Hỏi đáp về các trường hợp đăng ký khai sinh, thủ tục điều chỉnh, cấp lại khai sinh, đính chính các thông tin ghi trên giấy khai sinh, khai sinh có yếu tố nước ngoài...
Các câu hỏi và trả lời dưới đây liên quan đến các trường hợp đăng ký khai sinh, thủ tục điều chỉnh đính chính các thông tin ghi trên giấy khai sinh, khai sinh có yếu tố nước ngoài...được tổng hợp từ chuyên mục HỎI - ĐÁP của các cổng thông tin của Bộ Tư Pháp, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Mời các bạn tham khảo:
I/ ĐĂNG KÝ KHAI SINH TRONG 1 SỐ TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT
1. Thủ tục khai sinh cho con sinh ra trước khi bố mẹ đăng ký kết hôn
Cho tôi xin hỏi: con tôi sinh ngày 1/5/2017, do một vài lí do mà vợ chồng tôi đăng ký kết hôn muộn vào ngày 8/5/2017. Khi ra phường làm giấy khai sinh cho cháu, tôi được yêu cầu là phải có giấy xác nhận ADN mới được ghi họ tên cha. Nhưng theo tôi được biết chỉ cần có văn bản thừa nhận con chung là sẽ được ghi tên cha ngay vào giấy khai sinh mà không cần phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con. Vậy trường hợp của tôi phải xử lý như thế nào mới đúng? Văn bản thừa nhận con chung làm như thế nào?
TRẢ LỜI:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015: Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, chưa được đăng ký khai sinh mà khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào Giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Do vậy, vợ chồng bạn cần lập văn bản thừa nhận con chung, trong đó có thông tin của hai vợ chồng, thông tin của người con, nội dung thừa nhận đứa trẻ là con chung của hai vợ chồng và cam đoan nội dung văn bản đó là đúng sự thật.
2. Thủ tục đăng ký khai sinh cho con khi không đăng ký kết hôn?
Tôi đã tổ chức đám cưới có bà con dòng họ, bạn bè chứng kiến nhưng không đăng ký kết hôn với anh Nguyễn Văn A vào tháng 1 năm 2014. Đến tháng 4 năm 2014, chúng tôi chia tay tại thời điểm tôi đang mang thai. Tôi muốn làm giấy khai sinh cho con theo thủ tục con ngoài giá thú được không và được quy định như thế nào? Người cha có quyền nhận con và ghi thông tin vào giấy khai sinh của con không? Trong trường hợp xảy ra tranh chấp nhận con giữa 2 bên thì cần phải giải quyết như thế nào?
TRẢ LỜI:
*Về khai sinh cho con ngoài giá thú:
Điều 15 Nghị định 158/2005/NĐ-CP quy định:
"Điều 15. Thủ tục đăng ký khai sinh
1. Người đi đăng ký khai sinh phải nộp giấv chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).
Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.
2. Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi khai sinh một bản chính Giấy khai sinh. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.
3. Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Ủy ban nhân dân cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh."
Như vậy, trong trường hợp này bạn được làm khai sinh cho con theo thủ tục ngoài giá thú.
* Về việc nhận con của người cha:
Khoản 1 điều 91 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:
"Điều 91. Quyền nhận con
1. Cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trong trường hợp con đã chết"
Như vậy, trong trường hợp này anh Nguyễn Văn A có quyền nhận con, việc nhận con sẽ được UBND cấp xã xác nhận và giải quyết. Thông tin người cha được ghi vào mục dành cho người cha trong giấy khai sinh theo quy định.
*Về tranh chấp nhận con giữa hai bên:
Khoản 1 điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:
"Điều 88. Xác định cha, mẹ
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha, mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng"
Trong trường hợp này hai bạn không được pháp luật thừa nhận là vợ chồng vì vậy con sinh ra là con riêng của bạn.
Nhưng pháp luật cũng không tước bỏ quyền của người cha, khoản 1 điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:
"Điều 89. Xác định con
1. Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con của mình."
Như vậy, khi có đầy đủ chứng cứ chứng minh anh Nguyễn Văn A là cha đứa trẻ thì Tòa án sẽ công nhận họ là cha con.
Khi có sự tranh chấp nhận con giữa hai bên xảy ra hai bạn có thể thỏa thuận với nhau về người trực tiếp nuôi dưỡng; quyền và nghĩa vụ của mỗi người đối với con. Nếu không xử lý được thì Tòa sẽ xử lý như đối với trường hợp ly hôn, Tòa sẽ quyết định giao con cho một bên nuôi căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con, nếu con từ đủ 7 tuổi thì phải xem xét nguyện vọng của con. Người còn lại không trực tiếp nuôi sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Căn cứ này được quy định chi tiết tại điều 81, 82 Luật hôn nhân và gia đình.
