Toàn văn Quyết định 31/2009/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ 2009 đến 2012

Quyết định 31/2009/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ 2009 đến 2012
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số: 31/2009/QĐ-TTg
Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2009
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG TRONG CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP TỪ 2009 ĐẾN 2012
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến 2012;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2009 – 2012, với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu chung
Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng đối với người lao động và người sử dụng lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định xã hội, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
2. Mục tiêu cụ thể
Đến hết năm 2012, phấn đấu đạt 95% người sử dụng lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và 70% người lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới quyền và nghĩa vụ của công dân và người lao động.
II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỀ ÁN
1. Khảo sát điểm để xác định rõ hơn những nội dung cần ưu tiên và các phương thức phù hợp nhất đối với từng đối tượng, từng loại hình doanh nghiệp, từng vùng, làm cơ sở xây dựng kế hoạch hoạt động, đề xuất chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến pháp luật và đánh giá tác động, hiệu quả sau khi thực hiện Đề án.
2. Nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động.
3. Xây dựng nguồn tài liệu về pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ công dân và người lao động để tuyên truyền, phổ biến cho người lao động và người sử dụng lao động.
4. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ công dân và người lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng.
5. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ công dân cho người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước và lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
6. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và các quy định pháp luật liên quan tới quyền và nghĩa vụ công dân cho người lao động trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
7. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp cho người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
8. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác liên quan tới hoạt động của hợp tác xã và quyền, nghĩa vụ của công dân trong các hợp tác xã theo mô hình doanh nghiệp.
9. Giám sát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện các hoạt động và toàn bộ Đề án.
(Các hoạt động của Đề án được phân thành 5 Tiểu Đề án nêu tại Phụ lục kèm theo).
III. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách Nhà nước cấp theo phân cấp hiện hành và các nguồn kinh phí huy động, tài trợ khác.
2. Đối với nguồn kinh phí của Đề án do ngân sách trung ương cấp hàng năm, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương được phân công chủ trì thực hiện các tiểu Đề án của Đề án có trách nhiệm lập dự toán kinh phí chi tiết (phần kinh phí do ngân sách trung ương bảo đảm) gửi về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp gửi Bộ Tài chính để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan, tổ chức chủ trì các tiểu Đề án.
3. Kinh phí thực hiện Đề án ở địa phương do ngân sách địa phương bố trí. Hàng năm, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ các nội dung hoạt động của Đề án thuộc địa phương mình lập dự toán kinh phí trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua.
4. Việc lập dự toán chi tiết hàng năm được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước trên cơ sở các nội dung của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, chủ trì các tiểu Đề án phải chịu trách nhiệm quyết toán với Bộ Tài chính về ngân sách và báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo chung của Đề án.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Phạm vi thời gian thực hiện
Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2009 đến 2012 tại cấp trung ương và tại các địa phương trong cả nước.
2. Tổ chức điều hành Đề án
- Thành lập Ban Điều hành Đề án do Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội làm Trưởng ban, các thành viên là đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
- Tổ Thư ký giúp việc Ban Điều hành do Trưởng ban quyết định thành lập.
- Các cơ quan, tổ chức được phân công chủ trì các hoạt động của Đề án thành lập Tổ công tác hoặc bộ phận chuyên trách để chỉ đạo, điều hành và quản lý việc triển khai thực hiện các hoạt động đó và phối hợp với Ban Điều hành Đề án.
3. Phân công trách nhiệm
- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì Đề án, tổ chức phối hợp, kiểm tra, đánh giá, tổng kết và báo cáo việc thực hiện các hoạt động của Đề án trên phạm vi cả nước; chủ trì thực hiện Tiểu Đề án 1 của Đề án gồm các hoạt động: khảo sát; biên soạn tài liệu nguồn; tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các doanh nghiệp; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp nhà nước; hoạt động truyền thông chung của Đề án; hoạt động chỉ đạo điểm và nhân điển hình; giám sát, đánh giá Đề án.
