Quyết định 679/QĐ-TTg năm 2011 về phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Số: 679/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh phòng, chống mại dâm ngày 17 tháng 3 năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
Căn cứ Pháp lệnh phòng, chống mại dâm ngày 17 tháng 3 năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
Điều 1. Phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015 (kèm theo Quyết định này).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành theo Quyết định này./.
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG Trương Vĩnh Trọng |
CHƯƠNG TRÌNH
HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 679/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 679/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ)
Phần A.
SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
- Pháp lệnh phòng, chống mại dâm.
- Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm.
- Ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 04 tháng 02 năm 2010 của Văn phòng Chính phủ về việc xây dựng Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015.
II. THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH
1. Đánh giá một số kết quả công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2006 - 2010:
a) Công tác chấn chỉnh các hoạt động mại dâm trong cơ sở kinh doanh dịch vụ và đấu tranh, xử lý các vi phạm về phòng, chống mại dâm:
Các lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra 182.656 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ; phát hiện 68.249 cơ sở vi phạm; xử lý cảnh cáo 12.563 lượt cơ sở, phạt tiền 37.130 lượt cơ sở, đình chỉ kinh doanh 1.886 cơ sở, thu hồi giấy phép kinh doanh 397 cơ sở. Tổng số tiền xử phạt hơn 103 tỷ đồng.
Lực lượng công an các cấp đã truy quét, triệt phá 6.109 vụ mại dâm, với 19.443 đối tượng (gồm 4.113 chủ chứa, môi giới; 9.067 gái bán dâm; 6.263 khách mua dâm). Địa phương đã triệt phá được nhiều đường dây, ổ nhóm mại dâm với quy mô lớn, tính chất hoạt động phức tạp như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Tây Ninh, Đồng Tháp, Đồng Nai,…
b) Công tác điều tra, truy tố và thụ lý, xét xử:
Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã khởi tố 3.455 với 4.585 bị can về mại dâm. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 3.884 vụ với 5.345 bị cáo phạm các tội về mại dâm để xét xử theo thủ tục sơ thẩm; đã xét xử 3.542 vụ với 4.866 bị cáo. Bên cạnh việc xử lý các bị cáo là chủ chứa, môi giới mại dâm, thời gian qua Tòa án các cấp đã xét xử 114 vụ án với 178 bị cáo phạm tội mua dâm người chưa thành niên.
Trong số bị cáo đã xét xử, số bị cáo tái phạm, tái phạm nguy hiểm chiếm 4%, bị cáo là dân tộc ít người chiếm 3,2%; số tội phạm nữ chiếm tỷ lệ khá cao (trên 47%), đặc biệt là độ tuổi của chủ chứa, môi giới mại dâm ngày càng được trẻ hóa, chủ yếu xuất thân từ nông thôn và có nhiều thủ đoạn để trốn tránh pháp luật.
c) Công tác chữa trị, tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm:
Trong 5 năm qua, các địa phương đã tổ chức chữa trị, giáo dục cho 18.778 lượt người bán dâm, trong đó số đối tượng ở Trung tâm là 10.227 lượt người (chiếm 54,4%), số ở cộng đồng là 8.551 lượt người (45,6%). Số đối tượng được dạy nghề, tạo việc làm là 12.812, trong đó tại Trung tâm là 7.384 đối tượng, tại cộng đồng là 5.428 đối tượng.
d) Công tác phối hợp liên ngành phòng, chống mại dâm:
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản kiện toàn Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; ban hành Quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống mại dâm để tiếp tục tăng cường vai trò chỉ đạo, phối hợp liên ngành phòng, chống mại dâm của các Bộ, ngành trung ương và giữa các địa phương. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là cơ quan thường trực về lĩnh vực phòng, chống mại dâm, Tổ trưởng tổ công tác liên ngành phòng, chống mại dâm đã ban hành văn bản kiện toàn, củng cố Tổ công tác gồm 16 đơn vị từ các Bộ, ngành liên quan. Hàng năm đều ban hành Kế hoạch phối hợp liên ngành giữa các Bộ, ngành thành viên để triển khai thực hiện. Tổ chức giao ban định kỳ hàng quý, hàng tháng và tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện của từng Bộ, ngành thành viên.
