VĂN PHÒNG QUỐC
HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/VBHN-VPQH |
Hà Nội, ngày 16 tháng 12
năm 2019 |
LUẬT VIÊN CHỨC
Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm
2010 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012, được sửa đổi,
bổ sung bởi:
Luật số 52/2019/QH14 ngày 25 tháng 11 năm 2019 của
Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên
chức, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số
51/2001/QH10,
Quốc hội ban hành Luật Viên chức[1].
Chương I
NHỮNG
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về viên chức; quyền, nghĩa vụ của
viên chức; tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công
lập.
Điều 2. Viên chức
Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo
vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng
làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định
của pháp luật.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như
sau:
1. Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm
giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện
một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập[2] và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý.
2. Đạo đức nghề nghiệp là các chuẩn mực về
nhận thức và hành vi phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động nghề
nghiệp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định.
3. Quy tắc ứng xử là các chuẩn mực xử sự của
viên chức trong thi hành nhiệm vụ và trong quan hệ xã hội do cơ quan nhà nước
có thẩm quyền ban hành, phù hợp với đặc thù công việc trong từng lĩnh vực hoạt
động và được công khai để Nhân dân giám sát việc chấp hành.
4. Tuyển dụng là việc lựa chọn người có phẩm
chất, trình độ và năng lực vào làm viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
5. Hợp đồng làm việc là sự thỏa thuận bằng
văn bản giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng
đầu đơn vị sự nghiệp công lập về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ,
điều kiện làm việc quyền và nghĩa vụ của mỗi bên.
Điều 4. Hoạt động nghề
nghiệp của viên chức
Hoạt động nghề nghiệp của viên chức là việc thực
hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên
môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Luật này và
các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 5. Các nguyên tắc trong
hoạt động nghề nghiệp của viên chức
1. Tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp
luật trong quá trình thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
2. Tận tụy phục vụ Nhân dân.
3. Tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp
vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử.
4. Chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ
quan, tổ chức có thẩm quyền và của Nhân dân.
Điều 6. Các nguyên tắc quản
lý viên chức
1. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và
sự thống nhất quản lý của Nhà nước.
2. Bảo đảm quyền chủ động và đề cao trách nhiệm của
người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá viên
chức được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc
làm và căn cứ vào hợp đồng làm việc.
4. Thực hiện bình đẳng giới, các chính sách ưu đãi
của Nhà nước đối với viên chức là người có tài năng, người dân tộc thiểu số,
người có công với cách mạng, viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo,
vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội
đặc biệt khó khăn và các chính sách ưu đãi khác của Nhà nước đối với viên chức.
Điều 7. Vị trí việc làm
1. Vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn
với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng, là căn cứ xác định số
lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và
quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Chính phủ quy định nguyên tắc, phương pháp xác
định vị trí việc làm, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định số lượng vị trí
việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 8. Chức danh nghề
nghiệp
1. Chức danh nghề nghiệp là tên gọi thể hiện trình
độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề
nghiệp.
2. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan
ngang bộ có liên quan quy định hệ thống danh mục, tiêu chuẩn và mã số chức danh
nghề nghiệp.
Điều 9. Đơn vị sự nghiệp
công lập và cơ cấu tổ chức quản lý hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập
1. Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan
có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành
lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công,
phục vụ quản lý nhà nước.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập gồm:
a) Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ
hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây
gọi là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ);
b) Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự
chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau
đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ).
3.[3]
Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập quy
định tại khoản 2 Điều này đối với từng lĩnh vực sự nghiệp; việc chuyển đổi đơn
vị sự nghiệp sang mô hình doanh nghiệp, trừ đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y
tế và giáo dục; chế độ quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo nguyên
tắc bảo đảm tinh gọn, hiệu quả.
4. Căn cứ điều kiện cụ thể, yêu cầu quản lý đối với
mỗi loại hình đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực, Chính phủ quy định
việc thành lập, cơ cấu chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý
trong đơn vị sự nghiệp công lập, mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý với người
đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 10. Chính sách xây dựng
và phát triển các đơn vị sự nghiệp công lập và đội ngũ viên chức
1. Nhà nước tập trung xây dựng hệ thống các đơn vị
sự nghiệp công lập để cung cấp những dịch vụ công mà Nhà nước phải chịu trách
nhiệm chủ yếu bảo đảm nhằm phục vụ Nhân dân trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa
học và các lĩnh vực khác mà khu vực ngoài công lập chưa có khả năng đáp ứng;
bảo đảm cung cấp các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục tại miền núi, biên giới,
hải đảo vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế -
xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Chính phủ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền
chỉ đạo việc lập quy hoạch, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp
công lập theo hướng xác định lĩnh vực hạn chế và lĩnh vực cần tập trung ưu tiên
phát triển, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, tập trung nguồn lực nhằm
nâng cao chất lượng các hoạt động sự nghiệp. Không tổ chức đơn vị sự nghiệp
công lập chỉ thực hiện dịch vụ kinh doanh, thu lợi nhuận.
3. Tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị
sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thực hiện hạch toán
độc lập; tách chức năng quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ với chức năng
điều hành các đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Nhà nước có chính sách xây dựng, phát triển đội
ngũ viên chức có đạo đức nghề nghiệp, có trình độ và năng lực chuyên môn đáp
ứng yêu cầu ngày càng cao của khu vực cung ứng dịch vụ công; phát hiện, thu
hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng để
nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.
Chương II
QUYỀN,
NGHĨA VỤ CỦA VIÊN CHỨC
Mục 1. QUYỀN CỦA VIÊN CHỨC
Điều 11. Quyền của viên chức
về hoạt động nghề nghiệp
1. Được pháp luật bảo vệ trong hoạt động nghề
nghiệp.
2. Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính
trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
3. Được bảo đảm trang bị, thiết bị và các điều kiện
làm việc.
4. Được cung cấp thông tin liên quan đến công việc
hoặc nhiệm vụ được giao.
5. Được quyết định vấn đề mang tính chuyên môn gắn
với công việc hoặc nhiệm vụ được giao.
6. Được quyền từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm
vụ trái với quy định của pháp luật.
7. Được hưởng các quyền khác về hoạt động nghề
nghiệp theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Quyền của viên chức
về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương
1. Được trả lương tương xứng với vị trí việc làm,
chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả thực hiện công việc hoặc
nhiệm vụ được giao; được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi trong trường hợp
làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu
số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc làm việc trong
ngành nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm, lĩnh vực sự nghiệp đặc thù.
2. Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công
tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự
nghiệp công lập.
3. Được hưởng tiền thưởng, được xét nâng lương theo
quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 13. Quyền của viên chức
về nghỉ ngơi
1. Được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo
quy định của pháp luật về lao động. Do yêu cầu công việc, viên chức không sử
dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán một khoản
tiền cho những ngày không nghỉ.
2. Viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải
đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc trường hợp đặc biệt khác, nếu có yêu cầu, được gộp
số ngày nghỉ phép của 02 năm để nghỉ một lần; nếu gộp số ngày nghỉ phép của 03
năm để nghỉ một lần thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp
công lập.
3. Đối với lĩnh vực sự nghiệp đặc thù, viên chức
được nghỉ việc và hưởng lương theo quy định của pháp luật.
4. Được nghỉ không hưởng lương trong trường hợp có
lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công
lập.
Điều 14. Quyền của viên chức
về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định
1. Được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm
việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định
khác.