- Bộ Tư pháp: chỉ đạo, tư vấn về phương pháp thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động; phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan khác trong việc soạn thảo tài liệu, đào tạo cán bộ và tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp.
- Bộ Tài chính: chủ trì thực hiện Tiểu Đề án 2: nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp chủ động tuyên truyền, phổ biến pháp luật; bảo đảm và hướng dẫn sử dụng kinh phí của Đề án.
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: chủ trì thực hiện Tiểu Đề án 3 về tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và một số nội dung pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tham gia các hoạt động chung của Đề án.
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: chủ trì thực hiện Tiểu Đề án 4 về tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và một số nội dung pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp cho người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tham gia các hoạt động chung của Đề án.
- Liên minh Hợp tác xã Việt Nam: chủ trì thực hiện Tiểu Đề án 5 về tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và một số nội dung pháp luật khác liên quan tới hoạt động của hợp tác xã và quyền, nghĩa vụ của công dân và người lao động trong các hợp tác xã theo mô hình doanh nghiệp; tham gia các hoạt động chung của Đề án.
- Bộ Thông tin và Truyền thông: phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo việc xây dựng, củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục thông tin phổ biến pháp luật lao động và các pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Các Bộ, ngành liên quan: theo chức năng, nhiệm vụ của mình và theo quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam triển khai các hoạt động của Đề án này.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: theo chức năng, nhiệm vụ của mình và theo quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chủ động bảo đảm kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai các hoạt động của Đề án này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng

ĐỀ ÁN
TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG, NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG TRONG CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP TỪ NĂM 2009 ĐẾN NĂM 2012
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ)
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động.
Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, xác định rõ: “Phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, trong đó nhấn mạnh: “Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục và ở tầm cao hơn nhằm làm cho cán bộ và nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.
Tại Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 03 năm 2008 phê duyệt Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến 2012, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: “Chỉ đạo, hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực: việc làm, dạy nghề, lao động, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động cho các doanh nghiệp và các chính sách, pháp luật đối với người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội; chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp”.
2. Thực trạng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở nước ta trong thời gian qua
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp thời gian qua được các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đoàn thể các cấp tích cực triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng, từng bước làm chuyển biến nhận thức về pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động.
Tuy nhiên, như đã nêu trong báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ từ năm 2003 đến năm 2007 và kết quả nghiên cứu thực trạng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong thời gian qua và kết quả khảo sát thực tế tình hình phổ biến pháp luật lao động tại 15 doanh nghiệp tại Hải Dương do Ban Soạn thảo Đề án tiến hành tháng 7 năm 2008 (có báo cáo kèm theo) đã chỉ rõ: bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn hoạt động trong thời gian qua cho thấy công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, trong đó có công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp còn những hạn chế sau đây:
Thứ nhất, nhận thức pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân nói chung, của người lao động nói riêng vẫn còn thấp và không đồng đều.
Thứ hai, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ngày càng nhiều với số lượng lớn, lại liên tục sửa đổi, bổ sung nên việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến tất cả các đối tượng chưa kịp thời, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa thật sự phù hợp với tính chất công việc, điều kiện làm việc của từng đối tượng người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp khác nhau.
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật vẫn mang nặng tính hành chính, thiếu sự chủ động tham gia từ phía các đối tượng được tuyên truyền.
Thứ ba, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại doanh nghiệp còn ít về số lượng, chưa được đào tạo, bồi dưỡng thích hợp về kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền đạt, phần đông trong số họ lại làm việc kiêm nhiệm, do đó chất lượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa cao.
Thứ tư, đầu tư cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa đúng mức: phân bổ kinh phí của ngân sách còn quá ít, lại thiếu tập trung nên hiệu quả còn hạn chế. Doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại doanh nghiệp.
Thứ năm, sự phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể liên quan chưa thực sự đồng bộ và chặt chẽ, dẫn đến bỏ trống địa bàn hoặc trùng lặp, gây lãng phí.