2. Thực trạng tình hình mại dâm hiện nay:
a) Quy mô và phạm vi:
Tình hình tệ nạn mại dâm hiện nay còn diễn biến phức tạp. Hoạt động mại dâm tuy không công khai nhưng kín đáo, tinh vi, tổ chức nhỏ nhưng ở diện rộng lan tất cả khu vực cả nước. Những địa phương phức tạp nhất vẫn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh giáp ranh 2 địa bàn này và các khu du lịch, nghỉ mát. Nhiều vùng quê có các khu công nghiệp mới hình thành nay không còn đất làm nông nghiệp chuyển sang kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát, nhà nghỉ nhưng thực ra là kinh doanh mại dâm. Tình hình hoạt động mại dâm ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Quất Lâm (Nam Định), Bãi Cháy (Quảng Ninh), Đại Lải, Vũng Tàu, Cần Thơ, Nha Trang ngày càng phát triển do một số nơi chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Hoạt động của bọn tội phạm về mại dâm không chỉ xảy ra ở khu vực thành thị và các khu du lịch nghỉ mát mà còn xảy ra ở vùng nông thôn và miền núi. Thực tế đã phát hiện và đấu tranh một số vụ án về mại dâm ở một số huyện thuộc tỉnh Kon Tum, Đắk Nông, Lào Cai, Bắc Giang, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang); Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Xuất hiện một số đối tượng là người nước ngoài, chúng lợi dụng triệt để những kẽ hở về mặt quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hùn vốn thành lập các công ty, nhà hàng, khách sạn, karaoke, vũ trường phục vụ cho người nước ngoài ở các khu chế xuất, khu công nghiệp nhưng thực chất là tổ chức hoạt động mại dâm như Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh.
b) Phương thức hoạt động mại dâm rất đa dạng với nhiều hình thức biến tướng và sử dụng các thủ đoạn mới, tinh vi:
Về phương thức hoạt động mại dâm phổ biến vẫn là lợi dụng các dịch vụ: Ăn, nghỉ, vũ trường, karaoke, cà phê, tẩm quất, massage, mạng Internet hoặc thậm chí không làm nghề dịch vụ kinh doanh nhưng đứng ra tập hợp gái bán dâm phục vụ cho các nhà nghỉ, khách sạn, cung cấp gái mại dâm ra nước ngoài, hoặc khách mua dâm liên hệ trực tiếp để được đáp ứng. Hoạt động mại dâm trong các khách sạn liên doanh với người nước ngoài đang tiềm ẩn nhiều phức tạp, hoạt động một cách tinh vi theo một chu trình khép kín, chỉ bán dâm với người nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài bán dâm thông qua điều hành, môi giới.
Hiện nay bọn tội phạm lợi dụng sự ham chơi, đua đòi của một số học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và việc buông lỏng quản lý giáo dục của gia đình, nhà trường đã dụ dỗ, lôi kéo thậm chí còn dùng thủ đoạn ép buộc các cháu còn đang là học sinh chưa đến tuổi thành niên làm gái bán dâm. Hình thành các đường dây môi giới mại dâm tại địa bàn một số huyện, thành phố (như ở Hà Giang, Thái Bình…). Từ đó dẫn đến tình trạng khách mua dâm phạm tội bởi các hành vi mua dâm người chưa thành niên, hoặc cấu thành tội hiếp dâm trẻ em… Đây là một thực trạng đang gây nhiều bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.
Đáng chú ý là hoạt động mại dâm không thông qua sự điều hành của chủ đường dây hay chủ nhà hàng, khách sạn và đối tượng môi giới mại dâm đang có chiều hướng gia tăng. Số gái bán dâm liên kết với nhau thành nhiều nhóm hoạt động liên kết đan xen với nhau hoặc hình thành các đường dây liên tỉnh, hoặc có sự móc nối với các hướng dẫn viên du lịch để cung cấp gái mại dâm cho khách đến các địa điểm du lịch trong nước hoặc nước ngoài. Hoạt động mại dâm qua Internet, điện thoại di động để nhắn tin đến điện thoại của, mời chào, quảng cáo, thỏa thuận, hẹn địa điểm mua bán dâm.. đang lan rộng ở nhiều nơi.
c) Số liệu điều tra cơ bản về tệ nạn mại dâm:
Theo số liệu báo cáo, thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay trong toàn quốc có khoảng 53.000 nữ nhân viên phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Trong đó có 3.500 cơ sở và 6.983 nữ nhân viên nghi hoạt động mại dâm; lập hồ sơ quản lý 1.353 đối tượng có biểu hiện chứa mại dâm, 932 đối tượng có biểu hiện môi giới mại dâm và 2.065 gái bán dâm.