3. Đăng ký khai sinh cho con riêng trong thời kỳ hôn nhân
Tôi là cán bộ Hội bảo vệ quyền trẻ đang giúp một người làm khai sinh cho con nhưng gặp trường hợp khó khăn, cán bộ tư pháp phường không cho chị ấy đăng ký khai sinh. Nguyên nhân như sau: Hai vợ chồng chị ấy sống không hòa thuận, anh có vợ khác, chị đi lấy một người khác và sinh một bé trai tháng 10/2016 và đến tháng 02/2017 thì tòa án giải quyết ly hôn. Nay chị ấy mang giấy chứng sinh đến UBND phường để làm khai sinh theo họ mẹ cho con thì UBND buộc phải ghi tên cha đứa trẻ là chồng cũ của chị ấy và lấy họ cha mới cho làm khai sinh. Cán bộ UBND phường giải quyết như vậy có đúng không? Nếu không đúng thì trích dẫn điều khoản nào để giúp cho trẻ em đó có được giấy khai sinh để đảm bảo quyền lợi cho trẻ.
TRẢ LỜI:
Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về xác định cha mẹ quy định như sau:
“1.Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2.Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.”
Em bé được sinh ra lúc quan hệ hôn nhân giữa hai vợ chồng vẫn chưa chấm dứt nên dù trên thực tế bé là con riêng của người vợ và người chồng mới nhưng về mặt pháp lý thì bé là con chung của hai vợ chồng do sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nên người chồng được xác định là cha của bé và được thực hiện quyền làm cha của mình, trong đó có quyền đứng tên người cha trong Giấy khai sinh của con.
Về pháp lý thì bé trai là con chung của hai vợ chồng nên giấy khai sinh của bé phải ghi đầy đủ tên cả cha lẫn mẹ, trừ trường hợp anh chồng không nhận cháu bé là con của mình thông qua thủ tục giải quyết tranh chấp về xác định cha cho con tại Tòa án.
Như vậy, Cán bộ UBND phường giải quyết như thế là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, người mẹ vẫn có thể khai sinh cho con mang họ mẹ, để trống tên cha nếu người chồng cũ làm thủ tục không nhận đứa bé là con của mình, thủ tục này bạn có thể tìm hiểu tại điều 101 và điều 102 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
Sau khi người chồng cũ làm thủ tục không nhận con thì chị vợ có thể viện dẫn quy định của pháp luật tại Khoản 2, Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch để đăng ký khai sinh cho con theo đúng nguyện vọng của mình.
“Điều 15. Đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ
1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.
2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.”
4. Người đi đăng ký khai sinh cho con không phải là cha mẹ
Cha, mẹ của trẻ em không thể đi đăng ký khai sinh cho con tại Ủy ban nhân dân xã thì bà ngoại có đi đăng ký được không, có cần phải có giấy ủy quyền hay không? Cụ thể, ai có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em?
TRẢ LỜI:
Tại khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch quy định về “Trách nhiệm đăng ký khai sinh”: Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Như vậy, theo quy định trên, trường hợp cha, mẹ của trẻ vì lý do nào đó không thể đi đăng ký khai sinh cho con thì bà ngoại có quyền đi đăng ký khai sinh cho cháu mà không cần phải có giấy ủy quyền của cha, mẹ trẻ.
5. Xác định quê quán trên giấy khai sinh cho trẻ
Hiện tôi đang gặp khó khăn trong việc làm khai sinh cho con của tôi ở mục quê quán. Chồng tôi (ba của bé) sinh ra và lớn lên tại Quảng Bình, trên CMND của chồng tôi ghi nguyên quán là Phú Yên, hiện nay chồng tôi đang công tác tại Sư đoàn 8, quân khu 9, Tiền Giang. Chúng tôi vừa sinh con được hơn một tháng thì đến UBND xã (nơi cư trú của tôi) làm giấy khai sinh cho cháu. Khi đi chúng tôi mang theo giấy chứng sinh, giấy kết hôn, sổ hộ khẩu và CMND của hai vợ chồng. Khi điền thông tin vào tờ khai, chúng tôi ghi thông tin ở mục quê quán của cháu là Quảng Bình thì cán bộ tư pháp không đồng ý, cán bộ bảo rằng phải ghi ở Phú Yên theo trên CMND của chồng tôi. Nhưng hiện tại, gia đình bên chồng tôi chẳng còn ai ở Phú Yên và chồng tôi cũng không sinh ra và lớn lên tại Phú Yên nên nếu điền quê quán của cháu ở Phú Yên thì có ảnh hưởng đến việc xác minh lý lịch sau này của cháu không ạ? Và điền thông tin ở Phú Yên hay Quảng Bình mới đúng ạ? (trên CMND của chồng nguyên quán là Phú Yên, và từ trước đến nay gia đình bên chồng đều sinh sống tại Quảng Bình, Phú Yên là nơi sinh sống của ông bà cố của cháu).
TRẢ LỜI:
Theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật hộ tịch thì: Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.
Do đó, trên giấy tờ tùy thân của chồng bạn đã được xác định quê quán là "Phú Yên" thì việc lựa chọn quê quán cho con theo quê quán của cha là "Phú Yên" là phù hợp quy định của pháp luật.
