều 6. Nội dung hợp đồng lao động đối với người
lao động được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp 100% vốn của Nhà nước
1. Tên, địa chỉ của doanh nghiệp 100% vốn của Nhà
nước; họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; số chứng minh nhân dân của Chủ tịch Hội
đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty.
2. Họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc
tịch; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; địa chỉ nơi cư trú; số chứng minh nhân dân
hoặc giấy tờ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật của người được thuê làm
giám đốc.
3. Thời hạn của hợp đồng lao động do hai bên xác
định trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
Thời hạn người sử dụng lao động và người được thuê
làm giám đốc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc kéo dài thời hạn hợp
đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới do hai bên thỏa thuận nhưng
không quá 45 ngày trước khi hết hạn hợp đồng lao động. Đối với trường hợp kéo
dài thời hạn hợp đồng lao động thì thời hạn hợp đồng lao động do hai bên thỏa
thuận nhưng tối đa không quá 12 tháng.
4. Công việc được làm, không được làm và trách
nhiệm thực hiện công việc của người được thuê làm giám đốc theo quy định của
pháp luật.
5. Địa điểm làm việc của người được thuê làm giám
đốc.
6. Nội dung, thời hạn, trách nhiệm bảo vệ bí mật
kinh doanh, bí mật công nghệ của người được thuê làm giám đốc và xử lý các
trường hợp vi phạm.
7. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động,
bao gồm:
a) Bảo đảm về vốn, tài sản và các nguồn lực khác để
người được thuê làm giám đốc thực hiện công việc;
b) Cung cấp thông tin để người được thuê làm giám
đốc thực hiện công việc;
c) Kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện
công việc của người được thuê làm giám đốc;
d) Ban hành quy chế làm việc của giám đốc;
đ) Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của
pháp luật;
e) Các quyền và nghĩa vụ khác do hai bên thỏa thuận.
8. Quyền và nghĩa vụ của người được thuê làm giám
đốc, bao gồm:
a) Thực hiện các công việc đã giao kết;
b) Báo cáo những khó khăn trong quá trình thực hiện
công việc đã giao kết và đề xuất các giải pháp khắc phục;
c) Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng về vốn, tài
sản, lao động và các nguồn lực khác;
d) Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của
pháp luật;
đ) Các quyền và nghĩa vụ khác do hai bên thỏa thuận.
9. Quyền lợi của người được thuê làm giám đốc, bao
gồm:
a) Tiền lương theo năm, tạm ứng và thanh toán tiền
lương, chế độ nâng lương;
b) Tiền thưởng, tạm ứng và trả thưởng;
c) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
d) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất
nghiệp theo quy định của pháp luật;
đ) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng để
thực hiện công việc đã giao kết;
e) Trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại,
thông tin liên lạc và các khoản bổ sung khác;
g) Các quyền lợi khác do hai bên thỏa thuận.
10. Điều kiện, quy trình, thủ tục sửa đổi, bổ sung
hợp đồng lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
11. Quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động
và người được thuê làm giám đốc khi chấm dứt hợp đồng lao động.
12. Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, giải
quyết tranh chấp lao động và khiếu nại.
13. Các thỏa thuận khác.
Điều 7. Nội dung hợp đồng lao động đối với người
lao động được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước
Nội dung hợp đồng lao động đối với người lao động
được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do Hội đồng
thành viên hoặc Hội đồng quản trị và người được thuê làm giám đốc thỏa thuận
vận dụng các quy định tại Điều 6 Nghị định này.
Chương 4.
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC
TUYÊN BỐ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VÔ HIỆU CỦA THANH TRA LAO ĐỘNG VÀ XỬ LÝ HỢP ĐỒNG LAO
ĐỘNG VÔ HIỆU
MỤC 1. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TUYÊN BỐ HỢP ĐỒNG LAO
ĐỘNG VÔ HIỆU CỦA THANH TRA LAO ĐỘNG
Điều 8. Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô
hiệu của thanh tra lao động
Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.