Cả nước hiện có trên 83.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện. Trong đó, khách sạn là 4.284, nhà nghỉ: 9.527, nhà trọ: 37.852, nhà hàng: 719, vũ trường: 70; karaoke: 6.060, cà phê giải khát: 4.533; cơ sở mát xa: 1.883, còn lại là cơ sở kinh doanh dịch vụ khác (tăng 18.000 cơ sở so với năm 2009). Thành phố Hà Nội hiện nay đã xác định có 264 cơ sở có điều kiện nhạy cảm liên quan đến hoạt động mại dâm; lập hồ sơ quản lý 172 đối tượng có biểu hiện chứa, môi giới mại dâm. Thành phố Hồ Chí Minh có 25.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ, ước tính có trên 20.000 nữ tiếp viên. Trong đó có 50% là các cô gái địa phương khác đến. Hà Tĩnh hiện có khoảng 96 cơ sở có biểu hiện hoạt động mại dâm trong tổng số trên 1.202 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện nhạy cảm liên quan đến hoạt động mại dâm; lập hồ sơ quản lý 112 đối tượng có biểu hiện chứa, môi giới mại dâm.
Trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Campuchia lực lượng biên phòng đã đưa vào diện quản lý trên 200 nhà hàng có biểu hiện hoạt động mại dâm, buôn bán phụ nữ trẻ em ra nước ngoài hoạt động mại dâm.
3. Đánh giá chung về công tác phòng, chống mại dâm giai đoạn 2006 - 2010
a) Về chỉ đạo, điều hành, xây dựng văn bản pháp luật:
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về phòng chống mại dâm đã được hầu hết các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và các tổ chức đoàn thể quan tâm, đẩy mạnh và nỗ lực thực hiện nhiệm vụ. Văn bản pháp luật về phòng, chống mại dâm, các văn bản pháp luật liên quan và các văn bản hướng dẫn được ban hành có hệ thống và tương đối đồng bộ cả về quan điểm, chủ trương, biện pháp, phân công trách nhiệm, cơ chế điều phối, chế tài xử lý.
Công tác phối hợp liên ngành phòng, chống mại dâm đã được các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và các tổ chức đoàn thể tăng cường thực hiện tạo nên sự đồng bộ, thống nhất trong triển khai các hoạt động.
b) Về các hoạt động phòng ngừa tệ nạn mại dâm:
Công tác tuyên truyền đã được triển khai thông qua nhiều hình thức, đổi mới về nội dung, đi sâu, đi sát với thực tế, coi việc phòng ngừa và ngăn chặn tệ nạn mại dâm phải đi từ cơ sở gia đình, cụm dân cư, làng, bản, thôn, xóm, tạo sự chuyển biến về nhận thức và ý thức trách nhiệm phòng, chống tệ nạn mại dâm. Tạo phong trào toàn dân và dư luận xã hội lên án mạnh mẽ, phát hiện, tố giác và tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm.
Nhận thức về phòng, chống mại dâm được nâng lên rõ rệt trong các tầng lớp nhân dân. Quan điểm về phòng, chống tệ nạn mại dâm được hầu hết các ngành, các cấp và nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm được triển khai một cách đồng bộ, có hiệu quả. Quá trình thực hiện luôn gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nên nhiều địa phương đã có chuyển biến mạnh mẽ, giữ vững địa bàn không phát sinh tệ nạn mại dâm, giảm đáng kể số xã, phường trọng điểm về tệ nạn ma túy, mại dâm.
c) Công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh, triệt phá ổ nhóm, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mại dâm được thực hiện một cách triệt để, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi mại dâm với trẻ em và người chưa thành niên.
d) Công tác chữa trị, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm luôn được quan tâm, quy trình chữa trị từng bước được hoàn thiện; người bán dâm được giáo dục lối sống, phục hồi hành vi nhân cách và lao động sản xuất; được dạy nghề, truyền nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động nhằm tạo điều kiện để người bán dâm hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.
4. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân:
a) Tồn tại, hạn chế:
- Tệ nạn mại dâm hiện nay mới giảm ở bề nổi, mại dâm trẻ em và vị thành niên vẫn còn tồn tại, chưa giải quyết dứt điểm được đường dây hoạt động mại dâm liên tỉnh, đưa người ra nước ngoài hoạt động mại dâm; mại dâm nam, mại dâm đồng giới, buôn bán người vì mục đích mại dâm, mại dâm có yếu tố nước ngoài có chiều hướng gia tăng.
- Nhiều địa phương chưa quản lý tốt công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn, đặc biệt là địa bàn giáp ranh dẫn đến một số tụ điểm phức tạp để tồn tại lâu ngày, gây bức xúc trong nhân dân; còn biểu hiện xử lý thiếu kiên quyết, phạt cho tồn tại, thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong xử lý các vụ việc phức tạp, liên quan đến quản lý của nhiều ngành. Hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng chức năng quản lý ở khu vực biên giới chưa cao, khi phía Việt Nam truy quét mạnh thì đối tượng mại dâm chạy ra nước ngoài và ngược lại.