6. Cấp lại Giấy khai sinh bản chính, bản sao bị mất
6.1. Tôi mất giấy khai sinh bản chính, nay tôi muốn làm lại bản chính thì Hồ sơ cấp lại gồm những gì? Thủ tục như thế nào? Ngoài ra, Tôi đi xin Bản sao giấy khai sinh cho con tại UBND xã thì chỉ được cấp Bản trích lục giấy khai sinh và không được cấp bản sao Giấy khai sinh. Vậy xin hỏi Tôi muốn được cấp Bản sao giấy khai sinh thì phải làm thế nào?
TRẢ LỜI:
Luật hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành không quy định việc cấp lại bản chính Giấy khai sinh và cấp bản sao Giấy khai sinh. Do đó, trường hợp công dân bị mất bản chính Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh không còn lưu giữ thì được đăng ký lại khai sinh.
Trường hợp bị mất bản chính Giấy khai sinh nhưng Sổ đăng ký khai sinh vẫn còn lưu giữ được thì công dân có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đang lưu giữ Sổ đăng ký khai sinh cấp Trích lục khai sinh (bản sao) để sử dụng.
6.2. Cháu sinh năm 2002, năm nay 15 tuổi, cháu bị mất giấy khai sinh bản gốc, phải làm thế nào để có thể đăng kí lại khai sinh? (vì đang đi học nên nhà trường đôi khi đòi hỏi bản gốc của giấy khai sinh)?
TRẢ LỜI:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì việc đăng ký lại khai sinh chỉ được thực hiện trong trường hợp cả bản chính giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh đều bị mất.
Do vậy, trước hết bạn cần phải liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bạn đã đăng ký khai sinh trước đây để kiểm tra việc đăng ký khai sinh của bạn có còn được lưu giữ trong Sổ đăng ký khai sinh không.
Nếu Sổ đăng ký khai sinh vẫn còn lưu giữ thì bạn có thể yêu cầu cấp Trích lục khai sinh (bản sao) để sử dụng và giải thích rõ với trường học về việc này.
Trường hợp Sổ đăng ký khai sinh còn lưu giữ thì bạn có thể thực hiện thủ tục đăng ký lại khai sinh tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bạn đang cư trú.
6.3. Tôi sinh năm 1983. Hiện nay tôi bị mất giấy khai sinh bản chính và bản sao. Tôi có đến cơ quan xã xin đăng ký lại, nhưng tôi không nhớ ngày tháng năm đăng ký nên không tra sổ hộ tịch được, cán bộ trả lời trường hợp tôi không làm được. Tôi có chứng minh nhân dân, hộ khẩu, học bạ, bằng tốt nghiệp cấp ba. Xin hỏi tôi có thể đăng ký lại khai sinh được không?
TRẢ LỜI:
Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định: Việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.
Như vậy, việc đăng ký lại khai sinh chỉ được thực hiện trong trường hợp bản chính giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh đều bị mất. Nếu Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bạn đã đăng ký khai sinh trước đây vẫn còn lưu trữ được Sổ đăng ký khai sinh từ năm 1983 thì công chức tư pháp - hộ tịch có trách nhiệm kiểm tra việc đăng ký khai sinh của bạn và cấp Trích lục khai sinh (bản sao) cho bạn. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã không còn lưu được Sổ đăng ký khai sinh thì bạn có thể thực hiện thủ tục đăng ký lại khai sinh.
7. Làm giấy khai sinh lần đầu khi đã có các giấy tờ khác
Tôi sinh năm 1988, trước đây do điều kiện khó khăn, vùng sâu, vùng xa, gia đình không làm giấy khai sinh, sau này đi học giấy khai sinh của tôi do nhà trường tự hợp thức cho phù hợp để được đi học và đến khi tốt nghiệp THPT,vậy nay tôi có nhu cầu làm Giấy khai sinh bản chính cho bản thân (làm lần đầu) thì phải làm sao?
TRẢ LỜI:
Bạn chưa từng đăng ký khai sinh nhưng đã có các hồ sơ, giấy tờ cá nhân (bản chính hoặc bản sao được chứng thực hợp lệ) như: CMND/Hộ chiếu; Sổ hộ khẩu; Sổ tạm trú hoặc giấy tờ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, Sở Tư pháp hướng dẫn bạn đến UBND cấp xã nơi cư trú để yêu cầu đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ theo quy định tại Điều 8, Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, cụ thể như sau
* Thẩm quyền thực hiện: UBND cấp xã nơi bạn cư trú có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh
* Thành Phần hồ sơ
- Giấy tờ phải xuất trình:
+ CMND hoặc hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh nhân thân của người yêu cầu đăng ký khai sinh
+ Giấy tờ chứng minh nơi cư trú
- Giấy tờ phải nộp:
+ Tờ khai đăng ký khai sinh
+ Văn bản cam đoan về việc chưa được đăng ký khai sinh
+ Bản sao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của bạn hoặc hồ sơ, giấy tờ, tài liệu khác có thông tin liên quan đến nội dung khai sinh của bạn
+ Trường hợp người yêu cầu là cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì phải có văn bản xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị vê việc những nội dung khai sinh của người đó gồm họ, chữ đệm, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, dân tộc, quốc tịch, quê quán, quan hệ cha – con, mẹ -con phù hợp với hồ sơ do cơ quan, đơn vị đang quản lý.