2. Được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức,
đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và
có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều
hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác
xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường
hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Điều 15. Các quyền khác của
viên chức
Viên chức được khen thưởng, tôn vinh, được tham gia
hoạt động kinh tế xã hội; được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở; được tạo điều
kiện học tập hoạt động nghề nghiệp ở trong nước và nước ngoài theo quy định của
pháp luật. Trường hợp bị thương hoặc chết do thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ
được giao thì được xét hưởng chính sách như thương binh hoặc được xét để công
nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật.
Mục 2. NGHĨA VỤ CỦA VIÊN
CHỨC
Điều 16. Nghĩa vụ chung của
viên chức
1. Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của
Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Nhà nước.
2. Có nếp sống lành mạnh, trung thực, cần, kiệm,
liêm, chính, chí công vô tư.
3. Có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong
hoạt động nghề nghiệp; thực hiện đúng các quy định, nội quy, quy chế làm việc
của đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Bảo vệ bí mật nhà nước; giữ gìn và bảo vệ của
công, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản được giao.
5. Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thực
hiện quy tắc ứng xử của viên chức.
Điều 17. Nghĩa vụ của viên
chức trong hoạt động nghề nghiệp
1. Thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao bảo
đảm yêu cầu về thời gian và chất lượng.
2. Phối hợp tốt với đồng nghiệp trong thực hiện công
việc hoặc nhiệm vụ.
3. Chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm
quyền.
4. Thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng
chuyên môn, nghiệp vụ.
5. Khi phục vụ Nhân dân, viên chức phải tuân thủ các
quy định sau:
a) Có thái độ lịch sự, tôn trọng Nhân dân;
b) Có tinh thần hợp tác, tác phong khiêm tốn;
c) Không hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền
hà đối với Nhân dân;
d) Chấp hành các quy định về đạo đức nghề nghiệp.
6. Chịu trách nhiệm về việc thực hiện hoạt động nghề
nghiệp.
7. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của
pháp luật.
Điều 18. Nghĩa vụ của viên
chức quản lý
Viên chức quản lý thực hiện các nghĩa vụ quy định
tại Điều 16, Điều 17 của Luật này và các nghĩa vụ sau:
1. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của đơn
vị theo đúng chức trách, thẩm quyền được giao;
2. Thực hiện dân chủ, giữ gìn sự đoàn kết, đạo đức
nghề nghiệp trong đơn vị được giao quản lý, phụ trách;
3. Chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm
về việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp của viên chức thuộc quyền quản lý, phụ
trách;
4. Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực; quản lý,
sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, tài chính trong đơn vị được giao quản lý,
phụ trách;
5. Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham
nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đơn vị được giao quản lý,
phụ trách.
Điều 19. Những việc viên
chức không được làm
1. Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc
nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình
công.
2. Sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và
của Nhân dân trái với quy định của pháp luật.
3. Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã
hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
4. Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền
chống lại chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước
hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần
của Nhân dân và xã hội.
5. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người
khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
6. Những việc khác viên chức không được làm theo quy
định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chương III
TUYỂN
DỤNG, SỬ DỤNG VIÊN CHỨC
Mục 1. TUYỂN DỤNG
Điều 20. Căn cứ tuyển dụng
Việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu
công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương
của đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 21. Nguyên tắc tuyển
dụng
1. Bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách
quan và đúng pháp luật.
2. Bảo đảm tính cạnh tranh.
3. Tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí
việc làm.
4. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự
nghiệp công lập.
5. Ưu tiên người có tài năng, người có công với cách
mạng, người dân tộc thiểu số.
Điều 22. Điều kiện đăng ký
dự tuyển
1. Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt
dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển
viên chức:
a) Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;
b) Từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với một số lĩnh vực
hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn
theo quy định của pháp luật; đồng thời, phải có sự đồng ý bằng văn bản của
người đại diện theo pháp luật;
c) Có đơn đăng ký dự tuyển;
d) Có lý lịch rõ ràng;
đ) Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành
nghề hoặc có năng khiếu, kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm;
e) Đủ sức khỏe để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ;
g) Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị
trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không được trái với
quy định của pháp luật.
2. Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển
viên chức:
a) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng
lực hành vi dân sự;
b) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp
hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp xử lý
hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ
sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng[4].
Điều 23. Phương thức tuyển
dụng
Việc tuyển dụng viên chức được thực hiện thông qua
thi tuyển hoặc xét tuyển.
Điều 24. Tổ chức thực hiện
tuyển dụng
1. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền
tự chủ, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên
chức và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao
quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện
việc tuyển dụng viên chức hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp
công lập thực hiện việc tuyển dụng.
2. Căn cứ vào kết quả tuyển dụng, người đứng đầu đơn
vị sự nghiệp công lập ký kết hợp đồng làm việc với người trúng tuyển vào viên
chức.
3. Chính phủ quy định chi tiết các nội dung liên
quan đến tuyển dụng viên chức quy định tại Luật này.
Mục 2. HỢP ĐỒNG LÀM VIỆC
Điều 25. Các loại hợp đồng
làm việc[5]
1. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng
mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng
trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với
người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, trừ trường
hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này.
2. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn
là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt
hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối
với các trường hợp sau đây:
a) Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7
năm 2020;
b) Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo
quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của Luật này;
c) Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại
vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 26. Nội dung và hình
thức của hợp đồng làm việc
1. Hợp đồng làm việc có những nội dung chủ yếu sau:
a) Tên, địa chỉ của đơn vị sự nghiệp công lập và
người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập;
b) Họ tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh của người
được tuyển dụng. Trường hợp người được tuyển dụng là người dưới 18 tuổi thì
phải có họ tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh của người đại diện theo pháp
luật của người được tuyển dụng;
c) Công việc hoặc nhiệm vụ, vị trí việc làm và địa
điểm làm việc;
d) Quyền và nghĩa vụ của các bên;
đ) Loại hợp đồng, thời hạn và điều kiện chấm dứt của
hợp đồng làm việc;
e) Tiền lương, tiền thưởng và chế độ đãi ngộ khác
(nếu có);
g) Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi;
h) Chế độ tập sự (nếu có);
i) Điều kiện làm việc và các vấn đề liên quan đến
bảo hộ lao động;
k) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
l) Hiệu lực của hợp đồng làm việc;
m) Các cam kết khác gắn với tính chất, đặc điểm của
ngành, lĩnh vực và điều kiện đặc thù của đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không
trái với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Hợp đồng làm việc được ký kết bằng văn bản giữa
người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập với người được tuyển dụng làm viên
chức và được lập thành ba bản, trong đó một bản giao cho viên chức.
3. Đối với các chức danh nghề nghiệp theo quy định
của pháp luật do cấp trên của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập bổ nhiệm
thì trước khi ký kết hợp đồng làm việc phải được sự đồng ý của cấp đó.
Điều 27. Chế độ tập sự
1. Người trúng tuyển viên chức phải thực hiện chế độ
tập sự, trừ trường hợp đã có thời gian từ đủ 12 tháng trở lên thực hiện chuyên
môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng.
2. Thời gian tập sự từ 03 tháng đến 12 tháng và phải
được quy định trong hợp đồng làm việc.
3. Chính phủ quy định chi tiết chế độ tập sự.
Điều 28. Thay đổi nội dung,
ký kết tiếp, tạm hoãn và chấm dứt hợp đồng làm việc
1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng làm việc, nếu
một bên có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng làm việc thì phải báo cho bên kia
biết trước ít nhất 03 ngày làm việc. Khi đã chấp thuận thì các bên tiến hành
sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan của hợp đồng làm việc. Trong thời gian tiến
hành thỏa thuận, các bên vẫn phải tuân theo hợp đồng làm việc đã ký kết. Trường
hợp không thỏa thuận được thì các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã
ký kết hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng làm việc.