- Công tác tuyên truyền giáo dục còn hạn chế, chưa phù hợp đối với từng nhóm đối tượng khác nhau, nhận thức và điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân liên quan đến các giá trị đạo đức, vấn đề bình đẳng giới, phòng ngừa HIV, trách nhiệm xã hội và gia đình trong phòng, chống mại dâm, vì vậy tác động của truyền thông còn nhiều hạn chế. Công tác phòng ngừa thông qua lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và an sinh cho các vùng, miền, thành phố, nông thôn, thanh niên, học sinh, sinh viên và lao động di cư, đặc biệt là hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn, còn nhiều bất cập.
- Hoạt động giáo dục, dạy nghề và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả còn thấp. Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở một số địa phương còn hạn chế. Chưa bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, địa bàn cần tập trung quản lý. Sự phối hợp giữa các ngành, các đơn vị còn mang tính hình thức.
- Nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng ngày càng cao từ quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt với sự xuất hiện của tệ nạn mại dâm nam, mại dâm đồng giới. Nhiều người bán dâm chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế, cũng như các chương trình can thiệp giảm hại và tình dục an toàn.
- Tổng ngân sách đầu tư cho công tác phòng chống mại dâm trong 5 năm khoảng hơn 130 tỷ đồng (bao gồm ngân sách của các Bộ, ngành Trung ương và ngân sách bố trí của các địa phương). Nhiều Bộ, ngành, đoàn thể không bố trí kinh phí cho công tác này. Ở địa phương, đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, việc bố trí kinh phí cho hoạt động còn nhiều khó khăn, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; nhiều tỉnh, thành phố không quan tâm, tập trung chỉ đạo giải quyết và ưu tiên ngân sách cho công tác này.
b) Nguyên nhân:
Do tính chất phức tạp của tệ nạn mại dâm. Hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi hơn, với nhiều hình thức biến tướng mới, sử dụng công nghệ thông tin hiện đại, nên khó phát hiện để đấu tranh phòng, chống.
Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân chưa đầy đủ, thiếu thống nhất; cấp ủy đảng, chính quyền địa phương một số nơi chưa kiên quyết trong chỉ đạo xử lý, thậm chí có nơi, có lúc làm ngơ hoặc xử lý nhẹ, không xử lý vi phạm. Trách nhiệm quản lý nhà nước của cấp chính quyền cơ sở, sự giám sát của các đoàn thể ở một số địa phương còn bị buông lỏng; công tác hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người mại dâm chưa được quan tâm; kỳ thị, phân biệt đối xử đối với phụ nữ mại dâm còn nặng nề là rào cản khi họ muốn thay đổi hành vi, lối sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống mại dâm hiện nay còn thấp và dàn trải. Kinh phí được bố trí từ ngân sách nhà nước cho công tác này ở các Bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở cấp xã (hàng năm, kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống mại dâm ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ vào khoảng 25 tỷ đồng). Một số quy định tài chính đối với công tác phòng, chống mại dâm hiện nay thiếu nội dung chi, định mức chi thấp, thủ tục thanh quyết toán phức tạp. Từ các khó khăn về kinh phí dẫn đến nhiều nhiệm vụ quan trọng của công tác phòng, chống mại dâm chỉ được thực hiện thông qua lồng ghép hoặc có điều kiện thì làm, do đó kết quả đạt được còn hạn chế.
Công tác quy hoạch, cấp giấy phép và quản lý hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm còn bất cập; việc kiểm soát sản xuất, lưu hành văn hóa phẩm, băng đĩa hình và trang web có nội dung khiêu dâm, kích dục còn hạn chế. Các chương trình liên quan như phòng, chống HIV/AIDS, vay vốn xóa đói giảm nghèo, dạy nghề và tạo việc làm thiếu lồng ghép nên kết quả còn hạn chế. Việc quy định và thực hiện các biện pháp phòng, chống mại dâm còn nặng về xử lý người bán dâm, chủ chứa, môi giới, chưa chú trọng đấu tranh và thiếu chế tài xử lý nghiêm khắc đối với người mua dâm và các đối tượng lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm.
Từ thực tiễn trên, việc xây dựng Chương trình hành động phòng chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2011 - 2015 là rất cần thiết nhằm duy trì các kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2006 - 2010 và tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống mại dâm.
Phần B.
NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Lấy công tác phòng ngừa làm trọng tâm của Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015, tập trung giải quyết tệ nạn mại dâm tại những tỉnh, địa bàn trọng điểm. Tập trung vào biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, lối sống của cá nhân, gia đình, cộng đồng, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, phòng ngừa từ xa; tăng cường lồng ghép với các chương trình an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội; quản lý chặt chẽ các yếu tố dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có liên quan; gắn kết chặt chẽ với xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, không có tệ nạn xã hội, nhất là ở xã, phường.
2. Nhà nước xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm; đặt công tác phòng, chống mại dâm trong mối quan hệ với phòng, chống tội phạm về buôn bán người và bóc lột tình dục phụ nữ, trẻ em.
3. Chú trọng đến các hoạt động trợ giúp người bán dâm là phụ nữ, trẻ em trong tiếp cận với các dịch vụ xã hội (giáo dục, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe, thay đổi công việc…) tại cộng đồng; tăng cường các giải pháp hỗ trợ tại gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe, phòng, chống lây nhiễm HIV, tạo cho họ các cơ hội thay đổi cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng xã hội.
4. Nhà nước đảm bảo và khuyến khích việc huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống mại dâm phù hợp với khả năng và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong từng giai đoạn. Tập trung nguồn lực và chỉ đạo công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm ở các địa bàn trọng điểm.
5. Tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, trên thế giới về phòng, chống mại dâm; phối hợp phòng, chống mại dâm với phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích bóc lột tình dục và phòng, chống lây nhiễm HIV.
II. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu chung:
Phòng ngừa, tiến tới đẩy lùi tệ nạn mại dâm dưới mọi hình thức, phòng, chống mua bán người vì mục đích mại dâm, bóc lột tình dục góp phần bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, danh dự, nhân phẩm của con người, hạnh phúc gia đình, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân, dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhằm giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội, xây dựng và phát triển con người Việt Nam.
2. Một số chỉ tiêu cụ thể:
- 100% xã, phường tổ chức tuyên truyền bằng hình thức phù hợp về tệ nạn mại dâm, tác hại của tệ nạn mại dâm, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn, phòng ngừa lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong công tác phòng, chống mại dâm.
- Đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm hoạt động mại dâm và xử lý nghiêm minh 100% số vụ việc, đường dây hoạt động mại dâm được phát hiện; giảm hoạt động mại dâm trá hình dưới mọi hình thức trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ (khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, vũ trường, cơ sở karaoke…)
- 100% các tỉnh, thành phố trọng điểm xây dựng được các mô hình: mô hình hỗ trợ, giảm tổn thương và phòng chống lây nhiễm HIV; mô hình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.
- Tổ chức chữa trị, giáo dục, dạy nghề, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho 100% số người bán dâm có hồ sơ quản lý bằng các hình thức phù hợp tại Trung tâm hoặc cộng đồng. Tập trung nguồn lực và chú trọng hoạt động tại cộng đồng.
- 100% cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội được tập huấn, nâng cao năng lực về tổ chức điều hành, phối hợp liên ngành và giám sát, đánh giá trong công tác phòng, chống mại dâm.
- Giảm 40% xã, phường, thị trấn trọng điểm về tệ nạn mại dâm; 60% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; duy trì số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn lành mạnh không có mại dâm giai đoạn 2006 - 2010.
III. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm:
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (pháp luật hình sự, hành chính) đối với các hành vi mại dâm, liên quan đến mại dâm.
- Nghiên cứu, bổ sung các quy định pháp luật về phòng ngừa và bảo vệ người chưa thành niên bị cưỡng bức bán dâm, bảo đảm phát hiện sớm và xử lý nghiêm các hành vi cưỡng bức bán dâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người chưa thành niên tái hòa nhập cộng đồng.
- Nghiên cứu, bổ sung các quy định pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS trong pháp luật về phòng, chống mại dâm, chú trọng đúng mức các yếu tố về văn hóa, phong tục tập quán, trình độ nhận thức.
- Nghiên cứu đề xuất biện pháp phối hợp của các cơ quan liên quan trong quản lý, cấp, thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở lợi dụng hoạt động kinh doanh dịch vụ để tổ chức hoạt động mại dâm.
Kinh phí dự kiến: 5 tỷ đồng.
2. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức:
- Tổ chức các chiến dịch tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng, chống mại dâm trong toàn xã hội.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (tổ chức sản xuất các sản phẩm truyền thông; thực hiện các chương trình, các đợt truyền thông…)
- Thiết lập mạng lưới cộng tác viên truyền thông về phòng, chống mại dâm.