* Lưu ý: khi thực hiện đăng ký khai sinh, bạn phải cam đoan bằng văn bản đã nộp đầy đủ các giấy tờ mình có. Trường hợp bạn cam đoan không đúng sự thật, cố ý chỉ nộp bản sao giấy tờ có lợi để đăng ký khai sinh thì việc đăng ký khai sinh không có giá trị pháp lý.
II/ ĐIỀU CHỈNH, ĐÍNH CHÍNH THÔNG TIN TRÊN GIẤY KHAI SINH
1. Chỉnh ngày tháng trên giấy khai sinh
Trong sổ đăng ký khai sinh ghi tôi sinh: 21/10/1989, nhưng hiện bản sao giấy sao sinh, các văn bằng chứng chỉ, chứng minh nhân dân của tôi đều ghi là 21/01/1989, bản chính giấy khai sinh của tôi đã mất. Nay tôi muốn cải chính lại bản chính giấy khai sinh đúng theo giấy tờ hiện tại của tôi. Nhưng khi đến huyện thì chuyên viên tư pháp chỉ cho phép cấp lại bản chính giấy khai sinh đúng theo sổ đăng ký là ngày 21/10/1989. Tôi đến sở tư pháp thì chuyên viên nói về huyện yêu cầu cấp lại bản chính giấy khai sinh theo sổ đăng ký rồi sau đó photo tất cả các giấy tờ liên quan đến ngày 21/1/1989. Nhưng về lại huyện thì chuyên viên vẫn không cho phép. Vậy tôi phải làm thế nào đây khi giấy tờ hiện tại của tôi đều là 21/01/1989.
TRẢ LỜI:
Về nguyên tắc, việc cải chính nội dung trong bản chính Giấy khai sinh, đặc biệt là cải chính ngày, tháng, năm sinh, chỉ được giải quyết đối với những trường hợp có đủ cơ sở để xác định rằng khi đăng ký khai sinh có sự sai sót do ghi chép của cán bộ Tư pháp hộ tịch hoặc do đương sự khai báo nhầm lẫn.
Trường hợp yêu cầu cải chính do đương sự cố tình sửa chữa sai sự thật đã đăng ký trước đây nhằm hợp thức hóa hồ sơ, giấy tờ cá nhân hiện tại thì không được giải quyết.
Trường hợp của bạn, nếu bản sao Giấy khai sinh của bạn nội dung còn nguyên vẹn không bị sửa chữa, tẩy xóa thì có thể khẳng định là do có sai sót của cán bộ Tư pháp hộ tịch, vì bản sao Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh đều do cán bộ hộ tịch thực hiện, nên nội dung không thể khác nhau.
Cụ thể, trong Sổ đăng ký khai sinh (hiện do UBND xã lưu giữ) và bản sao Giấy khai sinh của bạn đang giữ có sự sai sai lệch về tháng sinh (tháng 10 và tháng 01), ở đây có nhiều khả năng do sơ suất khi ghi vị trí số “0” (không) từ phía trước ra phía sau số “1” (một), hoặc ngược lại, dẫn đến sai sót. Để làm rõ sự thật trong vấn đề này không khó. Bạn cần trở lại UBND xã nơi đang quản lý Sổ đăng ký khai sinh trong đó có trường hợp của bạn, để đề nghị kiểm tra lại và xem những trường hợp đăng ký tiếp liền sau trường hợp bạn. Nếu những trường hợp này đều được đăng ký từ sau ngày 21/10/1989 trở đi, có nghĩa là việc ghi tháng sinh của bạn trong Sổ đăng ký khai sinh (tháng 10) là đúng, còn trong bản sao Giấy khai sinh là sai sót. Ngược lại, nếu trong Sổ đăng ký khai sinh những trường hợp tiếp liền sau bạn có ghi tháng sinh là tháng 01 hoặc tháng 02, tháng 3… thì có thể khẳng định bản sao Giấy khai sinh của bạn đang giữ ghi tháng sinh của bạn (tháng 01) là đúng sự thật.
Như trên đã nói, nếu trường hợp bản sao Giấy khai sinh của bạn là đúng, bạn hãy đề nghị UBND xã đang quản lý Sổ đang ký khai sinh, xác nhận và cung cấp bản sao Sổ đăng ký khai sinh để thực hiện thủ tục xin cải chính hộ tịch tại UBND cấp huyện. Trường hợp bản sao Giấy khai sinh bạn đang giữ là sai, thì bạn chỉ được cấp lại bản chính Giấy khai sinh như Sổ đăng ký khai sinh đã ghi.