2.[6] Đối với hợp đồng làm việc xác định thời hạn,
trước khi hết hạn hợp đồng làm việc 60 ngày, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp
công lập ký kết tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức.
Trường hợp đơn vị sự
nghiệp công lập còn nhu cầu, viên chức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định
của pháp luật thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký kết tiếp hợp
đồng làm việc với viên chức.
Trường hợp không ký kết
tiếp hợp đồng làm việc với viên chức thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công
lập phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
3. Việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng làm việc, chấm
dứt hợp đồng làm việc được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
4. Khi viên chức chuyển công tác đến cơ quan, tổ
chức, đơn vị khác thì chấm dứt hợp đồng làm việc và được giải quyết các chế độ,
chính sách theo quy định của pháp luật.
5. Khi viên chức[7] có quyết định nghỉ hưu thì hợp đồng làm việc
đương nhiên chấm dứt.
Điều 29. Đơn phương chấm dứt
hợp đồng làm việc
1. Đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm
dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong các trường hợp sau:
a) Viên chức có 02 năm liên tiếp bị xếp loại chất lượng[8] ở mức độ không
hoàn thành nhiệm vụ;
b) Viên chức bị buộc thôi việc theo quy định tại
điểm d khoản 1 Điều 52 và khoản 1 Điều 57 của Luật này;
c) Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không
xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục, viên chức làm việc
theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 06 tháng liên
tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục. Khi sức khỏe của viên chức bình phục
thì được xem xét để ký kết tiếp hợp đồng làm việc;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả
kháng khác theo quy định của Chính phủ làm cho đơn vị sự nghiệp công lập buộc
phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm mà viên chức đang đảm nhận không
còn;
đ) Khi đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động
theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
e)[9] Viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập
sự.
2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, trừ
trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, người đứng đầu đơn vị sự
nghiệp công lập phải báo cho viên chức biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp
đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng làm
việc xác định thời hạn. Đối với viên chức do cơ quan quản lý đơn vị sự nghiệp
công lập thực hiện tuyển dụng, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc do
người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định sau khi có sự đồng ý bằng
văn bản của cơ quan quản lý đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập không
được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong các trường hợp
sau:
a) Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn, đang điều trị
bệnh nghề nghiệp theo quyết định của cơ sở chữa bệnh, trừ trường hợp quy định
tại điểm c khoản 1 Điều này;
b) Viên chức đang nghỉ hàng năm, nghỉ về việc riêng
và những trường hợp nghỉ khác được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cho
phép;
c) Viên chức nữ đang trong thời gian có thai, nghỉ
thai sản, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập
chấm dứt hoạt động.
4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không
xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo
bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45
ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục
thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.
5. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác
định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:
a) Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa
điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận
trong hợp đồng làm việc;
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả
lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc;
c) Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó
khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;
đ) Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định
của cơ sở chữa bệnh;
e) Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ
03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.
6. Viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn
phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập
biết trước ít nhất 03 ngày đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b,
c, đ và e khoản 5 Điều này; ít nhất 30 ngày đối với trường hợp quy định tại
điểm d khoản 5 Điều này.
Điều 30. Giải quyết tranh
chấp về hợp đồng làm việc
Tranh chấp liên quan đến việc ký kết, thực hiện hoặc
chấm dứt hợp đồng làm việc được giải quyết theo quy định của pháp luật về lao
động.
Mục 3. BỔ NHIỆM, THAY ĐỔI
CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP, THAY ĐỔI VỊ TRÍ VIỆC LÀM CỦA VIÊN CHỨC
Điều 31. Bổ nhiệm, thay đổi
chức danh nghề nghiệp
1. Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên
chức được thực hiện theo nguyên tắc sau:
a) Làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào
chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó;
b) Người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì
phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó.
2. Việc thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên
chức được thực hiện thông qua thi hoặc xét theo nguyên tắc bình đẳng, công
khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
3. Viên chức được đăng ký thi hoặc xét thay đổi chức
danh nghề nghiệp nếu đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và đủ điều kiện, tiêu
chuẩn theo quy định của pháp luật.
4. Chính phủ quy định cụ thể quy trình, thủ tục thi
hoặc xét, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp của viên chức; phân công, phân cấp
việc tổ chức thi hoặc xét, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp của viên chức.
Các bộ, cơ quan ngang bộ được giao quản lý nhà nước
về các lĩnh vực hoạt động của viên chức chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ quy
định cụ thể tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; điều kiện thi hoặc xét thay đổi
chức danh nghề nghiệp của viên chức.
Điều 32. Thay đổi vị trí
việc làm
1. Khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu, viên
chức có thể được chuyển sang vị trí việc làm mới nếu có đủ tiêu chuẩn chuyên
môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm đó.
2. Việc lựa chọn viên chức vào vị trí việc làm còn
thiếu do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền
quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, công
khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
3. Khi chuyển sang vị trí việc làm mới, việc sửa
đổi, bổ sung nội dung hợp đồng làm việc hoặc có thay đổi chức danh nghề nghiệp
được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 28 và Điều 31 của Luật này.
Mục 4. ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
Điều 33. Chế độ đào tạo, bồi
dưỡng viên chức
1. Việc đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện đối với
viên chức trước khi bổ nhiệm chức vụ quản lý, thay đổi chức danh nghề nghiệp
hoặc nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng phục vụ hoạt động nghề nghiệp.
2. Nội dung, chương trình, hình thức, thời gian đào
tạo, bồi dưỡng viên chức phải căn cứ vào tiêu chuẩn chức vụ quản lý, chức danh
nghề nghiệp, yêu cầu bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng phục vụ hoạt động
nghề nghiệp.
3. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng viên chức gồm:
a) Đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ quản
lý;
b) Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp;
c) Bồi dưỡng nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ
năng phục vụ hoạt động nghề nghiệp.
4. Các bộ, cơ quan ngang bộ được giao quản lý nhà
nước về các lĩnh vực hoạt động của viên chức quy định chi tiết về nội dung,
chương trình, hình thức, thời gian đào tạo, bồi dưỡng viên chức làm việc trong
ngành, lĩnh vực được giao quản lý.
Điều 34. Trách nhiệm đào
tạo, bồi dưỡng viên chức
1. Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm xây dựng
và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng viên chức.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm tạo điều
kiện để viên chức được tham gia đào tạo, bồi dưỡng.
3. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức do viên
chức, nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các nguồn khác bảo đảm.
Điều 35. Trách nhiệm và
quyền lợi của viên chức trong đào tạo, bồi dưỡng
1. Viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng phải chấp
hành nghiêm chỉnh quy chế đào tạo, bồi dưỡng và chịu sự quản lý của cơ sở đào
tạo, bồi dưỡng.
2. Viên chức được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng được
hưởng tiền lương và phụ cấp theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị
sự nghiệp công lập; thời gian đào tạo, bồi dưỡng được tính là thời gian công
tác liên tục, được xét nâng lương.
3. Viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập cử đi
đào tạo nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc phải đền bù
chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ.
Mục 5. BIỆT PHÁI, BỔ NHIỆM,
MIỄN NHIỆM
Điều 36. Biệt phái viên chức
1. Biệt phái viên chức là việc viên chức của đơn vị
sự nghiệp công lập này được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác
theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định. Người đứng đầu đơn vị sự
nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập
quyết định việc biệt phái viên chức.
