Chỉ thị 1634/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách trọng tâm trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
------- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc -------------- |
Số: 1634/CT-TTg
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 08 năm 2010
|
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO
THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ CẤP BÁCH TRỌNG TÂM TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY CHỮA
CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ
Từ khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực thi
hành (ngày 04 tháng 10 năm 2001), dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo
quyết liệt của chính quyền các cấp, sự cố gắng thực hiện của các Bộ, ngành địa
phương, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an, công tác phòng cháy và chữa
cháy đã đạt được những kết quả quan trọng, việc phòng cháy ở nhiều nơi đã đi
vào nền nếp, khi các vụ cháy xảy ra đã được chữa cháy tích cực, kịp thời nên đã
giảm thiệt hại về người và tài sản; phong trào toàn dân tham gia phòng cháy,
chữa cháy ngày càng phát triển sâu rộng; hiệu lực quản lý nhà nước về phòng
cháy và chữa cháy được tăng cường …, những kết quả đó từng bước kiềm chế sự gia
tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra trong thời gian qua, góp phần
đảm bảo an ninh, quốc gia, trật tự, an toàn xã hội phục vụ sự phát triển bền
vững nền kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình cháy
diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và thiệt hại do cháy
gây ra. Từ năm 2005 đến nay, đã xảy ra 11.261 vụ cháy, làm chết 275 người, bị
thương 860 người, thiệt hại về tài sản 2.270 tỷ đồng, trung bình mỗi năm xảy ra
2.252 vụ cháy, làm chết 55 người, bị thương 172 người, gây thiệt hại về tài sản
giá trị khoảng gần 500 tỷ đồng và hàng nghìn hecta rừng bị cháy, ngoài ra còn
gây thiệt hại do việc ngừng sản xuất kinh doanh, đã tác động xấu đến hoạt động
sản xuất, kinh doanh và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng tới môi trường đầu
tư. Nguyên nhân chính của tình hình trên là do nhận thức của một số cấp ủy Đảng
chưa thật sự quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy; sự chỉ đạo của một số
cấp chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở còn thiếu chủ
động và thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác phòng cháy và
chữa cháy; việc quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công
nghiệp cao, khu kinh tế và khu dân cư, cũng khi lập dự án thiết kế xây dựng các
công trình nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, dịch vụ,
vui chơi giải trí tập trung đông người … chưa chấp hành nghiêm các quy định của
pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, chưa thực hiện đầy đủ và duy trì các điều
kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy, nhất là trang bị phương tiện phòng cháy,
chữa cháy và tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và dân phòng ở nhiều
nơi còn thiết, yếu và bất cập; ý thức trách nhiệm và kiến thức phòng cháy, chữa
cháy của người dân chưa cao. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho hoạt động phòng cháy,
chữa cháy nói chung, cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy nói riêng, nhất là cho
lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chưa đáp ứng được
yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp
luật, kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy chưa được thường xuyên và
quan tâm đúng mức; công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và tổ
chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy của một số Bộ, ngành, địa phương
chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và
tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời Luật Phòng cháy và chữa cháy sau
gần 10 năm thực hiện về cơ bản phù hợp yêu cầu thực tế, song đã bộc lộ một số
nội dung bất cập cần bổ sung hoặc sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ
trong tình hình mới.
Để khắc phục những yếu kém và bất cập nêu trên,
nhằm thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Thủ tướng
Chính phủ yêu cầu các Bộ, Ban, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân
dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện một số công
việc trọng tâm, cấp bách sau đây:
1. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp
với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan chỉ đạo các cơ quan
thông tin đại chúng, báo chí tăng thời lượng đưa tin, tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tới
các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đơn vị hành chính, sự nghiệp, các cơ sở
kinh tế, quốc phòng và toàn thể nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức và người
lao động để họ tự nguyện thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Đài
Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các Đài phát thanh, truyền hình
địa phương cần xây dựng kế hoạch thành chuyên mục riêng để thường xuyên tuyên
truyền về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Ủy ban nhân dân các cấp phải tăng cường phối hợp
với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các đoàn
thể quần chúng ở địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân
tích cực hệ thống phong trào “Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy”.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương và người đứng đầu các Bộ, ngành, các cấp ủy Đảng, các
đoàn thể, đơn vị, cơ sở và lực lượng chuyên trách trực tiếp trong việc thực
hiện công tác phòng cháy, chữa cháy xác định công tác phòng cháy, chữa cháy là
nhiệm vụ chính trị thường xuyên của mình, đề cao trách nhiệm thực hiện công tác
phòng cháy, chữa cháy thuộc đơn vị, địa phương mình quản lý, nắm vững kiến thức
pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; thường xuyên tổ chức thực hiện nghiêm và
duy trì các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy; chỉ đạo việc tự kiểm tra
và khắc phục ngay các sơ hở, thiếu sót, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy; đặc
biệt chú trọng việc trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và tổ chức lực
lượng tại chỗ; tiến hành rà soát, củng cố, xây dựng mới và duy trì hoạt động
của lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và dân phòng. Quan tâm việc xây dựng
và nhân điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia công tác phòng
cháy, chữa cháy, kịp thời động viên, khen thưởng những tổ chức, cá nhân có
thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
3. Thủ trưởng các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc thực
hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy tại các Bộ, ngành, địa phương, đơn
vị cơ sở, nhất là công tác phòng cháy, chữa cháy tại các nhà chung cư cao tầng,
khu đô thị, chợ, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở
dịch vụ, khu dân cư, các khu rừng dễ cháy, các kho tàng, cơ sở sản xuất và các
công trình trọng điểm khác có nhiều nguy cơ cháy, nổ. Phát hiện và khắc phục
ngay các sai phạm, sơ hở thiếu sót có thể gây cháy lan, cháy lớn. Đối với nhà
cao tầng, nơi tập trung đông người cần kiểm tra kỹ và thực hiện đầy đủ các điều
kiện an toàn về thoát nạn cho người và chống cháy lan, cháy lớn.
