Nghị Định 26/2005/NĐ-CP về Hội đồng định giá tài sản trong TTHS.
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 26/2005/NĐ-CP NGÀY 02 THÁNG 03 NĂM 2005
VỀ HỘI ĐỒNG ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
VỀ HỘI ĐỒNG ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về việc thành lập, quyền, nghĩa vụ và trình tự, thủ tục định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhằm phục vụ cho việc giải quyết những vấn đề có liên quan đến tài sản trong tố tụng hình sự.
Điều 2. Nguyên tắc định giá tài sản
1. Phù hợp với giá thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm.
2. Trung thực, khách quan, công khai và kịp thời.
Điều 3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động định giá tài sản
Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cử người tham gia Hội đồng định giá tài sản khi được yêu cầu. Cá nhân được cử tham gia Hội đồng định giá tài sản có trách nhiệm thực hiện việc định giá tài sản theo quy định của Nghị định này.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để Hội đồng định giá tài sản thực hiện định giá tài sản theo quy định của Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Điều 4. Giá trị pháp lý của kết luận định giá tài sản
Kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản quy định tại Nghị định này là một trong những căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét, giải quyết những vấn đề có liên quan đến tài sản trong tố tụng hình sự.
CHƯƠNG II
HỘI ĐỒNG ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN
HỘI ĐỒNG ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN
Điều 5. Thành lập Hội đồng định giá tài sản
1. Hội đồng định giá tài sản được thành lập ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện).
2. Hội đồng định giá tài sản ở cấp tỉnh, cấp huyện do Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan tài chính cùng cấp để định giá các loại tài sản theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
3. Hội đồng định giá tài sản ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thành lập để thực hiện việc định giá tài sản có giá trị đặc biệt lớn và thực hiện việc định giá lại trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 21 của Nghị định này.
Điều 6. Thành phần của Hội đồng định giá tài sản
1. Thành phần của Hội đồng định giá tài sản ở cấp tỉnh, cấp huyện bao gồm:
a) Một lãnh đạo của cơ quan tài chính là Chủ tịch Hội đồng;
b) Một chuyên viên về giá của cơ quan tài chính là thành viên Thường trực của Hội đồng;
c) Đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn là thành viên của Hội đồng. Căn cứ vào yêu cầu định giá tài sản của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, Chủ tịch Hội đồng định giá quyết định thành viên cụ thể cho từng vụ việc.
2. Thành phần của Hội đồng định giá tài sản ở Trung ương bao gồm:
a) Một lãnh đạo của Bộ Tài chính là Chủ tịch Hội đồng;
b) Một lãnh đạo của đơn vị chuyên môn về giá của Bộ Tài chính là thành viên Thường trực của Hội đồng;
c) Đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn là thành viên của Hội đồng. Căn cứ vào yêu cầu định giá tài sản của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, Chủ tịch Hội đồng định giá quyết định thành viên cụ thể cho từng vụ việc.
3. Số lượng thành viên của Hội đồng định giá tài sản tối thiểu là 3 người.
Điều 7. Hội đồng định giá tài sản trong trường hợp đặc biệt
1. Trong trường hợp do tính chất đặc biệt của vụ án hoặc do yêu cầu phải bảo đảm bí mật, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản cho riêng vụ việc đó.
2. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể tự lựa chọn hoặc đề nghị cơ quan tài chính giới thiệu những người có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm về loại tài sản cần định giá làm thành viên của Hội đồng.
3. Quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều này có các nội dung chính sau đây:
a) Tên cơ quan thành lập Hội đồng;
b) Họ, tên Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản và các thành viên của Hội đồng;
c) Quyền và nghĩa vụ của Hội đồng;
d) Thông tin về tài sản cần định giá;
đ) Nội dung yêu cầu định giá;
e) Thời gian nhận kết quả định giá.
4. Hội đồng định giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều này chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ quy định tại quyết định thành lập Hội đồng.
