Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 - Thủ tục đặc biệt, hợp tác quốc tế, điều khoản thi hành
PHẦN THỨ BẢY
THỦ TỤC ĐẶC BIỆT
Chương XXVIII
THỦ TỤC TỐ TỤNG ĐỐI VỚI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI
Ðiều 413. Phạm vi
áp dụng
Thủ tục tố tụng đối với người
bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi được áp dụng
theo quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật
này không trái với quy định của Chương này.
Điều 414. Nguyên
tắc tiến hành tố tụng
1. Bảo đảm thủ tục tố tụng
thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận
thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người
dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.
2. Bảo đảm giữ bí mật cá nhân
của người dưới 18 tuổi.
3. Bảo đảm quyền tham gia tố
tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Ðoàn thanh niên,
người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người
dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt.
4. Tôn trọng quyền được
tham gia, trình bày ý kiến của người dưới 18 tuổi.
5. Bảo đảm quyền bào chữa,
quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi.
6. Bảo đảm các nguyên tắc
xử lý của Bộ luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
7. Bảo đảm giải quyết nhanh chóng,
kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi.
Điều 415. Người tiến hành tố tụng
Người tiến hành tố tụng đối
với vụ án có người dưới 18 tuổi phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh
nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, có
hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18
tuổi.
Ðiều 416. Những vấn đề cần
xác định khi tiến hành tố tụng đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi
1. Tuổi, mức độ phát triển về
thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người dưới 18
tuổi.
2. Ðiều kiện sinh sống và giáo
dục.
3. Có hay không có người đủ 18
tuổi trở lên xúi giục.
4. Nguyên nhân, điều kiện,
hoàn cảnh phạm tội.
Điều 417. Xác định
tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi
1. Việc xác định tuổi của
người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi do cơ quan có thẩm
quyền tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp đã áp dụng các
biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm
sinh của họ được xác định:
a) Trường hợp xác định được
tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm
ngày sinh.
b) Trường hợp xác định được
quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối
cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.
c) Trường hợp xác định được
nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của
tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.
d) Trường hợp xác định được
năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối
cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.
3. Trường hợp không xác định
được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.
Ðiều 418. Giám sát
đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi
1. Cơ quan điều tra, cơ quan
được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án
có thể ra quyết định giao người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi cho người
đại diện của họ giám sát để bảo đảm sự có mặt của họ khi có giấy triệu tập của
cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
2. Người được giao nhiệm vụ
giám sát có nghĩa vụ giám sát chặt chẽ người dưới 18 tuổi, theo dõi tư cách,
đạo đức và giáo dục người đó.
Trường hợp người dưới 18
tuổi có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người
khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng
cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa,
khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người
thân thích của những người này hoặc tiếp tục phạm tội thì người được giao nhiệm
vụ giám sát phải kịp thời thông báo và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền
tiến hành tố tụng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Ðiều 419. Áp dụng
biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế
1. Chỉ áp dụng biện pháp ngăn
chặn, biện pháp áp giải đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong
trường hợp thật cần thiết.
Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ,
tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho
rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu
quả. Thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bằng
hai phần ba thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên quy định tại Bộ
luật này. Khi không còn căn cứ để tạm giữ, tạm giam thì cơ quan, người có thẩm
quyền phải kịp thời hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến
dưới 16 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam
về tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật hình sự nếu có căn
cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều
119 của Bộ luật này.
3. Người từ đủ 16 tuổi đến
dưới 18 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam
về tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng
nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ
khoản 2 Điều 119 của Bộ luật này.
4. Đối với bị can, bị cáo từ
đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội nghiêm
trọng do vô ý, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến
02 năm thì có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu họ tiếp tục phạm tội, bỏ
trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
5. Trong thời hạn 24 giờ kể từ
khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, người ra lệnh
giữ, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam người dưới 18 tuổi phải
thông báo cho người đại diện của họ biết.
Ðiều 420. Việc tham gia tố
tụng của người đại diện, nhà trường, tổ chức
1. Người đại diện của người
dưới 18 tuổi, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên,
tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt có quyền
và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm
sát, Tòa án.
2. Người đại diện của người
dưới 18 tuổi được tham gia việc lấy lời khai, hỏi cung người dưới 18 tuổi;
đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại, tố cáo; đọc, ghi chép,
sao chụp tài liệu liên quan đến việc buộc tội người dưới 18 tuổi trong hồ sơ
vụ án sau khi kết thúc điều tra.
3. Những người quy định tại
khoản 1 Điều này khi tham gia phiên tòa có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ
vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; phát biểu ý kiến,
tranh luận; khiếu nại các hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến
hành tố tụng và các quyết định của Tòa án.
Điều 421. Lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp
khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng; hỏi
cung bị can; đối chất
1. Khi lấy lời khai người bị
giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại,
người làm chứng, hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm
quyền tiến hành tố tụng phải thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai,
hỏi cung cho người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp của họ.
2. Việc lấy lời khai người bị
giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, hỏi cung bị can phải
có mặt người bào chữa hoặc người đại diện của họ.
Việc lấy lời khai của người bị
hại, người làm chứng phải có người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp của họ tham dự.
3. Người bào chữa, người đại
diện có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can là người dưới 18 tuổi
nếu được Điều tra viên, Kiểm sát viên đồng ý. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi
cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa, người đại diện có thể
hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị
can.
4. Thời gian lấy lời khai
người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02
giờ, trừ trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.
5. Thời gian hỏi cung bị can
là người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02
giờ, trừ trường hợp:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Để truy bắt người
phạm tội khác đang bỏ trốn;
c) Ngăn chặn người khác
phạm tội;
d) Để truy tìm công cụ,
phương tiện phạm tội hoặc vật chứng khác của vụ án;
đ) Vụ án có nhiều tình
tiết phức tạp.
6. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ tiến hành
đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo để làm sáng tỏ
tình tiết của vụ án trong trường hợp nếu không đối chất thì không thể giải
quyết được vụ án.
Ðiều 422. Bào chữa
1. Người bị buộc tội là người
dưới 18 tuổi có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.
2. Người đại diện của người
dưới 18 tuổi bị buộc tội có quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào
chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội.
3. Trường hợp người bị buộc
tội là người dưới 18 tuổi không có người bào chữa hoặc người đại diện của họ
không lựa chọn người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải
chỉ định người bào chữa theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.
Ðiều 423. Xét xử
1. Thành phần Hội đồng xét xử
sơ thẩm vụ án phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên
hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.
2. Trường hợp đặc biệt cần bảo
vệ bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi thì Tòa án có thể quyết định xét xử
kín.
3. Phiên tòa xét xử bị cáo là
người dưới 18 tuổi phải có mặt người đại diện của bị cáo, đại diện của nhà
trường, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh hoạt, trừ trường hợp những người này
vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
4. Việc xét hỏi, tranh luận
với bị cáo, bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi tại phiên tòa được
tiến hành phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của họ. Phòng xử án được bố
trí thân thiện, phù hợp với người dưới 18 tuổi.
5. Đối với vụ án có bị hại,
người làm chứng là người dưới 18 tuổi, Hội đồng xét xử phải hạn chế việc tiếp
xúc giữa bị hại, người làm chứng với bị cáo khi bị hại, người làm chứng trình
bày lời khai tại phiên tòa. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể yêu cầu người
đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hỏi bị hại, người làm chứng.
6. Khi xét xử, nếu thấy không
cần thiết phải quyết định hình phạt đối với bị cáo thì Hội đồng xét xử áp dụng
biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.
7. Chánh án Tòa án nhân dân
tối cao quy định chi tiết việc xét xử vụ án có người dưới 18 tuổi của Tòa
gia đình và người chưa thành niên.
Ðiều 424. Chấm dứt việc chấp
hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp giáo dục tại trường giáo
dưỡng, giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt
Người dưới 18 tuổi bị kết án
có thể được chấm dứt việc chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị
trấn, biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, giảm hoặc miễn chấp hành hình
phạt khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 95 hoặc Điều 96 hoặc Ðiều 105 của
Bộ luật hình sự.
Ðiều 425. Xóa án
tích
Việc xóa án tích đối với người
dưới 18 tuổi phạm tội khi có đủ điều kiện quy định tại Ðiều 107 của Bộ luật
hình sự được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.
Điều 426. Thẩm quyền áp dụng
các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được
miễn trách nhiệm hình sự
Cơ quan điều tra, Viện kiểm
sát, Tòa án có thẩm quyền quyết định áp dụng một trong các biện pháp giám sát,
giáo dục sau đây đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm
hình sự:
1. Khiển trách;
2. Hòa giải tại cộng đồng;
3. Giáo dục tại xã, phường,
thị trấn.
Điều 427. Trình
tự, thủ tục áp dụng biện pháp khiển trách
1. Khi miễn trách nhiệm hình
sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội mà xét thấy có đủ điều kiện áp dụng biện
pháp khiển trách theo quy định của Bộ luật hình sự thì Thủ trưởng, Phó Thủ
trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Hội đồng
xét xử quyết định áp dụng biện pháp khiển trách đối với người dưới 18 tuổi
phạm tội trong vụ án do cơ quan mình thụ lý, giải quyết.
2. Quyết định áp dụng biện
pháp khiển trách có các nội dung chính:
a) Số, ngày, tháng, năm; địa
điểm ra quyết định;
b) Họ tên, chức vụ, chữ ký của
người có thẩm quyền ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định;
c) Lý do, căn cứ ra
quyết định;
d) Họ tên, ngày, tháng,
năm sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo;
e) Thời gian thực hiện
nghĩa vụ của người bị khiển trách.
3. Cơ quan điều tra,
Viện kiểm sát, Tòa án phải giao ngay quyết định áp dụng biện pháp khiển trách
cho người bị khiển trách, cha mẹ hoặc người đại diện của họ.
Điều 428. Trình tự, thủ
tục áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng
1. Khi xét thấy có đủ
điều kiện áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng theo quy định của Bộ luật
hình sự thì Thủ
trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra,
Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng
biện pháp hòa giải tại cộng đồng.
2. Quyết định áp dụng
biện pháp hòa giải tại cộng đồng có các nội dung chính:
a) Số, ngày, tháng, năm;
địa điểm ra quyết định;
b) Họ tên, chức vụ, chữ
ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định;
c) Lý do, căn cứ ra
quyết định;
đ) Họ tên Điều tra
viên hoặc Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải;
e) Họ tên, ngày, tháng,
năm sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo;
g) Họ tên người bị hại;
h) Họ tên những người
khác tham gia hòa giải;
i) Thời gian, địa điểm,
tiến hành hòa giải.
3. Quyết định áp
dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải giao cho người dưới 18 tuổi phạm
tội, cha mẹ hoặc người đại diện của họ; người bị hại, người đại diện của
người bị hại và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tổ chức việc hòa
giải tại cộng đồng chậm nhất là 03 ngày trước ngày tiến hành hòa giải.