Điều 9. Trình tự, thủ tục tuyên bố hợp đồng lao
động vô hiệu của thanh tra lao động
1. Trong quá trình thanh tra hoặc giải quyết khiếu
nại, tố cáo về lao động, nếu phát hiện nội dung hợp đồng lao động vi phạm thuộc
một trong các trường hợp quy định tại Điều 50 của Bộ luật lao động, Trưởng đoàn
thanh tra hoặc thanh tra viên lao động độc lập hoặc người được giao nhiệm vụ
thanh tra chuyên ngành lập biên bản về trường hợp vi phạm và đề nghị người sử
dụng lao động, người lao động tiến hành sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động vi
phạm.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
được biên bản về trường hợp vi phạm, người sử dụng lao động và người lao động
phải sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động vi phạm.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết
hạn phải sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động vi phạm mà hai bên chưa sửa đổi, bổ
sung thì Trưởng đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên lao động độc lập hoặc người
được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành gửi biên bản kèm theo bản sao hợp
đồng lao động vi phạm cho Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính.
4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
được biên bản về trường hợp vi phạm, Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội xem xét, ban hành quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.
5. Quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu
phải gửi đến người sử dụng lao động và từng người lao động có liên quan trong
hợp đồng lao động vô hiệu, tổ chức đại diện tập thể lao động và cơ quan quản lý
nhà nước về lao động nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính.
MỤC 2. XỬ LÝ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VÔ HIỆU
Điều 10. Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu từng
phần
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
được quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu từng phần, người sử dụng lao
động và người lao động phải sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động bằng việc ký kết
phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định của
pháp luật.
2. Trong thời gian từ khi tuyên bố hợp đồng lao
động vô hiệu từng phần đến khi hai bên sửa đổi, bổ sung phần nội dung bị tuyên
bố vô hiệu thì quyền và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy
định của nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể (nếu có) và quy định của
pháp luật về lao động.
Hợp đồng lao động vô hiệu có tiền lương thấp hơn so
với quy định của pháp luật về lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập
thể đang áp dụng thì hai bên thỏa thuận lại theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn trả phần chênh lệch giữa tiền lương
đã thỏa thuận với tiền lương trong hợp đồng lao động vô hiệu theo thời gian
thực tế làm việc của người lao động nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Điều 11. Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ
1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được
quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người ký kết hợp đồng
lao động không đúng thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về lao động nơi doanh
nghiệp đóng trụ sở chính có trách nhiệm hướng dẫn các bên ký lại hợp đồng lao
động.
2. Hợp đồng lao động có toàn bộ nội dung của hợp
đồng trái pháp luật bị hủy bỏ khi có quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô
hiệu toàn bộ.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
được quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do toàn bộ nội dung
của hợp đồng quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn so với quy định của
pháp luật về lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng
thì người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm giao kết hợp đồng
lao động mới theo quy định của pháp luật về lao động.
Trong thời gian từ khi tuyên bố hợp đồng lao động vô
hiệu toàn bộ đến khi hai bên giao kết hợp đồng lao động mới thì quyền và lợi
ích của người lao động được giải quyết theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị
định này.
4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
được quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do công việc mà hai
bên đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị pháp luật cấm, người sử
dụng lao động và người lao động có trách nhiệm giao kết hợp đồng lao động mới
theo quy định của pháp luật về lao động.
Trường hợp không giao kết được hợp đồng lao động
mới thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả cho người lao động một khoản
tiền do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất cứ mỗi năm làm việc bằng một tháng
lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố tại thời điểm có quyết định tuyên bố
hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.
5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
được quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do nội dung của hợp
đồng lao động hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công
đoàn của người lao động, người sử dụng lao động và người lao động có trách
nhiệm giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định của pháp luật về lao động.
Điều 12. Khởi kiện hoặc khiếu nại đối với quyết
định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu
Trường hợp không đồng ý với quyết định tuyên bố hợp
đồng lao động vô hiệu thì người sử dụng lao động hoặc người lao động tiến hành
khởi kiện tại Tòa án hoặc khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy
định của pháp luật.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 13. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 7 năm 2013.
2. Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm
2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ
luật lao động về hợp đồng lao động và các quy định trước đây trái với quy định
tại Nghị định này hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
Điều 14. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có
trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ,
Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương và các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng |
Trả lờiXóatoi hop dong lao dong tai trung tam y te huyen da hai nam roi den nay duoc nang luong nhung toi nghe noi nang luong nhu vay la sai vi thoi gian de nang luong phai tru 6 thang tap su nhu vay co dung khong ?
Nặc Danh: đúng rồi bạn. thời gian nâng lương phải trừ thời gian tập sự. Tuy nhiên, nếu bạn có thành tích xuất sắc thì vẫn được nâng lương trước thời hạn (có bằng khen, giấy khen hoặc công trình nghiên cứu được công nhận...)
Trả lờiXóa