Một số vướng mắc khi nghiên cứu về chế định xóa án tích quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
So với quy định tại Bộ luật hình sự cũ, chế định về xóa án tích trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có một số nội dung thay đổi theo hướng có lợi cho người phạm tội và tháo gỡ các vướng mắc phát sinh qua thực tế áp dụng. Tuy nhiên, ở góc độ nghiên cứu chuyên môn và đối chiếu với các hoạt động tố tụng thực tế thì chúng tôi thấy rằng một số quy định liên quan đến chế định này trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 phát sinh nhiều cách hiểu khác nhau, cần có văn bản hướng dẫn thống nhất. Cụ thể:
Vấn đề thứ nhất: Tại khoản 2 Điều 69 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “2. Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích.”. Như vậy, người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng có thể chịu hình phạt, nhưng không bị coi là có án tích.
Từ quy định của khoản 2 Điều 69 Bộ luật hình sự năm 2015 có thể hiểu không bị coi là có án tích không đồng nghĩa với việc không bị kết án, có trường hợp đã chịu hình phạt nhưng có thể được xem là không có án tích, những trường hợp bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng vẫn bị xem là có án tích nhưng thuộc các trường hợp đương nhiên được xóa án tích.
Do đó, những trường hợp bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng vẫn xem xét để tổng hợp hình phạt nếu phạm tội mới. Ví dụ: Người bị kết án về tội quy định tại khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, nếu người này chưa hoặc đang chấp hành hình phạt mà phạm tội mới, thì phải tổng hợp hình phạt.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đối với các trường hợp bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng không bị coi là có án tích (đương nhiên được xóa án tích) thì không tổng hợp hình phạt.
Vấn đề thứ hai: Theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự năm 2015 nh về việc xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý, được coi là không có án tích. Trong khi đó, tại khoản 7 Điều 91 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.”. Nghĩa là án đã tuyên đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vẫn xem xét để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 53 Bộ luật hình sự năm 2015 thì, những trường hợp đã bị kết án xem xét xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm phải là những trường hợp chưa được xóa án tích. Như vậy có mâu thuẫn không (?), vấn đề này phải được hiểu thế nào theo nguyên tắc có lợi nhất có người phạm tội.
Đồng thời, nếu người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng phạm một trong các tội mà trong cấu thành cơ bản có quy định dấu hiệu đã bị kết án về tội tương ứng hoặc cùng loại chưa được xóa án tích, thì việc định tội như thế nào (?). Ví dụ: A 16 tuổi 01 tháng phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 và bị xử phạt 01 năm tù, vừa chấp hành xong hình phạt tù, 7 ngày sau đó A tiếp tục trộm cắp tài sản của người khác trị giá 1 triệu đồng, có thể xác định A phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo điểm b khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 không (?).
Và cũng tương tự như ở vấn đề thứ nhất, các trường hợp này có xem xét tổng hợp hình phạt hay không (?).
Đây là những vấn đề có tính thực tiễn cao, cần được nghiên cứu, trao đổi và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn áp dụng.
Nguồn: Đặng Quốc Lộc – Chánh án TAND thành phố Tam Kỳ (www.toaantamky.gov.vn)
Ý KIẾN