- Xây dựng bộ công cụ truyền thông về phòng, chống mại dâm; nếp sống văn minh, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn: xây dựng giáo trình giảng dạy về nếp sống văn minh, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn cho đội ngũ giảng viên (sách mỏng, tờ rơi, tranh áp phích, sổ tay cho tuyên truyền viên, lịch và các phóng sự, phim…).
- Xây dựng mô hình truyền thông về phòng, chống mại dâm, nếp sống văn minh, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn ở các địa bàn trọng điểm.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm phòng ngừa việc sử dụng các phương tiện thông tin trong hoạt động tổ chức mại dâm.
Kinh phí dự kiến: 150 tỷ đồng.
3. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, triệt phá ổ nhóm hoạt động mại dâm:
- Tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản về địa bàn, đối tượng tổ chức hoạt động mại dâm; tổ chức đấu tranh các chuyên án về hoạt động mại dâm đặc biệt đối với các vụ án liên quan đến mại dâm trẻ em.
- Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thực thi pháp luật trong phòng ngừa, đấu tranh chuyên án và điều tra, xét xử các vụ án liên quan đến mại dâm cho lực lượng công an, kiểm sát viên, thẩm phán các cấp.
- Tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực về công tác thanh tra, kiểm tra cho thành viên của đội Kiểm tra liên ngành các cấp trong việc tổ chức kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, thương mại dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; Thanh tra lao động, Thanh tra chuyên ngành về Văn hóa, Lao động, Công an, đội Kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm các cấp.
Kinh phí dự kiến: 200 tỷ đồng.
4. Xây dựng các mô hình tại cộng đồng nhằm hỗ trợ gúp đỡ người bán dâm trong phòng, chống HIV/AIDS và tái hòa nhập cộng đồng:
- Khảo sát, đánh giá các mô hình hiện có về giảm tổn thương, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, bảo vệ người chưa thành niên bị cưỡng bức bán dâm và bị bóc lột tình dục vì mục đích thương mại.
- Nghiên cứu, xây dựng các chính sách nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội khác tham gia các hoạt động phòng ngừa, giảm hại, giảm phân biệt đối xử, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.
- Thí điểm xây dựng mô hình phòng ngừa, trợ giúp làm giảm tổn thương, phòng chống lây nhiễm HIV tại cộng đồng.
- Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế pháp lý, tài chính phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bán dâm được dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ can thiệp dự phòng, khám và điều trị HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chương trình điều trị Methadone cho người bán dâm có sử dụng ma túy; chương trình sử dụng bao cao su đối với người bán dâm và người mua dâm; giúp đỡ người bán dâm giảm các tổn thương do bị lừa gạt, bạo lực bóc lột tình dục và tái hòa nhập cộng đồng.
- Nghiên cứu, xây dựng thí điểm các mô hình cơ sở hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng. Các cơ sở này có chức năng cung cấp các dịch vụ tư vấn tâm lý, pháp lý, hỗ trợ khám chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục và bệnh AIDS, giáo dục kỹ năng sống, trợ giúp tái hòa nhập cộng đồng.
- Tổ chức các cuộc tập huấn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và thực hiện các mô hình trên.
Kinh phí dự kiến: 230 tỷ đồng.
5. Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn mại dâm; phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội:
- Tăng cường các hoạt động thông tin giáo dục truyền thông về phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu tác hại liên quan đến tệ nạn mại dâm như: Hội thảo, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm trong cộng đồng; tổ chức các chiến dịch lồng ghép với các chương trình khác liên quan; nói chuyện chuyên đề, xây dựng câu lạc bộ và phát triển tài liệu truyền thông.
- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội, chú trọng phát triển hệ thống mạng lưới cung cấp các dịch vụ tư vấn, trợ giúp xã hội rộng khắp, nhất là ở cấp xã, phường nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng và các cá nhân trong công tác này.
- Kiện toàn ban chỉ đạo cấp xã; xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp trong ban chỉ đạo và các cơ sở sản xuất, dịch vụ, cơ sở trường học trên địa bàn; xây dựng các thiết chế cộng đồng liên quan đến phòng ngừa, giảm hại bởi tệ nạn mại dâm; giám sát, đánh giá định kỳ kế hoạch phòng, chống mại dâm.
- Tăng cường hoạt động kiểm tra liên ngành và xử lý vi phạm pháp luật về tệ nạn mại dâm; thực hiện công tác thu nhập thông tin và báo cáo định kỳ, đột xuất về đối tượng, kết quả hoạt động, hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã và cán sự phòng, chống tệ nạn xã hội của địa bàn.
- Lồng ghép các chương trình kinh xế xã hội có liên quan với công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; xây dựng quỹ hỗ trợ xã hội, hỗ trợ vốn, học nghề, tìm kiếm việc làm cho người mại dâm.