2. Thay đổi năm sinh trong giấy khai sinh
Tôi sinh con vào năm 2000, do tôi đi làm ăn xa nên ở nhà cô tôi đi làm giấy khai sinh cho cháu có khai cháu sinh năm 2002, nên giờ giấy khai sinh của bé là 2002. Tôi sinh ở nhà chứ không sinh ở bệnh viện nên cũng không có Giấy chứng sinh và cô tôi giờ cũng đã mất. Cho tôi hỏi là giờ tôi có thể làm thay đổi năm sinh trong giấy khai sinh được không?
TRẢ LỜI:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP về điều kiện cải chính hộ tịch như sau:
“Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch”.
Như vậy, để yêu cầu cơ quan nhà nước cải chính năm sinh của con bạn thì trước hết bạn phải chứng minh việc khai sinh trước đây do sai sót, khai nhầm lẫn của người yêu cầu đăng ký hộ tịch (cô của bạn), tuy nhiên việc này hết sức khó khăn vì hiện tại cô bạn đã qua đời và bạn cũng không có giấy chứng sinh hoặc giấy tờ nào khác để chứng minh cho yêu cầu cải chính của mình là có căn cứ và hợp pháp. Bên cạnh đó, luật Hộ tịch cũng như các văn bản lien quan không có hướng dẫn cụ thể về việc chứng minh này cũng như hướng dẫn cụ thể trong trường hợp cải chính lại thông tin năm sinh bị khai nhầm này. Tuy nhiên theo thủ tục đăng ký khai sinh tại khoản 1 điều 16 luật Hộ tịch thì những căn cứ để xác nhận việc sinh đối với trường hợp trẻ không được sinh ra trong cơ sở y tế là: văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh. Do vậy bạn có thể làm giấy cam đoạn về việc sinh nộp cùng tờ khai (theo mẫu) để yêu cầu cải chính hộ tịch cho con bạn. Hồ sơ nộp tại Ủy ban nhân dân cấp Huyện nơi con bạn đã được đăng ký trước đây hoặc nơi con bạn cư trú sẽ xem xét và giải quyết hoặc đưa ra hướng dẫn cụ thể cho bạn nếu cấn thiết.
Ngoài ra, vì giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân (khoản 1 Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP), và mọi hồ sơ giấy tờ đều phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó, nên nếu lúc này bạn thay đổi năm sinh của cháu thì mọi giấy tờ trước đó của cháu phải thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với Giấy khai sinh. Do đó, bạn chỉ nên điều chỉnh thông tin này nếu thật sự cần thiết
3. Sửa lại Giấy khai sinh do sai họ tên mẹ
Cho em hỏi hiện nay trong giấy khai sinh của em sai tên mẹ em, muốn sửa lại phải làm thế nào?
TRẢ LỜI:
Khoản 12 Điều 4 Luật hộ tịch quy định: "Cải chính hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân trong trường hợp có sai sót khi đăng ký hộ tịch".
Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch quy định: "Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch".
Nếu bạn có giấy tờ, tài liệu (Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân, Sổ hộ khẩu... của mẹ bạn) để chứng minh có sai sót thông tin của mẹ bạn trong Giấy khai sinh của bạn thì bạn có thể thực hiện cải chính hộ tịch.
Thẩm quyền cải chính hộ tịch thuộcỦy ban nhân dân cấp huyện nơi bạn đang cư trú hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây (nếu bạn từ đủ 14 tuổi trở lên) theo quy định tại Điều 46, Điều 47 Luật hộ tịch.
4. Thay đổi quê quán trong giấy khai sinh
Em sinh năm 2001. Mục quê quán trong giấy khai sinh thường được ghi theo quê quán của ba hoặc mẹ, nhưng mục quê quán trong giấy khai sinh của em lại theo nơi sinh. Hiện em muốn thay đổi mục quê quán của em theo quê quán của ba có được không?
TRẢ LỜI:
Chúng tôi không rõ thông tin về thời điểm đăng ký khai sinh cho bạn, quê quán trong giấy khai sinh của bạn, quê quán và nơi sinh của ba mẹ bạn, do đó, chúng tôi trả lời bạn như sau:
- Trường hợp 01: mục quê quán trong giấy khai sinh của bạn đã được xác định đúng theo quy định pháp luật
Nếu thời điểm đăng ký khai sinh của bạn là trước ngày 01/4/2006 (ngày Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch có hiệu lực): Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch và Thông tư số 12/1999/TT-BTP ngày 25/06/1999 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch (văn bản có hiệu lực tại thời điểm đăng ký khai sinh) chưa có quy định về việc xác định quê quán trong nội dung khai sinh. Tuy nhiên, tại biểu mẫu giấy khai sinh TP/HT-1999-A.2 được ban hành kèm theo Quyết định số 1203-QĐ/TP-HT, mục “Chú thích” có hướng dẫn về cách ghi mục “Quê quán”: “Ghi theo nơi sinh trưởng của cha đẻ; nếu không rõ cha đẻ là ai, thì ghi theo nơi sinh trưởng của mẹ đẻ; trong trường hợp không xác định được cha, mẹ đẻ, thì để trống”. Nếu quê quán trong giấy khai sinh của bạn được xác định theo nơi sinh của cha đẻ thì việc xác định đó đã đúng với biểu mẫu được ban hành.
