Thông tư 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng Chương "Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình".
THÔNG TƯ
LIÊN TỊCH BỘ TƯ PHÁP - BỘ CÔNG AN - TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC NGÀY 25 THÁNG 9 NĂM 2001 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH TẠI CHƯƠNG XV “CÁC TỘI XÂM PHẠM CHẾ ĐỘ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH" CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999
LIÊN TỊCH BỘ TƯ PHÁP - BỘ CÔNG AN - TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC NGÀY 25 THÁNG 9 NĂM 2001 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH TẠI CHƯƠNG XV “CÁC TỘI XÂM PHẠM CHẾ ĐỘ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH" CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999
Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định tại Chương XV "Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình" của Bộ luật hình sự năm 1999 (sau đây viết tắt là BLHS), Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất hướng dẫn một số điểm như sau:
1. Về tình tiết "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”
Đối với các tội: "cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ” (Điều 146 BLHS); "vi phạm chế độ một vợ, một chồng” (Điều 147 BLHS); tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn” (Điều 148 BLHS); "ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình" (Điều 151 BLHS); "từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng" (Điều 152 BLHS), BLHS có quy định tình tiết "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm" trong cấu thành tội phạm; do đó, cần chú ý:
Bị coi là "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm" nếu trước đó người nào đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được liệt kê trong một điều luật nói trên, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà lại:
a) Thực hiện chính hành vi đó. Ví dụ: trước đó A đã bị xử phạt hành chính về hành vi cưỡng ép kết hôn, chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính mà lại thực hiện hành vi cưỡng ép kết hôn; trước đó B đã bị xử phạt hành chính về hành vi tổ chức tảo hôn, chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính lại thực hiện hành vi tổ chức tảo hôn; v.v...
b) Thực hiện một trong những hành vi được liệt kê trong điều luật tương ứng đó. Ví dụ: trước đó A đã bị xử phạt hành chính về hành vi cưỡng ép kết hôn, chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính lại thực hiện hành vi cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; trước đó B đã bị xử phạt hành chính về hành vi hành hạ vợ, con, chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính lại thực hiện hành vi ngược đãi cha, mẹ; v.v...
Hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính là hết thời hạn do pháp luật xử phạt vi phạm hành chính quy định. Theo quy định tại Điều 10 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995 thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu quá một năm, kể từ ngày thi hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm, thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
2. Về tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ (Điều 146 BLHS)
2.1. Cưỡng ép kết hôn là dùng mọi thủ đoạn bắt buộc người khác (bên nam, bên nữ hoặc cả hai bên) phải kết hôn trái với ý muốn của họ.
Cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ là dùng mọi thủ đoạn để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo luật định hoặc có hành vi cản trở người khác duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc buộc họ phải cắt đút quan hệ hôn nhân đó.
Hành vi cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc thủ đoạn khác.
a) Hành hạ, ngược đãi là đối xử tàn ác, tồi tệ đối với người khác gây đau khổ về thể xác hoặc tinh thần kéo dài, như: thường xuyên đánh đập (có thể không gây thương tích), giam hãm, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, nhiếc móc, làm nhục v.v... nhằm mục đích cưỡng ép việc kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Cần lưu ý rằng, hành vi hành hạ, ngược đãi là thủ đoạn của tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cho nên không truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội hành hạ, ngược đãi quy định tại Điều 110 hoặc Điều 151 BLHS.
b) Uy hiếp tinh thần là đe dọa sẽ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, tài sản hoặc lợi ích thiết thân của người bị đe doạ làm cho người đó có căn cứ để lo sợ thực sự mà phải chịu khuất phục như đe doạ sẽ đốt nhà, giết người thân, tiết lộ bí mật đời tư của người bị đe doạ, bố mẹ hoặc người thân trong gia đình đe doạ sẽ tự tử nếu hai bên nam nữ lấy nhau, con đe doạ là sẽ bỏ nhà hoặc tự tử nếu bố, mẹ lấy vợ, lấy chồng mới v.v...
c) Yêu sách của cải là đòi hỏi của cải một cách quá đáng, không nhân nhượng và coi đó là một trong những điều kiện để được kết hôn nhằm cản trở hôn nhân tự nguyện giữa đôi bên nam nữ.
d) Thủ đoạn khác có thể là buộc một bên hoặc cả hai bên đi xa nhằm chia rẽ họ; bắt cóc người không muốn lấy mình làm vợ hoặc làm chồng để buộc họ phải kết hôn trái ý muốn; một bên gia đình tiến hành dựng vợ, gả chồng cho người thân của mình với người khác trái với ý muốn của người đó nhằm chia rẽ người thân đó với người mà họ muốn tự nguyện kết hôn; v.v...
