Căn cứ tạm giam, bắt bị can tạm giam Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Các trường hợp, căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam, bắt bị can để tạm giam theo quy định tại Điều 119, Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
tạm giam, bắt bị can để tạm giam
Bài viết sau đây sẽ phân tích cụ thể các trường hợp và căn cứ để áp dụng biện pháp tạm giam, cũng như bắt bị can để tạm giam được quy định tại Điều 119 và Điều 113 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 (các biện pháp ngăn chặn).

I. Căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam (Điều 119 Bộ luật TTHS)

1. Căn cứ pháp lý

Tạm giam là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hay bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng trong một số trường hợp nhất định theo quy định của pháp luật.

Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể và chặt chẽ hơn các căn cứ để áp dụng biện pháp tạm giam so với quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

Điều 119 quy định về Tạm giam như sau:

1. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.
2. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:
a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;
b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;
c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;
d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;
đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
3. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
4. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:
a) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;
b) Tiếp tục phạm tội;
c) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;
d) Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

Trong khi đó tại khoản 1, Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 quy định Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau:

- Bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. 
- Bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn, cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Việc quy định các căn cứ chung chung, như: “cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử” hay “cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố xét xử” đã dẫn đến vướng mắc trong nhận thức, áp dụng; bởi vì cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử được biểu hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau như: Tiêu hủy chứng cứ, làm giả hiện trường, thông đồng với nhau về những lời khai gian dối, mua chuộc, khống chế người làm chứng, người bị hại hoặc các hình thức khác.

Như vậy, bên cạnh việc kế thừa một số căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 như: Căn cứ bỏ trốn, hay tiếp tục phạm tội, khoản 2 Điều 119 đã bổ sung thêm căn cứ “có dấu hiệu bỏ trốn”, hoặc “có dấu hiệu tiếp tục phạm tội” (điểm c, d); đồng thời thay thế các căn cứ chung chung bằng căn cứ cụ thể tại các điểm a, b, đ.

Điều 119 cũng bổ sung khả năng áp dụng biện pháp này đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã (khoản 3).

2. Phân tích các trường hợp có thể áp dụng biện pháp tạm giam

- Bị can, bị cáo đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm (điểm a): tức là trường hợp đã áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm mà bị can vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan (không có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tố tụng, đi khỏi địa phương mà không xin phép, tiếp tục phạm tội mới, tẩu tán tài sản...) thì sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giam.

- Bị can, bị cáo không có nơi cư trú rõ ràng (điểm b): Để có thể áp dụng được căn cứ này, các cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định được nơi cư trú của bị can, bị cáo dựa theo quy định của Luật cư trú năm 2020. Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú; trường hợp nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú (do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú) là nơi ở hiện tại của người đó; trường hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống. Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại. (Điều 19 Luật Cư trú năm 2020).

- Bị can, bị cáo có dấu hiệu bỏ trốn (điểm c) dựa vào những căn cứ chủ yếu sau: Tình trạng cư trú của bị can, bị cáo (Có nơi cư trú? Thường trú hay tạm trú? Nếu tạm trú thì dài hạn hay ngắn hạn? Có khai báo với chính quyền hay không? Nơi cư trú có ở quá xa nơi tiến hành các hoạt động tố tụng hay không?); Tình trạng nghề nghiệp (Có nghề nghiệp không? Làm việc trong cơ quan, tổ chức hay làm nghề tự do?); Tính chất hành vi đã thực hiện (cướp, trộm cắp, giết người hay lừa đảo...); Nhân thân (tiền án, tiền sự, hoàn cảnh gia đình, lịch sử bản thân...); Sự ràng buộc với gia đình, quê quán, cơ sở làm việc; Mối tương quan về lợi ích giữa việc bỏ trốn với việc chấp nhận bị xử lý trước pháp luật; Những biểu hiện cụ thể của bị can, bị cáo như liên hệ với người thân ở xa, mua vé đi xa...

Khi vận dụng các căn cứ để xem xét bị can, bị cáo có thể trốn cần lưu ý là không phải khi nào cũng có thể làm rõ được tất cả các nội dung trên mà tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và phải biết căn cứ vào nội dung nào là chủ yếu. Để quyết định việc tạm giam không nhất thiết phải làm rõ tất cả các nội dung trên, có thể chỉ một nội dung cũng đã đủ để nhận định là đối tượng sẽ trốn.

- Bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội (điểm d): phải dựa vào nhiều tình tiết và xem xét đánh giá một cách tổng hợp. Những tình tiết đó thường là: Điều kiện, hoàn cảnh sống của bị can, bị cáo; Do tính chất của tội phạm mà bị can, bị cáo có khả năng sẽ tiếp tục phạm tội (ví dụ: tội Trộm cắp hoặc các tội về ma túy); Nhân thân của bị can, bị cáo (có tiền án, tiền sự hay không, TATS về tội gì); Những biểu hiện cụ thể của bị can, bị cáo như đe dọa, khống chế, mua chuộc người làm chứng, người bị hại; sử dụng thời gian bất minh, đi lại gặp gỡ bọn tội phạm...

- Các hành vi cản trở việc tiến hành tố tụng (điểm đ) thường căn cứ vào:

  1. Tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Những bị can, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì thường tiến hành nhiều hoạt động đối phó hoạt động tố tụng.
  2. Nhân thân người phạm tội, như loại đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự; lưu manh, côn đồ thường có hành động đe dọa, khống chế người làm chứng, người bị hại hoặc thông đồng với đồng bọn về những lời khai gian dối.
  3. Sự ràng buộc với gia đình, cơ quan, tổ chức nghề nghiệp.
  4. Mức độ làm rõ về hành vi phạm tội của bị can, bị cáo: đối với những đối tượng mà hành vi của họ cơ bản đã được làm rõ thì hành vi đối phó hoạt động tố tụng sẽ hạn chế và ngược lại.
  5. Những biểu hiện cụ thể của bị can, bị cáo như tiêu hủy chứng cứ, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có…

3. Các trường hợp không áp dụng biện pháp tạm giam (khoản 4 Điều 119)

Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:

  • Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;
  • Tiếp tục phạm tội;
  • Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;
  • Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

4. Thẩm quyền tạm giam

Những người có quyền ra lệnh, quyết định tạm giam gồm:

- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp;
- Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND và Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSQS các cấp;
- Chánh án, Phó Chánh án TAND và Chánh án, Phó Chánh án TAQS các cấp; Hội đồng xét xử.

5. Thủ tục tạm giam

- Tạm giam bị can, bị cáo phải có lệnh, quyết định bằng văn bản của những người có thẩm quyền nêu trên. Đối với Lệnh, Quyết định tạm giam của cơ quan điều tra phải được chuyển cho VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ liên quan đến việc tạm giam, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn. Viện kiểm sát phải hoàn trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn.

- Lệnh, quyết định tạm giam phải ghi rõ ngày, tháng năm; họ tên, chức vụ của người ra lệnh, quyết định; họ tên, địa chỉ của người bị tạm giam; lí do tạm giam, thời hạn tạm giam và giao cho người bị tam giam một bản.

- Cơ quan điều tra phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam nhằm xác định đúng đối tượng. Đồng thời thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị tạm giam cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam làm việc, học tập biết.

6. Một số vướng mắc cho cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng biện pháp tạm giam

- Trường hợp bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng, không có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội, bỏ trốn...nhưng lại có căn cứ cho rằng bị can, bị cáo tự sát, cần phải ngăn chặn việc người đó tự sát.

- Trường hợp bị can, bị cáo phạm tội gây căm phẫn đối với người bị hại, gia đình, người thân của người bị hại hoặc gây căm phẫn trong nhân dân có thể dẫn đến việc quần chúng tự phát xử lý người phạm tội. Ví dụ như vụ Nguyễn Văn Hải, phường Tân Hưng, quận 7, TP. HCM bị tạm giam về tội cố ý làm trái, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị bắt để tạm giam, sau đó được Viện Kiểm sát nhân dân TP. HCM cho tại ngoại bị quần chúng phản đối, 1 ngày sau khi cho tại ngoại lại bắt để tạm giam.

- Trường hợp bị can có thái độ khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội của mình và của đồng bọn có thể bị đồng bọn đe dọa gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng để bịt đầu mối, để răn đe bị can, bị cáo trong việc khai báo sự thật về hành vi phạm tội của chúng. Có ý kiến cho rằng đối với các trường hợp trên để bảo vệ bị can, bị cáo, ngăn chặn hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của bị can, bị cáo, cần thiết phải tạm giam đối với họ.

