Thông tư 02/2011/TTLT-BCA-BGTVT về tổ chức học, kiểm tra lại luật GTĐB đối với người bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng
- Tải về Ebook Luật GTĐB về xử lý vi phạm hành chính và các văn bản, biểu mẫu, phần mềm liên quan
- Luật giao thông đường bộ và quy định xử lý vi phạm hành chính mới nhất
BỘ CÔNG AN – BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
Số: 02/2011/TTLT-BCA-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 15 tháng 04 năm 2011
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY ĐỊNH VIỆC TỔ CHỨC HỌC VÀ KIỂM TRA LẠI LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI BỊ TƯỚC QUYỀN SỬ DỤNG GIẤY PHÉP LÁI XE, CHỨNG CHỈ BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC PHÁP LUẬT VỀ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22/4/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;
Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải thống nhất quy định việc tổ chức học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ đối với người bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ như sau:
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;
Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải thống nhất quy định việc tổ chức học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ đối với người bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định việc học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ có thời hạn 60 ngày (sau đây viết gọn là người vi phạm).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Người vi phạm:
2. Công an các đơn vị, địa phương; cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tổ chức học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ cho người vi phạm.
Điều 3. Cơ quan có thẩm quyền tổ chức học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ
1. Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Phòng Cảnh sát giao thông).
2. Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là Công an cấp huyện).
Điều 4. Nội dung, hình thức, thời gian học
1. Nội dung học
a) Những quy định của Luật Giao thông đường bộ;
b) Biển báo hiệu đường bộ;
c) Tình huống giao thông trên sa hình.
2. Hình thức học
Người vi phạm phải dự học tập trung tại địa điểm do cơ quan có thẩm quyền tổ chức học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ quy định (sau đây viết gọn là cơ quan tổ chức học và kiểm tra); được hướng dẫn, nghiên cứu tài liệu.
3. Thời gian học
a) Đối với người điều khiển xe mô tô, các loại xe tương tự mô tô (sau đây viết gọn là xe mô tô), máy kéo có trọng tải đến 1.000kg, xe máy chuyên dùng thì thời gian học là 04 giờ (một buổi);
b) Đối với người điều khiển xe ô tô, các loại xe tương tự ô tô (sau đây viết gọn là xe ô tô), máy kéo có trọng tải trên 1.000kg thì thời gian học là 08 giờ (một ngày).
Điều 5. Câu hỏi, phương pháp và thời gian kiểm tra
1. Câu hỏi kiểm tra
a) Câu hỏi để người vi phạm làm bài kiểm tra do Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt biên soạn lại (trên cơ sở bộ câu hỏi dùng để học và sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ do Tổng cục Đường bộ Việt Nam biên soạn và quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ). Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt cung cấp bộ câu hỏi này cho các cơ quan tổ chức học và kiểm tra;
b) Cơ quan tổ chức học và kiểm tra chọn trong số các câu hỏi do Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt biên soạn để làm thành đề kiểm tra. Trong mỗi đề kiểm tra phải có ít nhất 01 câu hỏi về Luật Giao thông đường bộ liên quan đến hành vi vi phạm của người vi phạm;
c) Đề kiểm tra áp dụng đối với người vi phạm điều khiển xe mô tô, máy kéo có trọng tải đến 1.000kg, xe máy chuyên dùng, gồm 10 câu hỏi (05 câu hỏi về Luật Giao thông đường bộ, 03 câu hỏi về biển báo, 02 câu hỏi về sa hình);
d) Đề kiểm tra áp dụng đối với người vi phạm điều khiển xe ô tô, máy kéo có trọng tải trên 1.000kg, gồm 20 câu hỏi (10 câu hỏi về Luật Giao thông đường bộ, 06 câu hỏi về biển báo, 04 câu hỏi về sa hình).
2. Phương pháp kiểm tra
a) Kiểm tra trắc nghiệm trên giấy hoặc trên máy vi tính: thủ trưởng cơ quan tổ chức học và kiểm tra quyết định việc kiểm tra trắc nghiệm trên giấy hoặc trên máy vi tính. Đối với người vi phạm là người nước ngoài, khi đến học và kiểm tra phải có người phiên dịch;
b) Kiểm tra vấn đáp: phương pháp này áp dụng đối với người vi phạm là người dân tộc thiểu số. Người được giao nhiệm vụ tiến hành kiểm tra phải đọc từng câu hỏi trong đề kiểm tra để người dự kiểm tra trả lời.