3. Nhu cầu tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong giai đoạn từ nay tới 2012.
Hiện nay, dân số của Việt Nam là 85 triệu người, trong đó lực lượng lao động là 46,61 triệu người, chiếm 54,8% tổng dân số; số lao động làm công ăn lương chiếm khoảng 26,31% lực lượng lao động xã hội.
Theo số liệu Niên giám thống kê năm 2007 của Tổng cục Thống kê, tính đến 31 tháng 12 năm 2006 số lượng doanh nghiệp và người lao động phân bổ theo khu vực và thành phần kinh tế như sau:
STT
Khu vực và thành phần kinh tế
Số lượng doanh nghiệp
Số lượng người lao động
1
Doanh nghiệp Nhà nước, trong đó:
+ DN nhà nước TW
+ DN nhà nước địa phương
3.720
1.758
1.962
1,94 triệu người
2
Doanh nghiệp dân doanh
123.392
3,37 triệu người
3
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
4.220
1,45 triệu người
Ngoài ra còn có khoảng 2 triệu người lao động làm việc trong 5.326 hợp tác xã theo mô hình doanh nghiệp, tồn tại quan hệ lao động và hàng năm có khoảng 80.000 người lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài cần được tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong khuôn khổ Đề án này.
Dự báo đến năm 2010, dân số Việt Nam đạt khoảng 88,3 triệu người, trong đó lực lượng lao động là 49,5 triệu người, chiếm 56% tổng dân số, lao động làm công ăn lương có khoảng 15 triệu người, chiếm 30% lực lượng lao động xã hội, trong đó khoảng 12 triệu người làm việc trong 300.000 doanh nghiệp; lao động qua đào tạo đạt 50%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 32%.
Với thực trạng và dự báo trên, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách và có giải pháp đồng bộ, toàn diện để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác liên quan hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân cho người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp cho giai đoạn 2009 – 2012” là hết sức cần thiết và cấp bách để tạo chuyển biến thực sự trong nhận thức và trong thực hiện pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ của công dân, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển của đất nước.
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Việc xây dựng Đề án phải thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nêu tại Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX), Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ và Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai chỉ thị số 22/CT-TƯ của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
2. Việc xây dựng Đề án phải bám sát mục tiêu, yêu cầu của Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến 2012 ban hành kèm theo Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời bảo đảm các hoạt động có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp khác nhau.
3. Đề án phải khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp, đảm bảo kế thừa, phát huy các kết quả đã đạt được, đổi mới hình thức và phương thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
4. Đề án phải đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và đồng bộ, lồng ghép với các chương trình, đề án hiện hành để tận dụng tối đa mọi nguồn lực, tránh lãng phí, phối hợp sự tham gia của các Bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt khuyến khích sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp vào việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại doanh nghiệp để bảo đảm hiệu quả lâu bền.
III. CÁC MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu chung
Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng của người lao động và người sử dụng lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định xã hội, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
2. Mục tiêu cụ thể
Đến hết năm 2012, phấn đấu đạt 95% người sử dụng lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và 70% người lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới quyền và nghĩa vụ của công dân và người lao động.
- Đối với người sử dụng lao động: dự báo đến năm 2010 số lượng doanh nghiệp sẽ tăng lên đến 300.000, trong số đó phần đông chủ doanh nghiệp đã tìm hiểu pháp luật lao động trước khi khởi nghiệp, do đó để đạt chỉ tiêu 95% người sử dụng lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Đề án cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp cho khoảng 200.000 đại diện của người sử dụng lao động (đối với các doanh nghiệp lớn, các hiệp hội ít nhất có 02 đại diện, còn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, kể cả hợp tác xã ít nhất 01 đại diện).
- Đối với người lao động: Dự báo đến năm 2010 có khoảng 12 triệu lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp và khoảng 02 triệu lao động làm việc trong các hợp tác xã theo mô hình doanh nghiệp và 50% trong số đó đã qua đào tạo, nghĩa là đã được giáo dục pháp luật, vì vậy để đạt được chỉ tiêu 70% số người lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Đề án phải tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới quyền và nghĩa vụ công dân cho khoảng 04 triệu người lao động trong các loại hình doanh nghiệp trong giai đoạn 04 năm 2009 – 2012.