- Khoản 4, Điều 119 BLTTHS quy định không áp dụng tạm giam đối với bị can, bị cáo là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng. Tuy nhiên hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể như thế nào là "người bị bệnh nặng” dẫn đến tình trạng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác mà không phải là biện pháp tạm giam một cách tùy tiện hoặc có những trường hợp bị bệnh nặng đáng lẽ không áp dụng biện pháp tạm giam hoặc đình chỉ điều tra…thì lại áp dụng biện pháp tạm giam làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo dẫn đến sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật.

Theo quy định tại Điều 67 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2007/NĐ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự, người bị xử phạt tù bị bệnh nặng có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi sức khỏe được hồi phục.

Điều 8, Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC: “Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là người được hưởng án treo đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.”

Tuy nhiên, quy định trên chỉ hướng dẫn áp dụng đối với trường hợp người bị kết án bị xử phạt tù có bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Tương tự, hiện chưa có quy định hướng dẫn, thống nhất giải thích về đối tượng “Người già yếu”. Theo Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP thì Người già được xác định là người từ 70 tuổi trở lên. Còn theo quy định tại Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP thì Người già yếu là người: Từ 70 tuổi trở lên; Hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm.

Tham khảo: Bình luận tội bắt giữ giam người trái pháp luật Điều 157 Bộ luật hình sự

II. Căn cứ áp dụng biện pháp Bắt bị can, bị cáo để tạm giam (Điều 113 BLTTHS)

1. Căn cứ pháp lý

Bắt bị can, bị cáo để tạm giam được hiểu là bắt người đã bị khởi tố bị can hoặc người đã có quyết định của Tòa án đưa ra xét xử để tạm giam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, ngăn chặn việc họ tiếp tục phạm tội, bỏ trốn hoặc thay đổi, tiêu hủy chứng cứ. Biện pháp này chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo khi có căn cứ để áp dụng biện pháp tạm giam đối với họ.

Đối với người phạm tội nhưng chưa có quyết định khởi tố bị can của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì không được áp dụng biện pháp này. Đây là trường hợp bắt để phục vụ cho việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam.
Điều 113. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam
1. Những người sau đây có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam:
a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;
b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;
c) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
2. Lệnh bắt, quyết định phê chuẩn lệnh, quyết định bắt phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị bắt; lý do bắt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.
Người thi hành lệnh, quyết định phải đọc lệnh, quyết định; giải thích lệnh, quyết định, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt; giao lệnh, quyết định cho người bị bắt.
Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc, học tập phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.
3. Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã.

2. Căn cứ bắt bị can, bị cáo để tạm giam

Điều luật không quy định về căn cứ áp dụng biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Tuy nhiên, xét từ mục đích của biện pháp này là để tạm giam bị can, bị cáo để phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố và xét xử, nên khi có căn cứ để tạm giam đối với bị can, bị cáo đang tại ngoại (theo các căn cứ đã phân tích ở phần I nói trên) thì cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam.

Như vậy, dù điều luật không quy định cụ thể trường hợp nào thì được bắt bị can, bị cáo, để tạm giam nhưng có thể hiểu rằng chỉ có thể bắt trong trường hợp này khi có hai điều kiện. Thứ nhất, người bị bắt phải là bị can hoặc là bị cáo; thứ hai, người bị bắt là để tạm giam, cần thiết phải tạm giam để đảm bảo cho việc điều tra, truy tố, xét xử.

3. Thẩm quyền bắt bị can, bị cáo để tạm giam

- Những người có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam gồm: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND và Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSQS các cấp; Chánh án, Phó Chánh án TAND và Chánh án, Phó Chánh án TAQS các cấp; Hội đồng xét xử. Người đứng đầu các Cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện một số hoạt động điều tra không có thẩm quyền bắt bị can để tạm giam.

- Khi cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án (Chánh án, phó Chánh án) thực hiện thẩm quyền thì phải ra lệnh bắt còn Hội đồng xét xử phải ra quyết định bắt. Lệnh bắt của Cơ quan điều tra phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

- Điều luật quy định thẩm quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam theo hướng thu hẹp về thẩm quyền ra quyết định bắt bị cáo để tạm giam so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, cụ thể là bỏ quy định Thẩm phán giữ chức vụ Chánh tòa, Phó chánh tòa Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền này (khoản 1 Điều 80 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003)

4. Thủ tục bắt bị can, bị cáo để tạm giam

Người thi hành lệnh bắt phải đọc lệnh, quyết định; giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và lập biên bản về việc bắt; giao lệnh cho người, quyết định cho người bị bắt. Việc thi hành các lệnh bắt nói chung và lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam nói riêng do cơ quan Công an thực hiện trong các giai đoạn tố tụng hình sự.