Trong trường hợp này, việc thay đổi mục quê quán của bạn (cũng chính là nơi sinh của cha bạn) theo quê quán của cha bạn là không có cơ sở pháp lý, do không thuộc phạm vi thay đổi hộ tịch quy định tại Điều 26 Luật Hộ tịch năm 2014 và không thuộc trường hợp cải chính hộ tịch quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014.
- Trường hợp 02: mục quê quán trong giấy khai sinh của bạn được xác định chưa đúng theo quy định của pháp luật
Như đã phân tích ở trên, nếu việc đăng ký khai sinh của bạn được thực hiện trước ngày 01/4/2006 và mục quê quán trong giấy khai sinh của bạn được xác định không theo nơi sinh của cha đẻ của bạn thì có thể xác định là “có sai sót” trong nội dung đăng ký khai sinh. Trường hợp này, bạn có thể thực hiện thủ tục cải chính từ quê quán theo nơi sinh của bạn sang quê quán theo quê quán của cha bạn.
Khoản 12 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: “Cải chính hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân trong trường hợp có sai sót khi đăng ký hộ tịch”.
Về thẩm quyền, hiện nay bạn đã trên 14 tuổi, do đó, thẩm quyền đăng ký cải chính hộ tịch của bạn do Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật Hộ tịch năm 2014, cụ thể như sau:
“ Điều 46. Thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc.”
Về thủ tục đăng ký cải chính hộ tịch, theo Điều 47 Luật Hộ tịch năm 2014 thì thủ tục đăng ký cải chính hộ tịch được áp dụng theo quy định tại Điều 28 của Luật Hộ tịch.
“Điều 28. Thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch
1. Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.
3. Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.
Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch”.
5. Trường hợp họ tên trong Giấy khai sinh không trùng với họ tên trong giấy tờ tùy thân khác
Họ tên trong Giấy khai sinh của em Lục Kiên Hải, do bố mẹ lúc trước khai tên thiếu dấu sắc. Sau này khi đi học, đi làm, em đều lấy tên là Lục Kiến Hải ( khác chữ đệm là Kiên trong giấy khai sinh ). Hiện nay tất cả giấy tờ của em (Chứng minh nhân dân, bằng cấp, tài khoản ngân hàng, giấy tờ xe…) đều lấy tên là Lục Kiến Hải. Em muốn thay đổi họ tên trong Giấy khai sinh thì phải làm thế nào?
TRẢ LỜI:
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 thì: Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.
Do đó, tất cả các giấy tờ của bạn không phù hợp với thông tin trong Giấy khai sinh thì bạn phải thực hiện điều chỉnh các giấy tờ đó theo nội dung trong Giấy khai sinh.
6. Dùng giấy khai sinh của người khác để đi học
6.1. Khi em đi học vào lớp 1, do chưa làm khai sinh nên em dùng giấy khai sinh của người khác đi học. Em đang học lớp 8 và đã làm giấy khai sinh. Nay em muốn đổi lại tên khác và thống nhất với các giấy tờ khác có được không ạ?
TRẢ LỜI:
1. Về việc thay đổi tên: Khoản 1 Điều 26 Luật hộ tịch quy định việc thay đổi họ, chữ đệm, tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự. Do đó, nếu bạn chứng minh được việc thay đổi tên của bạn thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 28 Bộ luật dân sự thì bạn có thể thông qua cha, mẹ bạn yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch giải quyết.
2. Việc bạn sử dụng Giấy khai sinh của người khác để đi học là vi phạm quy định của pháp luật, nên bạn phải chấm dứt ngay hành vi đó và trình bày cụ thể với trường học để có hướng xử lý đối với hồ sơ, học bạ, kết quả học tập của bạn.
6.2. Tôi hiện tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Duyên - Sinh ngày 11/4/1988 tại KV1, Phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn. Năm 1993, do không đủ tuổi nhập học vào lớp 1 nên mẹ tôi đã mượn giấy khai sinh của chị con dì ruột của tôi là Nguyễn Thị Thanh Dung - Sinh ngày 30/7/1986 ở KV9, Phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn cho tôi đi học từ lớp 1 đến Đại học. Do đó, tất cả các bằng cấp của tôi đều mang tên Nguyễn Thị Thanh Dung (hiện tôi đang đi làm tại cơ quan Nhà nước cũng mang tên Dung). Do đó tôi không thể xem xét lý lịch để kết nạp Đảng cũng như một số chế độ khác. Theo tôi được biết tại Tỉnh An Giang có Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND ngày 04/3/2010 về việc cải chính tên tuổi do mượn tên đi học. Còn ở tỉnh Bình Định có không ạ? Vậy xin cho tôi hỏi có hướng nào giải quyết việc thay đổi tên tuổi hay cải chính giấy tờ do tôi do mượn khai sinh người khác đi học được không?