IV. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN
1. Khảo sát điểm để xác định rõ hơn những nội dung cần ưu tiên và các phương thức phù hợp nhất đối với từng đối tượng, từng loại hình doanh nghiệp, từng vùng, làm cơ sở xây dựng Kế hoạch hoạt động, đề xuất chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến pháp luật và đánh giá tác động, hiệu quả sau khi thực hiện Đề án.
2. Nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân cho người lao động và người sử dụng lao động.
3. Xây dựng nguồn tài liệu về pháp luật lao động và các quy định luật pháp liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân để tuyên truyền, phổ biến cho người lao động và người sử dụng lao động.
4. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân và người lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng.
5. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân cho người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước và lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
6. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và các quy định pháp luật liên quan tới quyền, nghĩa vụ công dân cho người lao động trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
7. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp cho người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
8. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác liên quan tới hoạt động của hợp tác xã và quyền, nghĩa vụ công dân trong các Hợp tác xã theo mô hình doanh nghiệp.
9. Giám sát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện các hoạt động và toàn bộ Đề án.
(Các hoạt động của Đề án được phân thành 5 Tiểu Đề án và được mô tả chi tiết tại Phụ lục kèm theo).
V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Giải pháp về chính sách
Xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân tại doanh nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động bao gồm:
+ Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đóng góp kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại doanh nghiệp;
+ Chế độ hỗ trợ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại doanh nghiệp;
+ Khuyến khích đưa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động các quy định pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân thành một nội dung trong thỏa ước lao động tập thể cấp ngành và cấp doanh nghiệp.
2. Các giải pháp về cơ chế
- Cơ chế huy động nguồn lực tuyên truyền phổ biến pháp luật:
+ Tăng cường đầu tư của Nhà nước cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác liên quan hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân tại doanh nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động;
+ Khuyến khích sự đóng góp tài chính của doanh nghiệp cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại doanh nghiệp;
+ Huy động các nguồn hỗ trợ khác (các dự án do nước ngoài tài trợ, lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai...)
- Cơ chế phân cấp và phối hợp:
Các hoạt động của Đề án được phân thành 5 Tiểu Đề án theo nhóm đối tượng và được giao cho từng cơ quan, tổ chức chủ trì, có phân định trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức cấp Trung ương với cấp địa phương để chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và đánh giá kết quả của Đề án.
- Cơ chế giám sát, đánh giá:
+ Tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát của các Bộ, ngành liên quan;
+ Phát huy cơ chế phối hợp công tác giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;
+ Huy động sự tham gia của người lao động và người sử dụng lao động vào việc thiết kế, thực hiện và giám sát việc thực hiện các hoạt động của Đề án.
3. Các giải pháp về chuyên môn, kỹ thuật tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân tại các doanh nghiệp.
- Bồi dưỡng nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và kỹ năng phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, thuộc hệ thống công đoàn và thuộc các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động, từ cấp trung ương, tỉnh, huyện xuống cấp khu công nghiệp, khu chế xuất và cấp doanh nghiệp.
- Tập trung tuyên truyền, phổ biến những nội dung trọng tâm, trọng điểm theo từng đối tượng, từng loại hình doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất kinh doanh và theo từng vùng miền.
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức, phương pháp phổ biến, tuyên truyền pháp luật: kết hợp các phương thức truyền thống với các phương thức hiện đại, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với từng nội dung, từng đối tượng, từng vùng.
- Kết hợp việc xây dựng mô hình điểm với nhân rộng điển hình, kết hợp việc kịp thời biểu dương, khuyến khích các điển hình tiên tiến với việc xử phạt nghiêm minh và gây dư luận xã hội phê phán những hành vi vi phạm pháp luật.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Phạm vi, thời gian
Đề án được triển khai thực hiện từ 2009 đến 2012 tại các địa phương trong cả nước.