2. Thời hạn cử biệt phái không quá 03 năm, trừ một
số ngành, lĩnh vực do Chính phủ quy định.
3. Viên chức được cử biệt phái phải chịu sự phân
công công tác và quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến.
4. Trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công
lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi
khác của viên chức.
5. Viên chức được cử biệt phái đến miền núi, biên
giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh
tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của
Chính phủ.
6. Hết thời hạn biệt phái, viên chức trở về đơn vị
cũ công tác. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có
trách nhiệm tiếp nhận và bố trí việc làm cho viên chức hết thời hạn biệt phái
phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức.
7. Không thực hiện biệt phái viên chức nữ đang mang
thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Điều 37. Bổ nhiệm viên chức
quản lý
1. Việc bổ nhiệm viên chức quản lý phải căn cứ vào
nhu cầu của đơn vị sự nghiệp công lập, tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ quản
lý và theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục.
2. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của đơn vị sự nghiệp
công lập, viên chức giữ chức vụ quản lý được bổ nhiệm có thời hạn không quá 05
năm. Trong thời gian giữ chức vụ quản lý, viên chức được hưởng phụ cấp chức vụ
quản lý; được tham gia hoạt động nghề nghiệp theo chức danh nghề nghiệp đã được
bổ nhiệm.
3. Khi viên chức quản lý hết thời hạn giữ chức vụ
quản lý, phải xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại. Trường hợp không
được bổ nhiệm lại, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm có trách nhiệm bố trí viên chức
vào vị trí việc làm theo nhu cầu công tác, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ
của viên chức.
4. Viên chức quản lý được bố trí sang vị trí việc
làm khác hoặc được bổ nhiệm chức vụ quản lý mới thì đương nhiên thôi giữ chức
vụ quản lý đang đảm nhiệm, trừ trường hợp được giao kiêm nhiệm.
5. Thẩm quyền bổ nhiệm viên chức giữ chức vụ quản lý
do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm
quyền quyết định theo phân cấp quản lý.
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 38. Xin thôi giữ chức
vụ quản lý hoặc miễn nhiệm đối với viên chức quản lý
1. Viên chức quản lý có thể xin thôi giữ chức vụ
quản lý hoặc được miễn nhiệm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Không đủ sức khỏe;
b) Không đủ năng lực, uy tín;
c) Theo yêu cầu nhiệm vụ;
d) Vì lý do khác.
2. Viên chức quản lý xin thôi giữ chức vụ quản lý
nhưng chưa được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cấp có thẩm quyền
đồng ý cho thôi giữ chức vụ quản lý vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền
hạn của mình.
3. Viên chức quản lý sau khi được thôi giữ chức vụ
quản lý hoặc miễn nhiệm được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cấp
có thẩm quyền bố trí vào vị trí việc làm theo nhu cầu công tác, phù hợp với
chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức.
4. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xem xét, quyết định
việc xin thôi giữ chức vụ quản lý, miễn nhiệm viên chức quản lý được thực hiện
theo quy định của pháp luật.
Mục 6. ĐÁNH GIÁ VIÊN CHỨC
Điều 39. Mục đích của đánh
giá viên chức
Mục đích của đánh giá viên chức để làm căn cứ tiếp
tục bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ
luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với viên chức.
Điều 40. Căn cứ đánh giá
viên chức
Việc đánh giá viên chức được thực hiện dựa trên các
căn cứ sau:
1. Các cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký kết;
2. Quy định về đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xứ
của viên chức.
Điều 41. Nội dung đánh giá
viên chức[10]
1. Việc đánh giá viên chức được xem xét theo các nội
dung sau đây:
a) Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của
Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
b) Kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo
hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể
được giao; tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả thực
hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản
phẩm cụ thể;
c) Việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp;
d) Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân,
tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện quy tắc ứng xử của viên
chức;
đ) Việc thực hiện các nghĩa vụ khác của viên chức.
2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này,
viên chức quản lý còn được đánh giá theo các nội dung sau đây:
a) Năng lực quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện
nhiệm vụ;
b) Kế hoạch làm việc theo năm, quý, tháng và kết quả
hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý; việc đánh giá kết quả
thực hiện nhiệm vụ của cá nhân phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ
quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách. Mức xếp loại chất lượng của cá nhân
không cao hơn mức xếp loại chất lượng của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp
phụ trách.
3. Việc đánh giá viên chức được thực hiện như sau:
a) Đánh giá hàng năm; đánh giá trước khi kết thúc
thời gian tập sự, ký kết tiếp hợp đồng làm việc, thay đổi vị trí việc làm; đánh
giá trước khi xét khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch;
b) Căn cứ vào đặc thù công việc của cơ quan, tổ
chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức ban hành
hoặc giao người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp sử dụng viên chức ban hành
quy định đánh giá viên chức theo quý, tháng hoặc tuần phù hợp với đặc thù công
việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan,
định lượng bằng kết quả, sản phẩm cụ thể; kết quả đánh giá là căn cứ để thực
hiện đánh giá viên chức quy định tại điểm a khoản này.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 42. Xếp loại chất lượng[11] viên chức
Hàng năm, căn cứ vào nội dung đánh giá, viên chức
được xếp loại chất lượng[12]
như sau:
1. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;
2. Hoàn thành tốt nhiệm vụ,
3. Hoàn thành nhiệm vụ;
4. Không hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 43. Trách nhiệm đánh
giá viên chức
1. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách
nhiệm tổ chức việc đánh giá viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.
2. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, người đứng đầu đơn
vị sự nghiệp công lập thực hiện việc đánh giá hoặc phân công, phân cấp việc
đánh giá viên chức thuộc thẩm quyền quản lý. Người được giao thẩm quyền đánh
giá viên chức phải chịu trách nhiệm trước người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công
lập về kết quả đánh giá.
3. Người có thẩm quyền bổ nhiệm chịu trách nhiệm
đánh giá viên chức quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục
đánh giá viên chức quy định tại Điều này.
Điều 44. Thông báo kết quả
đánh giá, xếp loại chất lượng[13] viên chức
1. Nội dung đánh giá viên chức phải được thông báo
cho viên chức.
2. Kết quả xếp loại chất lượng[14] viên chức được công khai trong đơn vị sự
nghiệp công lập.
3. Nếu không nhất trí với kết quả đánh giá và xếp loại chất lượng[15] thì viên
chức được quyền khiếu nại lên cấp có thẩm quyền.
Mục 7. CHẾ ĐỘ THÔI VIỆC, HƯU
TRÍ
Điều 45. Chế độ thôi việc
1.[16]
Viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo
hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo
hiểm khi đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với
viên chức, hết thời hạn của hợp đồng nhưng người sử dụng lao động không ký kết
tiếp hợp đồng làm việc, viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng do ốm đau, bị
tai nạn theo quy định tại khoản 4 Điều 29 hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng
theo quy định tại khoản 5 Điều 29 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại
khoản 2 Điều này.
2. Viên chức không được hưởng trợ cấp thôi việc nếu
thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Bị buộc thôi việc;
b) Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà vi phạm
quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 29 của Luật này;
c) Chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại
khoản 5 Điều 28 của Luật này.
Điều 46. Chế độ hưu trí
1. Viên chức được hưởng chế độ hưu trí theo quy định
của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội.