4. Khi tiến hành hòa
giải, Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán được phân công tiến hành
hòa giải phải phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tổ chức
việc hòa giải và phải lập biên bản hòa giải.
5. Biên bản hòa giải
có các nội dung chính:
a) Địa điểm, giờ, ngày,
tháng, năm tiến hành hòa giải, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc;
b) Họ tên Điều tra viên,
Kiểm sát viên, Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải;
c) Họ tên, ngày, tháng,
năm sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo;
d) Họ tên, ngày, tháng,
năm sinh, nơi cư trú của người bị hại;
đ) Họ tên, ngày,
tháng, năm sinh, nơi cư trú của những người khác tham gia hòa giải;
e) Các câu hỏi, câu trả
lời, lời trình bày của những người tham gia hòa giải;
g) Kết quả hòa giải;
người dưới 18 tuổi, cha mẹ hoặc người đại diện của người dưới 18 tuổi xin
lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại (nếu có); người bị hại, người
đại diện của người bị hại đã tự nguyện hòa giải, đề nghị miễn trách nhiệm hình
sự (nếu có);
h) Chữ ký của Điều tra
viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán hòa giải.
6. Ngay sau khi kết thúc
hòa giải, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán tiến hành hòa giải phải đọc
lại biên bản cho những người tham gia hòa giải nghe. Nếu có người yêu cầu ghi
những sửa đổi, bổ sung thì Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán đã lập biên
bản phải ghi những sửa đổi, bổ sung đó vào biên bản và ký xác nhận. Trường hợp
không chấp nhận yêu cầu thì phải ghi rõ lý do vào biên bản. Biên bản hòa giải
được giao ngay cho những người tham gia hòa giải.
Điều 429.
Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
1. Khi miễn trách nhiệm
hình sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội mà xét thấy có đủ điều kiện áp dụng
biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Bộ luật hình sự
thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng
Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã,
phường, thị trấn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong vụ án do cơ quan
mình thụ lý, giải quyết.
2. Quyết định áp dụng
biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có các nội dung chính:
a) Số, ngày, tháng, năm;
địa điểm ra quyết định;
b) Họ tên, chức vụ, chữ
ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định;
c) Lý do, căn cứ ra
quyết định;
d) Họ tên, ngày, tháng,
năm sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo;
e) Thời hạn áp dụng biện
pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
g) Trách nhiệm của chính
quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị áp dụng biện pháp này cư trú.
3. Trong thời hạn 03
ngày kể từ ngày ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị
trấn, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải giao quyết định cho người
bị áp dụng biện pháp này, cha mẹ hoặc người đại diện của họ và chính
quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú.
Điều 430.
Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng
1. Khi xét thấy không
cần thiết phải áp dụng hình phạt thì Hội đồng xét xử quyết định trong bản án
việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với người dưới 18
tuổi phạm tội.
2. Quyết định áp dụng
biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng có các nội dung chính:
a) Số, ngày, tháng, năm;
địa điểm ra quyết định;
b) Họ tên, chữ ký các
thành viên Hội đồng xét xử đã ra quyết định;
c) Lý do, căn cứ ra
quyết định;
d) Họ tên, ngày, tháng,
năm sinh, nơi cư trú của bị cáo;
e) Thời hạn áp dụng biện
pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;
g) Trách nhiệm của
trường giáo dưỡng nơi giáo dục người bị áp dụng biện pháp này.
3. Quyết định áp dụng
biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng được giao ngay cho người dưới 18
tuổi phạm tội, cha mẹ hoặc người đại diện của họ và trường giáo dưỡng nơi
giáo dục họ.
Chương XXIX
THỦ TỤC TỐ TỤNG TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ PHÁP NHÂN
Điều 431.
Phạm vi áp dụng
Thủ tục tố tụng đối với
pháp nhân bị tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bị điều tra,
truy tố, xét xử, thi hành án được tiến hành theo quy định của Chương này,
đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với quy định của
Chương này.
Điều 432.
Khởi tố vụ án, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự
1. Khi xác định có dấu
hiệu tội phạm do pháp nhân thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định
khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại các điều 143, 153 và 154 của Bộ luật
này.
2. Căn cứ, trình tự, thủ
tục thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự được thực hiện theo quy
định tại Điều 156 của Bộ luật này.
Điều 433. Khởi tố bị
can, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân
1. Khi có đủ căn cứ xác
định pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm thì
cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân.
2. Quyết định khởi tố bị
can đối với pháp nhân ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định; họ tên, chức vụ
người ra quyết định; tên và địa chỉ của pháp nhân theo quyết định thành lập của
cơ quan có thẩm quyền; tội danh, điều khoản của Bộ luật hình sự đã áp dụng;
thời gian, địa điểm phạm tội và những tình tiết khác của tội phạm.
Nếu pháp nhân bị khởi tố
về nhiều tội khác nhau thì trong quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân phải
ghi rõ từng tội danh và điều, khoản của Bộ luật hình sự đã áp dụng.
3. Thẩm quyền, trình tự,
thủ tục khởi tố bị can, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với
pháp nhân được thực hiện theo quy định tại Điều 179 và 180 của Bộ luật này.
Điều 434. Người đại diện
theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng
1. Mọi hoạt động tố tụng
của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thông qua người đại diện
theo pháp luật của pháp nhân. Pháp nhân phải cử và bảo đảm cho người đại diện
theo pháp luật của mình tham gia đầy đủ các hoạt động khởi tố, điều tra, truy
tố, xét xử, thi hành án theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền.
Trường hợp người đại
diện theo pháp luật của pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc
không thể tham gia tố tụng được thì pháp nhân phải cử người khác làm người đại
diện theo pháp luật của mình tham gia tố tụng. Trường hợp pháp nhân thay đổi
người đại diện thì pháp nhân phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến
hành tố tụng.
Tại thời điểm khởi tố,
điều tra, truy tố, xét xử mà pháp nhân không có người đại diện theo pháp luật
hoặc có nhiều người cùng là đại diện theo pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền
tiến hành tố tụng chỉ định một người đại diện cho pháp nhân tham gia tố tụng.
2. Người đại diện theo
pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng phải thông báo cho cơ quan có thẩm
quyền tiến hành tố tụng họ tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, dân tộc, tôn
giáo, giới tính, nghề nghiệp, chức vụ của mình. Nếu có sự thay đổi những thông
tin này thì người đại diện theo pháp luật phải thông báo ngay cho cơ quan có
thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Điều 435.
Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân
1. Người đại
diện theo pháp luật của pháp nhân có quyền:
a) Được thông báo kết
quả giải quyết nguồn tin về tội phạm;
b) Được biết lý do pháp
nhân mà mình đại diện bị khởi tố;
c) Được thông báo, được
giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
d) Được nhận quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân; quyết định thay đổi, bổ sung
quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân; quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân; quyết định phê chuẩn quyết
định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp cưỡng chế; bản kết
luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ,
tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng; quyết định đưa vụ án ra xét xử; bản án, quyết định
của Tòa án và
quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
đ) Trình bày lời khai, trình bày ý
kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại pháp nhân mà mình đại diện hoặc buộc phải thừa nhận pháp nhân mà mình đại diện có tội;
e) Đưa ra chứng cứ, tài liệu,
đồ vật, yêu cầu;
g) Đề nghị thay đổi người có
thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người
phiên dịch, người dịch thuật theo quy định của Bộ luật này;
h) Tự bào chữa, nhờ người bào
chữa cho pháp nhân;
i) Được đọc, ghi chép bản sao
tài liệu hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc
bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa cho pháp nhân kể từ khi kết
thúc điều tra khi có yêu cầu;
k) Tham gia phiên tòa, đề nghị
chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi những người tham gia phiên tòa nếu được
chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa;
l) Phát biểu ý kiến sau cùng
trước khi nghị án;
m) Xem biên bản phiên tòa, yêu
cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa;
n) Kháng cáo bản án, quyết
định của Tòa án;
o) Khiếu nại quyết định, hành
vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
2. Người đại diện
theo pháp luật của pháp nhân có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập
của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do
bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải;
b) Chấp hành quyết định, yêu
cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Điều 436. Biện
pháp cưỡng chế đối với pháp nhân
1. Cơ quan điều tra, cơ quan
được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án
có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế sau đây đối với pháp nhân bị khởi tố,
điều tra, truy tố, xét xử:
a) Kê biên tài sản liên quan
đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
b) Phong tỏa tài khoản của
pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
c) Tạm đình chỉ có thời hạn
hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
d) Buộc nộp một khoản tiền để
bảo đảm thi hành án.
2. Thời hạn áp dụng các
biện pháp cưỡng chế quy định tại khoản 1 Điều này không được quá thời
hạn điều tra, truy tố, xét xử.
Điều 437. Kê biên
tài sản
1. Kê biên tài sản áp dụng đối
với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình sự
quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại.
2. Chỉ kê biên phần tài sản
tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại. Tài
sản bị kê biên được giao cho người đứng đầu pháp nhân có trách nhiệm bảo quản;
nếu để xảy ra việc tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất
giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì người này phải chịu trách nhiệm theo quy
định của pháp luật.
3. Khi kê biên tài sản của
pháp nhân phải có mặt những người sau:
a) Người đại diện theo pháp
luật của pháp nhân;
b) Đại diện chính quyền xã,
phường, thị trấn nơi pháp nhân có tài sản bị kê biên;
c) Người chứng kiến.
4. Thẩm quyền, trình tự, thủ
tục kê biên tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 128 của Bộ luật này.
Điều 438. Phong
tỏa tài khoản
1. Phong tỏa tài khoản áp dụng
đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình
sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại và có căn cứ
xác định pháp nhân đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước.
2. Phong tỏa tài khoản cũng
được áp dụng đối với tài khoản của cá nhân, tổ chức khác nếu có căn cứ xác định
số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân.
3. Chỉ phong tỏa số tiền trong
tài khoản tương ứng với mức có thể phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại.
4. Cơ quan có thẩm quyền phong
tỏa tài khoản phải giao quyết định phong tỏa tài khoản cho đại diện tổ chức tín
dụng hoặc Kho bạc Nhà nước đang quản lý tài khoản của pháp nhân hoặc tài khoản
của cá nhân, tổ chức khác liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân.
5. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục
phong tỏa tài khoản được thực hiện theo quy định tại Điều 129 của Bộ luật này.
Điều 439. Tạm đình chỉ có thời
hạn hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án
1. Tạm đình chỉ có thời hạn
hoạt động của pháp nhân chỉ áp dụng khi có căn cứ xác định hành vi phạm tội của
pháp nhân gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe
của con người, môi trường hoặc trật tự, an toàn xã hội.