2. Tổ chức điều hành Đề án
- Thành lập Ban Điều hành Đề án do Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội làm Trưởng ban, các thành viên là đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
- Tổ Thư ký giúp việc Ban Điều hành do Trưởng ban quyết định thành lập.
- Các cơ quan, tổ chức được phân công chủ trì các hoạt động thành lập Tổ công tác hoặc bộ phận chuyên trách để chỉ đạo, điều hành và quản lý việc thực hiện các hoạt động đó, và để phối hợp với Ban Điều hành chung của Đề án.
3. Phân công trách nhiệm
- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì Đề án, tổ chức phối hợp, kiểm tra, đánh giá, tổng kết và báo cáo việc thực hiện các hoạt động của Đề án trên phạm vi cả nước; chủ trì thực hiện Tiểu Đề án 1 của Đề án gồm các hoạt động: khảo sát; biên soạn tài liệu nguồn; tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các doanh nghiệp; tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp nhà nước; hoạt động truyền thông chung của Đề án; hoạt động chỉ đạo điểm và nhân điển hình; giám sát, đánh giá Đề án.
- Bộ Tư pháp: chỉ đạo, tư vấn về phương pháp thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động; phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan khác trong việc soạn thảo tài liệu, đào tạo cán bộ và tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp.
- Bộ Tài chính: chủ trì thực hiện Tiểu Đề án 2: nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp chủ động tuyên truyền, phổ biến pháp luật; đảm bảo và hướng dẫn sử dụng kinh phí của Đề án.
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: chủ trì thực hiện Tiểu Đề án 3 về tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và một số nội dung pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tham gia các hoạt động chung của Đề án.
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: chủ trì thực hiện Tiểu Đề án 4 về tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và một số nội dung pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp cho người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tham gia các hoạt động chung của Đề án.
- Liên minh Hợp tác xã Việt Nam: chủ trì thực hiện Tiểu Đề án 5 về tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và một số nội dung pháp luật khác liên quan tới hoạt động của Hợp tác xã và quyền, nghĩa vụ của công dân và người lao động trong các hợp tác xã theo mô hình doanh nghiệp; tham gia các hoạt động chung của Đề án.
- Bộ Thông tin và Truyền thông: phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo việc xây dựng, củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục thông tin phổ biến pháp luật lao động và các pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Các Bộ, ngành liên quan: theo chức năng, nhiệm vụ của mình và theo quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam triển khai các hoạt động của Đề án này.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: theo chức năng, nhiệm vụ của mình và theo quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chủ động bảo đảm kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai các hoạt động của Đề án này.
4. Tiến độ thực hiện Đề án: từ 2009 đến 2012, chia làm hai giai đoạn
a) Giai đoạn từ 2009: xây dựng và phê duyệt Đề án; khảo sát nhu cầu; lập kế hoạch triển khai; xây dựng chính sách; triển khai thí điểm rút kinh nghiệm để triển khai trên diện rộng.
b) Giai đoạn 2010 – 2012: triển khai đồng loạt tại các khu công nghiệp lớn, các địa bàn công nghiệp tập trung, các doanh nghiệp và các hợp tác xã theo mô hình doanh nghiệp; sơ kết 3 năm; tiếp tục triển khai có bổ sung các nội dung mới và rút kinh nghiệm từ sơ kết giai đoạn I; đánh giá kết quả, tổng kết Đề án; khuyến nghị bước tiếp theo.
5. Kinh phí thực hiện Đề án
a) Nguồn kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước cấp theo phân cấp hiện hành và các nguồn kinh phí huy động, tài trợ khác.