Điều 8. Quyền, nghĩa vụ của Hội đồng định giá tài sản
1. Hội đồng định giá tài sản có quyền:
a) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp tài liệu, thông tin hiện có liên quan đến tài sản cần định giá;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân khác có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ cho việc định giá tài sản;
c) Từ chối việc định giá tài sản trong trường hợp các tài liệu, thông tin được cung cấp không đầy đủ hoặc có lý do chính đáng khác;
d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Hội đồng định giá tài sản có nghĩa vụ:
a) Tuân thủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá tài sản quy định tại Nghị định này.
b) Thực hiện định giá tài sản theo đúng thời hạn được yêu cầu; trong trường hợp cần có thêm thời gian để thực hiện định giá thì phải thông báo kịp thời cho cơ quan yêu cầu định giá biết.
c) Xác định đúng giá trị của tài sản được yêu cầu định giá và chịu trách nhiệm về kết luận định giá tài sản đó.
d) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Quyền, nghĩa vụ của thành viên của Hội đồng định giá tài sản
1. Thành viên của Hội đồng định giá tài sản có quyền:
a) Đưa ra nhận định, đánh giá về tài sản cần định giá;
b) Biểu quyết để xác định giá của tài sản;
c) Được hưởng chế độ bồi dưỡng vật chất khi tham gia định giá tài sản;
d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Thành viên của Hội đồng định giá tài sản có nghĩa vụ:
a) Tuân thủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá tài sản quy định tại Nghị định này;
b) Tham dự các phiên họp của Hội đồng định giá tài sản khi được yêu cầu;
c) Chịu trách nhiệm về ý kiến định giá của mình;
d) Từ chối tham gia Hội đồng định giá tài sản nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 10 của Nghị định này;
đ) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Các trường hợp không được tham gia Hội đồng định giá tài sản
Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được tham gia Hội đồng định giá tài sản:
1. Đã tiến hành tố tụng với tư cách là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký toà án hoặc đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người phiên dịch trong vụ án đó;
2. Đồng thời là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; là người đại diện hợp pháp, người thân thích của những người đó hoặc là bị can, bị cáo trong vụ án;
3. Được yêu cầu tham gia Hội đồng định giá lại tài sản mà mình đã tham gia định giá;
4. Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng người đó có thể không vô tư trong khi thực hiện việc định giá.
CHƯƠNG III
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN
Điều 11. Yêu cầu định giá tài sản
1. Việc yêu cầu định giá tài sản phải được thực hiện bằng văn bản. Văn bản yêu cầu định giá tài sản phải có các nội dung chính sau đây:
a) Tên cơ quan yêu cầu định giá;
b) Tên Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu;
c) Thông tin về tài sản cần định giá;
d) Nội dung yêu cầu định giá;
đ) Thời gian nhận kết quả định giá.
2. Trong trường hợp yêu cầu định giá lại tài sản thì trong văn bản yêu cầu phải ghi rõ là yêu cầu định giá lại.
Điều 12. Tiếp nhận yêu cầu định giá tài sản
1. Văn bản yêu cầu định giá tài sản được gửi đến Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản.
2. Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản có trách nhiệm tiếp nhận văn bản yêu cầu định giá tài sản và lựa chọn những người có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm về loại tài sản cần định giá tham gia định giá tài sản theo quy định của Nghị định này.
Điều 13. Căn cứ định giá tài sản
Việc định giá tài sản phải dựa trên các căn cứ sau đây:
1. Giá phổ biến trên thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm;
2. Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
3. Giá trên tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá, nếu có;
4. Giá trị thực tế của tài sản cần định giá;
5. Các căn cứ khác về giá trị của tài sản cần định giá.
Điều 14. Xem tài sản, nghiên cứu thông tin, tài liệu liên quan đến tài sản cần định giá
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu định giá tài sản có trách nhiệm tổ chức cho Hội đồng định giá tài sản xem tài sản hoặc mẫu tài sản và nghiên cứu các thông tin, tài liệu có liên quan đến tài sản cần định giá.