Kinh phí dự kiến: 150 tỷ đồng.
6. Nâng cao năng lực và đánh giá, giám sát.
- Đào tạo, nâng cao năng lực cho cơ quan chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội cấp tỉnh trong việc tham mưu, điều phối các hoạt động về phòng, chống tệ nạn mại dâm và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình.
- Đào tạo, kiến thức và kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn về phòng, chống mại dâm; nếp sống văn minh, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn; kiến thức về phòng ngừa HIV và các bệnh lây qua đường tình dục cho đội ngũ giảng viên chủ chốt cấp Trung ương, cấp tỉnh và tuyên truyền viên cấp xã.
- Kiện toàn về tổ chức của bộ máy các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tệ nạn xã hội; củng cố Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm tại các tỉnh, thành phố.
- Nghiên cứu xây dựng thống nhất bộ chỉ số đánh giá, giám sát chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về tệ nạn mại dâm và phòng, chống mại dâm: Nghiên cứu xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo định kỳ về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát về tệ nạn mại dâm.
- Tổ chức các cuộc hội thảo, sơ kết, tổng kết chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình.
- Thực hiện các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chuyên sâu, nghiên cứu đánh giá, các tác động của mại dâm trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Tiếp tục nghiên cứu các mô hình phòng chống mại dâm của các nước trong khu vực và trên thế giới. Học tập, áp dụng các mô hình hiệu quả trong phòng ngừa, chống mại dâm, đặc biệt là mại dâm trẻ em và vị thành niên.
- Các hoạt động kiểm tra, giám sát đánh giá thực hiện Chương trình.
Kinh phí dự kiến: 100 tỷ đồng.
IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Tăng cường nguồn lực về con người và kinh phí cho công tác phòng, chống mại dâm, ưu tiên cho các tỉnh, thành phố trọng điểm. Từng bước xã hội hóa công tác phòng, chống mại dâm, huy động sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng và các cá nhân trong công tác này. Tạo điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội khác tham gia các hoạt động hỗ trợ phòng ngừa, giảm hại, giảm phân biệt đối xử, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.
2. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tệ nạn mại dâm ở cấp xã, phường, thị trấn (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Công an). Lấy hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm nói riêng và phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung tại địa bàn quản lý làm chỉ tiêu thi đua, đánh giá hàng năm.
3. Tăng cường hợp tác quốc tế, chú trọng hợp tác với các nước trong khu vực, các nước có chung biên giới trong công tác phòng, chống buôn bán người, phòng chống mại dâm, phòng chống buôn bán trẻ em vì mục đích bóc lột tình dục; thực hiện các Công ước Liên hợp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ và quyền trẻ em và các khuyến nghị của Hội nghị toàn cầu năm 2008 về chống bóc lột tình dục trẻ em và người chưa thành niên.
4. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống mại dâm đảm bảo thực hiện đúng Quyết định số 155/2007/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống mại dâm.
5. Đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá tác động của mại dâm trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta; tiếp tục nghiên cứu các mô hình phòng chống mại dâm của các nước trong khu vực và trên thế giới để học tập, áp dụng các mô hình hiệu quả trong phòng ngừa tệ nạn mại dâm, đặc biệt là việc ngăn chặn và xóa bỏ mại dâm trẻ em.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Chương trình là 629 tỷ đồng, gồm:
- Ngân sách trung ương: 219 tỷ đồng, trong đó 119 tỷ đồng đảm bảo thực hiện chương trình thuộc nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan trung ương và 100 tỷ đồng hỗ trợ địa phương trọng điểm về tệ nạn mại dâm nhưng chưa tự cân đối được ngân sách.
- Ngân sách địa phương: 400 tỷ đồng.
- Nguồn huy động và hợp tác quốc tế: 10 tỷ đồng.
2. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
3. Các địa phương chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp để đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phòng, chống mại dâm trên địa bàn; trong đó ưu tiên kinh phí thực hiện chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ tại xã, phường và các hoạt động phòng, chống mại dâm trên địa bàn. Đối với những tỉnh, thành phố trọng điểm về tệ nạn mại dâm nhưng chưa tự cân đối được ngân sách, hàng năm làm văn bản đề xuất gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương để bảo đảm thực hiện được mục tiêu của Chương trình.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Chương trình được triển khai trên phạm vi toàn quốc, trong đó tập trung chỉ đạo điểm tại 20 tỉnh, thành phố: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Kiên Giang, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu.
