Nghị định 190-CP hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Nghĩa vụ quân sự về chế độ,chính sách với quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan và binh sỹ
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 190-CP NGÀY 24-12-1994 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT NGHĨA VỤ QUÂN SỰ VỀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP, HẠ SĨ QUAN VÀ BINH SĨ;
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 22 tháng 6 năm 1994;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 22 tháng 6 năm 1994;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
Điều 1. Trong thời gian tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp hưởng theo chế độ hiện hành về lương và các khoản phụ cấp theo lương; các chế độ, chính sách khác được thực hiện như sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam có cùng cấp bậc quân hàm.
Điều 2. Trong thời gian quân nhân dự bị hạng 1 tập trung huấn luyện, kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu, gia đình được trợ cấp như sau:
a) Quân nhân dự bị hạng 1 không hưởng tiền lương, tiền công, thì gia đình được trợ cấp mỗi ngày bằng hệ số 0,1 so với lương tối thiểu;
b) Quân nhân dự bị hạng 1 đang hưởng tiền lương, tiền công do cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế trả, thì gia đình được trợ cấp mỗi ngày bằng hệ số 0,05 so với lương tối thiểu.
Khoản trợ cấp cho các đối tượng điểm a, b trên đây được lấy từ kinh phí quốc phòng trong ngân sách địa phương và được chi trả trực tiếp 1 lần cho quân nhân dự bị trong ngày cuối cùng của đợt tập trung huấn luyện, kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Điều 3.
Hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 25 trở đi, hàng tháng được hưởng thêm 200% phụ cấp quân hàm cơ bản của mối cấp; từ tháng 37 trở đi, hàng tháng còn được hưởng thêm 50% phụ cấp quân hàm cơ bản của mỗi cấp.
Khoản phụ cấp từ tháng thứ 25 và tháng thứ 37 trở đi nói tại Điều này không áp dụng đối với những hạ sĩ quan, binh sĩ đang học ở các trường đào tạo trong và ngoài quân đôi. Bộ Quốc phòng cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính quy định chế độ đãi ngộ cụ thể đối với đối tượng là học viên nói trên.
Điều 4.
Trợ cấp xuất ngũ đối với quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ thực hiện như Quyết định số 595-TTg ngày 15-12-1993 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với quân nhân, công an nhân dân khi xuất ngũ. Ngoài ra, hạ sĩ quan và binh sĩ phục vụ tại ngũ thời hạn 3 năm, khi xuất ngũ được trợ cấp thêm 2 tháng phụ cấp quân hàm cơ bản của mỗi cấp.
Khoản "trợ cấp học nghề" bằng 3 tháng tiền lương tối thiểu của quân nhân khi xuất ngũ, quy định tại điểm 3, Điểm 1 Quyết định số 595-TTg ngày 15-12-1993 của Thủ tướng Chính phủ, nay gọi là "trợ cấp tạo việc làm".
Điều 5. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký. Riêng chế độ quy định ở Điều 3 Nghị định này được thực hiện từ tháng 7 năm 1994.
Điều 6.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn việc thi hành Nghị định này.
Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Võ Văn kiệt
(Đã ký)
|