Nghị quyết 15/NQLT/CP-TANDTC-VKSNDTC về phối hợp công tác giữa Chính phủ với TANDTC, VKSNDTC
NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH
CỦA CHÍNH PHỦ - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 15/NQLT/CP-TANDTC-VKSNDTC NGÀY 31 THÁNG 03 NĂM 2010
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIỮA CHÍNH PHỦ VỚI TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO, VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 02 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân ngày 02 tháng 4 năm 2002;
Để tăng cường sự phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong thực hiện các nhiệm vụ của mỗi cơ quan, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội của đất nước,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2010.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.
CHÁNH ÁN
TAND TỐI CAO Trương Hòa Bình |
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng |
VIỆN TRƯỞNG
VKSND TỐI CAO Trần Quốc Vượng |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIỮA CHÍNH PHỦ VỚI TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO, VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
(Ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 15/NQLT/CP-TANDTC-VKSNDTC ngày 31 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao)
(Ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 15/NQLT/CP-TANDTC-VKSNDTC ngày 31 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật.
Việc phối hợp công tác giữa Tòa án nhân dân tối cao với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là các Bộ, ngành), Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
Việc phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được thực hiện theo các nguyên tắc sau:
1. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật.
2. Phải chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, tạo điều kiện hỗ trợ nhau thực hiện tốt nhiệm vụ.
3. Phải bảo đảm chế độ bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.
Chương II
NỘI DUNG PHỐI HỢP
Điều 4. Phối hợp trong việc xây dựng Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
1. Trước khi trình Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, năm năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi dự thảo đến Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tham gia ý kiến.
2. Khi nhận được dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, năm năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi đến, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tham gia ý kiến bằng văn bản về dự thảo đó, kiến nghị với Chính phủ những vấn đề cần thiết, nhất là những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu những kiến nghị của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, năm năm trình Chính phủ xem xét.
Điều 5. Phối hợp trong công tác xây dựng pháp luật
1. Chuẩn bị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh:
a) Chậm nhất là 30 ngày làm việc, trước khi trình Chính phủ, Bộ Tư pháp gửi dự thảo đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm đến Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tham gia ý kiến.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tham gia ý kiến bằng văn bản và gửi về Bộ Tư pháp nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo, trình Chính phủ.
b) Chậm nhất là 30 ngày làm việc, trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao gửi đề nghị, kiến nghị về luật, pháp lệnh đến Chính phủ phát biểu ý kiến;
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng nghiên cứu, có ý kiến bằng văn bản gửi Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, kiến nghị về luật, pháp lệnh do Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao gửi đến.
2. Chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh:
a) Đối với các dự án luật, pháp lệnh có nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan chủ trì soạn thảo mời đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập và Hội đồng thẩm định các dự án luật, pháp lệnh đó;
Trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ gửi dự thảo luật, pháp lệnh nói trên đến Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tham gia ý kiến.
b) Theo Nghị quyết của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao mời đại diện các Bộ, ngành liên quan tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập các dự án luật, pháp lệnh do Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo.
Trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao gửi dự án luật, pháp lệnh do mình chủ trì soạn thảo đến Chính phủ tham gia ý kiến.
3. Trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao:
a) Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.
b) Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tham gia ý kiến bằng văn bản đối với văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan chủ trì soạn thảo mời đại diện của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập.
Điều 6. Phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật
1. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các việc khác theo quy định của pháp luật.
2. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thống kê, tổng hợp, phân tích, dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật, kiến nghị Chính phủ giải pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu, trả lời bằng văn bản các kiến nghị của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị.
3. Quá trình giải quyết các vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các việc khác theo quy định của pháp luật, trong trường hợp cần thiết, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ động tham khảo ý kiến của Bộ, ngành thuộc Chính phủ có liên quan để việc xử lý được khách quan, đúng pháp luật.
Điều 7. Phối hợp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
1. Chậm nhất là 30 ngày làm việc, trước khi trình Chính phủ, Bộ Tư pháp gửi dự thảo Chương trình, Kế hoạch của Chính phủ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tham gia ý kiến.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo Chương trình, Kế hoạch nói trên, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tham gia ý kiến bằng văn bản và gửi về Bộ Tư pháp.
2. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện Chương trình, Kế hoạch của Chính phủ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Điều 8. Phối hợp trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin
1. Chính phủ mời Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viên trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tham dự các phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các cuộc họp khác của Chính phủ có nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao mời đại diện Chính phủ tham dự Hội nghị tổng kết, triển khai công tác năm; hội nghị chuyên đề của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về những vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.
3. Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành có trách nhiệm gửi Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân.
Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm gửi văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành đến các Bộ, ngành thuộc Chính phủ có liên quan.
Điều 9. Phối hợp trong công tác đào tạo cán bộ
1. Hàng năm, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và nhu cầu cán bộ của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo về kế hoạch đào tạo cán bộ của ngành Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân.
2. Căn cứ đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Điều 10. Phối hợp trong công tác hợp tác quốc tế
1. Hàng năm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nhu cầu công tác, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất với Bộ Ngoại giao về kế hoạch hợp tác quốc tế của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân.
2. Căn cứ đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Điều 11. Phối hợp trong việc bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, kinh phí hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân
1. Chính phủ bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, kinh phí hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.
2. Hàng năm, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng dự toán ngân sách của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
3. Trong trường hợp đột xuất do yêu cầu thực hiện chức năng nhiệm vụ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung kinh phí, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho ngành Tòa án nhân dân và ngành Kiểm sát nhân dân.
Điều 12. Phối hợp giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân tối cao trong việc giải quyết các vụ án hình sự
1. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân trong công tác xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm an toàn các hoạt động liên quan đến xét xử, tổ chức thi hành các bản án hình sự và các quyết định khác theo quy định của pháp luật.
2. Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự.
Điều 13. Phối hợp giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân tối cao trong việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các việc khác theo quy định của pháp luật.
1. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để Tòa án nhân dân thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các việc khác theo quy định của pháp luật; tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đúng thời hạn và quy định của pháp luật.
2. Trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các việc khác theo quy định của pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan để giải quyết vụ án, vụ việc khách quan, đúng pháp luật.
Điều 14. Phối hợp giữa Chính phủ với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong xử lý tố giác, tin báo về tội phạm
1. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện việc thông báo tố giác, tin báo về tội phạm đến Viện Kiểm sát nhân dân theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
2. Khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẩn trương nghiên cứu và chuyển ngay đến cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
3. Đối với những tố giác, tin báo về tội phạm nội dung có nhiều tình tiết phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Cơ quan điều tra có thẩm quyền chủ động mời lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao họp, xem xét các tài liệu, chứng cứ trước khi Cơ quan điều tra có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp theo Bộ luật Tố tụng hình sự.
Điều 15. Phối hợp giữa Chính phủ với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong giải quyết các vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các việc khác theo quy định của pháp luật
1. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp, tạo điều kiện để Viện Kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật.
2. Trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan áp dụng các biện pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết và thông báo việc giải quyết kiến nghị cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
1. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện Quy chế này; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc phối hợp công tác với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân.
Văn phòng Chính phủ giúp Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế.
2. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này trong Tòa án nhân dân tối cao; chỉ đạo Tòa án nhân dân địa phương thực hiện việc phối hợp công tác với Ủy ban nhân dân cùng cấp.
3. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này trong Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân địa phương thực hiện việc phối hợp công tác với Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Điều 17. Sửa đổi, bổ sung Quy chế
Trong quá trình thực hiện Quy chế, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phát hiện những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.