Người có thẩm quyền quy
định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm đình chỉ
có thời hạn hoạt động của pháp nhân. Quyết định tạm đình chỉ hoạt động của pháp
nhân của những người quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải
được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Thời hạn tạm đình chỉ hoạt
động của pháp nhân không được quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử theo quy
định của Bộ luật này. Thời hạn tạm đình chỉ đối với pháp nhân bị kết án không
quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm pháp nhân chấp hành án.
2. Buộc nộp một khoản tiền để
bảo đảm thi hành án áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố,
xét xử về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi
thường thiệt hại.
Chỉ buộc nộp một khoản tiền để
bảo đảm thi hành án tương ứng với mức có thể bị phạt tiền hoặc để bồi thường
thiệt hại.
Người có thẩm quyền quy
định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này có quyền ra quyết định buộc pháp nhân
phải nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án. Quyết định buộc pháp nhân phải
nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án của những người quy định tại điểm a
khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn
trước khi thi hành.
Chính phủ quy định chi tiết
trình tự, thủ tục, mức tiền phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn
trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp.
Điều 440. Triệu
tập người đại diện theo pháp luật của pháp nhân
1. Khi triệu tập người đại diện theo pháp luật
của pháp nhân,
người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải gửi giấy triệu tập. Giấy triệu tập
ghi rõ họ tên, chỗ ở hoặc làm việc của người đại diện theo pháp luật của pháp
nhân; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm có mặt, gặp ai và trách nhiệm về việc
vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
2. Giấy triệu tập được gửi cho
người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoặc pháp nhân nơi người đó làm
việc hoặc chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đại diện theo pháp luật
của pháp nhân cư trú. Cơ quan, tổ chức nhận được giấy triệu tập có trách nhiệm
chuyển ngay giấy triệu tập cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
Khi nhận giấy triệu tập, người
đại diện theo pháp luật của pháp nhân phải ký nhận và ghi rõ ngày, giờ nhận.
Người chuyển giấy triệu tập phải chuyển phần giấy triệu tập có ký nhận của
người đại diện cho cơ quan đã triệu tập; nếu người đại diện không ký nhận thì
phải lập biên bản về việc đó và gửi cho cơ quan triệu tập; nếu người đại diện
vắng mặt thì có thể giao giấy triệu tập cho một người đủ 18 tuổi trở lên
trong gia đình để ký xác nhận và chuyển cho người đại diện.
3. Người đại diện theo pháp
luật của pháp nhân phải có mặt theo giấy triệu tập. Trường hợp vắng mặt không
vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì người có thẩm
quyền tiến hành tố tụng có thể ra quyết định dẫn giải.
Điều 441. Những vấn đề cần
phải chứng minh khi tiến hành tố tụng đối với pháp nhân bị buộc tội
1. Có hành vi phạm tội xảy ra
hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội thuộc
trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của Bộ luật hình sự.
2. Lỗi của pháp nhân, lỗi của
cá nhân là thành viên của pháp nhân.
3. Tính chất và mức độ thiệt
hại do hành vi phạm tội của pháp nhân gây ra.
4. Những tình tiết giảm nhẹ,
tăng nặng trách nhiệm hình sự và tình tiết khác liên quan đến miễn hình phạt.
5. Nguyên nhân và điều kiện
phạm tội.
Điều 442. Lấy lời khai người
đại diện theo pháp luật của pháp nhân
1. Việc lấy lời khai người đại
diện theo pháp luật của pháp nhân phải do Điều tra viên, cán bộ điều tra của cơ
quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện tại nơi
tiến hành điều tra, tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm
vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc tại trụ sở của pháp nhân.
Trước khi lấy lời khai, Điều tra viên, cán bộ điều tra phải thông báo cho Kiểm
sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm lấy lời khai. Khi xét thấy cần
thiết, Kiểm sát viên tham gia việc lấy lời khai.
2. Trước khi tiến hành lấy lời
khai lần đầu, Điều tra viên, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ
tiến hành một số hoạt động điều tra phải giải thích cho người đại diện theo
pháp luật của pháp nhân biết rõ quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 435 của Bộ
luật này và phải ghi vào biên bản. Có thể cho người đại diện theo pháp luật của
pháp nhân tự viết lời khai của mình.
3. Không được lấy lời khai
người đại diện theo pháp luật của pháp nhân vào ban đêm.
4. Kiểm sát viên lấy lời khai
người đại diện theo pháp luật của pháp nhân trong trường hợp người này không
thừa nhận hành vi phạm tội của pháp nhân, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có
căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi
xét thấy cần thiết.
Việc Kiểm sát viên lấy lời
khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân cũng được tiến hành theo quy
định tại Điều này.
5. Việc lấy lời khai của người
đại diện theo pháp luật của pháp nhân tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan
được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc
ghi hình có âm thanh.
Việc lấy lời khai của người
đại diện theo pháp luật của pháp nhân tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc
ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của người đại diện, của cơ quan, người có
thẩm quyền tiến hành tố tụng.
6. Biên bản lấy lời khai người
đại diện theo pháp luật của pháp nhân được lập theo quy định tại Điều 178 của
Bộ luật này.
Điều 443. Tạm đình chỉ điều
tra, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, bị cáo
1. Cơ quan điều tra, cơ quan
được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định tạm đình
chỉ điều tra khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước
ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả mà đã hết thời hạn điều tra.
Trường hợp này việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục
được tiến hành cho đến khi có kết quả.
2. Cơ quan điều tra, cơ quan
được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định đình chỉ
điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can,
bị cáo là pháp nhân khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Không có sự việc phạm tội;
b) Hành vi của pháp nhân không
cấu thành tội phạm;
c) Hành vi phạm tội của pháp
nhân đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
d) Hết thời hạn điều tra mà
không chứng minh được pháp nhân thực hiện tội phạm;
đ) Hết thời hiệu truy cứu
trách nhiệm hình sự.
Điều 444. Thẩm
quyền và thủ tục xét xử đối với pháp nhân
1. Tòa án có thẩm quyền xét xử
vụ án hình sự về các tội phạm do pháp nhân thực hiện là Tòa án nơi pháp nhân
thực hiện tội phạm. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau
thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi pháp nhân đó có trụ sở chính hoặc
nơi có chi nhánh của pháp nhân đó thực hiện tội phạm.
2. Việc xét xử sơ thẩm, phúc
thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với pháp nhân phạm tội được thực hiện theo
thủ tục chung quy định tại Phần thứ tư và Phần thứ sáu của Bộ luật này.
Phiên tòa xét xử đối với pháp nhân phải có mặt người đại diện theo pháp luật
của pháp nhân, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp; có mặt bị hại hoặc người
đại diện của bị hại.
Điều 445. Thẩm
quyền, thủ tục thi hành án đối với pháp nhân
1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự
có thẩm quyền ra quyết định thi hành hình phạt tiền đối với pháp nhân. Trình
tự, thủ tục thi hành hình phạt tiền được thực hiện theo quy định của Luật thi
hành án dân sự.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm
quyền thi hành các hình phạt khác và các biện pháp tư pháp quy định tại Bộ luật
hình sự đối với pháp nhân theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp pháp nhân bị kết
án thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập thì pháp nhân kế thừa các quyền và
nghĩa vụ của pháp nhân bị kết án có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thi hành án
phạt tiền, bồi thường thiệt hại.
Điều 446. Thủ
tục đương nhiên xóa án tích đối với pháp nhân
Trong thời hạn 05 ngày kể
từ ngày nhận được yêu cầu của pháp nhân được đương nhiên xóa án tích
và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 89 của Bộ luật hình
sự thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án cấp giấy chứng
nhận pháp nhân đã được xóa án tích.
Chương XXX
THỦ TỤC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP BẮT BUỘC CHỮA BỆNH
Điều 447. Điều
kiện và thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh
1. Khi có căn cứ cho rằng
người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình
sự theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật hình sự thì tuỳ từng giai đoạn tố
tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải trưng cầu giám định pháp y
tâm thần.
2. Căn cứ kết luận giám định
pháp y tâm thần, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh
trong giai đoạn điều tra, truy tố; Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc
chữa bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án.
Điều 448. Điều tra
đối với người bị nghi về năng lực trách nhiệm hình sự
1. Đối với vụ án mà có căn cứ
cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách
nhiệm hình sự, Cơ quan điều tra phải làm sáng tỏ:
a) Hành vi nguy hiểm cho xã
hội đã xảy ra;
b) Tình trạng tâm thần và bệnh
tâm thần của người có hành vi nguy hiểm cho xã hội;
c) Người có hành vi nguy hiểm
cho xã hội có mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình
hay không.
2. Khi tiến hành tố tụng, Cơ
quan điều tra phải bảo đảm có người bào chữa tham gia tố tụng từ khi xác
định được người có hành vi nguy hiểm cho xã hội mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh
khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi. Người đại
diện của người đó có thể tham gia tố tụng trong trường hợp cần thiết.
Điều 449. Áp dụng
biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra
1. Khi Cơ quan điều tra trưng
cầu giám định pháp y tâm thần mà kết quả giám định xác định bị can mắc bệnh tâm
thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành
vi thì Cơ quan điều tra gửi văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa
bệnh cùng kết luận giám định cho Viện kiểm sát cùng cấp để xem xét, quyết
định.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ
ngày nhận được văn bản đề nghị của Cơ quan điều tra cùng kết luận giám định,
Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp chữa bệnh đối với bị can hoặc yêu
cầu Cơ quan điều tra trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại nếu thấy chưa
đủ căn cứ để quyết định.
2. Trường hợp Viện kiểm sát ra
quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì Cơ quan điều tra phải ra
quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra đối với bị can.
Điều 450. Quyết
định của Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố
1. Sau khi nhận được hồ sơ vụ
án và bản kết luận điều tra, nếu có căn cứ cho rằng bị can không có năng lực
trách nhiệm hình sự thì Viện kiểm sát trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
2. Căn cứ vào kết luận giám
định, Viện kiểm sát có thể ra một trong các quyết định:
a) Tạm đình chỉ vụ án và áp
dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
b) Đình chỉ vụ án và áp dụng
biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
c) Trả hồ sơ để điều tra bổ
sung;
d) Truy tố bị can trước
Tòa án.
3. Ngoài quyết định áp
dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, Viện kiểm sát có thể giải quyết vấn đề khác
liên quan đến vụ án.
Điều 451.
Quyết định của Tòa án trong giai đoạn xét xử
1. Sau khi thụ lý vụ
án, nếu có căn cứ cho rằng bị can, bị cáo
không có năng lực trách nhiệm hình sự thì Tòa án trưng cầu giám định pháp y tâm
thần.
2. Căn cứ vào kết luận giám định, Tòa án có thể ra một
trong những quyết định:
a) Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc
chữa bệnh;
b) Trả hồ sơ để điều tra
lại hoặc điều tra bổ sung;
c) Miễn trách nhiệm hình
sự hoặc miễn hình phạt và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
d) Đưa vụ án ra xét xử.