2. Trước 06 tháng, tính đến ngày viên chức nghỉ hưu,
cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý viên chức phải thông báo bằng văn bản về thời
điểm nghỉ hưu; trước 03 tháng, tính đến ngày viên chức nghỉ hưu, cơ quan, tổ
chức, đơn vị quản lý viên chức ra quyết định nghỉ hưu.
3. Đơn vị sự nghiệp công lập có thể ký hợp đồng vụ,
việc với người hưởng chế độ hưu trí nếu đơn vị có nhu cầu và người hưởng chế độ
hưu trí có nguyện vọng; trong thời gian hợp đồng, ngoài khoản thù lao theo hợp
đồng, người đó được hưởng một số chế độ, chính sách cụ thể về cơ chế quản lý
bảo đảm điều kiện cho hoạt động chuyên môn do Chính phủ quy định.
Chương IV
QUẢN
LÝ VIÊN CHỨC
Điều 47. Quản lý nhà nước về
viên chức
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về viên
chức.
2. Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực
hiện việc quản lý nhà nước về viên chức và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình
cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về viên chức;
b) Chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ lập
quy hoạch, kế hoạch xây dựng, phát triển đội ngũ viên chức trình cấp có thẩm
quyền quyết định;
c) Chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ
trong việc ban hành hệ thống danh mục, tiêu chuẩn và mã số chức danh nghề
nghiệp;
d) Quản lý công tác thống kê về viên chức; hướng dẫn
việc lập, quản lý hồ sơ viên chức; phát triển và vận hành cơ sở dữ liệu quốc
gia về viên chức;
đ) Thanh tra, kiểm tra việc quản lý nhà nước về viên
chức;
e) Hàng năm, báo cáo Chính phủ về đội ngũ viên chức.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ,
quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về viên chức.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về
viên chức.
Điều 48. Quản lý viên chức
1. Nội dung quản lý viên chức bao gồm:
a) Xây dựng vị trí việc làm;
b) Tuyển dụng viên chức;
c) Ký hợp đồng làm việc;
d) Bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp;
đ) Thay đổi vị trí việc làm, biệt phái, chấm dứt hợp
đồng làm việc, giải quyết chế độ thôi việc;
e) Bổ nhiệm, miễn nhiệm viên chức quản lý; sắp xếp,
bố trí và sử dụng viên chức theo nhu cầu công việc;
g) Thực hiện việc đánh giá, khen thưởng, kỷ luật
viên chức;
h) Thực hiện chế độ tiền lương, các chính sách đãi
ngộ, chế độ đào tạo, bồi dưỡng viên chức;
i) Lập, quản lý hồ sơ viên chức; thực hiện chế độ
báo cáo về quản lý viên chức thuộc phạm vi quản lý.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ
thực hiện các nội dung quản lý quy định tại khoản 1 Điều này. Người đứng đầu
đơn vị sự nghiệp công lập chịu trách nhiệm báo cáo cấp trên về tình hình quản
lý, sử dụng viên chức tại đơn vị.
3. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao
quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện
quản lý viên chức hoặc phân cấp thực hiện các nội dung quản lý quy định tại
khoản 1 Điều này cho đơn vị sự nghiệp công lập được giao quản lý.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 49. Khiếu nại và giải
quyết khiếu nại đối với quyết định liên quan đến quản lý viên chức
Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại của viên chức
đối với các quyết định của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cấp có
thẩm quyền liên quan đến quản lý viên chức được thực hiện theo quy định của
pháp luật.
Điều 50. Kiểm tra, thanh tra
1. Cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp
công lập thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức tại
các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quản lý.
2. Bộ Nội vụ thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng và
quản lý viên chức theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật
có liên quan.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ thanh tra việc thực hiện
hoạt động nghề nghiệp của viên chức thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý.
Chương V
KHEN
THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 51. Khen thưởng
1. Viên chức có công trạng, thành tích và cống hiến
trong công tác, hoạt động nghề nghiệp thì được khen thưởng, tôn vinh theo quy
định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
2. Viên chức được khen thưởng do có công trạng,
thành tích đặc biệt được xét nâng lương trước thời hạn, nâng lương vượt bậc theo
quy định của Chính phủ.
Điều 52. Các hình thức kỷ
luật đối với viên chức
1. Viên chức vi phạm các quy định của pháp luật
trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì tùy theo tính chất, mức
độ vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Cách chức;
d) Buộc thôi việc.
2. Viên chức bị kỷ luật bằng một trong các hình thức
quy định tại khoản 1 Điều này còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề
nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Hình thức kỷ luật cách chức chỉ áp dụng đối với
viên chức quản lý.
4. Quyết định kỷ luật được lưu vào hồ sơ viên chức.
5. Chính phủ quy định việc áp dụng các hình thức kỷ
luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức.
Điều 53. Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật[17]
1.
Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì viên chức có
hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ
thời điểm có hành vi vi phạm.
Trừ
trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định
như sau:
a) 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng
đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách;
b)
05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản
này.
2.
Đối với các hành vi vi phạm sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:
a)
Viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức
khai trừ;
b)
Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
c)
Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối
ngoại;
d)
Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
3.
Thời hạn xử lý kỷ luật đối với viên chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện
hành vi vi phạm của viên chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có
thẩm quyền.
Thời
hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp
cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý
kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.
4.
Trường hợp viên chức đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử
theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc
đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm kỷ luật thì bị xem xét xử
lý kỷ luật. Thời
gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự không được tính vào
thời hạn xử lý kỷ luật. Trong thời hạn 03 ngày làm
việc, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, người ra
quyết định phải gửi quyết định và tài liệu có liên quan cho cơ quan, tổ chức,
đơn vị quản lý viên chức để xem xét xử lý kỷ luật.
Điều 54. Tạm đình chỉ công
tác
1. Trong thời hạn xử lý kỷ luật, người đứng đầu đơn
vị sự nghiệp công lập quyết định tạm đình chỉ công tác của viên chức nếu thấy
viên chức tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ
luật. Thời gian tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết
có thể kéo dài thêm nhưng không quá 30 ngày. Hết thời gian tạm đình chỉ công
tác, nếu viên chức không bị xử lý kỷ luật thì được bố trí vào vị trí việc làm
cũ.
2. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác, viên
chức được hưởng lương theo quy định của Chính phủ.
Điều 55. Trách nhiệm bồi
thường, hoàn trả
1. Viên chức làm mất, hư hỏng trang bị, thiết bị
hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập thì
phải bồi thường thiệt hại.
2. Viên chức khi thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ
được phân công có lỗi gây thiệt hại cho người khác mà đơn vị sự nghiệp công lập
phải bồi thường thì có nghĩa vụ hoàn trả cho đơn vị sự nghiệp công lập.
Chính phủ quy định chi tiết việc xác định mức hoàn
trả của viên chức.
Điều 56. Các quy định khác
liên quan đến việc kỷ luật viên chức
1. Viên chức bị khiển trách thì thời hạn nâng lương
bị kéo dài 03 tháng; bị cảnh cáo thì thời hạn nâng lương bị kéo dài 06 tháng.
Trường hợp viên chức bị cách chức thì thời hạn nâng lương bị kéo dài 12 tháng,
đồng thời đơn vị sự nghiệp công lập bố trí vị trí việc làm khác phù hợp.
2.[18] Viên chức bị kỷ luật
thì xử lý như sau:
a)
Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì không thực
hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong
thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực;
b) Trường hợp bị kỷ luật bằng
hình thức cách chức thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ
nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
3.[19] Viên chức đang trong
thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được bổ
nhiệm, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng hoặc thôi việc.