Điều 15. Khảo sát giá
Hội đồng định giá tài sản thực hiện khảo sát giá bằng các hình thức sau đây:
1. Khảo sát giá thị trường theo giá bán buôn hoặc giá bán lẻ đối với tài sản cùng loại hoặc tương đương còn mới, có chất lượng đạt một trăm phần trăm;
2. Nghiên cứu bảng giá tài sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định để thực hiện tại địa phương;
3. Tham khảo giá trên tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá.
Điều 16. Phiên họp định giá tài sản
1. Phiên họp định giá tài sản chỉ được tiến hành khi có đủ các thành viên của Hội đồng định giá tài sản. Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản điều hành phiên họp định giá tài sản.
2. Mỗi thành viên của Hội đồng định giá tài sản phát biểu ý kiến của mình về giá trị của tài sản trên cơ sở xác định tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của tài sản đó so với tài sản cùng loại còn mới, có chất lượng đạt một trăm phần trăm.
3. Hội đồng định giá tài sản quyết định giá của tài sản theo đa số. Trong trường hợp có ý kiến ngang nhau thì bên có biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng là ý kiến quyết định. Trong trường hợp không đồng ý với giá của tài sản do Hội đồng quyết định thì thành viên của Hội đồng định giá có quyền bảo lưu ý kiến của mình; ý kiến đó được ghi vào biên bản định giá tài sản.
4. Đại diện cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu định giá tài sản, đại diện các bên đương sự, người có quyền và lợi ích liên quan đến tài sản cần định giá được tham dự phiên họp định giá tài sản và có thể phát biểu ý kiến về việc định giá, nhưng không được quyền biểu quyết về giá của tài sản.
Điều 17. Biên bản định giá tài sản
1. Hội đồng định giá tài sản phải lập biên bản về việc định giá tài sản. Biên bản định giá tài sản phải ghi nhận kịp thời, đầy đủ và trung thực toàn bộ quá trình định giá tài sản.
2. Biên bản định giá tài sản phải có các nội dung chính sau đây:
a) Họ, tên Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản và các thành viên của Hội đồng;
b) Họ, tên những người tham dự phiên họp định giá tài sản;
c) Thời gian, địa điểm tiến hành việc định giá tài sản;
d) Kết quả khảo sát giá trị của tài sản;
đ) ý kiến của các thành viên của Hội đồng định giá tài sản và những người tham dự phiên họp định giá tài sản;
e) Kết quả biểu quyết của Hội đồng định giá tài sản về giá trị của tài sản;
g) Thời gian, địa điểm hoàn thành việc định giá tài sản;
h) Chữ ký của các thành viên của Hội đồng định giá tài sản.
3. Biên bản định giá tài sản phải được lưu trong hồ sơ định giá tài sản.
Điều 18. Kết luận định giá tài sản
1. Kết luận định giá tài sản phải được lập thành văn bản và có nội dung chính sau đây:
a) Tên cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu định giá tài sản;
b) Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu; họ, tên Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản và các thành viên của Hội đồng;
c) Số của văn bản yêu cầu định giá hoặc quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản quy định tại Điều 7 của Nghị định này;
d) Ngày nhận văn bản yêu cầu định giá hoặc quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản quy định tại Điều 7 của Nghị định này;
đ) Tên tài sản cần định giá;
e) Thông tin, tài liệu có liên quan đến tài sản cần định giá;
g) Kết luận về giá của tài sản;
h) Thời gian, địa điểm hoàn thành việc định giá.
2. Kết luận định giá tài sản phải có chữ ký của tất cả các thành viên của Hội đồng định giá tài sản và phải được lưu trong hồ sơ định giá tài sản.
3. Kết luận định giá tài sản và biên bản định giá tài sản được gửi cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu định giá.