3. Ngoài quyết định áp
dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, Tòa án có thể giải quyết vấn đề bồi thường
thiệt hại hoặc vấn đề khác liên quan đến vụ án.
Điều 452. Áp dụng biện
pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người đang chấp hành án phạt tù
1. Trường hợp có căn cứ
cho rằng người đang chấp hành án phạt tù mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác
làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì Trại giam, Trại
tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh đề nghị Tòa án nhân dân
cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án chấp hành án phạt tù
trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
2. Căn cứ kết luận giám
định pháp y tâm thần, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Chánh án Tòa án
quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án đang chấp hành án phạt tù ra quyết
định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa
bệnh.
Sau khi khỏi bệnh, người
đó phải tiếp tục chấp hành án phạt tù nếu không có lý do để miễn chấp hành
hình phạt tù.
Điều 453.
Khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị
1. Việc khiếu nại và
giải quyết khiếu nại quyết định của Viện kiểm sát về việc áp dụng biện pháp bắt
buộc chữa bệnh được thực hiện theo quy định tại Chương XXXIII của Bộ luật này.
2. Việc kháng cáo,
kháng nghị quyết định của Tòa án về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh
được thực hiện như đối với quyết định sơ thẩm quy định tại Bộ luật này.
3. Quyết định áp dụng
biện pháp bắt buộc chữa bệnh có hiệu lực thi hành cho đến khi có quyết định
khác thay thế hoặc hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Điều 454.
Đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh
1. Biện pháp bắt buộc
chữa bệnh được thực hiện ở cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần do Viện kiểm sát
hoặc Tòa án chỉ định theo quy định của pháp luật.
2. Khi có thông báo của thủ trưởng cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần
về việc người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh thì cơ quan đã đề nghị áp dụng
biện pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc Viện kiểm sát, Tòa án đã ra quyết định áp
dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trưng cầu giám định pháp y tâm thần về tình
trạng bệnh của người bị bắt buộc chữa bệnh.
Căn cứ kết luận giám định về việc người bị bắt buộc chữa
bệnh đã khỏi bệnh, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định đình chỉ thi hành biện
pháp bắt buộc chữa bệnh.
3. Quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa
bệnh phải được cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc
Viện kiểm sát, Tòa án gửi ngay cho cơ sở bắt buộc chữa bệnh và người đại diện
của người bị bắt buộc chữa bệnh.
4. Các hoạt động tố tụng, việc chấp hành hình phạt đã bị
tạm đình chỉ có thể được phục hồi theo quy định của Bộ luật này.
Chương XXXI
THỦ TỤC RÚT GỌN
Điều 455.
Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn
Thủ tục rút gọn đối với
việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm được thực hiện theo
quy định của Chương này và những quy định khác của Bộ luật này không trái với
quy định của Chương này.
Điều 456.
Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn
1. Thủ tục rút
gọn được áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm khi có đủ
các điều kiện:
a) Người thực hiện hành
vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú;
b) Sự việc phạm tội đơn
giản, chứng cứ rõ ràng;
c) Tội phạm đã thực hiện
là tội phạm ít nghiêm trọng;
d) Người phạm tội có nơi
cư trú, lý lịch rõ ràng.
2. Thủ tục rút gọn được áp dụng trong xét xử phúc thẩm khi có một trong các
điều kiện:
a) Vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ
thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được
hưởng án treo;
b) Vụ án chưa được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ
thẩm nhưng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và chỉ có kháng
cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo.
Điều 457. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn
1. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều kiện
quy định tại Điều 456 của Bộ luật này, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án
phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.
Thủ tục rút gọn được áp dụng kể từ khi ra quyết định cho
đến khi kết thúc việc xét xử phúc thẩm, trừ trường hợp bị hủy bỏ theo quy định
tại Điều 458 của Bộ luật này.
2. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn được giao cho bị
can, bị cáo hoặc người đại diện của họ, gửi cho người bào chữa trong thời hạn
24 giờ kể từ khi ra quyết định.
Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra,
Tòa án được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra
quyết định.
3. Trường hợp xét thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn
của Cơ quan điều tra không đúng pháp luật thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi
nhận được quyết định, Viện kiểm sát phải ra quyết định hủy bỏ quyết định áp
dụng thủ tục rút gọn và gửi cho Cơ quan điều tra.
4. Trường hợp xét thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn
của Tòa án không đúng pháp luật thì Viện kiểm sát kiến nghị với Chánh án Tòa án
đã ra quyết định. Chánh án Tòa án phải xem xét, trả lời trong thời hạn 24 giờ
kể từ khi nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát.
5. Quyết
định áp dụng thủ tục rút gọn có thể bị khiếu nại. Bị can, bị cáo hoặc người đại
diện của họ có quyền khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; thời hiệu
khiếu nại là 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Khiếu nại được gửi đến Cơ
quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn
và phải được giải quyết trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Điều 458. Hủy bỏ
quyết định áp dụng thủ tục rút gọn
Trong quá trình áp dụng thủ
tục rút gọn, nếu một trong các điều kiện quy định tại các điểm b, c và d khoản
1 Điều 456 của Bộ luật này không còn hoặc vụ án thuộc trường hợp tạm đình chỉ
điều tra, tạm đình chỉ vụ án hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định
của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định hủy
bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và giải quyết vụ án theo thủ tục chung
quy định tại Bộ luật này.
Thời hạn tố tụng của vụ án
được tính tiếp theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này kể từ khi có
quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.
Điều 459. Tạm giữ,
tạm giam để điều tra, truy tố, xét xử
1. Căn cứ, thẩm quyền và thủ
tục tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo quy định của Bộ luật này.
2. Thời hạn tạm giữ không được
quá 03 ngày kể từ ngày Cơ quan điều tra nhận người bị bắt.
3. Thời hạn tạm giam trong
giai đoạn điều tra không quá 20 ngày, trong giai đoạn truy tố không quá 05 ngày,
trong giai đoạn xét xử sơ thẩm không quá 17 ngày, trong giai đoạn xét xử phúc
thẩm không quá 22 ngày.
Điều 460. Điều tra
1. Thời hạn điều tra theo thủ
tục rút gọn là 20 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.
2. Khi kết thúc điều tra, Cơ
quan điều tra ra quyết định đề nghị truy tố.
Quyết định đề nghị truy tố
ghi tóm tắt hành vi phạm tội, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội,
tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp
dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;
việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và xử lý vật chứng; đặc
điểm nhân thân của bị can, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm
hình sự; lý do và căn cứ đề nghị truy tố; tội danh, điểm, khoản, điều
của Bộ luật hình sự được áp dụng; ghi rõ thời gian, địa điểm, họ tên và
chữ ký của người ra quyết định.
3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ
khi ra quyết định đề nghị truy tố, Cơ quan điều tra phải giao quyết định đề
nghị truy tố cho bị can hoặc người đại diện của bị can, gửi cho người bào
chữa, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ và chuyển quyết định đề
nghị truy tố cùng hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát.
Điều 461. Quyết
định truy tố
1. Trong thời hạn 05 ngày kể
từ ngày nhận được quyết định đề nghị truy tố và hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát ra
một trong các quyết định:
a) Truy tố bị can trước Tòa án
bằng quyết định truy tố;
b) Không truy tố bị can và ra
quyết định đình chỉ vụ án;
c) Trả hồ sơ để điều tra bổ
sung;
d) Tạm đình chỉ vụ án;
đ) Đình chỉ vụ án.
2. Quyết định truy tố ghi tóm
tắt hành vi phạm tội, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất,
mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi,
hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; việc thu giữ, tạm
giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng; đặc điểm nhân thân của
bị can, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nêu rõ lý
do và căn cứ truy tố; tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật hình
sự được áp dụng; ghi rõ thời gian, địa điểm, họ tên và chữ ký của người ra
quyết định.
3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ
khi ra quyết định truy tố, Viện kiểm sát phải giao quyết định cho bị can hoặc
người đại diện của họ; gửi cho Cơ quan điều tra, người bào chữa, bị hại,
đương sự hoặc người đại diện của họ và chuyển quyết định truy tố cùng hồ
sơ vụ án cho Tòa án.
Điều 462. Chuẩn bị
xét xử sơ thẩm
1. Trong thời hạn 10 ngày kể
từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công xét xử ra một trong các quyết
định:
a) Đưa vụ án ra xét xử;
b) Trả hồ sơ để điều tra bổ
sung;
c) Tạm đình chỉ vụ án;
d) Đình chỉ vụ án.
2. Trường hợp quyết định đưa
vụ án ra xét xử thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định, Tòa án
phải mở phiên tòa xét xử vụ án.
3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ
khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi quyết định
đó cho Viện kiểm sát cùng cấp; giao cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo;
gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ.
Điều 463. Phiên
tòa xét xử sơ thẩm
1. Phiên tòa xét xử sơ thẩm theo thủ tục
rút gọn do một Thẩm phán tiến hành.
2. Sau phần thủ tục bắt đầu phiên tòa,
Kiểm sát viên công bố quyết định truy tố.
3. Các trình tự, thủ tục
khác tại phiên tòa xét xử sơ thẩm được thực hiện theo thủ tục chung quy
định tại Bộ luật này nhưng không tiến hành nghị án.
Điều 464. Chuẩn bị
xét xử phúc thẩm
1. Việc nhận và thụ lý hồ
sơ vụ án được Tòa án cấp phúc thẩm thực hiện theo thủ tục chung quy định tại
Bộ luật này.
Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án
phải chuyển ngay hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày
Viện kiểm sát phải trả hồ sơ vụ án cho Tòa án.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể
từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công xét xử ra một trong các quyết
định:
a) Đưa vụ án ra xét xử phúc
thẩm;
b) Đình chỉ xét xử phúc thẩm
vụ án.
3. Trường hợp quyết định đưa
vụ án ra xét xử phúc thẩm thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định,
Tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án.
4. Trong thời hạn 24 giờ kể từ
khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định
đó cho Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; giao cho bị cáo hoặc người đại
diện của bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ.
Điều 465. Phiên
tòa xét xử phúc thẩm
1. Việc xét xử phúc thẩm theo
thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành.
2. Các trình tự, thủ tục
khác tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo thủ tục chung quy định
tại Bộ luật này nhưng không tiến hành nghị án.