1. Tổ chức điều hành Chương trình:
a) Ở Trung ương:
- Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chương trình; chỉ đạo việc phối hợp thực hiện các Chương trình hành động phòng, chống mại dâm với phòng chống AIDS và các hoạt động phòng, chống mua bán người vì mục đích mại dâm.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan Thường trực giúp Chính phủ, Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm triển khai thực hiện Chương trình. Thành lập Tổ công tác liên ngành về phòng, chống mại dâm giúp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc tổ chức thực hiện Chương trình hành động.
b) Ở địa phương:
Sở Lao động - Thuơng binh và Xã hội chủ trì, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng, chống mại dâm 5 năm và hàng năm. Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Tổ công tác liên ngành về phòng, chống mại dâm để giúp Sở Lao động - Thuơng binh và Xã hội trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống mại dâm tại địa phương.
2. Phân công trách nhiệm:
a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình; chỉ đạo, theo dõi và giám sát việc triển khai Chương trình. Định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai và kết quả thực hiện Chương trình.
- Nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực điều phối cho Cơ quan Thường trực Chương trình hành động phòng, chống mại dâm; hướng dẫn và phối hợp triển khai kế hoạch lồng ghép các chương trình xóa đói, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, phòng, chống ma túy, phòng, chống HIV, phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em với Chương trình phòng, chống mại dâm.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức và hướng dẫn thực hiện các biện pháp hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.
b) Bộ Công an:
Chỉ đạo lực lượng công an các cấp, phối hợp hoạt động phòng, chống mại dâm với phòng, chống tội phạm ma túy và buôn bán phụ nữ, trẻ em; rà soát, đề xuất, sửa đổi bổ sung các quy định về quản lý an ninh trật tự đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; quản lý địa bàn và xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống mại dâm.
c) Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng):
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng phối hợp hoạt động phòng chống mại dâm với phòng chống ma túy và buôn bán người ở khu vực biên giới. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý biên giới, vùng biển, đặc biệt khu vực cửa khẩu, cảng biển. Kịp thời phát hiện hoạt động mại dâm, tội phạm buôn bán người qua biên giới nhằm mục đích mại dâm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
d) Bộ Thông tin và Truyền thông:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh việc thông tin tuyên truyền về nếp sống văn minh, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn bao gồm cả việc phòng, chống lây nhiễm HIV, các bệnh lây qua đường tình dục; chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm tạo sự đồng thuận của xã hội trong công tác này. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phòng ngừa việc lợi dụng các phương tiện thông tin trong hoạt động mại dâm.
đ) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở kinh doanh văn hóa, du lịch, ngăn chặn và xử lý các hành vi khiêu dâm, kích dục, lưu hành văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy; rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý hoạt động văn hóa, dịch vụ, du lịch và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa - du lịch liên quan đến phòng, chống mại dâm.
e) Bộ Y tế:
Chỉ đạo việc tổ chức thanh tra, kiểm tra điều kiện về y tế của các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm.
g) Bộ Tư pháp:
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm; nghiên cứu, đề xuất hướng hoàn thiện các chế tài xử lý hành chính, hình sự đối với các hành vi mại dâm; phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, soạn thảo, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật về phòng, chống mại dâm.
h) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Phối hợp các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất biện pháp phối hợp trong việc quản lý cấp, thu hồi giấy phép đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự.
i) Bộ Tài chính:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về nội dung chi, mức chi cho công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; chế độ đóng góp, trợ cấp đối với đối tượng đưa vào chữa trị, giáo dục tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, đối tượng tái hòa nhập cộng đồng.
k) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương:
Chỉ đạo ngành dọc lồng ghép trong các hoạt động chỉ đạo, quản lý phòng, chống mại dâm vào các hoạt động chuyên môn thường xuyên của đơn vị.
l) Ủy ban nhân dân các cấp:
- Xây dựng phê duyệt và tổ chức thực hiện Kế hoạch 5 năm, hàng năm về phòng, chống mại dâm trên cơ sở Chương trình này và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 của địa phương.
- Bố trí ngân sách và huy động các nguồn đóng góp hợp pháp khác để bảo đảm kinh phí thực hiện Kế hoạch phòng, chống mại dâm; tăng cường nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cho công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.
- Lồng ghép công tác phòng, chống mại dâm vào các chương trình an sinh xã hội của địa phương như xóa đói giảm nghèo; dạy nghề, tạo việc làm, phòng, chống ma túy, HIV/AIDS và phòng, chống buôn bán người.
m) Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao: nâng cao năng lực thực thi pháp luật điều tra, xét xử các vụ án liên quan đến mại dâm cho lực lượng kiểm sát viên, thẩm phán các cấp.
n) Đề nghị Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Nông dân, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015./.