Công văn số 117/2004/KHXX về việc triển khai thi hành BLTTHS.
TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
******** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Số: 117/2004/KHXX
V/v Triển khai thi hành BLTTHS năm 2003 |
Hà Nội, ngày 22 tháng 7 năm 2004
|
Kính gửi:
|
- Các Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp
- Các Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao |
Ngày 26/11/2003, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 4 đã thông qua Bộ Luật tố tụng hình sự mới; Bộ Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2004. Để thi hành đúng và thống nhất các quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 (sau đây viết tắt là BLTTHS), Toà án nhân dân tối cao yêu cầu các Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp triển khai nghiên cứu kỹ các quy định của BLTTHS; đặc biệt là những quy định mới được sửa đổi, bổ sung. Trong khi chưa có các văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, Toà án nhân dân tối cao lưu ý một số điểm sau đây:
I. VỀ NGƯỜI BÀO CHỮA
1. Đối với luật sư
Cần nghiên cứu và nắm chắc các quy định tại các điều 56, 57, 58 và 190 BLTTHS cũng như các quy định của Pháp lệnh luật sư và những văn bản có liên quan để xem xét việc cấp giấy chứng nhận (hoặc không cấp giấy chứng nhận) người bào chữa cho luật sư. Đặc biệt, cần lưu ý quy định bổ sung tại Điều 190 BLTTHS về việc nếu người bào chữa vắng mặt thì Toà án vẫn mở phiên toà xét xử, trừ trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa theo quy định tại khoản 2 Điều 57 BLTTHS.
2. Đối với người đại diện hợp pháp của bị cáo
Cần nghiên cứu và nắm chắc các quy định tại các điều 56 và 57 BLTTHS và những văn bản có liên quan để xác định đúng trường hợp nào thì được công nhận là đại diện hợp pháp của bị cáo và được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho bị cáo.
3. Đối với bào chữa viên nhân dân
Tại Khoản 3 Điều 57 BLTTHS đã bổ sung quy định: “Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình”. Để thi hành đúng và thống nhất quy định này, cần lưu ý về những điều kiện và những thủ tục cần thiết để được công nhận là bào chữa viên nhân dân.
II. VỀ XÉT XỬ SƠ THẨM
1. Thời hạn chuẩn bị xét xử
Cần thi hành đúng quy định tại Điều 176 BLTTHS về thời hạn chuẩn bị xét xử, cụ thể là trong thời hạn ba mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, ba tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà phải ra một trong các quyết định: đưa vụ án ra xét xử; trả hồ sơ để điều tra bổ sung; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì Toà án có thể mở phiên toà trong thời hạn ba mươi ngày. Đối với những vụ án phức tạp thì Chánh án Toà án cấp sơ thẩm có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử tuỳ theo từng loại tội phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 176 BLTTHS.
2. áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn
Sau khi thụ lý hồ sơ vụ án, Toà án cấp sơ thẩm phải xem xét ngay việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn; cần xem xét ngay trường hợp nào vẫn còn thời hạn tạm giam, trường hợp nào đã hết thời hạn tạm giam và cần thiết phải tiếp tục áp dụng biện pháp tạm giam. Đối với trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà bị phạt tù nhưng đến ngày kết thúc phiên toàn thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết hoặc còn ít hơn bốn mươi ngày thì theo quy định tại Điều 228 BLTTHS, Hội đồng xét xử cần phải ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc thi hành án; thời hạn tạm giam là bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày tuyên án. Không được ghi trong bản án “tiếp tục tạm giam bị cáo để bảo đảm thi hành án” như trước khi BLTTHS có hiệu lực thi hành.
3.Về việc hoãn phiên toà
Việc hoãn phiên toà phải thực hiện đúng theo quy định tại các điều 45, 46, 47, 187, 190, 191, 192, 193 và 194 BLTTHS. Lý do hoãn phiên toà phải được ghi rõ trong biên bản phiên toà và lưu vào hồ sơ vụ án. Thời hạn hoãn phiên toà sơ thẩm là không quá ba mươi ngày, kể từ ngày quyết định hoãn phiên toà.
4. Về việc giao bản án
Việc giao bản án của Toà án phải thực hiện đúng các quy định tại Điều 229 BLTTHS, cụ thể như sau:
Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày tuyên án, Toà án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; gửi bản án cho người bị xử vắng mặt, cơ quan Công an cùng cấp; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị cáo cư trú hoặc làm việc. Cần lưu ý là trong trường hợp vụ án có bị cáo hoặc đương sự khác (người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự...) vắng mặt tại phiên toà sơ thẩm thì Toà án cấp sơ thẩm phải gửi bản án cho người vắng mặt đồng thời tiến hành niêm yết bản án tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để có căn cứ xác định thời hạn kháng cáo, kháng nghị (việc niêm yết bản án phải có chứng thực của Uỷ ban nhân dân nơi niêm yết bản án và lưu vào hồ sơ vụ án).
III. XÉT XỬ PHÚC THẨM
1. Xét kháng cáo quá hạn
Việc xét kháng cáo quá hạn phải được thực hiện đúng quy định tại khoản 2 Điều 235 BLTTHS; cụ thể là Toà án cấp phúc thẩm phải thành lập một Hội đồng gồm 3 Thẩm phán để xét kháng cáo quá hạn; Hội đồng có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn. Như vậy, trong trường hợp có bị cáo kháng cáo quá hạn thì việc xét kháng cáo quá hạn phải được thực hiện trước khi mở phiên toà phúc thẩm không phụ thuộc vào việc ngoài bị cáo kháng cáo quá hạn, thì trong vụ án đó còn có kháng cáo của các bị cáo khác hoặc đương sự khác trong hạn luật định hay không. Chỉ trong trường hợp Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo quá hạn của bị cáo và người này cần có mặt tại phiên toà phúc thẩm để Toà án cấp phúc thẩm xét hỏi về hành vi phạm tội của những bị cáo khác thì họ được triệu tập tham gia phiên toà phúc thẩm với tư cách là người làm chứng.
2. Về việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn
Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Toà án cấp phúc thẩm phải xem xét ngay việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn. Đối với bị cáo đang bị tạm giam bị xử phạt tù mà đến ngày kết thúc phiên toà thời hạn tạm giam đã hết hoặc còn ít hơn bốn mươi ngày, thì Hội đồng xét xử phải ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc thi hành án; thời hạn tạm giam là bốn mươi lăm ngày kể từ ngày tuyên án.
3. Việc giao bản án và quyết định phúc thẩm
Việc giao bản án và quyết định phúc thẩm cần được thực hiện đúng quy định tại Điều 245 BLTTHS; cụ thể là trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày tuyên án hoặc kể từ ngày ra quyết định, Toà án cấp phúc thẩm phải gửi bản án hoặc quyết định phúc thẩm cho người kháng nghị, Toà án, Viện kiểm sát, cơ quan Công an nơi đã xử sơ thẩm, người đã kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong trường hợp bản án phúc thẩm có tuyên hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị cáo cư trú hoặc làm việc. Trong trường hợp Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao xử phúc thẩm thì thời hạn này có thể dài hơn nhưng không quá hai mươi lăm ngày.
Nhận được Công văn này đề nghị các đồng chí Chánh án các Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp, các đồng chí Chánh án Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao phổ biến và quán triệt cho cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị mình biết để bảo đảm việc thực hiện đúng và thống nhất các quy định của BLTTHS.
KT. CHÁNH ÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN
Đặng Quang Phương