3. Thời gian kiểm tra
a) Đối với người vi phạm điều khiển xe mô tô, máy kéo có trọng tải đến 1.000kg, xe máy chuyên dùng thì thời gian kiểm tra là 10 phút vào cuối buổi học. Kết quả trả lời so với đáp án mà đúng từ 08 câu hỏi trở lên thì đạt yêu cầu;
b) Đối với người vi phạm điều khiển xe ô tô, máy kéo có trọng tải trên 1.000kg thì thời gian kiểm tra là 20 phút vào cuối ngày học. Kết quả trả lời so với đáp án mà đúng từ 16 câu hỏi trở lên thì đạt yêu cầu.
4. Kết quả học và kiểm tra của người vi phạm phải được lập thành biên bản.
Điều 6. Quyền hạn và nghĩa vụ của người vi phạm
1. Nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính (sau đây viết gọn là quyết định xử phạt) phải đăng ký nơi học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ tại Phòng Cảnh sát giao thông hoặc Công an cấp huyện nơi hành vi vi phạm bị phát hiện hoặc nơi người vi phạm cư trú. Khi đến đăng ký học và kiểm tra phải mang theo quyết định xử phạt đến để đăng ký.
2. Dự học và kiểm tra tại nơi đã đăng ký theo chương trình, thời gian do cơ quan tổ chức học và kiểm tra sắp xếp. Khi đến dự học và kiểm tra phải mang theo Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác có ảnh để đối chiếu. Trường hợp không thể đến học và kiểm tra đúng lịch học thì phải có lý do chính đáng (có xác nhận của chính quyền địa phương, cơ quan công tác…) và phải báo cho cơ quan đã đăng ký học và kiểm tra biết trước khi học ít nhất một ngày; đồng thời, phải đăng ký lại thời gian học và kiểm tra.
3. Được cấp giấy chứng nhận kết quả học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ khi kết quả kiểm tra đạt yêu cầu; nếu kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu thì phải dự kiểm tra lại (không phải học lại) cho đến khi đạt yêu cầu.
Trường hợp người vi phạm đã nhận giấy chứng nhận kết quả học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ, nhưng làm thất lạc, hư hỏng, rách nát không còn giá trị sử dụng thì phải làm đơn đề nghị cơ quan đã tổ chức học và kiểm tra cấp lại.
4. Xuất trình giấy chứng nhận kết quả học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ khi làm thủ tục nhận lại Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.
Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ
1. Hướng dẫn người vi phạm đăng ký học và kiểm tra theo quy định của Thông tư này.
2. Tiếp nhận giấy chứng nhận kết quả học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ; trả Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho người vi phạm khi đã hết thời hạn tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Trách nhiệm của cơ quan tổ chức học và kiểm tra
1. Phân công cán bộ tiếp nhận thông tin đăng ký học và kiểm tra của người vi phạm, vào sổ thống kê theo dõi, xếp lịch học và kiểm tra cho người vi phạm. Ghi địa điểm, thời gian học và kiểm tra vào mặt sau của quyết định xử phạt cho người vi phạm biết.
2. Lập biên bản học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ (mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này).
3. Lâp sổ thống kê theo dõi việc tổ chức học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ (mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này).
4. Tổ chức việc học và kiểm tra ít nhất một tuần một lần khi có người đăng ký. Kết quả kiểm tra phải được thông báo cho người vi phạm ngay sau khi kiểm tra xong. Trường hợp người vi phạm đã dự kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu thì phải sắp xếp lịch kiểm tra lại vào tuần tiếp theo và thông báo cho người vi phạm biết.
5. Cấp giấy chứng nhận kết quả học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ cho người vi phạm đã kiểm tra đạt yêu cầu ngay trong ngày (mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này).
6. In, quản lý, sử dụng các mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 9. Kinh phí cho việc tổ chức học và kiểm tra
Kinh phí cho việc tổ chức học và kiểm tra thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; khi chưa có hướng dẫn của Bộ Tài chính thì kinh phí cho việc tổ chức học và kiểm tra được sử dụng từ nguồn kinh phí bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hàng năm của địa phương.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 02/6/2011 và thay thế Thông tư liên tịch số 04/2008/TTLT-BCA-BGTVT ngày 31/7/2008 của Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải quy định việc học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ đối với người bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.
Điều 11. Trách nhiệm thi hành
1. Trách nhiệm của cơ quan Công an
a) Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trong lực lượng Công an nhân dân thực hiện Thông tư này;
b) Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Giao thông vận tải
a) Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị thuộc quyền quản lý thực hiện Thông tư này;
b) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc nảy sinh cần báo cáo Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội), Bộ Giao thông vận tải (qua Tổng cục Đường bộ Việt Nam) để có hướng dẫn kịp thời.
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Hồ Nghĩa Dũng |
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
ĐẠI TƯỚNG Lê Hồng Anh |