Đối với nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp hàng năm, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương được phân công chủ trì thực hiện các Tiểu Đề án của Đề án có trách nhiệm lập dự toán kinh phí chi tiết (phần kinh phí do ngân sách trung ương bảo đảm) gửi về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp gửi Bộ Tài chính để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan, tổ chức chủ trì các Tiểu Đề án.
b) Kinh phí thực hiện Đề án ở địa phương do ngân sách địa phương bố trí. Hàng năm, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ các nội dung hoạt động của Đề án thuộc địa phương mình lập dự toán kinh phí trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua.
c) Việc lập dự toán chi tiết hàng năm được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước trên cơ sở các nội dung của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, chủ trì các tiểu Đề án phải chịu trách nhiệm quyết toán với Bộ Tài chính về ngân sách và báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo chung của Đề án.
VII. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG VÀ HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA ĐỀ ÁN
- Góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật nói chung, trước hết là pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ của công dân cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, thực hiện tốt hơn các chính sách và pháp luật của Nhà nước, xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
- Đặc biệt, thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đóng góp kinh phí và chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện để đảm bảo hiệu quả và tính bền vững của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các doanh nghiệp.
- Góp phần tăng cường sự phối hợp ba bên giữa các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, tổ chức công đoàn và tổ chức của người sử dụng lao động ở mọi cấp, góp phần xây dựng sự đồng thuận xã hội và dân chủ ở nước ta.
- Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Tên

Anti Virus,11,Âm thanh,4,Bảng lương,36,Bảo hiểm,6,Biểu mẫu,18,Bình luận BLHS,27,Bộ Luật,49,Calendar,9,Cán bộ công chức,47,CCCD,9,CMND,8,Cư trú,21,Dân sự,10,Doanh nghiệp,24,Đất đai - Nhà ở,18,Đầu tư - Đấu thầu,23,Ebook,11,Game,4,Giao thông,53,Giấy tờ xe,34,Hệ thống,9,Hình ảnh,15,Hình sự,18,học Tiếng Anh,9,Hộ khẩu,8,Hôn nhân Gia đình,13,Khai sinh,9,Kinh nghiệm pháp lý,9,Lao động,16,Luật cơ bản,91,Luật thuế,21,Luật tiếng Anh,60,Nghĩa vụ quân sự,10,Phần mềm điện thoại,15,Phần mềm PC,102,Quyết định,1,Tải file,22,Thanh tra - Khiếu nại tố cáo,3,Thủ thuật Facebook,18,Thủ thuật Zalo,2,Thủ tục hành chính,79,Tố tụng hình sự,12,Trắc nghiệm,15,Trực tuyến,11,Văn bản,2149,Văn phòng,15,Vi phạm giao thông,6,Video,4,Xây dựng,11,Xử phạt,3,
ltr
item
Tra cứu pháp luật - Thủ Tục Hành Chính - Thủ thuật phần mềm: Toàn văn Quyết định 31/2009/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ 2009 đến 2012
Toàn văn Quyết định 31/2009/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ 2009 đến 2012
Quyết định 31/2009/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ 2009 đến 2012
Tra cứu pháp luật - Thủ Tục Hành Chính - Thủ thuật phần mềm
https://www.tracuuphapluat.info/2011/01/quyet-inh-312009q-ttg-ve-viec-phe-duyet.html
https://www.tracuuphapluat.info/
https://www.tracuuphapluat.info/
https://www.tracuuphapluat.info/2011/01/quyet-inh-312009q-ttg-ve-viec-phe-duyet.html
true
1624770636553188390
UTF-8
Loaded All Posts Không thấy bài viết nào Xem tất cả bài viết Đọc tiếp Trả lời Hủy trả lời Xóa By Trang chủ PAGES Bài viết View All RECOMMENDED FOR YOU Chủ đề ARCHIVE Tìm kiếm với từ khóa ALL POSTS Not found any post match with your request Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat Tháng 1 Tháng 2 Tháng 3 Tháng 4 Tháng 5 Tháng 6 Tháng 7 Tháng 8 Tháng 9 Tháng 10 Tháng 11 Tháng 12 Th.1 Th.2 Th.3 Th.4 Tháng 5 Th.6 Th.7 Th.8 Th.9 Th.10 Th.11 Th.12 just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content