Chương XXXII
XỬ LÝ CÁC
HÀNH VI CẢN TRỞ HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Điều 466. Xử lý người có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến
hành tố tụng
Người bị buộc tội, người tham gia tố tụng
khác có một trong các hành vi sau đây thì tuỳ mức độ vi phạm có thể bị
cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định áp giải, dẫn giải, phạt cảnh
cáo, phạt tiền, tạm giữ hành chính, buộc khắc phục hậu quả hoặc bị truy cứu
trách nhiệm hình sự theo quy định của luật:
1. Làm giả, hủy hoại chứng cứ gây trở ngại
cho việc giải quyết vụ việc, vụ án;
2. Khai báo gian dối hoặc cung cấp tài
liệu sai sự thật;
3. Từ chối khai báo hoặc từ chối cung cấp
tài liệu, đồ vật;
4. Người giám định, người định giá tài sản
kết luận gian dối hoặc từ chối kết luận giám định, định giá tài sản mà không vì
lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;
5. Lừa dối, đe doạ, mua chuộc, sử dụng vũ
lực nhằm ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm
chứng gian dối;
6. Lừa dối, đe doạ, mua chuộc, sử dụng vũ
lực nhằm ngăn cản người bị hại tham gia tố tụng hoặc buộc người bị hại khai báo
gian dối;
7. Lừa dối, đe doạ, mua chuộc, sử dụng vũ
lực nhằm ngăn cản người giám định, người định giá tài sản thực hiện nhiệm vụ
hoặc buộc người giám định, người định giá tài sản kết luận sai với sự thật
khách quan;
8. Lừa dối, đe doạ, mua chuộc, sử dụng vũ
lực nhằm ngăn cản người phiên dịch, người dịch thuật thực hiện nhiệm vụ hoặc
buộc người phiên dịch, người dịch thuật dịch gian dối;
9. Lừa dối, đe doạ, mua chuộc, sử dụng vũ
lực nhằm ngăn cản đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia tố tụng;
10. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín
của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; đe doạ, sử dụng vũ lực hoặc có hành
vi khác cản trở hoạt động tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
11. Đã được triệu tập mà vắng mặt không vì
lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ
gây trở ngại cho hoạt động tố tụng;
12. Ngăn cản việc cấp, giao, nhận hoặc
thông báo văn bản tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Điều 467. Xử lý người vi phạm
nội quy phiên tòa
1. Người vi phạm nội quy phiên tòa thì tùy
tính chất, mức độ vi phạm có thể bị Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định xử
phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
2. Chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết
định buộc người vi phạm rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính. Cơ quan
công an có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ trật
tự phiên tòa thi hành quyết định của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa về việc buộc
rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự phiên tòa.
3. Trường hợp hành vi của người vi phạm
nội quy phiên tòa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Hội đồng xét xử
có quyền khởi tố vụ án hình sự.
4. Quy định tại Điều này cũng được áp dụng
đối với người có hành vi vi phạm tại phiên họp của Tòa án.
Điều 468. Hình thức xử phạt,
thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt
Hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự,
thủ tục xử phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự được thực
hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và pháp luật khác có liên
quan.
Chương XXXIII
KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Điều 469. Người có
quyền khiếu nại
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân
có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền
tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp
luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2. Đối với bản án, quyết định
sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật
của Tòa án, cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút
gọn, quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm, Hội
đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm, Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn
chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu có khiếu nại, kháng
cáo, kháng nghị thì giải quyết theo quy định tại các chương XXI, XXII, XXIV,
XXV, XXVI và XXXI của Bộ luật này.
Điều 470. Các
quyết định, hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại
1. Quyết định tố tụng có thể
bị khiếu nại là các quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra,
Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh
án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt
động điều tra được ban hành theo quy định của Bộ luật này.
2. Hành vi tố tụng có thể bị
khiếu nại là hành vi được thực hiện trong hoạt động tố tụng của Thủ trưởng, Phó
Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Viện trưởng, Phó
Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chánh án, Phó Chánh án
Tòa án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số
hoạt động điều tra được thực hiện theo quy định của Bộ luật này.
Điều 471. Thời
hiệu khiếu nại
1. Thời hiệu khiếu nại là 15
ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố
tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật.
2. Trường hợp vì lý do bất khả
kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền
khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở
ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Điều 472. Quyền và
nghĩa vụ của người khiếu nại
1. Người khiếu nại có
quyền:
a) Tự mình khiếu nại hoặc thông
qua người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc
người đại diện để khiếu nại;
b) Khiếu nại trong bất kỳ giai
đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án hình sự;
c) Rút khiếu nại trong bất kỳ
giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại;
d) Được nhận quyết định giải
quyết khiếu nại;
đ) Được khôi phục quyền, lợi
ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp
luật.
2. Người khiếu nại có
nghĩa vụ:
a) Trình bày trung thực sự
việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách
nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp các thông tin, tài
liệu đó;
b) Chấp hành quyết định giải
quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.
Điều 473. Quyền và
nghĩa vụ của người bị khiếu nại
1. Người bị khiếu nại
có quyền:
a) Được thông báo về nội dung
khiếu nại;
b) Đưa ra bằng chứng về tính
hợp pháp của quyết định, hành vi tố tụng bị khiếu nại;
c) Được nhận quyết định giải
quyết khiếu nại về quyết định, hành vi tố tụng của mình.
2. Người bị khiếu nại
có nghĩa vụ:
a) Giải trình về quyết định,
hành vi tố tụng bị khiếu nại; cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan khi cơ
quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu;
b) Chấp hành quyết định giải
quyết khiếu nại;
c) Bồi thường thiệt hại, bồi
hoàn, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi tố tụng trái pháp luật của mình
gây ra theo quy định của pháp luật.
Điều 474. Thẩm quyền và thời
hạn giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong việc giữ người trong
trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam
1. Khiếu nại đối với lệnh giữ
người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt, quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam,
quyết định tạm giam, quyết định phê chuẩn việc bắt, quyết định gia hạn tạm giữ,
quyết định gia hạn tạm giam và khiếu nại các hành vi thực hiện các lệnh và
quyết định đó phải được giải quyết ngay trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận
được khiếu nại. Trường hợp cần phải có thời gian để xác minh thêm thì thời hạn
giải quyết không được quá 03 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
2. Viện trưởng Viện kiểm sát
có trách nhiệm giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong việc giữ
người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều
tra, truy tố. Cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giữ người trong trường hợp
khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam phải chuyển ngay cho Viện kiểm sát thực hành
quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án, vụ việc khiếu nại của người bị giữ,
người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong thời hạn 24 giờ kể từ
khi nhận được khiếu nại.
Khiếu nại đối với quyết định,
hành vi tố tụng của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên,
Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến
hành một số hoạt động điều tra trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp,
bắt, tạm giữ, tạm giam do Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết.
Khiếu nại đối với quyết định,
hành vi tố tụng của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát trong việc bắt, tạm giữ, tạm
giam do Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết.
Nếu không đồng ý với quyết
định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát thì trong thời hạn 03
ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có
quyền khiếu nại đến Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nếu việc giải quyết khiếu nại lần đầu do
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh giải quyết. Trong thời hạn 07 ngày
kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp,
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải xem xét, giải quyết. Quyết định
giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện
kiểm sát nhân dân tối cao là quyết định có hiệu lực pháp luật.
Khiếu nại đối với quyết định,
hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam
do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân
tối cao xem xét, giải quyết nếu quyết định, hành vi tố tụng bị khiếu nại là của
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh. Trong
thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp
trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện
trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân
dân tối cao là quyết định có hiệu lực pháp luật.
3. Tòa án có trách nhiệm giải
quyết khiếu nại quyết định bắt, tạm giam trong giai đoạn xét xử.
Khiếu nại đối với quyết định,
hành vi tố tụng của Phó Chánh án trong việc bắt, tạm giam do Chánh án Tòa án
xem xét, giải quyết. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của
Chánh án thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết
khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Chánh án Tòa án trên một cấp.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án Tòa án trên một
cấp phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án trên
một cấp là quyết định có hiệu lực pháp luật.
Khiếu nại đối với quyết định,
hành vi tố tụng của Chánh án Tòa án trong việc bắt, tạm giam do Chánh án Tòa án
trên một cấp xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được
khiếu nại, Chánh án Tòa án trên một cấp phải xem xét, giải quyết. Quyết định
giải quyết của Chánh án Tòa án trên một cấp là quyết định có hiệu lực pháp
luật.
Điều 475. Thẩm quyền và thời
hạn giải quyết khiếu nại đối với Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng
và Thủ trưởng Cơ quan điều tra, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt
động điều tra
1. Khiếu nại đối với quyết
định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng Cơ
quan điều tra trừ khiếu nại về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt,
tạm giữ, tạm giam do Thủ trưởng Cơ quan điều tra xem xét, giải quyết trong thời
hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định
giải quyết của Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì trong thời hạn 03 ngày kể từ
ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu
nại đến Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày
nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phải xem xét, giải
quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp là quyết
định có hiệu lực pháp luật.
Khiếu nại đối với quyết định,
hành vi tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra và các quyết định tố tụng của
Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn do Viện trưởng Viện kiểm sát
cùng cấp giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu
không đồng ý với quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp
thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu
nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên
trực tiếp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nếu việc giải quyết
khiếu nại lần đầu do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh giải quyết.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện kiểm
sát cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải xem
xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên
trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là quyết định có hiệu lực
pháp luật.
2. Khiếu nại đối với quyết
định, hành vi tố tụng của cấp phó, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm
vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trừ việc giữ người trong trường hợp khẩn
cấp, bắt, tạm giữ do cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số
hoạt động điều tra xem xét, giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận
được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của cấp trưởng thì
trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại,
người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và
kiểm sát điều tra. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện
trưởng Viện kiểm sát phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện
trưởng Viện kiểm sát là quyết định có hiệu lực pháp luật.
Khiếu nại đối với quyết định,
hành vi tố tụng của cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt
động điều tra do Viện trưởng Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát
điều tra xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu
nại, Viện trưởng Viện kiểm sát phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết
của Viện trưởng Viện kiểm sát là quyết định có hiệu lực pháp luật.
Điều 476. Thẩm quyền và thời hạn giải
quyết khiếu nại đối với Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Phó Viện trưởng và Viện
trưởng Viện kiểm sát
1. Khiếu nại đối với quyết
định, hành vi tố tụng của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Phó Viện trưởng Viện
kiểm sát do Viện trưởng Viện kiểm sát xem xét, giải quyết trong thời hạn 07
ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết
của Viện trưởng Viện kiểm sát thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được
quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện
kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu
nại, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải
quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là quyết định có hiệu
lực pháp luật.
2. Khiếu nại đối với quyết
định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát do Viện kiểm sát cấp trên
trực tiếp xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu
nại. Quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là
quyết định có hiệu lực pháp luật.
3. Trong các trường hợp quy định tại khoản
1 và khoản 2 Điều này, nếu là khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thì được giải quyết:
a) Khiếu nại đối với quyết định, hành vi
tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thực hành quyền
công tố, kiểm sát điều tra, truy tố do Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét,
giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định
giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân tối cao là quyết định có hiệu lực pháp
luật;
b) Khiếu nại đối với quyết định, hành vi
tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thực hành quyền
công tố, kiểm sát xét xử do Viện kiểm sát nhân dân cấp cao xem xét, giải quyết
trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết
của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là quyết định có hiệu lực pháp luật.
4. Khiếu nại đối với quyết
định, hành vi tố tụng của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm
sát viên và Kiểm tra viên công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát
viên và Kiểm tra viên công tác tại Viện kiểm sát quân sự trung ương, Phó Viện
trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân
tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương xem xét, giải quyết trong
thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết của Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung
ương là quyết định có hiệu lực pháp luật.
Điều 477. Thẩm quyền và thời
hạn giải quyết khiếu nại đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên, Phó Chánh án và
Chánh án Tòa án
1. Khiếu nại đối với quyết
định, hành vi tố tụng của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Phó Chánh án Tòa án nhân
dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực trước khi mở phiên tòa do Chánh án Tòa án
nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực giải quyết trong thời hạn
07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Nếu không đồng ý với quyết
định giải quyết của Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự
khu vực thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết
khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Chánh án Tòa án nhân dân cấp
tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày
nhận được khiếu nại, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự
cấp quân khu phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Chánh án Tòa
án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu là quyết định có
hiệu lực pháp luật.
Khiếu nại đối với quyết định,
hành vi tố tụng của Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự
khu vực trước khi mở phiên tòa do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án
Tòa án quân sự cấp quân khu xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ
ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án nhân dân
cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu là quyết định có hiệu lực pháp
luật.
2. Khiếu nại đối với quyết
định, hành vi tố tụng của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Phó Chánh án Tòa án nhân
dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu trước khi mở phiên tòa do
Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu xem
xét, giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu
không đồng ý với quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh,
Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận
được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến
Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương xem xét,
giải quyết trong thời hạn 15 ngày. Quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án
nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương là quyết định có hiệu lực
pháp luật.
Khiếu nại đối với quyết định,
hành vi tố tụng của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp
cao trước khi mở phiên tòa do Chánh án Tòa án cấp cao xem xét, giải quyết trong
thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết
định giải quyết của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao thì trong thời hạn 03 ngày
kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền
khiếu nại đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, giải quyết trong thời
hạn 15 ngày. Quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là
quyết định có hiệu lực pháp luật.
Khiếu nại đối với quyết định,
hành vi tố tụng của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự
cấp quân khu do Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự trung
ương xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án
quân sự trung ương là quyết định có hiệu lực pháp luật.
3. Khiếu nại đối với quyết
định, hành vi tố tụng của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Thẩm phán Tòa án
nhân dân tối cao, Thẩm tra viên công tác tại Tòa án nhân dân tối cao, Phó Chánh
án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán và Thẩm tra viên công tác tại Tòa án quân
sự trung ương, Phó Chánh án Tòa án quân sự trung ương do Chánh án Tòa án nhân
dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương xem xét, giải quyết trong thời
hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết của Chánh án
Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương là quyết định có
hiệu lực pháp luật.
Điều 478. Người có
quyền tố cáo
Cá nhân có quyền tố cáo với cơ
quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm
quyền tiến hành tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của
Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Điều 479. Quyền và nghĩa vụ
của người tố cáo
1. Người tố cáo có quyền:
a) Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với
cơ quan, người có thẩm quyền;
b) Yêu cầu giữ bí mật họ tên, địa chỉ,
bút tích của mình;
c) Được nhận quyết định giải quyết tố
cáo;
d) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến
hành tố tụng bảo vệ khi bị đe doạ, trù dập, trả thù.
2. Người tố cáo có nghĩa vụ:
a) Trình bày trung thực về nội dung tố
cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc tố cáo;
b) Nêu rõ họ tên, địa chỉ của mình;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật
nếu cố ý tố cáo sai sự thật.
Điều 480. Quyền và nghĩa vụ
của người bị tố cáo
1. Người bị tố cáo có quyền:
a) Được thông báo về nội dung tố cáo;
b) Đưa ra bằng chứng để chứng minh nội
dung tố cáo là không đúng sự thật;
c) Được nhận quyết định giải quyết tố
cáo;
d) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp
pháp bị xâm phạm, được phục hồi danh dự, được bồi thường thiệt hại do việc tố
cáo không đúng gây ra;
đ) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân
có thẩm quyền xử lý người tố cáo sai sự thật.
2. Người bị tố cáo có nghĩa
vụ:
a) Giải trình về hành vi bị tố cáo;
cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu
cầu;
b) Chấp hành quyết định giải quyết tố
cáo;
c) Bồi thường thiệt hại, bồi hoàn,
khắc phục hậu quả do hành vi tố tụng trái pháp luật của mình gây ra.
Điều 481. Thẩm quyền và thời
hạn giải quyết tố cáo
1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật
của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc cơ quan có thẩm quyền tiến hành
tố tụng nào thì người đứng đầu cơ quan đó có thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp người bị tố cáo là Thủ trưởng
Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra,
Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp người bị tố cáo là Chánh án
Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực thì Chánh án Tòa án
nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu có thẩm quyền giải
quyết.
Trường hợp người bị tố cáo là Chánh án
Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu thì Chánh án Tòa
án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương có thẩm quyền giải
quyết.
Trường hợp người bị tố cáo là Chánh án
Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương thì Chánh án Tòa án
nhân dân tối cao có thẩm quyền giải quyết.
Tố cáo hành vi tố tụng của người được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra do Viện kiểm sát thực hành
quyền công tố, kiểm sát điều tra có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
2. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có
dấu hiệu tội phạm thì được giải quyết theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật
này.
3. Thời hạn giải quyết tố cáo không
quá 30 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn
giải quyết tố cáo có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày.
4. Tố cáo liên quan đến hành vi giữ
người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều
tra, truy tố phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện
kiểm sát có thẩm quyền xem xét, giải quyết trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận
được tố cáo. Trường hợp phải xác minh thêm thì thời hạn không quá 03 ngày kể từ
ngày nhận được tố cáo.
Điều 482. Trách nhiệm của cơ
quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Cơ quan, người có thẩm quyền giải
quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách
nhiệm tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo và gửi
văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo cho người đã khiếu nại, tố cáo; xử lý
nghiêm minh người vi phạm pháp luật; áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo khi
có yêu cầu, ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm kết quả giải quyết khiếu
nại, tố cáo được thi hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
về việc giải quyết của mình.
2. Người có thẩm quyền giải quyết
khiếu nại, tố cáo mà không giải quyết, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết,
giải quyết trái pháp luật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật
hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường
thiệt hại, bồi hoàn theo quy định của luật.
3. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao
nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án có trách nhiệm thông báo
việc tiếp nhận và gửi văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát
cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Điều 483. Nhiệm vụ, quyền hạn
của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Viện kiểm sát kiểm sát việc giải
quyết khiếu nại, tố cáo của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến
hành một số hoạt động điều tra, Tòa án cùng cấp và cấp dưới.
2. Khi kiểm sát việc giải quyết khiếu
nại, tố cáo, Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án,
cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định
giải quyết khiếu nại, ra văn bản giải quyết tố cáo theo quy định tại Chương
này;
b) Yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án,
cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tự kiểm tra việc
giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp mình và cấp dưới; thông báo kết quả kiểm
tra cho Viện kiểm sát;
c) Yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án,
cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cung cấp hồ sơ,
tài liệu liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát;
d) Trực tiếp kiểm sát việc giải quyết
khiếu nại, tố cáo tại Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành
một số hoạt động điều tra, Tòa án cùng cấp và cấp dưới;
đ) Ban hành kết luận kiểm sát; thực
hiện quyền kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án, cơ quan
được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm trong
việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
3. Viện kiểm sát cấp trên có trách
nhiệm thanh tra, kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Viện kiểm sát
cấp dưới. Viện kiểm sát nhân dân tối cao thanh tra, kiểm tra việc giải quyết
khiếu nại, tố cáo của Viện kiểm sát các cấp.
Chương XXXIV
BẢO VỆ NGƯỜI TỐ GIÁC TỘI PHẠM,
NGƯỜI LÀM CHỨNG, BỊ HẠI VÀ NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG KHÁC
Điều 484. Người
được bảo vệ
1. Những người
được bảo vệ gồm:
a) Người tố giác tội phạm;
b) Người làm chứng;
c) Bị hại;
d) Người thân thích của người
tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại.
2. Người được bảo vệ
có quyền:
a) Đề nghị được bảo vệ;
b) Được thông báo, giải thích
về quyền và nghĩa vụ;
c) Được biết về việc áp dụng
biện pháp bảo vệ; đề nghị thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp bảo vệ;
d) Được bồi thường thiệt hại,
khôi phục danh dự, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp trong thời gian bảo
vệ.
3. Người được bảo vệ
có nghĩa vụ:
a) Chấp hành nghiêm chỉnh các
yêu cầu của cơ quan bảo vệ liên quan đến việc bảo vệ;
b) Giữ bí mật thông tin bảo
vệ;
c) Thông báo kịp thời đến cơ
quan có trách nhiệm bảo vệ về những vấn đề nghi vấn trong thời gian được bảo
vệ.
Điều 485. Cơ quan,
người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ
1. Cơ quan có thẩm quyền áp
dụng các biện pháp bảo vệ gồm:
a) Cơ quan điều tra của Công an nhân dân;
b) Cơ quan điều tra trong Quân
đội nhân dân.
2. Người có thẩm quyền ra
quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ gồm:
a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng
Cơ quan điều tra của Công an nhân dân có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện
pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ trong các vụ việc, vụ án hình sự do cơ
quan mình thụ lý, giải quyết, điều tra hoặc theo đề nghị của Viện kiểm sát nhân
dân, Tòa án nhân dân cùng cấp; đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
b) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng
Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân có thẩm quyền ra quyết định áp dụng
biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ trong các vụ việc, vụ án hình sự do
cơ quan mình thụ lý, giải quyết, điều tra hoặc theo đề nghị của Viện kiểm sát
quân sự, Tòa án quân sự cùng cấp; đề nghị của Viện kiểm sát quân sự trung ương.
3. Viện kiểm sát nhân dân, Tòa
án nhân dân các cấp nếu xét thấy cần áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người
được bảo vệ thì đề nghị Cơ quan điều tra trực tiếp thụ lý vụ án hình sự ra
quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ. Đề nghị phải
được thể hiện bằng văn bản.
Cơ quan điều tra Viện kiểm sát
nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương nếu xét
thấy cần áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ trong vụ việc, vụ
án hình sự do cơ quan mình thụ lý, giải quyết, điều tra thì báo cáo Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có
văn bản đề nghị với Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công
an, Cơ quan điều tra hình sự, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng ra quyết
định áp dụng biện pháp bảo vệ.
Điều 486. Các biện
pháp bảo vệ
1. Khi có căn cứ xác định tính
mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ bị xâm hại
hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan
đến tội phạm thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định áp
dụng những biện pháp sau đây để bảo vệ họ:
a) Bố trí lực lượng, tiến hành
các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện khác
để canh gác, bảo vệ;
b) Hạn chế việc đi lại, tiếp
xúc của người được bảo vệ để bảo đảm an toàn cho họ;
c) Giữ bí mật và yêu cầu người
khác giữ bí mật các thông tin liên quan đến người được bảo vệ;
d) Di chuyển, giữ bí mật chỗ ở,
nơi làm việc, học tập; thay đổi tung tích, lý lịch, đặc điểm nhân dạng của
người được bảo vệ, nếu được họ đồng ý;
đ) Răn đe, cảnh cáo, vô hiệu
hóa các hành vi xâm hại người được bảo vệ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành
vi xâm hại theo quy định của pháp luật;
e) Các biện pháp bảo vệ khác
theo quy định của pháp luật.
2. Việc áp dụng, thay đổi các
biện pháp bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng
đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ.
Điều 487. Đề nghị,
yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo vệ
1. Người được bảo vệ có quyền
làm văn bản đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ.
Văn bản đề nghị, yêu cầu có các nội dung chính:
a) Ngày, tháng, năm;
b) Tên, địa chỉ của người đề
nghị;
c) Lý do và nội dung đề nghị
áp dụng biện pháp bảo vệ;
d) Chữ ký hoặc điểm chỉ của
người đề nghị. Trường hợp đề nghị của cơ quan, tổ chức thì người đại diện theo
pháp luật của cơ quan, tổ chức đó ký tên và đóng dấu.
2. Trường hợp khẩn cấp, người
được bảo vệ trực tiếp đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp
bảo vệ hoặc thông qua phương tiện thông tin liên lạc nhưng sau đó phải thể hiện
bằng văn bản đề nghị. Cơ quan, người có thẩm quyền nhận được đề nghị, yêu cầu
phải lập biên bản và đưa vào hồ sơ bảo vệ.
3. Khi tiến hành tố tụng đối
với vụ án, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện
kiểm sát, Tòa án nhận được đề nghị, yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ có trách
nhiệm xem xét, đề nghị Cơ quan điều tra cùng cấp xem xét, quyết định áp dụng
biện pháp bảo vệ. Trường hợp Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân
cấp cao nhận được đề nghị, yêu cầu bảo vệ thì đề nghị Cơ quan điều tra Bộ Công
an xem xét, quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.
4. Cơ quan điều tra phải kiểm
tra căn cứ, tính xác thực của đề nghị, yêu cầu bảo vệ. Trường hợp xét thấy
không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ thì phải giải thích rõ lý do cho người
đã yêu cầu, đề nghị biết.
Điều 488. Quyết
định áp dụng biện pháp bảo vệ
1. Quyết định áp dụng biện
pháp bảo vệ gồm các nội dung chính:
a) Số, ngày, tháng, năm; địa
điểm ra quyết định;
b) Chức vụ của người ra quyết
định;
c) Căn cứ ra quyết định;
d) Họ tên, ngày, tháng, năm
sinh, nơi cư trú của người được bảo vệ;
đ) Biện pháp bảo vệ và thời
gian bắt đầu thực hiện biện pháp bảo vệ.
2. Quyết định áp dụng biện
pháp bảo vệ được gửi cho người yêu cầu bảo vệ, người được bảo vệ, Viện kiểm
sát, Tòa án đã đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ và cơ quan, tổ chức, đơn vị
liên quan đến việc bảo vệ.
3. Sau khi ra quyết định áp
dụng biện pháp bảo vệ, Cơ quan điều tra có thẩm quyền áp dụng phải tổ chức thực
hiện ngay biện pháp bảo vệ. Trường hợp cần thiết có thể phối hợp với các cơ
quan, đơn vị trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân để thực hiện việc bảo
vệ.
4. Cơ quan điều tra đã ra quyết
định áp dụng có thể thay đổi, bổ sung biện pháp bảo vệ trong quá trình bảo vệ
nếu xét thấy cần thiết.
5. Thời gian bảo vệ được tính
từ khi áp dụng biện pháp bảo vệ cho đến khi có quyết định chấm dứt áp dụng biện
pháp bảo vệ.
Điều 489. Chấm dứt
việc bảo vệ
1. Khi xét thấy căn cứ xâm hại
hoặc đe dọa xâm hại tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người
được bảo vệ không còn, Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã quyết định áp dụng biện
pháp bảo vệ phải ra quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo vệ.
2. Quyết định chấm dứt áp dụng
các biện pháp bảo vệ phải được gửi cho người được bảo vệ, cơ quan đã đề nghị áp
dụng biện pháp bảo vệ và cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan đến việc bảo vệ.
Điều 490. Hồ sơ
bảo vệ
1. Cơ quan điều tra đã ra
quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ phải lập hồ sơ bảo vệ.
2. Hồ sơ bảo vệ gồm:
a) Văn bản đề nghị, yêu cầu áp
dụng biện pháp bảo vệ; biên bản về việc đề nghị, yêu cầu áp dụng biện pháp bảo
vệ;
b) Kết quả xác minh về hành vi
xâm hại hoặc đe dọa xâm hại tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm
của người được bảo vệ;
c) Tài liệu về hậu quả
thiệt hại đã xảy ra (nếu có) và việc xử lý của cơ quan có thẩm quyền;
d) Văn bản yêu cầu, đề nghị
thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp bảo vệ;
đ) Quyết định áp dụng, thay
đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp bảo vệ;
e) Tài liệu phản ánh diễn
biến quá trình áp dụng biện pháp bảo vệ;
g) Văn bản yêu cầu, đề nghị cơ
quan, tổ chức, cá nhân phối hợp bảo vệ;
h) Báo cáo kết quả thực hiện
biện pháp bảo vệ;
i) Quyết định chấm dứt biện
pháp bảo vệ;
k) Các văn bản, tài liệu khác
có liên quan đến việc bảo vệ.
PHẦN THỨ TÁM
HỢP TÁC QUỐC TẾ
Chương XXXV
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 491. Phạm vi
hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự
1. Hợp tác quốc tế trong tố
tụng hình sự là việc các cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài phối hợp, hỗ trợ
nhau để thực hiện hoạt động phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử và thi
hành án hình sự.
2. Hợp tác quốc tế trong tố
tụng hình sự gồm tương trợ tư pháp về hình sự; dẫn độ; tiếp nhận, chuyển giao
người đang chấp hành án phạt tù và các hoạt động hợp tác quốc tế khác được quy
định tại Bộ luật này, pháp luật về tương trợ tư pháp và điều ước quốc tế mà
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Hợp tác quốc tế trong tố
tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thực
hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại, theo quy định của Bộ luật này,
pháp luật về tương trợ tư pháp và quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên
quan.
Điều 492. Nguyên
tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự
1. Hợp tác quốc tế trong tố
tụng hình sự được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn
vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng
và cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc
tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Trường hợp Việt Nam chưa ký
kết hoặc chưa gia nhập điều ước quốc tế có liên quan thì việc hợp tác quốc tế
trong tố tụng hình sự được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại nhưng không
trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.
Điều 493. Cơ quan
trung ương trong hợp tác quốc tế về tố tụng hình sự
1. Bộ Công an là Cơ quan trung
ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hoạt động dẫn độ và
chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
2. Viện kiểm sát nhân dân tối
cao là Cơ quan trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong
hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự và những hoạt động hợp tác quốc tế khác
theo quy định của pháp luật.
Điều 494. Giá trị pháp lý của
tài liệu, đồ vật thu thập được qua hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự
Tài liệu, đồ vật do cơ quan có
thẩm quyền của nước ngoài thu thập theo ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm
quyền của Việt Nam hoặc tài liệu, đồ vật do cơ quan có thẩm quyền của nước
ngoài gửi đến Việt Nam để ủy thác truy cứu trách nhiệm hình sự có thể được coi
là chứng cứ. Trường hợp tài liệu, đồ vật này có đặc điểm quy định tại Điều 89
của Bộ luật này thì có thể được coi là vật chứng.
Điều 495. Việc tiến hành tố tụng của
người có thẩm quyền của Việt Nam ở nước ngoài và người có thẩm quyền của nước
ngoài ở Việt Nam
Việc tiến hành tố tụng của
người có thẩm quyền của Việt Nam ở nước ngoài và người có thẩm quyền của nước
ngoài ở Việt Nam được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thực hiện theo nguyên tắc có đi có
lại.
Điều 496. Sự có mặt của người làm chứng,
người giám định, người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam ở nước ngoài;
người làm chứng, người giám định, người đang chấp hành án phạt tù tại nước
ngoài ở Việt Nam
1. Cơ quan có thẩm quyền của
Việt Nam có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho người làm
chứng, người giám định, người đang chấp hành án phạt tù tại nước được đề nghị
có mặt ở Việt Nam để phục vụ việc giải quyết vụ án hình sự.
2. Theo đề nghị của cơ quan có
thẩm quyền nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể cho phép người
làm chứng, người giám định, người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam có mặt
ở nước đã đề nghị để phục vụ việc giải quyết vụ án hình sự.
Chương XXXVI
MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC QUỐC TẾ
Điều 497. Việc tiếp nhận, chuyển
giao tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án
Việc tiếp nhận, chuyển giao
tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án được thực hiện theo quy định của điều
ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, quy định của
Bộ luật này, pháp luật về tương trợ tư pháp và quy định khác của pháp luật Việt
Nam có liên quan.
Điều 498. Xử lý
trường hợp từ chối dẫn độ công dân Việt Nam
Theo yêu cầu của cơ quan có
thẩm quyền của nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có trách nhiệm
xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc cho thi hành bản án, quyết định
hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ.
Điều 499. Trình tự, thủ tục
xem xét, xử lý yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với công dân Việt Nam
bị từ chối dẫn độ
1. Trong thời hạn 10 ngày kể
từ ngày ra quyết định từ chối dẫn độ công dân Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan
có thẩm quyền của nước ngoài, Tòa án đã ra quyết định từ chối dẫn độ chuyển hồ
sơ và các tài liệu kèm theo của nước ngoài đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao
để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Viện kiểm sát nhân dân tối
cao xem xét, xử lý yêu cầu của nước ngoài về truy cứu trách nhiệm hình sự công
dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ theo quy định của luật.
3. Việc khởi tố, điều tra,
truy tố, xét xử đối với người bị yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự được tiến
hành theo quy định của Bộ luật này.
4. Cơ quan có thẩm quyền của
Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp, bổ
sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật để bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử có
căn cứ, đúng pháp luật.