Điều 19. Hồ sơ định giá tài sản
1. Hồ sơ định giá tài sản do Hội đồng định giá tài sản lập và gồm có các tài liệu sau đây:
a) Văn bản yêu cầu định giá tài sản hoặc quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản quy định tại Điều 7 của Nghị định này;
b) Biên bản định giá tài sản;
c) Kết luận định giá tài sản;
d) Các tài liệu khác có liên quan đến việc định giá tài sản.
2. Cơ quan tài chính có trách nhiệm bảo quản, lưu giữ hồ sơ định giá. Hồ sơ định giá tài sản được lưu giữ ít nhất là ba mươi năm, kể từ ngày kết thúc việc định giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Điều 20. Định giá tài sản trong trường hợp tài sản bị thất lạc hoặc không còn
1. Trong trường hợp tài sản cần định giá bị thất lạc hoặc không còn, thì việc định giá tài sản được thực hiện trên hồ sơ của tài sản, trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được về tài sản cần định giá.
2. Việc định giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều này phải tuân theo các trình tự, thủ tục định giá tài sản quy định tại Điều 11, 12, 13, 15, 16, 17, 18 và 19 của Nghị định này.
Điều 21. Định giá lại tài sản
1. Việc định giá lại một phần hoặc toàn bộ tài sản được tiến hành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có nghi ngờ về kết quả định giá hoặc có mâu thuẫn giữa các kết luận định giá về giá của tài sản cần định giá. Việc định giá lại phải do Hội đồng định giá tài sản cấp trên trực tiếp thực hiện.
2. Trong trường hợp có mâu thuẫn về kết luận định giá lần đầu và kết luận định giá lại về giá của tài sản cần định giá thì việc định giá lại lần thứ hai phải do Hội đồng định giá tài sản ở Trung ương quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị định này thực hiện. Kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản ở Trung ương là kết luận cuối cùng.
3. Việc định giá lại tài sản được tiến hành theo thủ tục chung quy định tại Nghị định này.
Điều 22. Chi phí định giá tài sản
1. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu định giá tài sản có trách nhiệm trả chi phí định giá tài sản cho Hội đồng định giá tài sản. Chi phí định giá tài sản được lấy từ ngân sách nhà nước, theo dự toán hàng năm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
2. Bộ Tài chính quy định chi tiết về chi phí định giá tài sản.
CHƯƠNG IV
XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 23. Xử lý vi phạm
1. Thành viên của Hội đồng định giá tài sản do thiếu trách nhiệm hoặc cố ý vi phạm quy định của Nghị định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Nghị định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Nghị định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 24. Khiếu nại, tố cáo
1. Trong trường hợp người tham gia tố tụng có căn cứ cho rằng kết luận định giá tài sản không chính xác, không khách quan, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng yêu cầu định giá lại tài sản.
2. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải quyết định chấp nhận hoặc từ chối đề nghị yêu cầu định giá lại; trong trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản cho người đề nghị.
Trong trường hợp người đề nghị không đồng ý với việc từ chối yêu cầu định giá lại của cơ quan điều tra thì có quyền khiếu nại đến Viện Kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện kiểm sát cùng cấp phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát cùng cấp là quyết định cuối cùng.
Trong trường hợp người đề nghị không đồng ý với việc từ chối yêu cầu định giá lại của Viện Kiểm sát, Toà án thì có quyền khiếu nại đến Viện Kiểm sát cấp trên, Toà án cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện Kiểm sát cấp trên, Toà án cấp trên phải xem xét, giải quyết khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Viện Kiểm sát cấp trên, Toà án cấp trên là quyết định cuối cùng.
Việc yêu cầu và thực hiện định giá lại được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và Nghị định này.
3. Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các hành vi vi phạm quy định của Nghị định này.
Việc giải quyết tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 25. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 26. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.