2.2. Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2.3. Chủ thể của tội này có thể là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Thông thường, chủ thể của tội này là bên nam hoặc bên nữ muốn kết hôn; người có ảnh hưởng nhất định trong gia đình của bên nam hay bên nữ (như: ông, bà, cha, mẹ, anh, chị...); người có ảnh hưởng trực tiếp đến bên nam hoặc bên nữ (như: người vợ cũ, chồng cũ, con sau khi ly hôn, người tình cũ...); người có ảnh hưởng trong công tác (như: thủ trưởng đối với nhân viên) hoặc về tín ngưỡng, tôn giáo (như: các chức sắc trong tôn giáo đối với tín đồ).
3. Về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 147 BLHS)
3.1. Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...
3.2. Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng.
Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v...
b) Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
3.3. Trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo khoản 2 Điều 147 BLHS mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội không chấp hành án theo Điều 304 BLHS.
4. Về tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn (Điều 148 BLHS)
4.1. Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
4.2. Tổ chức tảo hôn là việc tổ chức cho những người chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình lấy vợ, lấy chồng. Người tổ chức tảo hôn biết rõ hoặc có căn cứ để biết rõ là cả hai người hoặc một trong hai người mà mình tổ chức lễ cưới là chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định. Trong trường hợp, người tổ chức thực sự không biết việc đó hoặc bị nhầm lẫn về độ tuổi, thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.
4.3. Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức tảo hôn khi người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
4.4. Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tảo hôn khi có đầy đủ các dấu hiệu sau đây:
a) Người vi phạm cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn;
b) Đã có quyết định của Tòa án buộc chấm dứt quan hệ đó;
c) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
4.5. Chủ thể của tội tổ chức tảo hôn là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng thông thường là: ông, bà, cha, mẹ, anh, chị hoặc người thân thích của bên nam, bên nữ.
Chủ thể của tội tảo hôn là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự đã đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Theo quy định tại Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì tuổi kết hôn đối với nam là từ 20 tuổi trở lên, tuổi kết hôn đối với nữ là từ 18 tuổi trở lên.
5. Về tội đăng ký kết hôn trái pháp luật (Điều 149 BLHS)
5.1. Đăng ký kết hôn trái pháp luật là việc người có trách nhiệm trong việc đăng ký kết hôn xác nhận sự kiện kết hôn (ghi vào sổ đăng ký kết hôn và cấp giấy chứng nhận kết hôn) cho người mà mình biết rõ là không đủ điều kiện kết hôn theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 9 hoặc thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
5.2. Chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đăng ký kết hôn trái pháp luật, khi người vi phạm đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là xoá kỷ luật mà còn vi phạm.
Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định số 97/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ về xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất đối với công chức, thì thời gian hiệu lực của kỷ luật đối với công chức là 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực thi hành. Công chức được coi là xoá kỷ luật nếu sau 12 tháng kể từ ngày có quyết định kỷ luật, công chức không tái phạm và không có những vi phạm đến mức phải bị xử lý kỷ luật và được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định chấm dứt hiệu lực kỷ luật. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi cho người bị kỷ luật thì cũng được coi là xoá kỷ luật nếu sau 12 tháng kể từ ngày có quyết định kỷ luật, công chức không tái phạm và không có những vi phạm đến mức phải bị xử lý kỷ luật, mặc dù cơ quan, đơn vị có thẩm quyền chưa ra quyết định chấm dứt hiệu lực kỷ luật.
Đối với cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn do pháp luật chưa có quy định thời hạn được xoá kỷ luật nên thời gian hiệu lực của kỷ luật cũng được tính là 12 tháng, kể từ ngày Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định xử lý kỷ luật.
Cần lưu ý, để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này thì chỉ tính những trường hợp "đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” kể từ ngày 01/7/2000 trở đi, tức là ngày BLHS có hiệu lực thi hành.
5.3. Chủ thể của tội này là người có trách nhiệm trong việc đăng ký kết hôn, cụ thể là:
a) Người đại diện chính quyền hoặc người đại diện của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ta ở nước ngoài có thẩm quyền ký giấy chứng nhận kết hôn;
b) Cán bộ hộ tịch làm thủ tục đăng ký kết hôn ở UBND xã, phường, thị trấn hoặc cán bộ của Sở Tư pháp đối với trường hợp đăng ký kết hôn có nhân tố nước ngoài;
c) Cán bộ làm thủ tục đăng ký kết hôn ở các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
6. Về tội loạn luân (Điều 150 BLHS)
6.1. Loạn luân là việc giao cấu giữa cha, mẹ với con; giữa ông, bà với cháu nội, cháu ngoại; giữa anh chị em cùng cha mẹ; giữa anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.