4. Viên chức quản lý đã bị kỷ luật cách chức do tham
nhũng hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào
vị trí quản lý.
5. Viên chức bị cấm hành nghề hoặc bị hạn chế hoạt
động nghề nghiệp trong một thời hạn nhất định theo quyết định của cơ quan có
thẩm quyền, nếu không bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc thì đơn vị sự nghiệp công
lập phải bố trí viên chức vào vị trí việc làm khác không liên quan đến hoạt
động nghề nghiệp bị cấm hoặc bị hạn chế.
6. Viên chức bị xử lý kỷ luật, bị tạm đình chỉ công
tác hoặc phải bồi thường, hoàn trả theo quyết định của đơn vị sự nghiệp công
lập nếu thấy không thỏa đáng thì có quyền khiếu nại, khởi kiện hoặc yêu cầu
giải quyết theo trình tự do pháp luật quy định.
Điều 57. Quy định đối với
viên chức bị truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Viên chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được
hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng thì bị buộc thôi
việc, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
2. Viên chức quản lý bị Tòa án tuyên phạm tội thì
đương nhiên thôi giữ chức vụ quản lý, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án
có hiệu lực pháp luật.
Chương VI
ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH[20]
Điều 58. Chuyển đổi giữa
viên chức và cán bộ, công chức
1.[21] Việc chuyển đổi giữa
viên chức và cán bộ, công chức được thực hiện như sau:
a)
Việc tuyển dụng viên chức vào làm công chức phải thực hiện theo quy định của
pháp luật về cán bộ, công chức;
b)
Cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập
khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật này;
c)
Quá trình cống hiến, thời gian công tác của viên chức trước khi chuyển sang làm
cán bộ, công chức và ngược lại được xem xét khi thực hiện các nội dung liên
quan đến đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng và các quyền lợi khác.
2. Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Điều 59. Quy định chuyển
tiếp
1. Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7
năm 2003 có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý như viên chức làm việc theo hợp
đồng làm việc không xác định thời hạn theo quy định của Luật này. Đơn vị sự
nghiệp công lập có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục để bảo đảm các quyền lợi,
chế độ chính sách về ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác
mà viên chức đang hưởng.
2. Viên chức được tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm
2003 đến ngày Luật này có hiệu lực tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký
kết với đơn vị sự nghiệp công lập, có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý theo
quy định của Luật này.
2a.[22]
Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 nhưng chưa ký kết hợp
đồng làm việc không xác định thời hạn thì tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc
đã ký kết; sau khi kết thúc thời hạn của hợp đồng làm việc đã ký kết thì được
ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu
theo quy định của pháp luật.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 60. Áp dụng quy định
của Luật Viên chức đối với các đối tượng khác[23]
1. Chính phủ quy định việc áp dụng
Luật Viên chức đối với người làm việc
trong các đơn
vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp,
tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề
nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm
giữ trên 50% vốn điều lệ.
2.
Chính phủ quy định việc xử lý kỷ luật đối với viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ
hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác.
Việc
xử lý kỷ luật đối với viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong
thời gian công tác trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 được thực hiện theo quy định
của Luật này.
Điều 61. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01
năm 2012.
Điều 62. Quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật này; hướng dẫn thi hành những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước./.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT CHỦ NHIỆM |
[1] Luật số 52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công
chức và Luật Viên chức có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và Luật Viên chức số 58/2010/QH12.”
[2] Cụm từ
“nhưng không phải là công chức” được bỏ theo quy định tại điểm a khoản 13 Điều
2 của Luật số 52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm
2020.
[3] Khoản này
được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật số 52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và
Luật Viên chức, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
[4] Cụm từ “đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng” được thay
thế bằng cụm từ “đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt
buộc, đưa vào trường giáo dưỡng” theo quy định tại điểm a khoản 12 Điều 2 của Luật số
52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán
bộ, công chức và Luật Viên chức, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
[5] Điều này
được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Luật số 52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và
Luật Viên chức, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
[6] Khoản này
được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 2 của Luật số 52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và
Luật Viên chức, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
[7] Cụm từ
“được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm giữ chức vụ được pháp luật quy định là công
chức tại đơn vị sự nghiệp công lập hoặc” được bỏ theo quy định tại điểm b khoản
13 Điều 2 của Luật số 52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm
2020.
[8] Cụm từ “phân loại đánh giá” được thay thế bằng cụm từ “xếp loại chất
lượng” theo quy
định tại điểm b khoản 12 Điều 2 của Luật số 52/2019/QH14
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, có
hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
[9] Điểm này
được bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật số 52/2019/QH14
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, có
hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
[10] Điều này
được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 2 của Luật số 52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và
Luật Viên chức, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
[11] Cụm từ “phân loại đánh giá” được thay thế bằng cụm từ “xếp loại chất
lượng” theo quy
định tại điểm b khoản 12 Điều 2 của Luật số 52/2019/QH14
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, có
hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
[12] Từ “phân loại” được thay thế bằng cụm từ “xếp loại chất
lượng” theo quy
định tại điểm b khoản 12 Điều 2 của Luật số 52/2019/QH14
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, có
hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
[13] Từ “phân loại” được thay thế bằng cụm từ “xếp loại chất
lượng” theo quy
định tại điểm b khoản 12 Điều 2 của Luật số 52/2019/QH14
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, có
hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
[14] Từ “phân loại” được thay thế bằng cụm từ “xếp loại chất
lượng” theo quy
định tại điểm b khoản 12 Điều 2 của Luật số 52/2019/QH14
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, có
hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
[15] Từ “phân loại” được thay thế bằng cụm từ “xếp loại chất
lượng” theo quy
định tại điểm b khoản 12 Điều 2 của Luật số 52/2019/QH14
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, có
hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
[16] Khoản này
được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 2 của Luật số 52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và
Luật Viên chức, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
[17] Điều này
được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 7 Điều 2 của Luật số 52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và
Luật Viên chức, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
[18] Khoản này
được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 8 Điều 2 của Luật số 52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và
Luật Viên chức, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
[19] Khoản này
được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 8 Điều 2 của Luật số 52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và
Luật Viên chức, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
[20] Điều 3 của Luật số 52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, có hiệu lực kể từ ngày 01
tháng 7 năm 2020 quy định như sau:
“Điều 3. Hiệu lực thi hành
Luật
này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.”
[21] Khoản này
được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 9 Điều 2 của Luật số 52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và
Luật Viên chức, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
[22] Khoản này
được bổ sung theo quy định tại khoản 10 Điều 2 của Luật số 52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và
Luật Viên chức, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
[23] Điều này
được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 11 Điều 2 của Luật số 52/2019/QH14 ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, có hiệu lực kể từ ngày 01
tháng 7 năm 2020.