TRẢ LỜI:
1. Phạm vi cải chính hộ tịch
Thông tin hộ tịch đã được đăng ký được xác định có sai sót, thuộc diện cải chính hộ tịch bao gồm thông tin trên giấy tờ hộ tịch và thông tin trong sổ đăng ký hộ tịch.
Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định: Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Căn cứ các quy định trên, trường hợp của bà do không đủ tuổi nhập học vào lớp 1 nên đã mượn giấy khai sinh của chị con dì ruột để đi học, nên không có cơ sở để thực hiện việc cải chính hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
7. Sửa quốc tịch trong giấy khai sinh
Cha tôi là người Trung Hoa vừa mới được nhập quốc tịch Việt Nam vào năm 2012, mẹ Tôi là người Việt Nam. Trong giấy khai sinh của tôi lúc trước khai nhầm theo quốc tịch cha tôi là Trung Hoa, nhưng từ nhỏ tới lớn tất cả giấy tờ tùy thân của tôi đều là quốc tịch Việt Nam. Bây giờ tôi muốn sửa đổi quốc tịch trong giấy khai sinh thì phải làm thế nào?
TRẢ LỜI:
Như thông tin bạn cung cấp, bạn có cha đẻ là công dân Trung Quốc (đã được nhập quốc tịch Việt Nam năm 2012) và mẹ là công dân Việt Nam.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 thì "2. Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con...". Tại thời điểm đăng ký khai sinh, bạn đã được nhận quốc tịch Trung Quốc theo cha (thông tin này được thể hiện trong Giấy khai sinh của bạn) nên quốc tịch của bạn là quốc tịch Trung Quốc.
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định só 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016) thì: Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong giấy khai sinh của người đó thì thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong giấy khai sinh. Như vậy, bạn cần phải điều chỉnh hết tất cả mọi giấy tờ tùy thân (phát sinh sau Giấy khai sinh) theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.
Nếu bạn muốn thay đổi phần ghi về quốc tịch trong Giấy khai sinh của bạn thì bạn cần phải tiến hành thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008. Đồng thời, bạn cần liên hệ với cơ quan có thẩm quyền có liên quan để tiến hành xác minh việc có sự khác nhau trong phần ghi về quốc tịch trong Giấy khai sinh và các giấy tờ tùy thân của bạn.
KHAI SINH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
1. Thủ tục làm giấy khai sinh cho con ngoài giá thú có yếu tố nước ngoài
Tôi muốn hỏi thủ tục làm giấy khai sinh cho con ngoài giá thú có yếu tố nước ngoài, cụ thể là con có mẹ là người Việt Nam bố là người Đài Loan, không đăng ký kết hôn, con sinh ra tại Việt Nam. Ngoài ra, tôi có thể xin 2 quốc tịch cho con không? Thủ tục thế nào?
TRẢ LỜI:
1. Do bạn chưa đăng ký kết hôn nên việc đăng ký khai sinh cho con bạn sẽ được thực hiện theo diện trẻ em chưa xác định được cha theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP. Theo đó, họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ. Thẩm quyền giải quyết thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bạn đang cư trú.
Trường hợp người cha muốn nhận con thì bạn có thể kết hợp thực hiện thủ tục nhận con và đăng ký khai sinh. Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự; quốc tịch của trẻ em được xác định theo quy định của pháp luật quốc tịch (khoản 2 Điều 16 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008). Thẩm quyền giải quyết thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi bạn đang cư trú.
2. Theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam thì công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, do đó, bạn không thể đăng ký cho con bạn có 02 quốc tịch. Trường hợp người cha Đài Loan làm thủ tục nhận cha, con thì có thể lựa chọn quốc tịch cho con nhưng con của bạn vẫn chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan).
2. Ghi chú khai sinh
Con gái tôi 4 tuổi được sinh ra tại TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam nhưng bé đã cư trú ở Hàn Quốc được 3 năm và mang quốc tịch Hàn Quốc. Nay tôi đưa bé về Việt Nam với mong muốn định cư lâu dài. Bé không có đăng ký khai sinh ở Việt Nam. Vậy bé có đủ điều kiện được ghi chú khai sinh không?
TRẢ LỜI:
Trường hợp bạn nêu chúng tôi hiểu là con gái của bạn sinh ra tại TP. Hồ Chí Minh nhưng đăng ký khai sinh ở Hàn Quốc và mang quốc tịch Hàn Quốc. Như vậy hiện tại bé là công dân Hàn Quốc chứ không phải công dân Việt Nam. Trong khi đó Luật hộ tịch quy định việc ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (trường hợp ghi chú khai sinh mà bạn đang nhắc đến) chỉ được áp dụng với công dân Việt Nam. Con gái của bạn không phải là công dân Việt Nam thì không được ghi chú khai sinh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Cấp giấy khai sinh mà giấy chứng sinh là bản cấp lại thì có phải yêu cầu bệnh viện xác nhận lý do cấp lại giấy chứng sinh không?
