Thủ tục xác nhận thanh toán Bảo hiểm y tế khi bị tai nạn giao thông
Ông Lê Văn Tâm (ở thị xã Long Khánh, Đồng Nai) phản ánh ông phải mất nhiều thời gian chạy đi chạy lại giữa cơ quan công an và bảo hiểm xã hội (BHXH) để làm thủ tục thanh toán viện phí cho con gái sau khi bị tai nạn giao thông.
Tiến thoái lưỡng nan
Ngày 19-2-2011, khi chạy xe đi học từ Biên Hòa về Long Khánh, con gái ông là Lê Huyền Trinh (20 tuổi, Sinh viên) đã bị tai nạn giao thông do có người đi bộ bất cẩn băng qua đường trên địa phận huyện Trảng Bom. Trinh bị chấn thương nặng (dập lá lách, chấn thương đầu…) phải đến BV Đa khoa khu vực Thống Nhất điều trị với tổng chi phí gần 10 triệu đồng.
Do Trinh có mua BHYT nên sau khi Trinh xuất viện, ông làm hồ sơ lên BHXH tỉnh để lấy lại tiền viện phí theo quy định. Ngoài những giấy tờ như thẻ BHYT, giấy ra viện, biên lai viện phí…, ông còn mang những bản photo có đóng dấu treo xác nhận không vi phạm pháp luật về giao thông do Công an huyện Trảng Bom cấp. Biên bản giải quyết tai nạn giao thông, biên bản khám nghiệm hiện trường có ghi rõ: “Do người đi bộ băng qua đường không đúng nơi quy định gây tai nạn giao thông”. Tuy nhiên, nhân viên BHXH không chấp nhận những biên bản này và yêu cầu ông Tâm phải làm đơn khác, có xác nhận của công an huyện về việc con ông không vi phạm luật giao thông.
Ông Tâm về làm lại đơn nhưng Công an huyện Trảng Bom đã từ chối xác nhận lại, viện lẽ: “Công an đã cung cấp đầy đủ và ghi rất rõ nguyên nhân gây tai nạn rồi thì không cần xác minh gì nữa”. Ông Tâm đến BHXH tỉnh thì cũng nhận được phản hồi là: “Nếu ông không đưa đủ giấy tờ như đã nêu thì BHXH không nhận hồ sơ”.
Xác nhận sao mới đúng?
Ông Đồng Văn Mai, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai, cho biết rắc rối phát sinh do công an huyện cung cấp những giấy tờ liên quan nhưng không có chữ ký của người có thẩm quyền, không đóng dấu giáp lai. Nếu biên bản chỉ có dấu treo thì không có giá trị về mặt pháp lý. Tuy nhiên, nhân viên tiếp nhận hồ sơ cũng có lỗi là hướng dẫn chưa đúng, bắt ông Tâm phải làm một giấy khác gây khó khăn và phải tới lui nhiều lần. “Giờ ông Tâm chỉ cần mang hồ sơ này đến công an huyện xin dấu và chữ ký của người có thẩm quyền nữa là được” - ông Mai nói thêm.
Thế nhưng Công an huyện Trảng Bom có ý kiến ngược lại. Trung tá Ngô Văn Thạch, Đội trưởng Đội CSGT huyện Trảng Bom, cho biết: “Chúng tôi làm như vậy là đúng quy trình. Nếu thấy chưa hợp lý thì phía bảo hiểm nên cử nhân viên xuống công an huyện để làm rõ chứ không nên bắt dân đi lại nhiều lần”. Mặc dù nói vậy nhưng Công an huyện Trảng Bom cũng đã gọi điện thoại mời ông Tâm đến để bổ sung giấy tờ mà BHXH yêu cầu.
Cách giải quyết ở TP.HCM
Theo quy định tại khoản 6 mục II phần II Quyết định số 82 ngày 20-1-2010 của BHXH Việt Nam, các trường hợp bị tai nạn giao thông nếu được công an cấp huyện trở lên xác nhận không có vi phạm pháp luật thì được quỹ BHYT thanh toán theo quy định.
Tại TP.HCM, việc giải quyết thanh toán BHYT cho các trường hợp tai nạn giao thông được giải quyết như sau: Nếu công an giao thông lập biên bản hiện trường thì hồ sơ chỉ cần biên bản hiện trường, biên bản tai nạn giao thông xác nhận đương sự không vi phạm luật giao thông (có xác nhận của công an cấp huyện về người ký trên các biên bản).
Nếu không có công an chứng kiến vụ việc thì đương sự cần có bản tường trình tai nạn với ít nhất hai người làm chứng và được công an cấp huyện ký, đóng dấu; hoặc công an phường, lực lượng phản ứng nhanh ký và được công an cấp huyện xác nhận. (BS Lưu Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Giám định BHXH TP.HCM)
(Theo Báo Pháp luật Tp HCM)
Trích "Quyết định 82/QĐ-BHXH năm 2010 ban hành Quy định về tổ chức thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh, giám định, chi trả chi phí khám chữa bệnh, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế"
....
Phần 2. PHẠM VI VÀ MỨC CHI TRẢ CHI PHÍ KHÁM CHỮA BỆNH BẢO HIỂM Y TẾ
II. MỨC CHI TRẢ CHI PHÍ KHÁM, CHỮA BỆNH BẢO HIỂM Y TẾ
.....
6. Đối với trường hợp bị tai nạn giao thông, tạm thời thực hiện như sau:
6.1. Nếu đã được cơ quan Công an từ cấp huyện trở lên xác định là không vi phạm pháp luật thì được quỹ BHYT thanh toán theo quy định.
6.2. Nếu chưa xác định được có vi phạm pháp luật về giao thông hay không thì người bị tai nạn giao thông tự thanh toán các chi phí điều trị với cơ sở KCB. Khi có xác nhận không vi phạm pháp luật về giao thông, người bệnh mang chứng từ đến cơ quan BHXH để thanh toán theo hướng dẫn tại khoản 1, mục II phần này.
theo trình tự của ông LÊ VĂN TÂM cách đùn đẩy về thủ tục thanh toán BHYT như vậy thì cũng tội cho khách hàng tham gia BHYT. dù rằng tại nạng xãy ra là ngoài ý muống, nhưng khi gặp phải tình trạng như thế này,nếu là dân bình thường thì liệu có làm được như ông TÂM hay không.nhà nước ta luôn luôn dùng chính sách 1 cửa, vì sao không áp dụng vô trường họp này.Phải chăng thu vô ha hả chi ra hi hỉ???
Trả lờiXóa