6.2. Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội loạn luân cần phải xác định rõ hành vi giao cấu là thuận tình, không có dấu hiệu dùng vũ lực hoặc cưỡng ép và được thực hiện với người từ đủ 16 tuổi trở lên. Trong trường hợp tuy hành vi giao cấu giữa những người nói trên là thuận tình, nhưng nếu hành vi đó được thực hiện đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội loạn luân mà phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu với trẻ em (điểm c khoản 2 Điều 115 BLHS).
Trong trường hợp hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu dùng vũ lực, đe đoạ dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác, thì tuỳ trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm (điểm e khoản 2 Điều 111 BLHS) hoặc tội hiếp dâm trẻ em (điểm a khoản 2 Điều 112 BLHS); nếu hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu lợi dụng quan hệ lệ thuộc khiến bên kia phải miễn cưỡng cho giao cấu, thì tuỳ trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng dâm (điểm d khoản 2 Điều 113 BLHS) hoặc tội cưỡng dâm trẻ em (điểm a khoản 2 Điều 114 BLHS); trong mọi trường hợp hành vi loạn luân được thực hiện đối với trẻ em dưới 13 tuổi, thì người thực hiện hành vi loạn luân phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em (điểm a khoản 2 Điều 112 BLHS) .
7. Về tội ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (Điều 151 BLHS)
7.1. Hành vi ngược đãi, hành hạ thông thường được hiểu là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân như: nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm,... làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần.
7.2. Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Hành vi ngược đãi, hành hạ gây hậu quả nghiêm trọng, tức là làm cho người bị ngược đãi, hành hạ luôn luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe. Hậu quả thương tích hay tổn hại đến sức khỏe là do lỗi vô ý; nếu dẫn đến chết người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người (Điều 98 BLHS).
Trong trường hợp thương tích, tổn hại sức khoẻ hoặc chết người xảy ra do lỗi cố ý, thì tuỳ trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản tương ứng của Điều 104 BLHS về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác hoặc Điều 93 BLHS về tội giết người; nếu làm cho nạn nhân bị uất ức mà tự sát, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bức tử theo Điều 100 BLHS.
b) Người thực hiện hành vi ngược đãi, hành hạ đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
7.3. Đối tượng bị xâm hại quy định tại Điều 151 BLHS bao gồm:
a) Ông bà, bao gồm ông bà nội, ông bà ngoại;
b) Cha mẹ, bao gồm cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế;
c) Vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình;
d) Con, bao gồm con đẻ (con trong giá thú và con ngoài giá thú); con nuôi; con rể; con dâu; con riêng của vợ hoặc con riêng của chồng;
đ) Cháu, bao gồm cháu nội, cháu ngoại;
e) Người có công nuôi dưỡng mình là anh chị em, cô, dì, chú, bác, bà con thân thích hoặc những người khác đã hoặc đang nuôi dưỡng người thực hiện hành vi ngược đãi, hành hạ.
Cần lưu ý là, chỉ những trường hợp hành hạ, ngược đãi các đối tượng nêu trên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này; nếu hành vi hành hạ, ngược đãi được thực hiện đối với người không thuộc những đối tượng nêu trên, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự vềtội hành hạ người khác theo Điều 110 BLHS; trường hợp hành vi hành hạ, ngược đãi là thủ đoạn của tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ theo quy định tại Điều 146 BLHS.
8. Về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 152 BLHS)
8.1. Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ của một người phải đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Theo quy định tại các điều từ Điều 50 đến Điều 60 Chương VI của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, thì nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa:
a) Vợ và chồng;
b) Cha, mẹ và con;
c) Ông bà nội, ông bà ngoại và cháu;
d) Anh chị em với nhau.
8.2. Có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng có tiền, tài sản hoặc thu nhập có khả năng bảo đảm cuộc sống của gia đình với mức sống trung bình ở địa phương.
8.3. Hành vi trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng thường được biểu hiện bằng việc không chịu đóng góp tiền, tài sản để cấp dưỡng mặc dù có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ đó.
8.4. Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, khi có đầy đủ các dấu hiệu sau đây:
a) Người vi phạm phải là người có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình;
b) Người vi phạm từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng;
c) Việc từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đã gây hậu quả nghiêm trọng (tức là làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ như: ốm đau, bệnh tật, v.v…). Trong trường hợp chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm phải đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
8.5. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm này cần lưu ý, nếu đã có bản án, quyết định của Toà án buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ của mình mà người đó vẫn cố tình không chấp hành, mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 BLHS về tội không chấp hành án.
9. Hiệu lực thi hành của Thông tư
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2001.
Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc hoặc chưa được hướng dẫn cần phải giải thích, hướng dẫn bổ sung, thì đề nghị phản ánh cho Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời.