Tội chiếm giữ trái phép tài sản được quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:
Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Dấu hiệu pháp lý của Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
2. Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm
Khách thể của tội chiếm giữ trái phép tài sản cũng tương tự như các tội có tính chất chiếm đoạt khác, nhưng tội chiếm giữ trái phép tài sản chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu, không xâm phạm đến quan hệ nhân thân. Đây là điểm khác với các tội có tính chất chiếm đoạt như cướp tài sản, cướp giật tài sản. Đặc điểm này được thể hiện trong cấu thành của tội phạm, nhà làm luật không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ là tình tiết định khung hình phạt.
3. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan
- Dạng hành vi thứ 1: Hành vi không trả lại tài sản (bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được) cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản mà tiếp tục chiếm hữu, sử dụng hoặc đã định đoạt tài sản đó.
Ví dụ: Ngày 08/02/2020, Đặng Văn Đ, trú xã Đ, huyện H, tỉnh B đến nhà anh N cùng xã chơi. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, chị X, là vợ của anh N điều khiển xe môtô Honda Wave (do anh N mượn của anh A, trị giá 10,5 triệu đồng) về đến nhà thì gặp Đ. Do tưởng nhầm chiếc xe trên anh N mượn của Đ nên chị X đưa chìa khóa xe cho Đ. Lúc này Đ nghĩ chị X cho mình mượn xe để về nhà nên đã cầm lấy chìa khóa xe rồi nổ máy và điều khiển xe đi về nhà. Sau đó Đ đã tự ý mang chiếc xe đi cầm cố lấy tiền đánh bạc và tiêu xài cá nhân. Mặc dù chị X đã gặp Đ, yêu cầu Đ trả lại xe nhưng Đ nói đã cắm xe và không chuộc xe lại để trả cho chị X.
Tài sản do tìm được: là các tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy. Cần xác định tài sản mà người phạm tội tìm được có phải do việc tìm kiếm trái phép hay không. Nếu việc tìm kiếm đó được cho phép hoặc Nhà nước không cấm thì tài sản tìm được thuộc quyền sở hữu của người tìm được. Ví dụ: Đào được vàng trong bãi đào vàng trái phép Nhà nước không quản lý hay có mỏ vàng có cấp phép.
Bắt được (nhặt được) tài sản: là trường hợp nhặt được tải sản do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên. Theo quy định tại khoản 1 Điều 230 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi nhặt được tài sản của người khác đánh rơi thì người nhặt được phải xử lý như sau: Nếu biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó. Nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Bộ luật Hình sự quy định hành vi bắt được tài sản thì phải trả lại cho chủ sở hữu, nếu cố tình không trả là hành vi phạm tội, nhằm mục đích giáo dục mọi người, phát huy truyền thống đạo đức, không tham lam nếu tài sản đó không do sức lao động của mình làm ra.
Ví dụ: Khoảng 21 giờ ngày 25/3/2021, Nguyễn Quốc V trong khi phục vụ tại nhà hàng phát hiện 01 chiếc ví da của khách hàng để quên, bên trong ví có 20,2 triệu đồng cùng giấy tờ tùy thân mang tên Lê Thị T. V nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền trên nên lấy cất giấu. Sau đó V bắt taxi về nhà. Trên đường đi, V lấy hết tiền rồi vứt chiếc ví cùng giấy tờ. Đến khoảng 22 giờ 45 phút cùng ngày, Nguyễn Trọng L (quản lý nhà hàng) gọi điện thoại hẹn V đến. Tại đây, V gặp anh L và bị hại T. Anh L khuyên V nếu nhặt được ví tiền thì trả lại nhưng V chối cãi và khẳng định là không nhặt được ví tiền của chị T. Anh L báo cáo sự việc cho công an. Tại cơ quan công an, V đã khai nhận hành vi trên. Nguyễn Quốc V đã phạm tội “Chiếm giữ trái phép tài sản.”
Không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp là hành vi cố tình giữ tài sản do bị giao nhầm, do tìm được hoặc bắt được khi đã có yêu cầu của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Có thể người phạm tội thừa nhận tìm được, bắt được nhưng cho rằng tài sản đó thuộc sở hữu của mình, nhưng cũng có thể không thừa nhận là mình đã được giao nhầm, đã tìm được hoặc bắt được, nhất là trường hợp được giao nhầm.
Có thể hiểu, tài sản (bao gồm vật, tiền và giấy tờ có giá) là đối tượng của tội phạm phải không có hoặc chưa có người quản lý và thoát ly khỏi sự chiếm hữu của chủ tài sản vì những lí do như: bỏ quên, bị đánh rơi, giao nhầm… Người phạm tội do ngẫu nhiên mà có được tài sản như: nhận nhầm, nhặt được… Khi có được tài sản do ngẫu nhiên mà có, người phạm tội lại tiếp tục chiếm giữ và định đoạt tài sản, dựa vào đặc điểm này có thể phân biệt với hành vi chiếm giữ trái phép với các chiếm đoạt khác.
- Dạng hành vi thứ 2: Hành vi không giao nộp tài sản (bị giao nhầm hoặc tài sản do mình tìm được, bắt được) cho cơ quan có trách nhiệm mà tiếp tục chiếm hữu, sử dụng hoặc đã định đoạt tài sản đó. Người thực hiện hành vi chiếm giữ trái phép tài sản trong trường hợp này đã không nộp lại tài sản cho cơ quan có trách nhiệm.
Sau khi có được tài sản do bị giao nhầm, do mình tìm được, bắt được, cơ quan có trách nhiệm phát hiện được sự nhầm lẫn hoặc làm thất lạc của họ hoặc xác định được tài sản đó thuộc quyền sở hữu nhà nước, đã yêu cầu người phạm tội trao trả để được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật nhưng người phạm tội đã cố tình không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm với tài sản đó.
Người thực hiện một trong hai dạng hành vi nói trên chỉ bị coi là phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản khi có thêm 2 điều kiện sau:
- Sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp của tài sản hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật. Yêu cầu nhận lại tài sản bị giao nhầm do người phạm tội tìm được hoặc bắt được, phải là yêu cầu của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản. Nếu chưa có yêu cầu nhận lại tài sản hoặc yêu cầu đó không phải của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản thì chưa cấu thành tội phạm tội này.
- Về trị giá tài sản phải trên 10 triệu đồng hoặc nếu tài sản có giá trị dưới 10 triệu đồng thì phải là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Tài sản là di vật cổ vật: Theo luật di sản văn hóa, di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Còn cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên. Cổ vật, di vật phải được cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xác định. Về giá trị tài sản trong tội phạm này là giá thị trường tự do vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội (từ khi người phạm tội cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp).
Ví dụ: Ngư dân chiếm giữ trái phép tài sản là các cổ vật phát hiện trong các tàu đắm ở biển, không giao nộp cho cơ quan chức năng.
b. Hậu quả
Hậu quả của tội phạm này là tài sản bị giao nhầm, bị mất, bị rơi không thu hồi được. Tuy nhiên, nếu là tài sản bình thường không phải là cổ vật, di vật thì phải có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên thì mới cấu thành tội phạm này.
4. Dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm
Mục đích của người phạm tội là mong muốn giữ bằng được tài sản do bị giao nhầm, tìm được hoặc bắt được. Ngoài mục đích này, người phạm tội không có mục đích nào khác và mục đích này cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
Hình phạt đối với tội chiếm giữ trái phép tài sản
Tội chiếm giữ trái phép tài sản được chia thành 2 khung hình phạt, cụ thể như sau:
1. Khoản 1 (tội phạm ít nghiêm trọng): Có mức hình phạt là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản nêu ở mặt khách quan (đã phân tích ở trên).
2. Khoản 2 (tội phạm nghiêm trọng): Có hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, được áp dụng đối với một trong 2 trường hợp sau:
- a) Chiếm giữ trái phép tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên: Trường hợp phạm tội này không có gì đặc biệt, chỉ cần xác định tài sản bị chiếm giữ trái phép có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên là thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 176 Bộ luật Hình sự. Việc xác định giá trị tài sản bị chiếm giữ trái phép đã được bình luận ở trên (trong Mục 3. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm).
- b) Chiếm giữ trái phép tài sản là bảo vật quốc gia: Theo luật di sản Văn hóa thì Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Đó có thể là di vật, cổ vật có giá trị đặc biệt về truyền thống văn hoá, về lịch sử của đất nước, của dân tộc. Việc xác định bảo vật quốc gia phải được Chính phủ công nhận hoặc do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định, trong trường hợp này nhất thiết phải có giám định của cơ quan chuyên môn.
Một số lưu ý khi xác định tội phạm chiếm giữ trái phép tài sản:
- Đối với tài sản bị giao nhầm, cần có các tài liệu chứng minh đúng là có việc giao nhầm tài sản, thông thường trong những trường hợp này người phạm tội không thừa nhận có việc được giao nhầm tài sản. Vì vậy, cần phải có bằng chứng, chứng minh có việc giao nhầm tài sản, đồng thời người đã có hành vi giao nhầm tài sản phải thông báo cho người được giao nhầm tài sản biết. Nếu còn có nghi ngờ về việc có hay không có việc giao nhầm thì chưa cấu thành tội phạm này.
- Khoản 1 Điều 176 Bộ luật Hình sự là tội phạm ít nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là hai năm tù, nên đối với người phạm tội dưới 16 tuổi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt hành vi chiếm giữ trái phép tài sản:
Hành vi chiếm giữ tài sản nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý hành chính theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, với mức phạt như sau: “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác”.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả cụ (theo điểm a khoản 3, điểm a, điểm b khoản 4 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP), cụ thể như sau:
- Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi chiếm giữ trái phép tài sản; Buộc trả lại tài sản bị chiếm giữ trái phép.
Lưu ý: Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, cụ thể mức phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)./.
Minh Hùng (Tổng hợp)
Ý KIẾN