Trả lờiXóaChồng e là người nước ngoài và e mới sinh bé muốn làm giấy khai sinh cho con nhưng lại không được đặt tên con theo tên nước ngoài... E tham khảo thì thấy có luật đặt tên con phải theo tên việt Nam nhưng không thấy áp dụng với cha là ng nước ngoài... Có cách nào để con e có giấy khai sinh là tên tiếng anh không ạ
Trả lờiXóaCho em hỏi ! Trong giấy cmnd và hộ khẩu em là Vĩnh Long và vợ em là Hóc Môn Tp Hồ Chí Minh . Con em sinh ở HCM giờ làm giấy khai sinh cho con theo họ em và Quê Quán TP Hồ Chí Minh được không ạ ! Bữa em làm giấy khai sinh cho bé thì cán bộ hộ tịch bắt khai quê quán Vĩnh Long. Giờ em làm lại cho bé là TP Hồ Chí Minh được không ạ
Trả lờiXóaTheo quy định quê quán là quê gốc của cha, không phải là nơi ở hay là nơi sinh. Do đó bạn không thể thay đổi được.
XóaCho tui hỏi,hiện tại con lớn tui đã 2 tuổi nhưng mang họ mẹ,vì lúc sinh cháu tui và vợ chưa đăng ký kết hôn và lúc mẹ cháu sinh do công việc tui không có mặt .vậy giờ tui đã làm giấy đkkh và tui muốn thay đổi họ của bé thì cần những gì.?.và đến đâu để đk lại.?.
Trả lờiXóaChi tiết về thủ tục đổi họ cho con bạn xem bài này "Hướng dẫn thủ tục thay đổi họ tên cho con trên giấy khai sinh mới nhất"
XóaLik bài viết: https://www.tracuuphapluat.info/2018/11/huong-dan-thu-tuc-thay-doi-ho-ten-cho-con.html
Mình đi làm xa. Mẹ mình đi làm giấy khai sinh cho con trai mình ở cấp xã. Trong lúc làm giấy khai sinh, bên đơn vị cấp giấy có ghi nhầm tên con trai mình trên giấy chứng sinh, mẹ mình có yêu cầu họ làm lại thì họ bảo đã vào hệ thống và không sửa lại được. Vậy cho mình hỏi trong trường hợp này thì có sửa lại được không? Xin cảm ơn.
Trả lờiXóaCán bộ tư pháp làm sai thì họ phải có trách nhiệm đính chính lại.
XóaKhoản 12 Điều 4 Luật hộ tịch quy định: "Cải chính hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân trong trường hợp có sai sót khi đăng ký hộ tịch".
Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch quy định: "Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch".
Nếu bạn có giấy tờ, tài liệu (Giấy chứng sinh... của con bạn) để chứng minh có sai sót thông tin của mẹ bạn trong Giấy khai sinh của bạn thì bạn có thể thực hiện cải chính hộ tịch.
Thẩm quyền cải chính hộ tịch thuộcỦy ban nhân dân cấp huyện nơi bạn đang cư trú hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây (nếu bạn từ đủ 14 tuổi trở lên) theo quy định tại Điều 46, Điều 47 Luật hộ tịch.
Cho mình hỏi bạn mình có đã đăng kí kết hôn vs một người và có con nhưng từ lúc mang bầu đến bây giờ con được gần một tháng 2 người không ở với nhau, người gia đình bên kia cũng không cưới , mình muốn hỏi bạn mình làm giấy khai sinh lấy tên mẹ được không , và có làm được giấy khai sinh không , tại sao bạn mình làm giấy khai sinh lại phải đi xét nghiệm adn vậy . Trong khi đó có giấy ở bệnh viện
Trả lờiXóaXin được giúp đỡ bạn mình với
Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân (có đăng ký kết hôn) là con chung. Nên bình thường giấy khai sinh của con sẽ theo họ cha. Nếu muốn con mang theo họ mẹ thì phải có thỏa thuận thống nhất giữa cha và mẹ. Trường hợp bạn nói không cần phải giám định ADN, chỉ cần giấy chứng sinh là đủ.
XóaCho mình hỏi. Vợ chồng tôi đang làm việc ở lào. Sinh con ở lào. Khi về việt nam muốn làm giấy khai sinh cho con thì cần giấy tờ gì.
Trả lờiXóaThành phần hồ sơ:
Xóa- Tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu);
- Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ - con nếu có;
- Giấy tờ chứng minh việc trẻ em cư trú tại Việt Nam gồm: giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh vào Việt Nam (như: hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh) và văn bản xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc trẻ em đang cư trú tại Việt Nam.
- Văn bản thỏa thuận của cha mẹ lựa chọn quốc tịch cho con theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 của Luật Hộ tịch đối với trường hợp trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, người kia là công dân nước ngoài.
Người yêu cầu đăng ký xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân; giấy tờ chứng minh nơi cư trú.
Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì còn phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn.
- Cơ quan giải quyết: UBND cấp huyện