Nếu bắt người tại nơi cư trú hoặc nơi khác phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến. Người chứng kiến phải đảm bảo theo đúng quy định về người chứng kiến được quy định tại Điều 67 BLTTHS năm 2015. Nếu bắt người tại nơi người đó làm việc, học tập phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập chứng kiến.

Người đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn phải đảm bảo đúng quy định về đại diện theo quy định của Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và UBND (Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND; Trưởng công an xã, phường; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường, xã).

Không được bắt người vào ban đêm nghĩa là không được bắt từ 22 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau trừ trường hợp phạm tội bắt quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã./.

Minh Hùng (Tổng hợp)

Tham khảo thêm:

Ý KIẾN

Tên

Anti Virus,11,Âm thanh,4,Bảng lương,36,Bảo hiểm,6,Biểu mẫu,18,Bình luận BLHS,27,Bộ Luật,49,Calendar,9,Cán bộ công chức,47,CCCD,9,CMND,8,Cư trú,21,Dân sự,10,Doanh nghiệp,24,Đất đai - Nhà ở,18,Đầu tư - Đấu thầu,23,Ebook,11,Game,4,Giao thông,53,Giấy tờ xe,34,Hệ thống,9,Hình ảnh,15,Hình sự,18,học Tiếng Anh,9,Hộ khẩu,8,Hôn nhân Gia đình,13,Khai sinh,9,Kinh nghiệm pháp lý,9,Lao động,16,Luật cơ bản,91,Luật thuế,21,Luật tiếng Anh,60,Nghĩa vụ quân sự,10,Phần mềm điện thoại,15,Phần mềm PC,102,Quyết định,1,Tải file,22,Thanh tra - Khiếu nại tố cáo,3,Thủ thuật Facebook,18,Thủ thuật Zalo,2,Thủ tục hành chính,79,Tố tụng hình sự,12,Trắc nghiệm,15,Trực tuyến,11,Văn bản,2149,Văn phòng,15,Vi phạm giao thông,6,Video,4,Xây dựng,11,Xử phạt,3,
ltr
item
Tra cứu pháp luật - Thủ Tục Hành Chính - Thủ thuật phần mềm: Căn cứ tạm giam, bắt bị can tạm giam Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
Căn cứ tạm giam, bắt bị can tạm giam Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
Các trường hợp, căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam, bắt bị can để tạm giam theo quy định tại Điều 119, Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgf0AKnaLlZG5-XNdWcJ9N2tfoXu2FeTTG5kI4MkUapQgzIvaf1LqF1AMoUzuUXsjguQyrTuXPXgK1QVJxlfi0JxsjJ_MbLafWmlUJnhtvlqmdoozhO1jR6Ytjee9blNKoJfRwUhVf_f90/s1600/can+cu+tam+giam.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgf0AKnaLlZG5-XNdWcJ9N2tfoXu2FeTTG5kI4MkUapQgzIvaf1LqF1AMoUzuUXsjguQyrTuXPXgK1QVJxlfi0JxsjJ_MbLafWmlUJnhtvlqmdoozhO1jR6Ytjee9blNKoJfRwUhVf_f90/s72-c/can+cu+tam+giam.jpg
Tra cứu pháp luật - Thủ Tục Hành Chính - Thủ thuật phần mềm
https://www.tracuuphapluat.info/2010/05/can-cu-ap-dung-bien-phap-tam-giam-trong.html
https://www.tracuuphapluat.info/
https://www.tracuuphapluat.info/
https://www.tracuuphapluat.info/2010/05/can-cu-ap-dung-bien-phap-tam-giam-trong.html
true
1624770636553188390
UTF-8
Loaded All Posts Không thấy bài viết nào Xem tất cả bài viết Đọc tiếp Trả lời Hủy trả lời Xóa By Trang chủ PAGES Bài viết View All RECOMMENDED FOR YOU Chủ đề ARCHIVE Tìm kiếm với từ khóa ALL POSTS Not found any post match with your request Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat Tháng 1 Tháng 2 Tháng 3 Tháng 4 Tháng 5 Tháng 6 Tháng 7 Tháng 8 Tháng 9 Tháng 10 Tháng 11 Tháng 12 Th.1 Th.2 Th.3 Th.4 Tháng 5 Th.6 Th.7 Th.8 Th.9 Th.10 Th.11 Th.12 just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content