Tham khảo: Luật Viên chức mới nhất và các Nghị định, thông tư hướng dẫn
Tôi là giáo viên giảng dạy được 3 năm tại một trường THPT, nhưng vì muốn được đi học cao học tôi đã làm đơn đi học cao học , khi nộp hồ sơ tôi có báo cáo với hiệu trưởng trường tôi( Hiệu trưởng đã xác nhận vào hồ sơ dự thi cao học của tôi). Khi tôi trúng tuyển tôi có làm đơn xin nghỉ giảng dạy để đi học cao học(nghỉ không hưởng lương), ngày 11/10 năm 2011 hiệu trưởng trường tôi có mở cuộc họp liên tịch để giải quyết đơn xin nghỉ giảng dạy của tôi, và quyết định cho tôi nghỉ theo nguyện vọng. Sau đó hiệu trưởng trường tôi có gửi tiếp thông báo yêu cầu tôi nộp đơn xin nghỉ công tác, tôi đã nộp. Nhưng hôm nay mồng 8/3 và 9/3 hiệu trưởng trường tôi mời tôi về để mở hội đồng kỷ luật và buộc thôi việc tôi. Tôi thấy vô cùng hoang mang chỉ vì muốn đi học cao học để nâng cao trình độ chuyên môn của mình tôi đã phải làm đơn đi học tự túc( không hưởng lương), vậy mà tôi bị kỷ luật và buộc thôi việc.Tôi rất mong nhận được câu trả lời về sự việc của tôi. SĐT;01676387971 và mail ngatoan482007@gmail.com
Trả lờiXóaSau khi đơn xin nghỉ của bạn được Hội đồng nhà trường thông qua, bạn cần được sự đồng ý của cấp lãnh đạo trực tiếp cao hơn về việc xin nghỉ không lương của bạn bằng văn bản. Khi đó, bạn mới đủ điều kiện để nghỉ bạn thân mến ạ. Nếu không bạn sẽ phạm vào "Tự ý bỏ việc" khi chưa được sự giải quyết của cơ quan quản lí cấp trên.
XóaTrời! đó là trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, cần làm những bước gì thì lãnh đạo biết chứ GV sao có thể rành hết luật được. Thiệt tội!
Xóaluật viên chức ở tuyến y tế cơ sở
Trả lờiXóaTôi là một viên chức. Khi Giám đốc đã ký vào đơn đồng ý cho chuyển đơn vị công tác 6 tháng nay. Bên kia đã có công văn tiếp nhận tôi. Nay cơ quan chủ quản vẫn không giải quyết thủ tục cho tôi được chuyển. Tôi phải đợi đến bao giờ? Cơ quan có làm đúng không?
Trả lờiXóaTôi là một giáo viên đã trúng tuyển viên chức, nhưng giờ quy định vẫn phải ký hợp đồng có thời hạn hay dài hạn khổ quá, vì mỗi lần đổi hợp đồng là lại phải chạy đi chạy lại, biếu xén không biết bao nhiêu tiền, chưa kể để được trúng tuyển tôi phải chạy vạy biếu xén, lương thì ít, làm không biết bao giừo mới đủ tiền để đi biếu đây, đói vẫn đói,
Trả lờiXóaCó lẽ luật giáo dục nên đưa ra những qui định rõ ràng hơn nữa, cụ thể hơn nữa để tránh việc mắc lỗi do chưa hiểu hay thiếu sự phòng ngừa về trù úm chẳng hạn. Giáo dục phức tạp thật sự.
Trả lờiXóatôi học trung cấp chuyên ngành quản lý đất đai. tôi đa trúng tuyển kỳ thi công chức với chức danh: công chức địa chính - nông nghiệp và môi trường. sau một năm làm việc tôi lại nhận được quyets định chuyển tôi làm việc khác với chức danh: công chức văn phòng - thống kê. cho tôi được hỏi việc quyết định tôi chuyển việc như vầy có đúng không?
Trả lờiXóaxã hội thật bất công
Trả lờiXóaBạn ơi ngồi đấy mà kêu thì ích chi chứ. Thay vì kêu bạn hãy góp một tí công sức của mình vào để xã hội công bằng đi. Anh hùng đâu thể đứng làm ngơ.Người người chống tham nhũng.Hết tham nhũng xã hội đỡ bất công.
XóaCông chức được phụ cấp công vụ còn viên chức thì không. Ật vô lý.
Trả lờiXóaViên chức thì khác gì công chức chứ.Chúng tôi cũng làm việc và cống hiến vì đất nước này mà. Khi nhận chúng tôi vào làm việc trong đơn vị sự nghiệp có thấy phân biệt gì đâu. Sao giờ lại phân biệt như vậy??????
Trả lờiXóatôi thấy hiện nay việc chay vào công chức đã khó mất đủ thứ tiền sau đó lại bị trù úm doạ đuổi việc là vấn đề ở mọi lĩnh vực do những người lãnh đạo thoái hoá biến chất, người lao đông thường bị thiệt, không giám nói chứ ra đừng nói giám tố cáo.
Trả lờiXóaCuộc sống luôn luôn đầy rẫy sự bất công, mọi người phải học cách thích nghi với nó thôi chứ chả có cách nào khác. Pháp luật thì vẫn còn đang phải chỉnh sủa và hoàn thiện nên tất nhiên sẽ vẫn mãi không đáp ứng hết các đòi hỏi của thực tế và vẫn mãi sẽ có đầy những khe hở để cho lắm kẻ luồn lách. Và vì lắm luật quá nên bạn sẽ cẫn phải có sự hỗ trợ tư vấn pháp luật nếu không muốn mình bị vi phạm luật. Và cũng chính vì vậy công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng quả là rất khó khăn gian khổ.Đấu tranh không cẩn thận thì tránh vào đâu. Chỉ có trời mới biết thôi.
Trả lờiXóaTôi được hợp đồng ngắn hạn làm việc trong một cơ quan quản lý nhà nước từ năm 2007. Đến năm 2002 được ký hợp đồng theo Nghị định số 68/NĐ-CP và đến năm 2004 được tuyển dụng là VIÊN CHỨC.
Trả lờiXóaTuy được tuyển dụng là VIÊN CHỨC TỪ NĂM 2004. Nhưng từ năm 2004 đều được giao làm nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực của một công chức nhà nước và làm việc tại đơn vị quản lý nhà nước cho đến nay (2012), tổng số thời gian là 7 năm 5 tháng. Hàng năm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Tôi Rất vui mừng khi sẽ được hưởng mức phụ cấp 10% cho công chức nhà nước và Khi Luật Viên chức ra đời đồng thời. Đó là điều phấn khời và tôi hy vọng khi mình làm tốt nhiệm vụ, đủ điều kiện chuyển đổi thì được áp dụng tại chương VI, điều 58 mục 1 phần a (Chuyển đổi viên chức sang Công chức). Nhưng thực tế Văn bản của nhà nước còn xa với thực tế quá.
Năm 2010-2011 dự thảo Luật Viên chức xin ý kiến các ngành, đầu năm 2012 mới thực hiện. Nhưng cho đến nay đã tháng 05/2012 vẫn chưa có thông tư hướng dẫn của các Bộ ngành Trung ương. Tôi thiết nghĩ chắc phải hết năm 2012 mới có và khi đó đến 2013 mới thực hiện. Lại còn triển khai về các địa phương Tỉnh thành phố rồi tới các huyện nữa thì chắc cùng phải Thai nghén cả giai đoạn thực hiện Luật Viên chức là 03 năm.