Điều 500. Điều kiện cho thi
hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam
bị từ chối dẫn độ
Bản án, quyết định hình sự của
Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ có thể được thi
hành tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện:
1. Có văn bản yêu cầu của cơ
quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc thi hành bản án, quyết định hình sự
của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ;
2. Hành vi phạm tội mà công
dân Việt Nam bị kết án ở nước ngoài cũng cấu thành tội phạm theo quy định của
Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
3. Bản án, quyết định hình sự
của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và
không còn thủ tục tố tụng nào đối với người đó.
Điều 501. Trình tự, thủ tục
xem xét yêu cầu thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối
với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ
1. Trong thời hạn 30 ngày kể
từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc thi
hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam
bị từ chối dẫn độ, Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã ra quyết định từ chối dẫn độ xem
xét yêu cầu của nước ngoài.
2. Tòa án có thẩm quyền mở
phiên họp bằng Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét yêu cầu thi hành bản án,
quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối
dẫn độ. Phiên họp phải có mặt của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp, người
bị yêu cầu thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài, luật sư
hoặc người đại diện của họ (nếu có).
3. Sau khi khai mạc phiên họp,
một thành viên của Hội đồng trình bày những vấn đề liên quan đến yêu cầu thi
hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam
và nêu ý kiến về cơ sở pháp lý của việc cho thi hành bản án, quyết định hình sự
của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam tại Việt Nam.
Kiểm sát viên phát biểu quan
điểm của Viện kiểm sát về việc cho thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa
án nước ngoài đối với công dân Việt Nam tại Việt Nam.
Người bị yêu cầu thi hành bản
án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài, luật sư, người đại diện của người
này trình bày ý kiến (nếu có).
Hội đồng thảo luận và quyết
định theo đa số việc cho thi hành hoặc không cho thi hành bản án, quyết định
hình sự của Tòa án nước ngoài đối với người bị yêu cầu.
4. Quyết định cho thi hành bản
án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam tại Việt
Nam phải ghi rõ thời hạn mà người đó phải thi hành án phạt tù tại Việt Nam trên
cơ sở xem xét, quyết định:
a) Trường hợp thời hạn của
hình phạt do nước ngoài đã tuyên phù hợp với pháp luật Việt Nam thì thời hạn
phải thi hành án tại Việt Nam được quyết định tương ứng với thời hạn đó;
b) Trường hợp tính chất hoặc
thời hạn của hình phạt do Tòa án nước ngoài đã tuyên không phù hợp pháp luật
Việt Nam thì quyết định chuyển đổi hình phạt cho phù hợp với pháp luật Việt Nam
nhưng không được dài hơn hình phạt đã tuyên của Tòa án nước ngoài.
5. Chậm nhất là 10 ngày kể từ
ngày ra quyết định cho thi hành hoặc không cho thi hành bản án, quyết định hình
sự của Tòa án nước ngoài, Tòa án nhân dân cấp tỉnh gửi quyết định cho người bị
yêu cầu thi hành, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Bộ Công an để thực hiện.
Người bị yêu cầu thi hành bản
án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát
nhân dân cùng cấp có quyền kháng nghị trong thời hạn 15 ngày, Viện kiểm sát
nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Tòa án
nhân dân cấp tỉnh ra quyết định.
Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải
gửi hồ sơ và kháng cáo, kháng nghị cho Tòa án nhân dân cấp cao trong thời hạn
07 ngày kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
6. Trong thời hạn 20 ngày kể
từ ngày nhận được hồ sơ xem xét yêu cầu thi hành bản án, quyết định hình sự của
Tòa án nước ngoài có kháng cáo, kháng nghị, Tòa án nhân dân cấp cao mở phiên
họp xem xét quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị.
Thủ tục xem xét kháng cáo,
kháng nghị đối với quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh được thực hiện theo
quy định tại Điều này.
7. Quyết định thi hành bản án,
quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam tại Việt Nam
có hiệu lực pháp luật gồm:
a) Quyết định của Tòa án nhân
dân cấp tỉnh không bị kháng cáo, kháng nghị;
b) Quyết định của Tòa án nhân
dân cấp cao.
8. Trình tự, thủ tục thi hành
quyết định thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài đối với công dân
Việt Nam tại Việt Nam được thực hiện theo quy định Bộ luật này và Luật thi hành
án hình sự.
9. Khi nhận được thông báo về
quyết định đặc xá, đại xá hoặc miễn, giảm hình phạt của nước ngoài đối với công
dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài bị Việt Nam từ chối dẫn độ và
người đó đang thi hành án tại Việt Nam thì Bộ Công an gửi ngay thông báo đó
cho Tòa án, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Điều 502. Các biện pháp ngăn
chặn, căn cứ và thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn
1. Các biện pháp ngăn chặn để
bảo đảm cho việc xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc thi hành quyết định dẫn độ gồm
bắt, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền để bảo đảm, tạm hoãn xuất cảnh.
2. Biện pháp ngăn chặn chỉ
được áp dụng đối với người bị xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc bị dẫn độ khi có đủ
các điều kiện:
a) Tòa án đã có quyết định xem
xét yêu cầu dẫn độ đối với người đó hoặc quyết định dẫn độ đối với người đó đã
có hiệu lực pháp luật;
b) Có căn cứ cho rằng người bị
yêu cầu dẫn độ bỏ trốn hoặc gây khó khăn, cản trở việc xem xét yêu cầu dẫn độ
hoặc thi hành quyết định dẫn độ.
3. Chánh án, Phó Chánh án Tòa
án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao quyết định
việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn quy định tại khoản 1 Điều này. Thẩm phán
chủ tọa phiên họp xem xét yêu cầu dẫn độ có quyền quyết định việc áp dụng biện
pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, biện pháp đặt tiền để bảo đảm sự có mặt của người
bị yêu cầu dẫn độ tại phiên họp.
Điều 503. Bắt tạm
giam người bị yêu cầu dẫn độ
1. Việc bắt người bị yêu cầu
dẫn độ để tạm giam hoặc thi hành quyết định dẫn độ được thực hiện theo quy định
tại Điều 113 của Bộ luật này.
2. Thời hạn tạm giam để xem
xét yêu cầu dẫn độ không quá thời hạn trong lệnh bắt giam của cơ quan có thẩm
quyền của nước yêu cầu dẫn độ hoặc thời hạn phải thi hành hoặc còn phải thi
hành hình phạt tù trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước yêu cầu dẫn
độ.
Trường hợp cần thiết, Tòa án
nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp cao có thể gửi văn bản yêu cầu cơ quan
có thẩm quyền của nước yêu cầu dẫn độ ra lệnh, quyết định tạm giam hoặc gia
hạn tạm giam người bị yêu cầu dẫn độ để bảo đảm việc xem xét yêu cầu dẫn độ;
văn bản yêu cầu được gửi thông qua Bộ Công an.
Điều 504. Cấm đi
khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh
1. Cấm đi khỏi nơi cư trú là
biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với người bị yêu cầu dẫn độ có nơi cư
trú rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Tòa án.
Việc áp dụng biện pháp cấm đi
khỏi nơi cư trú được thực hiện theo quy định tại Điều 123 của Bộ luật này.
Thời hạn áp dụng biện pháp cấm
đi khỏi nơi cư trú không được quá thời hạn bảo đảm việc xem xét yêu cầu dẫn độ
và thời hạn xem xét kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định dẫn độ hoặc quyết
định từ chối dẫn độ theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp.
2. Tạm hoãn xuất cảnh
là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với người bị yêu cầu dẫn độ
nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Tòa án.
Việc áp dụng biện pháp tạm
hoãn xuất cảnh được thực hiện theo quy định tại Điều 124 của Bộ luật này.
Thời hạn áp dụng biện pháp tạm
hoãn xuất cảnh không được quá thời hạn bảo đảm việc xem xét yêu cầu dẫn độ và
thời hạn xem xét kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định dẫn độ hoặc quyết
định từ chối dẫn độ theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp.
Điều 505. Đặt tiền
để bảo đảm
1. Đặt tiền để bảo đảm là biện
pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với người bị yêu cầu dẫn độ căn cứ vào tình
trạng tài sản của người đó nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập
của Tòa án.
2. Việc áp dụng biện pháp đặt
tiền để bảo đảm thực hiện theo quy định tại Điều 122 của Bộ luật này.
3. Thời hạn áp dụng biện pháp
đặt tiền để bảo đảm không được quá thời hạn bảo đảm việc xem xét yêu cầu dẫn độ
và thời hạn xem xét kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định dẫn độ hoặc quyết
định từ chối dẫn độ theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp.
Điều 506. Hủy bỏ
hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn
1. Khi Tòa án có thẩm quyền
quyết định từ chối dẫn độ hoặc hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày quyết định thi
hành quyết định dẫn độ có hiệu lực mà nước yêu cầu dẫn độ không tiếp nhận người
bị dẫn độ thì mọi biện pháp ngăn chặn đã áp dụng đều phải được hủy bỏ.
2. Người có thẩm quyền áp dụng
biện pháp ngăn chặn quy định tại Điều 502 của Bộ luật này phải kịp thời hủy bỏ
hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn do mình quyết định nếu xét thấy có vi phạm
pháp luật hoặc không còn cần thiết.
Điều 507. Xử lý
tài sản do phạm tội mà có
1. Cơ quan có thẩm quyền của
Việt Nam hợp tác với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong việc truy tìm,
tạm giữ, kê biên, phong tỏa, tịch thu, xử lý tài sản do phạm tội mà có để phục
vụ yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
2. Việc truy tìm, tạm giữ, kê
biên, phong tỏa, tịch thu tài sản do phạm tội mà có tại Việt Nam được thực hiện
theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên
quan.
3. Việc xử lý tài sản do phạm
tội mà có tại Việt Nam thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo thoả thuận trong từng vụ việc
cụ thể giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của
nước ngoài có liên quan.
Điều 508. Phối hợp điều tra,
áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
1. Cơ quan có thẩm quyền của
Việt Nam có thể hợp tác với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong việc
phối hợp điều tra hoặc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Việc
hợp tác phối hợp điều tra hoặc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
được thực hiện trên cơ sở điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam là thành viên hoặc theo thoả thuận trong từng vụ việc cụ thể giữa cơ quan
có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có liên
quan.
2. Các hoạt động phối hợp điều
tra thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thực
hiện theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật Việt Nam có
liên quan.
PHẦN THỨ CHÍN
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 509. Hiệu lực
thi hành
1. Bộ luật này có hiệu lực thi
hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
2. Bộ luật tố tụng hình sự số
19/2003/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày
Bộ luật này có hiệu lực.
3. Bãi bỏ quy định về việc cấp giấy
chứng nhận người bào chữa tại khoản 3 và khoản 4 Điều 27 của Luật
luật sư số 65/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số
20/2012/QH13.
Điều 510. Quy
định chi tiết
Chính phủ, Viện kiểm sát nhân
dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết các điều, khoản được
giao trong Bộ luật này.
Bộ luật này đã được Quốc hội
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày
27 tháng 11 năm 2015.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
Nguyễn Sinh Hùng |
Ý KIẾN