Người đứng đầu các cấp, đơn vị, cơ sở phải chịu
trách nhiệm về việc để xảy ra cháy, nổ trong phạm vi phụ trách. Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các Bộ, ngành,
đoàn thể chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra cháy, nổ lớn
gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại đơn vị, địa phương.
Hàng năm các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả
thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy (qua Bộ Công an).
4. Bộ Công an chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành
và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo
điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy. Đối
với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng có dấu hiệu tội phạm và những vụ cháy
gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do thiếu tinh thần trách nhiệm
cần phải khởi tố, điều tra và xử lý nghiêm minh theo pháp luật; nghiên cứu,
tổng kết và nhân rộng mô hình cụm dân cư và cụm đơn vị, doanh nghiệp an toàn
phòng cháy, chữa cháy và đề xuất Chính phủ thành lập tổ chức những người tình
nguyện tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm tiến tới
xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy. Xây dựng kế hoạch tổng kết 10 năm
thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy và tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch
Hồ Chí Minh ký lệnh công bố ban hành Pháp lệnh “Quy định việc quản lý của nhà
nước đối với công tác phòng cháy, chữa cháy” vào dịp “Ngày toàn dân phòng cháy
và chữa cháy”, 04 tháng 10 năm 2011 đúng với Chỉ thị 45-CT/WT ngày 27 tháng 7
năm 2010 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức kỷ niệm; hướng dẫn các Bộ, ngàng
và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, đơn
vị, cơ sở thực hiện. Ngày trong năm 2010 các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp
có kế hoạch tăng cường thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy, trong đó chỉ đạo
và tổ chức thực hiện dứt điểm những nhiệm vụ trọng tâm và phòng cháy, chữa cháy
của địa phương, ngành đã đề ra.
5. Tăng cường đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa
cháy, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
Bộ Công an sớm hoàn thành và trình Chính phủ phê
duyệt để triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở phòng
cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, các
Dự án đầu tư nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và
cứu nạn, cứu hộ. Mục tiêu đầu tư trong thời gian tới là nhằm nâng cao năng lực
cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, xây dựng lực
lượng này thực sự là lực lượng tinh nhuệ, chính quy và từng bước hiện đại đáp
ứng yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình
mới, góp phần bảo vệ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài
chính có kế hoạch bố trí kinh phí để thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể hệ
thống cơ sở phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020 và tầm nhìn
đến năm 2030 khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trước mắt cần bố trí hợp lý
kinh phí để thực hiện các Dự án đầu tư nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát
phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong
tình hình mới.
Các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai Đề
án quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở về phòng cháy, chữa cháy của Bộ, ngành,
địa phương mình. Trong Đề án cần chú ý đến việc quy hoạch đô thị, khu công
nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế phải đảm bảo các điều
kiện về phòng cháy, chữa cháy; đẩy mạnh phát triển toàn dân phòng cháy, chữa
cháy, tổng kết, nhân rộng phong trào xã, phường, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp
an toàn không để xảy ra cháy, nổ; thực hiện có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ:
lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ, chú
ý giải quyết nguồn nước chữa cháy đô thị; quy hoạch phát triển hệ thống đội
Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, bố trí đất và ngân sách để
xây dựng các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tới các
quận, huyện trọng điểm thuộc các khu vực và vùng kinh tế trọng điểm; tăng cường
đầu tư trang bị phương tiện cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu
nạn, cứu hộ đủ sức hoàn thành nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ở địa phương.
6. Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ
chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm túc có hiệu quả
Chỉ thị này, hàng năm có báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - VP Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng TW và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các UB của quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - UB Giám sát tài chính QG; - Ngân hàng Chính sách Xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTN, KTTH, KGVX, ĐP, Công báo; - Lưu: VT, NC (5b). |
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng |
Ý KIẾN