Bản thân tôi cũng như nhiều trường hợp khác như tôi kính đề nghị các cấp cần quan tâm sớm hơn nữa để động viên công chức, viên chức và đi kèm là chế độ quyền lợi và tính chủ nghĩa xã hội của Đảng cộng sản Việt Nam
bao gio moi het nan chay chot mua viec
Trả lờiXóaBạn ơi hãy cùng Tôi tẩy chay nạn tham nhũng chạy chọt xin việc làm đi. Tôi sẽ mách cho bạn cách làm nhé. Bạn nói phải chạy tiền để xin việc ư. Bạn chạy khoảng 80 đến 100 triệu mới có việc làm gọi là được biên chế trong nhà nước đúng không. Tôi thấy có công việc còn cao hơn thế nữa đúng không bạn. Vậy là tự bản thân bạn đã giúp cho những kẻ tham lam kia có khoản tiền kếch xù. Bạn thử tính xem 200 người như thế chúng có bao nhiêu tiền. Tiền không phải mồ hôi của chúng chúng sẽ ăn tiêu trác táng làm cho xã hội rối ren thêm.Con cái họ nữa xả láng mà tiêu tiền những đồng tiền của những người chạy việc như bạn í. Các bạn hãy bảo nhau không bạn nào chạy nữa thì khi thiếu họ phải sử dụng đến bạn thôi.Nếu lâu quá thì bạn xin làm ơ công ty nào đó.Tôi đang trong biên chế nhà nước tôi chỉ thấy khác các doanh nghiệp là cơ quan sử dụng lao động đóng 15% BHXH cho thôi mình vẫn phải đóng thêm 6 hay 7 % nữa, còn làm ở các doanh nghiệp họ cũng cho mình đóng BHXH cơ mà.Mà họ không biết luật nhân quả mới ăn hối lộ và tham nhũng đó thôi. Những người như thế họ đâu biết cuối đời họ ra sao, con cháu họ thế nào.Họ kiêu ngạo nhưng sao trốn chạy được luật trời, họ tưởng người đời không biết thì họ không sao. Nhưng thần hai vai ghi hết tội và công họ đâu có bỏ xót chi tiết nào.
Xóacon vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa
Trả lờiXóalàm viecj nha nuoc sao ma nghe kho qua!
XóaBạn ơi con Vua thì lại làm Vua dân tình mình sướng hơn vì con Vua sẽ được học làm Vua từ nhỏ( Í là tôi nói nhưng ông Vua yêu nước thương dân nên mới chiu khó học làm Vua, chứ không nói những ông Vua lười học lên làm Vua chỉ biết hưởng thụ thôi. Con Sãi ở chùa có học làm Vua đâu mà làm được Vua.Ông Vua nào tốt sẽ dạy con làm Vua tốt mà.
XóaĐừng cầu kì phải xin vào làm việc trong nhà nước mới được. Đâu cũng là việc làm để bạn thu nhập và thể hiện tài năng của bạn mà. Cốt sao bạn không lười là được.
XóaKhông phải ở đâu, chỗ nào cũng bất công. Mình tự thi công chức vào ngành nông nghiệp, không chạy vạy, xin xỏ mất đồng nào. Tất nhiên, ở chỗ này chỗ kia còn có những việc không hay, mình là công chức, viên chức nhà nước, thay đổi nó dần dần chứ biết làm thế nào!!! Cơ chế mà :d
Trả lờiXóaXã hội vì đồng tiền mà?
Xóaxa hoi thoi gio bat cong qua minh ra truong voi tam bang gioi ma van chua xin duoc viec lam
Trả lờiXóaTôi thiết nghĩ cụm tư "Phòng, chồng" phải thêm vào "Xử lý, phòng, chống" trong tất cả mọi lĩnh vực. phong chống mà không có biện pháp xử lý nghiêm, đích đáng, công khai thì việc phong chống quá kém hiệu quả.
Trả lờiXóaHiệu trưởng trường tôi xét hoàn thành chế độ tập sự cho viên chức loại A (12 tháng) nhưng mới được 09 tháng viên chức đó đã nghỉ chế độ thai sản theo Luật bảo hiểm xã hội. Hiệu trưởng trường tôi làm như vậy đúng hay sai? Nếu xét theo Luật thì viên chức đó có hoàn thành chế độ tập sự không?
Trả lờiXóatôi lam công chức được 8 năm rồi chuyển sang làm viên chức quản lý từ đầu năm 2012 đến nay, giờ muốn xin chuyển sang công chức không biết có được không? nhờ các bác chỉ giáo thêm.
Trả lờiXóaLuật viên chức này ra đời sẽ làm khổ biết bao nhiêu người làm viên chức vì nạn chạy chọt công việc khi muốn được kí tiếp hợp đồng, và những người viên chức nào không chung ý tưởng với các sếp sẽ bị đuổi việc nhanh hơn, nói chung tệ nạn sẽ xảy ra nhiều hơn lúc trước. Chỉ khổ cho người viên chức thôi. Công chức cũng giống như viên chức thôi sao lại có sự phân biết đối xử như thế nhỉ? Họ cũng đều phải qua xét tuyển mới được tuyển dụng cơ mà.
Trả lờiXóaxã hội thời nay bất công nhiều nắm phàn nàn cũng được j đâu
Trả lờiXóaxin hỏi bao gio viên chức sự nghiệp ( Nhân viên trường học) được phụ cấp công vụ hoặc phụ cấp nào đó???. vì hiện nay chúng tôi chẳng được hưởng một loại phụ cấp nào ngoài lương
Trả lờiXóaXin hỏi, theo luật viên chức, tôi là giáo viên trường THPT chuyển công tác về trường thuộc tỉnh khác.Sở GD&ĐT đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc với tôi nhưng không giải quyết trợ cấp thôi việc. Như vậy đúng hay sai mong tracuuphapluat giải thích giúp.
Trả lờiXóaXin hỏi??? tôi là viên chức tạm tuyển (đang hưởng lương 85%). theo quy định của bộ luật lao động, đến nay tôi đã hết thời gian thử việc và cơ quan đã làm tờ trình tới cấp có thẩm quyền để xét tuyển dụng chính thức (hồ sơ đã đầy đủ). tuy nhiên phòng nội vụ trả lời là phải chờ thông tư hướng dẫn luật viên chức mới xét tuyển được???
Trả lờiXóatrong khi đó, ngoài luật viên chức, tôi còn thấy có nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức rất cụ thể!!! vậy còn chờ thông tư hươngh1 dẫn nữa là sao??? ai biết xin trả lời dùm!!! thanks! Sỹ Minh
Tôi có đọc một văn bản ghi: Nghị định, nhưng viết là loại văn bản - Thông tư!!! nhứ vậy có đúng ko? nghị định có phải là thông tư??? ai biết giải thích cụ thể dùm??? thanks!
Trả lờiXóaThông tư là văn bản hướng dẫn thi hành Nghị Định. Thông tư có sau khi Nghị Định đã ban hành.
Trả lờiXóaTôi là sinh viên mới tốt nghiệp đại học sư phạm, chuẩn bị xét tuyển viên chức. Nhưng năm nay thay vì xét tuyển theo điểm thì lại có thêm việc phỏng vấn, và điểm phỏng vấn nhân hệ số 2. Việc phỏng vấn này nhằm mục đích gì? Có nâng cao giá trị tuyển dụng hay không? Hay chỉ là cơ hội của tiêu cực???
Trả lờiXóaChính phủ đã tốn kém nhiều tiền của để cải cáh hành chính Nhà Nước mà sao nhiều phiền toái thế
Trả lờiXóaÔng Bộ trưởng bộ nội vụ ơi !!!!!!!!!
Trả lờiXóaXin ông bộ trưởng và các ông ăn không ngồi rồi ngoài bộ nội vụ ra thông tư hướng dẫn chi tiết cụ thể thi hành luật viên chức.ăn rồi có mỗi viêc đó không làm được để rất nhiều trường hợp vướng vì không có thông tư,
Tôi là kế toán của trường học công lập - Tôi xin nghỉ việc phải làm đơn xin trước thời gian là bao nhiêu ngày (30ngày hoạc 45 ngày)?
Trả lờiXóa- Đã công tác 13 năm - thị tuyển và được tuyển vào công chức năm 2000.Và tôi được hưởng chế độ như thế nào? bao lâu thì tôi được giải quyết chế độ - Xin cám ơn